Bác Hồ trong trái tim kiều bào Thái Lan
(Baonghean) - Tháng Năm, gợi nhắc trong tôi kỷ niệm về một lần đến thăm làng Nỏng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương thuộc tỉnh Udonthani – nơi Bác Hồ từng sống trong những năm tháng hoạt động tại Thái Lan. Đặt chân lên đất Thái, cái gì cũng lạ lẫm, thế nhưng khi đến khu tưởng niệm Bác Hồ tại Udonthani thì tất thảy chúng tôi đều thấy gần gũi, thân thương và bình dị như đang ở trên quê hương mình. Thấp thoáng sau rặng tre xanh, các bác, các mẹ đã đứng chờ sẵn từ bao giờ. Khi nhìn thấy chúng tôi, những đôi mắt ánh lên niềm sung sướng thỏa lòng nỗi nhớ quê, nhớ đồng bào người Việt cùng chung dòng máu đỏ da vàng. Rồi các mẹ chạy đến ôm lấy chúng tôi, từng đứa một như chính con đẻ của mình.
Mảnh đất Udonthani từng ghi dấu chân Bác trên hành trình tìm đường cứu nước. Năm 1928, để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân, Bác đã về đây hoạt động cách mạng. Cùng với công tác chấn chỉnh xây dựng tổ chức, Bác thường tổ chức nói chuyện với đồng bào người Việt, cùng làm việc, cùng ăn, cùng ở với mọi người. Bác trở thành một phần hết sức tự nhiên của cộng đồng này khi tham gia vào mọi hoạt động lớn nhỏ, mọi sinh hoạt đời sống của bà con: cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi lợn gà và lập nên Trại cưa. Bác tích cực học tiếng Thái và tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em.
Trong thời gian ở đây, Bác cũng tham gia các buổi cúng tế của người Việt tại đền đức thánh Trần và luôn nhắc nhở mọi người về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm để bảo vệ dân tộc. Những hoạt động kinh tế và văn hóa mà Bác khơi dậy đã khiến cộng đồng người Việt trên đất Thái trở thành một khối dân cư gắn bó bền chặt. Đó chính là những bước đi đầu tiên mà Người đặt nền móng cho chính sách đại đoàn kết, giải phóng dân tộc theo con đường quốc tế vô sản, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Tuy thời gian ở Thái Lan không nhiều nhưng hình ảnh người cách mạng Việt Nam mang tên Thầu Chín vẫn luôn in đậm dấu ấn trong lòng người Việt ở Thái Lan và cả người dân bản địa.
Du khách thăm ngôi nhà Bác ở tỉnh Udonthani (Thái Lan). Ảnh: Hữu Tuấn |
Thế hệ kiều bào Thái sau này, dù sinh ra và lớn lên trên đất Thái, ăn gạo Thái, nói tiếng Thái và chưa ai từng gặp Bác Hồ nhưng vẫn một lòng hướng về Bác với niềm yêu thương, tôn kính. Xuất phát từ tình cảm đó, năm 2006, cộng đồng người Việt tại Thái Lan đã dựng lại ngôi nhà Bác ở trước đây theo lời kể của nhân chứng và một ngôi nhà đa năng để trưng bày triển lãm hình ảnh hoạt động của Bác. Đến nay, bà con Việt kiều ở Thái Lan vẫn thường lui về đây thăm nom, chăm sóc ngôi nhà Bác và khu tưởng niệm. Mỗi khi có đoàn khách đến thăm, họ nhiệt tình giới thiệu về thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, không giấu nổi vẻ hân hoan và niềm tự hào sâu sắc.
Người dẫn đoàn tham quan chúng tôi lần đó là bác Trần Trọng Tài (tên Thái Lan gọi là Chun) Việt kiều tuổi đã gần 70. Tôi nhớ mãi chất giọng trầm ấm, hơi đứt quãng nhưng nói tiếng Việt rất rõ của bác khi say sưa giải thích cho chúng tôi từng bức ảnh tư liệu, từng hiện vật. Đó là một giọng nói rất đặc trưng cho những người Việt xa quê hương đã lâu, ngữ điệu và thanh âm nghe phảng phất chút gì cổ xưa, hoài niệm. Đó là giọng nói truyền cảm đến lạ kỳ, như đánh thức trong thế hệ trẻ chúng tôi những ký ức, tình cảm thiêng liêng truyền từ bao thế hệ ông cha, tưởng đã ngủ vùi dưới mấy tầng lịch sử, mà nay trỗi dậy tha thiết khôn nguôi. Tôi chăm chú dõi theo người hướng dẫn già, cảm nhận một cách thấm thía tình cảm mến yêu, trân trọng khi nhìn cách mà ông trìu mến nâng niu từng hiện vật. Có lẽ, đó không còn là những đồ vật vô tri nữa, mà là “nhân chứng” của lịch sử, là tấm gương phản chiếu bóng hình Bác, là điểm tựa tinh thần trong những năm tháng xa quê hương.
Khi chúng tôi đến, món quà đầu tiên mà các bác, các mẹ tặng chúng tôi là bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người”. Trong không gian tĩnh lặng, tiếng hát của người mẹ Việt kiều khiến ai nấy đều rưng rưng xúc động. Rồi các bác, các mẹ trải lòng với chúng tôi những tình cảm sâu nặng họ dành cho Bác – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Mẹ Trần Thị Bạch Vân bồi hồi nhớ lại: “Hồi nhỏ, khi nghe ba mẹ kể chuyện Bác Hồ là mẹ lại khóc, ao ước được một lần gặp Bác. Lớn lên được về Việt Nam, điều đầu tiên mẹ làm là đến thăm lăng Bác. Ước mơ nhìn thấy Bác bây giờ mới thoả, thế mà không hiểu sao mẹ có cảm giác như đã biết, đã gặp Bác từ lâu. Nhớ và thương Bác vô cùng…”.
Chúng tôi còn được xem nhiều đoạn phim tư liệu về tình cảm kiều bào Thái Lan đối với Bác, có một đoạn kể của mẹ Nguyễn Thị Nghiêm làm tôi nhớ mãi. “Gia đình tôi rất may mắn khi là chỗ đi lại thường xuyên của Bác Hồ trong những năm tháng ở Thái Lan. Mẹ tôi kể lại, những lúc nửa đêm Bác về với một cái nón rách rồi nói “3 giờ sáng tôi đi chị nhé”, mẹ tôi sẽ làm một ít xôi nấu sẵn rồi gói vào mo cau để cho Bác kịp lên đường. Tuy là nghe mẹ kể lại nhưng thực sự những hình ảnh ấy cứ in sâu vào tâm trí, không thể nào quên được…”
Hướng về Bác cũng là cách mà kiều bào ở Thái Lan hướng về Tổ quốc. Dù sống xa tổ quốc nhưng họ vẫn không thể nào quên câu hát dân ca xứ sở, không thể quên dòng chảy lịch sử từng một thời chất chứa những khổ đau của dân tộc mình. Có lẽ chính những tình cảm, ân tình của người Việt Nam xa xứ đã tiếp thêm sức mạnh cho Bác trên chặng hành trình bôn ba đi tìm đường cứu nước. Và, chính tâm hồn thanh cao, giản dị và yêu thương hết thảy của Bác đã có sức cảm hóa lớn và lan tỏa mạnh mẽ; để không chỉ người dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài mà cả thế giới đều nghiêng mình ngưỡng mộ…
Phương Thảo