Ba chuyển biến quan trọng trong công tác dư luận xã hội

01/08/2017 11:10

(Baonghean) - Việc nắm bắt, điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội (hay còn gọi là công tác DLXH) là một trong những lĩnh vực hoạt động của ngành Tuyên giáo, nhằm giúp cấp ủy và chính quyền các cấp nắm bắt được những diễn biến về tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân.

Thăm dò ý kiến dư luận xã hội về thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI và XII) trong đảng viên và nhân dân tại phường Hòa Hiếu (Thái Hòa). Ảnh: Lý MinhThăm dò ý kiến dư luận xã hội về thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI và XII) trong đảng viên và nhân dân tại phường Hòa Hiếu (Thái Hòa). Ảnh: Lý Minh
Thăm dò ý kiến dư luận xã hội về thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI và XII) trong đảng viên và nhân dân tại phường Hòa Hiếu (Thái Hòa). Ảnh: Lý Minh

Nhiệm vụ chính của công tác DLXH là quan sát, nắm bắt, điều tra, tổng hợp, nghiên cứu tình hình dư luận xã hội (bao gồm ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, thái độ... của các tầng lớp nhân dân), dự báo xu hướng diễn biến và tham mưu các đề xuất, kiến nghị xử lý các vấn đề DLXH cho cấp ủy và chính quyền các cấp, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Trong những năm gần đây, tình hình tư tưởng và tâm trạng xã hội diễn biến đa dạng, phức tạp hơn do sự phát triển của kinh tế - xã hội; do mặt trái kinh tế thị trường với nhiều mâu thuẫn lợi ích mới phát sinh; do sự bùng nổ CNTT với sự xâm nhập của nhiều kênh thông tin, nhiều luồng tư tưởng không chính thống...

Cùng với đó là mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao, dân chủ được mở rộng, đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước ngày càng khắt khe. Thế nhưng, việc thực hiện công tác DLXH thời gian qua vẫn còn một số bất cập như nhận thức của cấp ủy một số địa phương về công tác DLXH còn chưa đầy đủ; thông tin DLXH còn có lúc chưa kịp thời, chất lượng và tính dự báo chưa cao; đội ngũ làm công tác DLXH còn mỏng, nghiệp vụ còn hạn chế...

Xuất phát từ tình hình đó, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 100-KL/TW để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác DLXH, đồng thời, để công tác DLXH phục vụ đắc lực hơn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 1 năm, việc thực hiện Kết luận 100-KL/TW tại Nghệ An đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác DLXH, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành của tỉnh.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) trao đổi nắm bắt dư luận của người dân. Ảnh: P.V
Cán bộ Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) trao đổi nắm bắt dư luận của người dân. Ảnh: P.V

Chuyển biến đầu tiên là sự thay đổi đáng kể về nhận thức của cấp ủy các cấp trong công tác DLXH. Từ chỗ còn e ngại hoặc thờ ơ, đến nay, thông tin DLXH đã trở thành một kênh thông tin thường xuyên của hầu hết cấp ủy để phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành. Hằng tháng, hoặc khi đột xuất có diễn biến phức tạp trong DLXH, Ban Tuyên giáo các cấp đều có báo cáo về tình hình tư tưởng và DLXH trên địa bàn phục vụ cấp ủy cấp mình và gửi Ban Tuyên giáo cấp trên. Một số địa phương, lãnh đạo cấp ủy thường xuyên thực hiện việc giải đáp các vấn đề mà dư luận quan tâm tại các hội nghị của huyện, như các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nam Đàn...

Ở cấp tỉnh, ngoài những báo cáo tổng hợp tình hình hàng tháng, khi có vấn đề, vụ việc phức tạp, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều tiến hành nắm bắt diễn biến tâm trạng, tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân để giúp cho Tỉnh ủy có thêm thông tin trong quá trình đưa ra các giải pháp xử lý. Ví như vụ việc tôn giáo phức tạp tại Nghệ An vừa qua là vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm, vì vậy, trước mỗi diễn biến mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều triển khai thu thập, tổng hợp để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cùng với đó, lực lượng thực hiện công tác DLXH được củng cố và tăng cường. Hiện nay, ở cấp tỉnh và tất cả các huyện, thành, thị đều bố trí bộ phận chuyên trách để thực hiện công tác DLXH. Lần đầu tiên Nghệ An triển khai xây dựng mạng lưới cộng tác viên DLXH từ tỉnh đến huyện, với nhiệm vụ thu thập, tổng hợp thông tin DLXH trực tiếp từ cơ sở.

Đây là những cá nhân được lựa chọn kỹ càng từ các tầng lớp nhân dân, là những người có uy tín trong cộng đồng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần nhiệt huyết cống hiến. Đến nay, mạng lưới cộng tác viên DLXH của Nghệ An đã cơ bản hoàn chỉnh với 35 CTV cấp tỉnh, hơn 450 CTV cấp huyện và tương đương (mỗi đơn vị 15-20 CTV). Nhờ đó, công tác DLXH đã đi vào nền nếp và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chất lượng thông tin DLXH đã được nâng lên đáng kể. Mạng lưới CTV đã cung cấp những thông tin khá toàn diện, kịp thời về các diễn biến tình hình tư tưởng và DLXH trong tỉnh. Việc tổ chức các điều tra DLXH theo phương pháp xã hội học cũng được quan tâm hơn. Năm 2017, có 2 cuộc điều tra DLXH về nội dung công tác xây dựng Đảng và xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện. Những kết quả bước đầu đó sẽ là động lực đáng kể để triển khai hiệu quả hơn Kết luận 100-KL/TW trong tình hình hiện nay.

Minh Lý

TIN LIÊN QUAN

Ba chuyển biến quan trọng trong công tác dư luận xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO