Bài 1: Kiên trì đào tạo nghề
Chuyển dịch cơ cấu lao động (CCLĐ) nông thôn về bản chất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, góp phần vào thành công của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quan điểm của tỉnh là vừa chuyển dịch vừa đào tạo nghề nhằm góp phần tạo động lực trong chuyển dịch CCLĐ nông thôn theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp. Đây đang là một hướng đi đúng hướng và đòi hỏi sự kiên trì...
(Baonghean) - Chuyển dịch cơ cấu lao động (CCLĐ) nông thôn về bản chất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, góp phần vào thành công của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quan điểm của tỉnh là vừa chuyển dịch vừa đào tạo nghề nhằm góp phần tạo động lực trong chuyển dịch CCLĐ nông thôn theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp. Đây đang là một hướng đi đúng hướng và đòi hỏi sự kiên trì...
Nghi Lộc là huyện nằm trong vùng quy hoạch không gian đô thị mở rộng của Thành phố Vinh, có 9km đường bờ biển, 10 xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam. Huyện có khu công nghiệp như Nam Cấm, Khu du lịch biển Bãi Lữ, Khu du lịch Hải Thịnh... Hiện có trên 164 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện, trong đó 38 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN, 12 doanh nghiệp xây dựng, 114 doanh nghiệp thương mại dịch vụ (TMDV). Điều này mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn nhân lực lao động nông thôn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Hữu Lam - Phó Chủ tịch UBND thì toàn huyện hiện có 53/88 ngàn lao động nông nghiệp, chiếm trên 61%, còn lại chỉ 15% lao động làm việc trong lĩnh vực CNXD, 23% lao động làm việc trong lĩnh vực TMDV. Lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hồi lớn, để tháo gỡ khó khăn trên, huyện đã ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015”, ưu tiên mở lớp đào tạo ngành điện, cơ khí, chăn nuôi, móc sợi, mây tre đan đối với vùng bị thu hồi đất, đào tạo nghề du lịch biển cho người dân các xã ven biển. Nhờ đó, hàng năm, huyện có gần 5,5 ngàn lao động nông thôn qua đào tạo có việc làm mới như may mặc, đóng tàu thuyền, mây tre đan, cơ khí. So với năm 2011, cơ cấu lao động, lao động nông nghiệp năm 2012 giảm 2%, lao động trong lĩnh vực CNXD tăng 1,2%, lao động trong lĩnh vực TMDV tăng 1%.
Công nhân may làm việc tại Công ty may mặc Prex Vinh - Đô Lương.
Cùng với nhiều địa phương khác, hiện nay, Quỳnh Lưu cũng được xác định là một vùng kinh tế có sự chuyển dịch lao động nông thôn khá nhanh. Theo tìm hiểu, toàn huyện có gần 190 ngàn lao động nông thôn tại 43 xã, thị trấn. Với mục tiêu giảm dần lao động nông nghiệp, nâng tỷ trọng lao động TMDV và CNXD, huyện chỉ đạo triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết đinh 1956 của Chính phủ. Trên cơ sở kế hoạch chỉ đạo của tỉnh, huyện phối hợp đào tạo nhiều nghề cho lao động như nuôi trồng thủy sản, làm vườn, sinh vật cảnh, nuôi ong, may công nghiệp, mây tre đan. Chỉ tính năm 2012, huyện đã mở được 14 lớp, thu hút trên 400 học viên, qua đào tạo có trên 50% lao động có việc làm, 25% lao động chuyển đổi nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trên 2,7% lên 4,7%. Đặc biệt, nhiều xã năng động gắn công tác đào tạo nghề với xây dựng NTM, hình thành các cụm nghề như Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thạch...
Trường Trung cấp nghề Kinh tế - CN-Thủ công nghiệp Nghệ An là một cơ sở đào tạo nghề truyền thống cho lao động nông thôn. Hàng năm, trường có nhiệm vụ đào tạo 350 chỉ tiêu nghề trung cấp (học tại trường) và 800 chỉ tiêu sơ cấp nghề trong (và ngoài) độ tuổi lao động (tại các địa phương). Con em nông thôn theo học các lớp chủ yếu từ các vùng trọng điểm nông nghiệp, như Quỳnh Lưu, Nam Đàn,Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu. Thạc sỹ Bùi Xuân Phượng- Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Sau đào tạo, con em có trình độ trung cấp được giới thiệu vào làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh, các xưởng may liên doanh, liên kết, cơ sở mộc mỹ nghệ các huyện, hoặc tự mở cơ sở sản xuất nhỏ ở địa phương”.
Đào tạo nghề được xác định là vấn đề cốt lõi trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 63 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, 6 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề, 25 trung tâm dạy nghề, 24 cơ sở tham gia dạy nghề, trong đó có 38 cơ sở công lập. Trong năm 2012, các cơ sở đào tạo nghề đào tạo trên 84 ngàn lượt con em theo học. Đặc biệt thực hiện Đề án 1956/CP đã chỉ đạo thực hiện 26 mô hình thí điểm nghề nuôi lợn siêu nạc, nuôi cá, thêu ren, sửa xe máy... Nhiều nghề có tỷ lệ việc làm cao trên 72% sau đào tạo như: trồng nấm, may công nghiệp, mây tre đan, lập trình hệ thống, trồng hoa.., thu nhập từ 1-3,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo trình độ tay nghề và cấp chuyển đổi nghề.
Bà Trần Thị Châu Loan - Trưởng phòng dạy nghề, Sở LĐTB-XH, khẳng định: Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 36% (năm 2011) lên đến 40% (cuối 2012), cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, năm sau chuyển biến hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ lao động nông nghiệp hiện đạt trên 57%, giảm 2,45 % so với năm 2011, tỷ lệ lao động ở ngành CN-XD đạt trên 21%, tăng 1%; lao động DVTM đạt trên 21,8%, tăng 1,4%. Qua đào tạo nghề góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 15,6% so với năm 2011.
Từ nay đến 2015, Nghệ An tiếp tục xác định kiên trì chuyển dịch cơ cấu lao động theo phương thức vừa đào tạo nghề vừa chuyển dịch, phấn đấu mục tiêu đào tạo nghề cho 85 ngàn lao động nông thôn, trong đó 41 ngàn lao động nông thôn theo Quyết định 1956/CP. Trong năm 2013, phấn đấu dạy nghề cho 9,6 ngàn lao động, trong đó nghề phi nông nghiệp trên 4,9 ngàn người và nghề nông nghiệp 4,7 ngàn người, nâng tỷ lệ có việc làm cho lao động sau đào tạo lên 80%.
Tuy nhiên, cũng qua trao đổi với bà Loan, hiện nay, sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp đang bộc lộ rất nhiều khó khăn. Công tác điều tra nhu cầu học nghề cho con em nông thôn trên thực tế còn chưa cụ thể. Công tác quy hoạch và bố trí, sắp xếp lao động nông thôn tại các xã, huyện chưa được quan tâm đúng lúc. Nhiều nghề mang tính kỹ thuật cao, trọng điểm, nghề phục vụ du lịch chưa được được đưa vào. Hiệu quả lao động sau đào tạo không cao, làm ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Bài, ảnh: Lương Mai