Bác Hồ rất quan tâm đến công tác phụ vận
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác vận động phụ nữ. Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959, Bác nhấn mạnh: "Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa... Về phần mình chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh".
Trong Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, ngày 9-3-1961, Bác nói: "Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc Đảng và Chính phủ luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ". Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi, ngày 13-3- 1964, Bác nhắc nhở : "Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà, để xứng đáng là người chủ thì chị em phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm... Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: ma chay, cúng bái rất tốn kém; cưới vợ, gả chồng quá sớm; vệ sinh phòng bệnh,.v.v. còn kém.
Đó là những mê tín và hủ tục nên xoá bỏ, để xây dựng mỹ tục thuần phong. Đoàn kết là sức mạnh. Đồng bào miền núi, trước hết là chị em phụ nữ, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết giữa dân tộc mình, đoàn kết giữa các dân tộc. Đoàn kết với đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi...Để làm tốt những việc trên, chị em phải cố gắng học tập. Học văn hoá, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được...".
Trong các cuộc họp nếu có các bậc cao tuổi, có nam, có nữ, bao giờ Bác cũng thưa "các cụ, các cô" rồi mới đến "các chú"; nếu không có người cao tuổi thì bao giờ Bác cũng nói "các cô" rồi mới đến "các chú", không bao giờ ngược lại. Nhiều mẩu chuyện thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với phụ nữ.
Năm 1958, Bác về Nam Định dự Hội nghị bàn về sản xuất nông nghiệp. Bác hỏi chị em phụ nữ ở đây có đội phân nữa không? Do Bác biết phụ nữ Nam Định có thói quen đội, không quen gánh. Các cán bộ tỉnh chưa dám báo cáo với Bác ngay, may có chị đại biểu nữ đỡ lời:"Thưa Bác, chị em ở đây không quen gánh, nên cái gì cũng đội ạ! Bác dặn: "Nên tìm cách cải tiến vận chuyển bằng xe, để đỡ cho chị em về lâu dài".
Chị Trần Thị Lý, sau khi bị bọn Mỹ ngụy tra tấn dã man, được tổ chức cứu thoát đưa ra miền Bắc. Sau khi sức khoẻ chị hồi phục, Bác mời chị đến ăn cơm với Bác. Thường ngày, đến bữa ăn, Bác vẫn đi bộ từ chỗ ở sang nhà ăn, ăn cơm với mọi người. Mọi người đề nghị để nhà bếp đưa cơm sang Bác khỏi phải đi lại vất vả, bấy giờ Bác đã cao tuổi rồi. Bác không chịu. Nhưng hôm đón chị Lý, Bác đồng ý cho các đồng chí dọn cơm tại nhà sàn, chị Lý đỡ vất vả. Trong bữa ăn, Bác lo gắp thức ăn cho chị Lý và động viên chị cố gắng an dưỡng cho khoẻ để về lại miền Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước kể lại: Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, bà theo đoàn cán bộ Sài Gòn- Chợ Lớn tập kết ra Bắc, đầu tháng 12- 1954 ra Hà Nội. Tôi hồi hộp, lo lắng, bồn chồn, ấn tượng đầu tiên được gặp Bác Hồ, vẫn nhớ như in. Bác bảo "Cô Yến đấy ư? Ngồi xuống đây với Bác. Chúng ta là chỗ thân quen! Tôi đã biết ông ngoại cô từ thời chống Pháp (bà Bình là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh). Cụ Phan là người tôi rất kính trọng...".
Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, hầu như Bác chỉ dành để hỏi chuyện gia đình bà. Lúc chia tay, Bác bảo: "Một truyền thống gia đình như thế rất đáng trân trọng. Cố gắng công tác phụng sự Tổ quốc để xứng đáng là con cháu cụ Phan".Sau đó bà Bình giúp việc cho bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 1968, cần có người tham gia phái đoàn của miền Nam trong Hội nghị Paris, Bác bàn với Bộ Chính trị chọn bà Bình làm trưởng phái đoàn của miền Nam đi đàm phán để đấu tranh cho hoà bình thống nhất đất nước.
Tháng 4-1969, sau chuyến đi công tác ở Anh, bà Bình về nước, được Bác gọi đến. Bà kể lại: "Bác hỏi tôi về hoạt động ngoại giao, về tình hình bà con Việt kiều... Tôi thưa với Bác về các hoạt động của mình kể lại cuộc biểu tình lớn của nhân dân Anh ủng hộ cuộc chiến đấu của ta, Bác bảo: "Phải hết sức tranh thủ cảm tình của nhân dân thế giới. Họ ủng hộ mình là xuất phát từ tình cảm chân thật. Cô sang bên đó nhớ chuyển lời hỏi thăm của Bác tới bà con Việt Kiều!". Và quả thật, được sự quan tâm bồi dưỡng của Bác nhiều phụ nữ Việt Nam, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Bác Hồ giao!
Hoàng Kỳ