Xã hội

Bài 1: Cho cần câu...

Thành Chung- Thành Cường - Hải Thượng 26/10/2024 15:43

Do nhiều yếu tố như: Dân trí thấp, đường giao thông không thuận lợi, thiếu phương thức và tư liệu sản xuất... nên đại đa số các gia đình sống dọc theo biên giới là hộ nghèo. Là lực lượng đóng quân trên địa bàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã nỗ lực, có nhiều giải pháp để giúp đỡ người dân khu vực này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước xoá đói, giảm nghèo.

Cove-bai 1 ten

Do nhiều yếu tố như: dân trí thấp, đường giao thông không thuận lợi, thiếu phương thức và tư liệu sản xuất... nên đại đa số các gia đình sống dọc theo biên giới là hộ nghèo. Là lực lượng đóng quân trên địa bàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã nỗ lực, có nhiều giải pháp để giúp đỡ người dân khu vực này phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước xoá đói, giảm nghèo.

Đổi thay trên núi Đói

Tờ mờ sáng, khi mây mù hãy còn che khuất cả dãy núi Pu Xai Lai Leng (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn), ông Mùa Dua Thái, 56 tuổi, ở bản Phù Khả 2 đã có mặt trên nương. Hôm nay, ông có hẹn với cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi đến xem mấy thửa ruộng bậc thang của mình... Các anh đến thăm ruộng nhằm kiểm tra, đánh giá, xem có gì còn thiếu sót thì hướng dẫn giúp ông điều chỉnh kịp thời.

Ông Mùa Dua Thái - xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Clip: Hải Thượng

Những ruộng lúa bậc thang có diện tích gần 1 ha của gia đình ông Thái nằm dưới chân dãy Pu Xai Lai Leng. Hệ thống nước tự chảy do Nhà nước đầu tư dẫn về tận ruộng. Ông Mùa Dua Thái kể: Trước đây, người dân Na Ngoi vẫn thường trồng lúa rẫy. Mùa màng phụ thuộc vào thời tiết. Cây lúa mông thân cao, gầy nên cứ gần thu hoạch lại ngã rạp; năng suất lại không cao. Thế rồi, các anh bộ đội biên phòng, các đơn vị đóng quân trên địa bàn cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con trồng lúa nước. Na Ngoi có nguồn nước tưới dồi dào nên cây lúa nước đã đứng vững trên đất mới. Lúa nước dần được trồng ở nhiều bản trong xã. Người dân Na Ngoi cũng chắc cái bụng hơn.

Na Ngoi19
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi hướng dẫn người dân chăm sóc giống lúa mới. Ảnh: Thành Cường

Gần đây, các anh biên phòng lại hướng dẫn bà con trồng giống lúa mới. Giống nhị ưu 838, mỗi năm trồng 2 vụ, thay vì trồng 1 vụ như trước kia. Giống lúa mới thân cứng, chống đổ tốt, đẻ nhánh khá, chống chịu sâu, bệnh hại... đặc biệt không bị nhiễm bệnh bạc lá, đạo ôn và một số bệnh khác. Giống lúa mới đang giúp bà con thoát nghèo. “Gia đình tôi mỗi năm thu hoạch từ 75 - 80 bì (khoảng 3,5 tấn) - ông Mùa Dua Thái phấn khởi sẻ chia.

Na Ngoi là một xã biên giới, nằm xa trung tâm huyện. Xã có 19 bản, với 1.066 hộ cùng 5.995 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Mông. Người dân Na Ngoi sống quanh ngọn núi Pu Xai Lai Leng - ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn Bắc với 2.720m. Đời sống kinh tế dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên cuộc sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, cứ giáp hạt là thiếu đói. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao... Có lẽ cũng vì vậy, mà trước đây, ngoài cái tên “đi đâu cũng thấy” thì người dân bản địa còn gọi Pu Xai Lai Leng là “ngọn núi Đói”.

Ông Mùa Bá Vừ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi. Ảnh: Hải Thượng

Ông Mùa Bá Vừ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho hay: Những năm qua, để giúp bà con xoá đói, giảm nghèo, Đồn Biên phòng Na Ngoi đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương thực hiện khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết rồi xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho nhân dân phát triển kinh tế. Các anh bộ đội biên phòng cũng đã trực tiếp hỗ trợ nhân lực, vật tư, xây dựng đường ống dẫn nước giúp người dân cải tạo ruộng vườn, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng. Ngoài ra, cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi còn hỗ trợ bà con cây giống, con giống và phân bón..., để bà con thay đổi thói quen canh tác, sản xuất. Các mô hình dần phát triển, nhân rộng.

