Sức khỏe

Bác sĩ khuyến cáo nguyên nhân đột quỵ do tập luyện thể dục, thể thao

Thành Chung 08/04/2025 20:01

Mỗi năm, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) thực hiện điều trị cho khoảng 5.500 bệnh nhân. Trong số đó có rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ khi tập luyện, thi đấu thể dục thể thao.

Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Văn Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có những khuyến cáo xung quanh việc phòng tránh đột quỵ do tập luyện, thi đấu thể dục thể thao:

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là bệnh lý do tổn thương khu trú của hệ thần kinh trung ương; xảy ra do tổn thương hệ thống tuần hoàn não một cách tự phát (không phải do chấn thương); biểu hiện bằng các khiếm khuyết thần kinh xảy ra một cách đột ngột; tồn tại kéo dài ít nhất 24 giờ hoặc tử vong trước 24 giờ.

Bệnh lý đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 2 trên thế giới. Bệnh nhân bị đột quỵ nếu sống sẽ để lại một số di chứng nặng nề về tâm thần kinh, vận động vĩnh viễn như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm... nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.

Ảnh Thành Chung
Điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ khi tập luyện thể dục thể thao tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao?

Có nhiều trường hợp bị đột quỵ khi tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao. Mỗi trường hợp lại có một nguyên nhân riêng. Đơn cử, với việc dậy tập luyện vào thời điểm sáng sớm và lạnh, lúc này, sau một giấc ngủ dài, cơ thể con người ở trong tình trạng đường huyết giảm, độ nhớt của máu cao thì rất dễ bị đột quỵ.

Tiếp đó, người tập luyện, thi đấu với cường độ cao, vượt qua giới hạn cơ thể thì nhịp tim cũng như huyết áp thay đổi thất thường. Các cơ quan của cơ thể hoạt động nhanh hơn bình thường rất nhiều, từ đó có thể gây ra tình trạng thiếu máu lên não, dẫn đến não thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết dễ dàng dẫn đến đột quỵ.

Với người tập luyện, thi đấu trong khi đang có nhiều chấn thương (đặc biệt chấn thương vùng cổ, vùng mặt) cũng rất dễ dẫn đến gây tổn thương vùng động mạch cảnh và cuối cùng dẫn đến đột quỵ.

Hay, người vừa tập luyện, thi đấu xong lại đi tắm quá sớm. Lúc này, cơ tim hoạt động mạnh, lỗ chân lông mở tối đa để thoát nhiệt. Việc tắm quá sớm sẽ gây co mạch, dẫn đến khởi phát đột quỵ.

Ngoài ra, khi tập thể dục, thể thao quá sức khiến cơ thể mất nước và các chất khoáng cần thiết quá nhiều mà người tập không bổ sung kịp thời cho cơ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Những ai có nguy cơ đột quỵ khi tập thể dục, thể thao?

Đột quỵ có thể xảy ra với bất cứ người nào, với mọi lứa tuổi, chứ không riêng gì với người cao tuổi. Tuy nhiên, đột quỵ vẫn xảy ra nhiều ở nhóm người có sẵn yếu tố nguy cơ đó là người có dị dạng mạch máu não, người có bệnh lý nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá, béo phì, tim mạch...), người hút thuốc lá, nghiện rượu. Đây là nhóm người có nguy cơ cao nhất. Nguy cơ càng lớn hơn nữa đối với người cao tuổi thuộc nhóm này.

Nhóm thứ hai là do người chơi thể thao gắng sức quá, ham mê quá, đẩy sức chịu đựng vượt lên cao quá khả năng của mình. Ví dụ, những người này chỉ có khả năng chạy được 5 km, sau tập luyện đẩy lên 10 km, 20 km, nhưng họ lại cố gắng chạy 30 km, thậm chí nhiều hơn nữa…

Những dấu hiệu để phát hiện người bị đột quỵ

Người bệnh rất khó biết mình có bệnh vì thông thường không có triệu chứng, khi tai biến xảy ra mới biết. Dấu hiệu thường gặp ở người bị đột quỵ là đột ngột xuất hiện các triệu chứng như: đau đầu dữ dội, chóng mặt đột ngột, mất thị lực, liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ, liệt vận động một nửa người... Những triệu chứng này chính là sự báo hiệu của bệnh lý đột quỵ.

