Bài 1: Giống kém, hàng trăm hộ dân mất mùa
(Baonghean) - Đang là mùa thu hoạch cam chính vụ nhưng tại một số vườn cam đã đến tuổi kinh doanh trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… đồng loạt quả nhỏ như chanh hoặc không có quả, cây còi cọc, lá vàng. Nhiều hộ đã chặt bỏ cả vườn cam sau bao nhiêu năm đầu tư.
Nhiều hộ chặt bỏ vườn cam
Vào thời điểm người trồng cam đang thu hoạch chính vụ tháng 11, chúng tôi về vùng trồng cam của các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn - là vùng trọng điểm sản phẩm cam Vinh. Bên cạnh những vườn cam trĩu quả, đạt chất lượng, bán được giá, là không ít vườn cam nhiễm bệnh, không cho quả hoặc quả nhỏ, cây còi cọc và lá vàng tàn… mà nguyên nhân một phần do trồng cây giống kém chất lượng. Nhiều chủ vườn đã bỏ mặc không chăm sóc, không thu hoạch và một số phải ngậm ngùi đào cả vườn cam để trồng lại.
Anh Lê Quang Hòa ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) chặt những cành cam bị nhiễm bệnh. Ảnh: X.H |
Anh Hòa thổ lộ: Sau 4 năm vất vả trên vườn cam, nhưng có tới 1/3 trên tổng số cây bị nhiễm bệnh vàng chè. Theo anh Hòa, nguyên nhân vườn cam bị nhiễm bệnh là do cây giống kém chất lượng.
Ở xã các Văn Lợi, Minh Hợp (Quỳ Hợp) có những chủ vườn cam đã đào cả gốc rễ chất thành đống bên góc vườn chuẩn bị đốt. Tìm hiểu được biết, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng không loại trừ do vườn cam bị nhiễm bệnh. Đứng trước những đống gốc cam khô khốc chất đống bên mảnh vườn, ông Phan Bá Thức, xóm Minh Chùa, xã Minh Hợp, xót xa nói: Suốt 7 năm dốc toàn bộ công sức, tiền của vào vườn cam 0,5 ha, nhưng mỗi năm chỉ thu được vài tạ quả, do cây nào cũng nhiễm bệnh; mãi không phòng trừ được, buộc ông phải chặt bỏ để trồng lại. Như thế gia đình lâm vào nợ nần hàng trăm triệu đồng.
Ở huyện Nghĩa Đàn, cũng có tình trạng tương tự. Những năm gần đây bà con nông dân huyện Nghĩa Đàn phá rừng cao su, hoặc bỏ cây mía để thay thế cây cam. Nhưng do thiếu hiểu biết về giống cam, lại muốn mua giống giá rẻ nên mua phải giống cam trôi nổi trên thị trường, nhiều gia đình phải ngậm ngùi phá cả vườn cam sau nhiều năm chăm sóc…
Là năm thứ hai gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở xóm 4B xã Nghĩa Mai đứng ngồi không yên, khi cả vườn cam không cho hiệu quả như mong muốn. Ông Tám chia sẻ: “Gia đình trồng hơn 1 ha cam Vân Du và Xã Đoài lòng vàng, sau 5 năm đổ ra bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của, mỗi cây chỉ cho vài chục quả. Nguyên nhân, do trước đây gia đình tôi mua phải cây giống trôi nổi ngoài thị trường. Khi đó vẫn biết mình mua phải cây giống không rõ nguồn gốc.
Nhiều chủ vườn cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã phải đào cả vườn cam nhiễm bệnh do giống kém chất lượng. Ảnh: X.H |
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Do việc phát triển quá nóng diện tích cam, kéo theo nhu cầu nguồn cây giống lớn, nhưng hệ thống cung cấp cây giống sạch bệnh trên địa bàn huyện chỉ đáp ứng một phần nhỏ; từ đó, nông dân chủ yếu sử dụng nguồn giống trôi nổi bên ngoài là chính, nên cây cam khi trưởng thành tiềm ẩn nhiều mầm bệnh, trong khi ngành chức năng gặp khó trong công tác kiểm soát.
