Bài 1: Dấu ấn công nghiệp Nghệ An
(Baonghean.vn). Đã từng là cái nôi của cả nước, công nghiệp Nghệ An đang tiếp tục kế thừa truyền thống, phát huy những thế mạnh hiện tại để phát triển, trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của địa phương.
Là một vùng đất giàu tài nguyên, nhân lực, lại có đường giao thông thủy, bộ, đường sắt thuận lợi, cửa ngõ của nước bạn Lào thông ra biển cả, cho nên, ngay từ khi vừa đặt chân lên đất Nghệ An, thực dân Pháp đã sớm tìm cách khai thác làm giàu cho "Nước Mẹ". Theo đó, Vinh - Bến Thủy sớm trở thành một trong 3 khu công nghiệp lớn của xứĐông Dương và từđó Nghệ An được coi là cái nôi của ngành công nghiệp cả nước.
Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, Vinh - Bến Thủy đã có hàng chục nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏđể phục vụ công cuộc khai thác của thực dân Pháp. Trước hết phải kểđến Công ty Lâm sản và diêm Đông Dương (gọi tắt là SIFA - 1904) được phát triển từ Công ty Lâm sản và Thương mại Trung Kỳ thành lập năm 1892.
Tham gia vào lĩnh vực cưa, xẻ gỗđể phục vụ kiến thiết, xuất khẩu và sản xuất mộc dân dụng còn có Công ty Lào (Lao Tiên). Năm 1905, ga Vinh được đưa vào thông tuyến với mục đích vận chuyển các tài nguyên khai thác từ Nghệ An nói riêng và cả xứ nói chung trong kế hoạch khai thác lần thứ 2 của thực dân Pháp. Gắn với ga Vinh, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (1908) - 1 trong 3 nhà máy sửa chữa xe lửa lớn nhất Đông Dương. Tiếp đó là các nhà máy đồ hộp ở Cửa Hội (1922); nhà máy rượu Xô-va-rơ; trường dạy nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề nguội, tiện, đúc, rèn, mộc, điện..., cũng lần lượt ra đời. Không chỉ là nơi "tụ hội" của các tập đoàn tư sản Pháp, Vinh - Bến Thủy thời bấy giờ, còn các nhà tư sản người Việt, người Hoa, người Ấn sản xuất kinh doanh ở các ngành nghề, gồm nhà máy in; nhà máy gạch hoa, ống cống; xưởng chế biến gỗ; xưởng cưa; khai thác mỏ; các hãng buôn, nhà băng, nhà hàng...
Đểđẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp cũng đã khẩn trương mở 2 tuyến đường sắt Vinh - Hà Nội và Vinh - Đông Hà; mở rộng cảng Bến Thủy (Năm 1924, thực dân Pháp xuất qua cảng Bến Thuỷ 39.361 tấn hàng hóa; năm 1926 xuất về chính quốc 41.012 tấn tài nguyên, khoáng sản của Nghệ An); xây dựng sân bay Vinh.
Theo đó, nhiều cơ sở vận tải được thành lập: Hãng sửa chữa ô tô Samanal; Chi nhánh Công ty đường thủy Đông Pháp; các xí nghiệp vận tải và sửa chữa ô tô. Rồi vào thời kỳ phát xít Nhật, các công ty Nhật Bản đã thọc sâu vào các ngành kinh tế thăm dò, khai thác mỏ phốt phát Kim Nhan, đưa quặng về nước; đóng tàu thủy ở Cửa Hội, mở rộng quy mô khai thác gỗ, khoáng sản phục vụ công nghiệp quốc phòng như mỏ măng gan ở Núi Thành (Hưng Nguyên), mỏ sắt ở Phương Tích, mỏ than Khe Bố (Tương Dương)....
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Chính quyền Dân chủ Nhân dân vừa thành lập, yêu cầu đặt ra cho Nghệ An là phải khẩn trương xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng ở khu an toàn (ATK). Trên cơ sở nền công nghiệp cũ, chủ yếu là ngành cơ khí sửa chữa của thời Pháp thuộc, công nghiệp Nghệ An đã vực dậy, trở thành "mạng lưới" công binh xưởng sản xuất và sửa chữa vũ khí phục vụ kháng chiến khắp các địa phương, từ Nam Đàn đến Thanh Chương, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn...
