Bắc Kinh phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
(Baonghean.vn) – Ngày 3/9, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris được thông qua ngày 12/12/2015 tại Hội nghị COP21 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Trung Quốc hiện là nước thải ra môi trường nhiều loại khí gây hiệu nhà kính nhất trên thế giới. Ảnh: AFP |
Trong phiên bế mạc kỳ họp 2 tháng/ 1lần ở Trung Quốc, dự luật đã được trình bày và thông qua bởi Ủy ban Thường vụ Hội đồng nhân dân toàn quốc.
Đây có thể xem như bước tiến lớn khi Trung Quốc là nước thải ra môi trường nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính nhất trên thế giới. Con số này được ước tính khoảng 24% tổng lượng khí thải nhà kính trên thế giới, nhiều hơn cả Mỹ 17,9%.
Được biết, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực với điều kiện phải được phê chuẩn bởi ít nhất 55 quốc gia đại diện cho 55% lượng khí thải khí nhà kính. Khi đạt được ngưỡng này, hiệp định sẽ được áp dụng trong vòng 30 ngày.
Thế nhưng, hiện nay mới chỉ có 25 quốc gia đại diện cho ít hơn 2% lượng khí thải toàn cầu đã phê chuẩn Hiệp định Paris. Trước tình trạng trên, hồi đầu tuần, Pháp, quốc gia chủ trì COP21 đã bày tỏ lo ngại về việc chậm trễ trong quá trình phê chuẩn hiệp định.
Trước đó, vào ngày 25/8, tờ báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ rằng Bắc Kinh và Washington dự định đưa ra tuyên bố chung về việc phê chuẩn hiệp định vào ngày 2/9, tức 2 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Có vẻ như, Trung Quốc đã “đi trước” Mỹ khi thông báo phê chuẩn hiệp định trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh.
Hiệp định Paris được thông qua ngày 12/12/2015 nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu "dưới 2°C" so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C . Hiệp định nhằm đặt nền tảng kiểm soát lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua việc thiết lập những khuôn khổ về cam kết chính trị, kinh tế và tài chính. Đồng thời cũng kêu gọi một quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng sang các nguồn năng lượng sạch hơn như năng lượng mặt trời, gió…
Chu Thanh
(Theo Le Monde)