Ba nguyên tắc dạy con thành công của tiến sĩ Lê Thẩm Dương
"Giáo dục nói chung, giáo dục con cái nói riêng có nhiều cách, nhiều đường lối nhưng tựu trung lại thì cách tốt nhất là… không giáo dục gì cả", Tiến sĩ Lê Thẩm Dương viết.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương là Trưởng khoa Tài chính, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Ông là khách mời thường xuyên của nhiều diễn đàn cấp quốc gia và khu vực, nhiều chương trình truyền hình uy tín…Đặc biệt, TS Lê Thẩm Dương nổi tiếng trên mạng xã hội với những bài giảng 'gây bão'.
Mới đây, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương chia sẻ về những nguyên tắc dạy con trong cuốn sách của mình. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích dẫn bài viết của ông dưới đây:
"Với con cái nói chung, mình phải luôn tôn trọng chúng. Khi con trưởng thành rồi, càng phải lưu ý điều đó. Con mình lớn rồi, đi chỉ huy người khác rồi, mà mình vẫn lấy thế của ông bố gia trưởng theo kiểu truyền thông phương Đông ra chỉ huy con là mất lịch sự.
Dạy con thời nào cũng khó. Tôi có ba nguyên tắc, lúc nào cũng khắc cốt ghi tâm khi dạy con.
Thứ nhất luôn nhớ câu: 'Cha mẹ sinh con trời sinh tính'. Thứ hai là xoáy vào lao động, ca ngợi tận cùng, thực thi cái gì thưởng cái đó. Thứ ba tuyệt đối không đánh con.
Giáo dục nói chung, giáo dục con cái nói riêng có nhiều cách, nhiều đường lối nhưng tựu trung lại thì cách tốt nhất lại là… không giáo dục gì cả. Hãy làm tấm gương cho con. Đơn giản mà lại không hề đơn giản. Vấn đề nằm ở cả chỗ ‘tấm gương’.
Cả hai con tôi (cháu đầu là nữ, cháu thứ hai là nam) đều có tính tự lập cao. Khi tôi nói với cháu lớn về việc đi du học, cháu nói với tôi: 'Nếu thấy cần, con sẽ tự tìm học bổng để đi du học. Con nhất quyết không dùng tiền của bố đâu!'. Nhiều người đọc đến đây có thể sẽ nghĩ cháu ngông cuồng, nhưng khi nghe con nói vậy, tôi mừng lắm.
Tôi mừng vì cháu có ý chí. Tôi quan niệm rằng, trong môi trường học tập, ông thầy là cực kỳ quan trọng nhưng quyết định vẫn là ở chủ thể. Nghĩ vậy, cộng với sự tôn trọng con và trên hết là tin con, hiểu con nên tôi ủng hộ cháu không đi học nước ngoài, thời điểm đó.
Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy quyết định của con là đúng. Công việc, cuộc sống cá nhân, quan điểm sống của cháu đến giờ đều mỹ mãn.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. |
Cháu thứ hai nhà tôi cũng khiến bố mẹ rất yên tâm. Vừa rồi có anh đệ tử nói với tôi: 'Em thấy lạ thật, em nhà mình rõ ràng là con nhà giàu mà ăn mặc, chi tiêu tiết kiệm, khiêm tốn'. Luôn sát cánh bên con, hiểu con nên khi anh ấy nói vậy tôi càng vững tin hơn vào con mình.
Hồi cháu vừa lấy bằng tốt nghiệp đại học, hai bố con rủ nhau đi Vũng Tàu chơi. Lúc đó, cháu có hai lựa chọn, một là đi học thạc sĩ ở Singapore, hai là đi bộ đội.
Hai bố con trao đổi thẳng thắn về những được, mất của việc đi học thạc sĩ ở Singapore và việc đi bộ đội.
Lúc nói đến ưu điểm của việc đi bộ đội, tôi đã nói với cháu thế này: Đi bộ đội là vào một ngôi trường dạy làm người, mà lại không mất học phí. Các em bé còn phải mất tiền mới được đi trại hè quân đội. Đó là còn chưa nói đến nghĩa vụ với đất nước. Nếu đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện. Thực hiện xong, mình mới sống, làm việc thanh thản được, với chính mình thôi, chẳng ai cả.
Học xong đại học, mình có bàn đạp là chuyên môn. Đi bộ đội về, mình có bàn đạp là làm người đã được tôi rèn trong môi trường quân ngũ.
Lúc này đi làm hay đi học thạc sĩ, rồi tiến sĩ đều tốt, dễ dàng. Khi đó, con muốn đóng góp, cống hiến nhiều hơn càng thuận lợi.
Tôi chỉ nói với cháu vậy thôi, còn quyết định đi bộ đội là của cháu. Lúc đó, mẹ cháu không hài lòng nhưng giờ thì công nhận cháu đúng. Sau khi xuất ngũ, cháu đã chủ động đi tìm việc làm, lương khởi điểm 7.000.000 đồng/ tháng. Đấy là quyết định của cháu.
Thực ra, nếu cháu cần, tôi có thể xin cho cháu nhiều chỗ tốt (theo tiêu chí của nhiều người hiện nay), hoặc tôi có thể lập doanh nghiệp để cháu điều hành nếu muốn.
Ở độ tuổi 25, tôi thấy quyết định của cháu là hợp lý. Nhiều ông 40 tuổi khởi đầu còn chưa ăn thua, còn thiếu nhiều thứ thì cháu còn cần trang bị thêm nhiều thứ. Tôi chỉ khuyên cháu: Các ngày trong tuần, đi làm về mệt thì phải ngủ, còn thứ Bảy, Chủ Nhật thì phải học, và đặc biệt là giai đoạn này đừng nghĩ đến nhậu nhẹt.
Khi 30-35 tuổi, thành công rồi, mày không nhậu, bố còn khuyên mày đi nhậu. Còn bây giờ là giai đoạn tích lũy. Ở giai đoạn nào, mình làm đúng nhiệm vụ của giai đoạn đó. Tôi chỉ khuyên con như vậy chứ làm sao bắt được nó phải làm theo mình.
Cháu thấy đúng thì làm theo. Đó là nhận thức, hệ quy chiếu của cháu thôi.
Đến giờ này, tôi tự hào về các con. Nhưng phải thừa nhận là những quyết định đúng đắn của các cháu (vừa phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, vừa không trái với luân thường đạo lý, không trái pháp luật,…) đều bắt nguồn từ những điều được học, được dạy dỗ từ bé.
Sau này ra ngoài xã hội, các cháu được học hỏi ở người khác còn nhiều hơn từ bố mẹ, ông bà, nhưng những giá trị cốt lõi được dạy từ bé là không thể phủ nhận.
Cuộc đời này là không thể nói trước được điều gì, nhưng tôi lúc nào cũng tin chắc rằng các con mình sẽ không bao giờ làm điều sai trái, không bao giờ sống mất dạy".