Thời kỳ này, trên đất Nghệ An đã sản xuất với khối lượng lớn hai loại súng đạn Bazooka và AT có hiệu lực chống xe tăng và thiết giáp; rồi sản xuất cối 51, 60, 81, cối bức kích pháo..., góp phần đánh bại thực dân Pháp. Cùng với công nghiệp quân khí, ngành công nghiệp Nghệ An cũng đã gây dựng được một số ngành sản xuất, như: mỏ than Khe Bố; xưởng phốt phát Cát Văn (vốn là xưởng có từ thời Pháp thuộc ở Bến Thủy chuyển lên Thanh Chương); xưởng hóa chất - cán luyện crep làm dép cao su và quai guốc; cơ khí nông giang - thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp; gạch ngói; cơ khí sản xuất nông cụ cầm tay; sản xuất giấy; xưởng dệt và một số ngành nghề thủ công như nghề ép dầu lạc, ép mía nấu mật; nghề thuộc da, nghềđóng tàu, nghề tơ tằm...
Chuyển sang thời kỳđẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1954 - 1975), công nghiệp Nghệ An tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ và hình thành nền công nghiệp đa ngành. Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), cho rằng: "Thời kỳ này, cả nước có công nghiệp gì thì Nghệ An có công nghiệp đó, bao gồm công nghiệp ngành dệt; khai thác than và khoáng sản; công nghiệp chế biến; công nghiệp cơ khí; công nghiệp đồ uống; công ngiệp hóa chất; công nghiệp điện. Từ các cơ sở sản xuất của Trung ương, như Nhà máy Điện Vinh, Nhà máy Nước Vinh, nhà máy Xay Vinh, Nhà máy gạch Cầu Mượu; Nhà máy Gỗ Vinh, Nhà máy đường Sông Lam; Nhà máy ép dầu Vinh; Xí nghiệp đóng tàu Cửa Hội; Quốc doanh vận tải Vinh..., đến các xí nghiệp ởđịa phương, như: Cơ khí Vinh, Nhà máy xi măng Cầu Đước, Nhà máy in Nghệ An, Phốt phát 3/2; Than Khe Bố, Gạch 22/12, Nhà máy Giấy Thanh Chương... Công nghiệp Nghệ An đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phục vụ sản xuất, đời sống cho cả khu vực Nghệ - Tĩnh. Đặc biệt là sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, được Trung ương và các nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện, công nghiệp Nghệ An đã, đang có bước phát triển mới và ngày càng rõ nét hơn, từ công nghiệp đa ngành trở thành một số ngành công nghiệp chủđạo. Đã có một số sản phẩm có quy mô lớn và sự tăng trưởng ổn định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Nhưđường mía với sản lượng đạt 15 - 16 vạn tấn/năm; xi măng đạt sản lượng 1,7 triệu tấn/năm; sản phẩm bia đạt 200 triệu lít/năm; thủy điện với công suất lắp máy đạt 750MW; sản phẩm xuất khẩu đạt 8 - 10 nghìn tấn/năm..."
Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành công nghiệp Nghệ An cho thấy lịch sử không xa rời với hiện tại khi ngành công nghiệp đã, đang kế thừa truyền thống, phát huy những thế mạnh hiện tại để phát triển.
Nguyên là công nhân Nhà máy Sữa chữa xe lửa Trường Thi, đối với ông Nguyễn Xuân Mão, năm nay 85 tuổi, ở phường Trường Thi, chứng kiến gần như trọn vẹn sự trưởng thành của giai cấp công nhân và sự phát triển của nền công nghiệp Nghệ An, bên cạnh vui mừng trước sự phát triển lớn mạnh và sự mở mang của tỉnh nhà, ông Mão cũng bày tỏ băn khoăn: "Hiện tại, Nghệ An vẫn chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước thời Trường Thi - Bến Thủy, nhưng người dân chưa thực sự tham gia vào các công xưởng, nhà máy để sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp".
Đó cũng chính là băn khoăn, gửi gắm của những người công nhân thế hệ Trường Thi - Bến Thủy và những người con trên quê hương Xô viết hôm nay, mong muốn làm sao đưa công nghiệp Nghệ An phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống, với vị trí "đắc địa" thông qua việc thu hút các dự án có quy mô lớn.
Mai Hoa