Bài học thực tiễn lớn từ chất lượng giống
Thực tế cho thấy, cam là cây có thể giúp người trồng làm giàu, nhưng đòi hỏi phải đầu tư lớn ngay từ khi đặt cây giống và quy trình chăm sóc hàng năm. Sau 4 năm cam mới cho quả bói và thu hoạch được khoảng 9 - 10 năm nữa. Tuy nhiên, nếu mua phải cây giống không đảm bảo chất lượng, chủ vườn sẽ lâm vào tình cảnh “khuynh gia bại sản”.
Theo tính toán của người trồng cam, để trồng thâm canh 1 ha cam hàng hóa, từ khi làm đất đến lúc thu hoạch 4 năm, chi phí 200 - 300 triệu đồng, chưa kể công sức. Nếu vườn cam tốt, đến năm thứ tư, 1 ha cam có thể thu về khoảng 20 tấn quả, tương đương khoảng 600 triệu đồng. Còn nếu trồng phải giống cam kém chất lượng thì hậu quả người trồng cam phải gánh chịu là rất lớn, có thể gấp đôi khoản tiền đầu tư. Bởi, cây cam chăm sóc 3 năm mới ra quả, mà thường thì thời điểm đó cây cam mới có biểu hiện bị nhiễm bệnh, quả nhỏ, kém chất lượng. Để vậy thì không có thu hoạch, đành phải chặt bỏ để trồng lại, lãng phí lớn công và vật tư chăm sóc.
Theo anh Lê Quang Hòa - chủ vườn cam ở xóm Minh Đình, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) thì cam là cây khó tính, để có năng suất cao, đòi hỏi chủ vườn phải đầu tư lớn ngay từ ban đầu và chăm sóc đúng quy trình. Như vườn cam của anh Hòa, hàng năm đầu tư các loại phân bón hóa học, phân chuồng, thuốc trừ sâu… tạo nguồn nước tưới đầy đủ, thuê người làm cỏ… Theo anh Hòa, 1 cây giống mua với giá 20.000 đồng, thì trồng 1 ha cam mới có khoảng 10 triệu đồng tiền giống, nhưng các chi phí khác mỗi năm từ 100 - 120 triệu đồng, như phân bón các loại, thuốc trừ sâu, điện bơm nước...
Có thể khẳng định, trường hợp như các nông dân Lê Quang Hòa ở Quỳ Hợp, Nguyễn Văn Tám ở Nghĩa Đàn là một trong số ít những chủ vườn cam đang lâm vào cảnh “khuynh gia bại sản” bởi cây cam. Nguyên nhân chính vẫn là do mua phải giống cam kém chất lượng hoặc không biết cách phòng trừ các loại bệnh trên cam.
Một vườn cam có hiện tượng còi cọc, quả thưa và nhỏ. Ảnh: X.H |
Ông Hoàng Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành cho rằng: Giống cam có tính quyết định về năng suất và chất lượng quả cam. Nếu giống cam không đảm bảo chất lượng, dù chăm sóc tốt cũng bị ảnh hưởng, nhất là cây cam càng nhiều năm tuổi thì biểu hiện của bệnh càng rõ. Trồng cam lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi người trồng phải chấp nhận đầu tư lớn, do vậy nếu trồng phải giống cam kém chất lượng, hậu quả để lại là rất lớn. Cây cam trồng 4 năm mới cho thu hoạch, mỗi năm người trồng cam đòi hỏi phải đầu tư từ 100 - 120 triệu đồng, như vậy sau 4 năm 1 ha cam có tổng chi phí khoảng nửa tỷ đồng. Con số đó cho thấy nếu trồng phải giống cam kém chất lượng thì người trồng cam dễ lâm vào cảnh sạt nghiệp.
Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất của cả nước, với 5.096 ha, trong đó có hơn 2.500 ha cam kinh doanh cho quả thu hoạch. Cam Nghệ An có những giống thơm ngon nổi tiếng như cam Xã Đoài, là 1 trong 50 đặc sản trái cây Việt Nam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bình chọn. Dự kiến đến năm 2020, Nghệ An sẽ xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn cam, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30.000 USD.
(Còn nữa)