Nguyên tắc xử trí khi thấy người tập luyện thể dục, chơi thể thao bị đột quỵ

Khi thấy người nghi bị đột quỵ hay đã thực sự đột quỵ, ngay lập tức gọi cấp cứu vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất. Việc làm rất cần thiết này nhằm tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não" nếu người bệnh có bất cứ biểu hiện của các triệu chứng nêu trên.

Tiếp đến, cần phải để người nghi bị đột quỵ nằm yên trên một mặt phẳng cứng. Cần chú ý xem người nghi bị đột quỵ có bị rối loạn nhịp thở, bị tăng tiết về đờm dãi, bị nôn hay không? Nếu có cần giúp người nghi bị đột quỵ ở tư thế nằm nghiêng an toàn, rồi lấy đờm dãi ra càng sớm càng tốt, hỗ trợ hô hấp, giúp đường thở nạn nhân được thông thoáng.

Để tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị, tuyệt đối không thực hiện các thao tác cản trở đến việc cấp cứu như bấm huyệt, xoa bóp, chích máu đầu ngón tay... Những thao tác này không cần thiết, không có giá trị trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, không cho nạn nhân ăn uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì trong thời gian chờ đợi cấp cứu.

Cách điều trị đột quỵ do tập luyện thể dục, thể thao.

Việc điều trị nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng nặng. Nhìn chung, nguyên tắc để điều trị đột quỵ là điều trị cấp cứu, chính xác và nhanh chóng, hạn chế để tổn thương lan rộng, tối ưu hóa tình trạng thần kinh, đảm bảo sự tưới máu não, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh hồi phục chức năng và giúp phòng ngừa tối đa nguy cơ tái phát đột quỵ.

Tùy vào nguyên nhân gây đột quỵ, loại đột quỵ, mức độ đột quỵ, sức khỏe tổng thể của người bệnh, thời gian được cấp cứu tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng…, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số cách chữa trị đột quỵ có thể được áp dụng bao gồm: sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch, phẫu thuật (lấy khối máu tụ, cầm mạch máu đang chảy, bóc tách động mạch cảnh, cắt dị dạng động tĩnh mạch…), thuyên tắc nội mạch…

Phòng tránh đột quỵ khi chơi thể thao, tập thể dục

Với người có các bệnh nền cần luôn phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không bỏ thuốc hoặc không tự động mua thuốc để điều trị. Những người này khi muốn tập thể dục thường xuyên hoặc chơi một môn thể thao nào đó nên hỏi ý kiến của bác sĩ…Ngoài ra, cần khám bệnh định kỳ, tầm soát toàn diện ở các bệnh viện có chuyên khoa đột quỵ để loại trừ nguy cơ.

Ai cũng có thể tập thể dục, chơi thể thao nhưng thể trạng của mỗi người không giống nhau, do đó, cần phải dựa vào tình trạng sức khỏe để áp dụng lượng bài tập phù hợp, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu lượng vận động quá cao, vượt ngưỡng của bản thân sẽ dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, khi tập luyện, thi đấu thể dục thể thao cần chọn thời điểm phù hợp để tập luyện (không nên vào thời điểm quá sớm); cần thực hiện khởi động một cách đầy đủ, đúng kỹ thuật.

Tránh việc tắm ngay sau khi tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao, cần phải nghỉ ngơi khoảng 20 – 30 phút trước khi tắm. Không nên sử dụng nước quá lạnh hoặc quá nóng để tắm (do đều tác động tiêu cực đến mạch máu)./.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bác sĩ khuyến cáo nguyên nhân đột quỵ do tập luyện thể dục, thể thao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO