ASIAD 2018: Việt Nam có thể đạt 3 HCV không?
(Baonghean.vn) - ASIAD 16 năm 2010, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 6 HCV, còn kỳ ASIAD 17 (2014), chỉ tiêu 2-3 HCV nhưng rốt cuộc cả hai kỳ ASIAD này, chúng ta chỉ có duy nhất 1 tấm HCV. Năm 2010 là HCV của Lê Bích Phương (karate) và năm 2014 là HCV của Dương Thúy Vi (wushu). Vậy ASIAD 2018 lần này Việt Nam có thể đạt 3 HCV không?
Việc giành được 1 tấm HCV tại kỳ đại hội thể thao châu lục chưa bao giờ là vấn đề đơn giản. Các cường quốc thể thao như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã có sự đầu tư dài hơi, bài bản chuẩn bị cho ASIAD 18.
Tốp khả năng có HCV
Trước hết phải nói rằng thể thao Việt Nam đang có những VĐV có khả năng tranh chấp HCV châu lục chứ chưa nắm ưu thế tuyệt đối. Vì vậy, việc đặt chỉ tiêu 3 HCV nhưng nếu không giành được số đó thì cũng không có lỗi và cũng không đáng thất vọng.
Pencak Silat có thể giành 1-2 HCV tại ASIAD 2018. Ảnh: Internet |
Kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập với thế giới, chỉ có 2 kỳ ASIAD chúng ta có được nhiều hơn 1 HCV. Đó là ASIAD 2002 và ASIAD 2006. Năm 2002, Trần Đình Hòa (bi-a), Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karate) và Lý Đức (thể hình) giúp thể thao Việt Nam có 4 HCV. 4 năm sau, hai nội dung đồng đội và đôi nữ cầu mây cùng Vũ Thị Nguyệt Ánh (karate) giành về cho Đoàn thể thao Việt Nam 3 HCV.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam chỉ ra các môn Việt Nam có thể giành HCV ASIAD 2018 gồm: Điền kinh, pencak silat, cử tạ, bắn súng. Các môn thể thao khác như bóng chuyền, bóng đá, bơi lội…chỉ đi cọ xát, học hỏi kinh nghiệm.
Sở dĩ nói “khả năng” bởi các VĐV của chúng ta chưa tạo được cách biệt và vượt trội so với các đối thủ. Muốn được vậy, các nội dung cự ly VĐV phải bỏ xa đối thủ, nội dung tính điểm tạo ra chênh lệch lớn hay nội dung đối kháng thì phải nhiều lần chiến thắng.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ duy nhất Pencak Silat thì Việt Nam cùng chủ nhà Indonesia là hai quốc gia mạnh nhất thế giới. Dù đã bị cắt giảm nhiều nội dung nhưng Việt Nam vẫn tràn đầy cơ hội giành 1-2 HCV ở bộ môn này.
Điều khá ngạc nhiên là không phải Hoàng Xuân Vinh từng giành HCV Olympic 2016 môn bắn súng hay Ánh Viên môn bơi mới là những người được kỳ vọng tiếp theo. Đơn giản là tại châu Á, các xạ thủ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều khá mạnh. Thời gian gần đây các kình ngư Trung Quốc, Nhật Bản đang thay nhau thống trị và chia nhau hầu hết các bộ huy chương.
Hy vọng
Các nhà chuyên môn dành sự chú ý cho VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thật, nhà báo Đặng Việt Cường nhận định: “Dù ít được nhắc tới nhưng mới đây Thật đã giành HCV châu Á và thắng những VĐV mạnh nhất của châu lục. Trong trường hợp duy trì được phong độ, Thật hoàn toàn đủ sức giành HCV”.
VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thật được dự tính sẽ có HCV. Ảnh: Internet |
Những môn thi đấu còn lại như: Điền kinh, karate, cử tạ, wushu, bắn súng... đều là 50-50, phụ thuộc khá nhiều vào tâm lý thi đấu của VĐV, công tác trọng tài và cả yếu tố may mắn.
Tại ASIAD 2018, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự với 532 thành viên, đông nhất trong các kỳ Á vận hội từ trước đến nay. Với lực lượng hùng hậu, thi đấu khá nhiều nội dung của đại hội, được chuẩn bị khá kỹ nên lần “đem chuông đi đánh xứ người” này, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành tối thiểu 3 HCV.
Thực tế, đây không phải chỉ tiêu quá bất ngờ mà hoàn toàn tính toán có cơ sở, nhất là khi đặt cạnh hai kỳ ASIAD gần nhất.