Na Ngoi16
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi triển khai mô hình chăn nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Thành Cường

Đến nay, đã có nhiều bản chuyển đổi sang mô hình trồng lúa nước 2 vụ như Huồi Thum, Tặng Phăn, Phù Khả, Na Cáng... Tổng diện tích lúa nước trên địa bàn là trên 340 ha. Nhiều bản thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, trồng cây dược liệu kết hợp với trồng dứa, rau sạch, sắn cao sản và nuôi dê cao sản theo hướng dẫn của Đồn Biên phòng. Nhờ đó, thu nhập, đời sống bà con được nâng lên. Từ chỗ 100% hộ nghèo, đến nay, số hộ nghèo của xã Na Ngoi chỉ còn 55,5%. Nhiều hộ còn tích lũy và mua sắm được các vật dụng đắt tiền phục vụ cho lao động, sản xuất và nhu cầu cá nhân như máy cày và máy xát lúa.

bna_8619.jpg

Bộ đội Biên phòng giúp dân thoát nghèo, đói. Bây giờ, bộ đội biên phòng nói, bà con nghe, tin tưởng, quyết tâm cùng các anh bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới

Ông Xồng Gà Lầu - bản Na Cáng, xã Na Ngoi

“Bộ đội biên phòng giúp dân thoát nghèo, đói. Bây giờ, bộ đội biên phòng nói, bà con nghe, tin tưởng, quyết tâm cùng các anh bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới” - ông Xồng Gà Lầu, 58 tuổi, ở bản Na Cáng, xã Na Ngoi là một người dân được Đồn Biên phòng Na Ngoi giúp đỡ phát triển kinh tế đã chia sẻ như vậy. Gia đình ông Lầu có 9 người con, là một hộ nghèo ở xã. 2 năm qua, gia đình ông Lầu đã được Đồn biên phòng hỗ trợ con giống, hướng dẫn chăn nuôi. Đến nay, chuồng ngan, vịt và ao cá của gia đình cho thu nhập tốt.

Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Ngoi. Clip: Hải Thượng

Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Ngoi: Là đơn vị đóng quân trên địa bàn, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Na Ngoi xác định việc giúp nhân dân phát triển kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Thời gian tới, đồn tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình đã cho hiệu quả cao, đồng thời khảo sát, xây dựng thêm các mô hình sản xuất mới phù hợp với địa bàn, để đời sống bà con ngày càng được nâng lên.

Đa dạng mô hình

Đi đến đâu trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào cũng nghe được những câu chuyện nghĩa tình về việc bộ đội biên phòng giúp dân phát triển kinh tế.

Môn Sơn 7
Đồn Biên phòng Môn Sơn thực hiện mô hình "Ngân hàng bò" giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Thành Cường

Tại xã Môn Sơn (Con Cuông) thời gian qua, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tập trung thực hiện mô hình “Ngân hàng bò” theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Tập đoàn Viettel, giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo. Cụ thể, từ năm 2017, nhiều hộ nghèo ở xã được đồn giao bò giống sinh sản. Sau khi bò sinh sản thì chuyển lại bê con cho gia đình khác. Từ 1 con bò giống ban đầu, đến nay, đã có những hộ phát triển thành đàn 5 con. Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho hay: Bên cạnh thực hiện mô hình “Ngân hàng bò”, Đồn còn tặng cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo và hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt.

Môn Sơn 6

Năm 2022, Đồn Biên phòng hỗ trợ 2 con bê, 6 con lợn, 60 con vịt và 60 con gà. Ngoài con giống, các anh bộ đội còn hỗ trợ thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc phòng bệnh. Sau 2 năm, đàn bò của gia đình đã có 4 con. Lợn, gà đã bán đi vài lứa. Nhờ đó, gia đình đã có tiền để xây nhà kiên cố thay cho nhà gỗ tạm bợ trước đây. Con cái được học hành đầy đủ.

Ông Lê Văn Nhuần - bản Tân Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông)

Gia đình anh Lê Văn Nhuần - một hộ người Đan Lai ở bản Tân Sơn, xã Môn Sơn đã được nhận sự giúp đỡ này. Anh Nhuần kể: Năm 2022, Đồn biên phòng hỗ trợ 2 con bê, 6 con lợn, 60 con vịt và 60 con gà. Ngoài con giống, các anh bộ đội còn hỗ trợ thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc phòng bệnh. Sau 2 năm, đàn bò của gia đình đã có 4 con. Lợn, gà đã bán đi vài lứa. Nhờ đó, gia đình đã có tiền để xây nhà kiên cố thay cho nhà gỗ tạm bợ trước đây. Con cái được học hành đầy đủ.

Bà Lương Thị Xỉnh - bản Vều 1, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Clip: Hải Thượng

Cũng giống như anh Nhuần, đầu năm 2024 này, bà Lương Thị Xỉnh, 70 tuổi, ở bản Vều 1, xã biên giới Phúc Sơn, huyện Anh Sơn cũng đã được Đồn Biên phòng Phúc Sơn hỗ trợ 2 con bê, 2 con lợn và 50 con gà giống. Các anh bộ đội Đồn biên phòng cũng đã thường xuyên qua hướng dẫn cách chăm sóc. Sau 9 tháng, 2 con bê đã lớn, sắp vào kì sinh sản; 2 con lợn sinh được 1 ổ 14 con; đàn gà con nay có trọng lượng 1,6 - 1,7kg/con.

Phúc Sơn 2
Nhiều mô hình hỗ trợ người dân vùng biên giới phát triển kinh tế được cán bộ Đồn Biên phòng Phúc Sơn triển khai. Ảnh: Thành Cường

Thượng tá Hoàng Thanh Tùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: Đời sống kinh tế của người Thái ở 4 bản Vều, xã Môn Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Bà con có ý thức vươn lên, tuy nhiên lại gặp khó khăn về vốn sản xuất. Qua khảo sát, Đồn nhận thấy địa phương này rất phù hợp để phát triển chăn nuôi. Vậy nên Đồn đã vận động các nhà hảo tâm mua con giống tặng bà con. Đồng thời, cán bộ Đồn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, giúp đỡ ngày công xây dựng chuồng trại. Từ sự động viên, hỗ trợ ban đầu của các cấp, nhà hảo tâm và Đồn biên phòng, các hộ nghèo ở 4 bản Vều thêm động lực để cố gắng vươn lên.

Thượng úy Lô Anh Tú - Đồn Biên phòng Tam Hợp. Clip: Hải Thượng

Với quan điểm “Cho cần câu chứ không cho cá”, động viên bà con dân bản vượt khó vươn lên, Đồn Biên phòng Tam Hợp (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) đã có sáng kiến “Sẻ chia 50 - 50” giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn hiệu quả. Thiếu tá Hà Huy Thiên - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Mô hình này được hiểu là cách phân chia lợi ích. Theo đó, Đồn thực hiện khảo sát hoàn cảnh, nguyện vọng của các hộ nghèo trên địa bàn. Tuỳ theo nguyện vọng, khả năng của các hộ mà cán bộ biên phòng sẽ bỏ vốn (tiền mặt hoặc con giống), bà con bỏ công trông coi, nuôi dưỡng. Ngoài ra, cán bộ biên phòng hỗ trợ kỹ thuật và chung tay, góp sức cùng. Sau khi vật nuôi phát triển và thì chia đôi lợi nhuận...”.

Mô hình “Sẻ chia 50-50” được Đồn Biên phòng Tam Hợp triển khai từ năm 2022. Bước đầu, có 2 gia đình đã thực hiện mô hình, đó là gia đình ông Xồng Nhia Lỳ, ở bản Phà Lõm và gia đình bà Quang Thị Loan, ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp. Gia đình ông Lỳ nhận 5 con bò, bây giờ đã thành 10 con. Gia đình bà Loan nhận 30 con dê, nay đã thành hơn 100 con. Bà Quang Thị Loan cho hay: “Đàn dê sinh sản rất tốt. Gia đình đã bán nhiều lứa rồi. Năm 2022 khi chưa nhận dê, gia đình là hộ nghèo. Bây giờ gia đình đã thoát nghèo. Cảm ơn các anh biên phòng nhiều lắm”... Được biết, hiện nay, Đồn Biên phòng Tam Hợp đang tiếp tục mở rộng mô hình.

5 năm qua, Biên phòng Nghệ An đã triển khai 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tặng các hộ nghèo 270 con bò giống, 148 con dê giống, 424 con lợn giống; giúp đỡ nhân dân 9.650 ngày công sửa chữa đường giao thông, nạo vét kênh mương thủy lợi, thu hoạch lúa, hoa màu.

bna_9147.jpg

Để các mô hình phát huy hiệu quả, Đảng uỷ Bộ Chỉ huy Biên phòng đã phân công nhiệm vụ cho các đảng viên biên phòng thực hiện giúp hộ nghèo phát triển kinh tế. Với sự giúp đỡ này, các hộ nghèo đã dần cải thiện đời sống kinh tế, từng bước vươn lên.

Đại tá Lê Như Cương - Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An

Đại tá Lê Như Cương - Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: Để các mô hình phát huy hiệu quả, Đảng uỷ Bộ Chỉ huy Biên phòng đã phân công nhiệm vụ cho các đảng viên biên phòng thực hiện giúp hộ nghèo phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi đảng viên phụ trách 4-5 gia đình. Các đảng viên này căn cứ vào đặc thù từng gia đình mà có sự giúp đỡ phù hợp. Có đồng chí đã trích tiền lương mua con giống tặng bà con; có đồng chí mua dụng cụ làm nghề bún, bánh để tặng và truyền nghề cho bà con. Với sự giúp đỡ này, các hộ nghèo đã dần cải thiện đời sống kinh tế, từng bước vươn lên.

Bài 1: Cho cần câu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO