Bài 1: Người Nùng trên quê mới
LTS: Trong gần 3 triệu dân, trong đó, 41 vạn người là dân tộc thiểu số, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Hoa, Nùng,... vống rất phong phú về văn hóa tinh thần, còn những cộng đồng vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi. Chuyên trang Dân tộc & Miền núi Báo Nghệ An xin giới thiệu loạt bài "Những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Nghệ An" Giúp bạn đọc hiểu thêm đời sống những dân tộc này trong tiến trình hội nhập...
(Baonghean) - LTS: Trong gần 3 triệu dân, trong đó, 41 vạn người là dân tộc thiểu số, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Hoa, Nùng,... vống rất phong phú về văn hóa tinh thần, còn những cộng đồng vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi. Chuyên trang Dân tộc & Miền núi Báo Nghệ An xin giới thiệu loạt bài "Những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Nghệ An" Giúp bạn đọc hiểu thêm đời sống những dân tộc này trong tiến trình hội nhập...
Đã 20 năm nay, kể từ ngày có những gia đình đầu tiên đến lập bảntại thôn Trung Yên (Yên Khê – Con Cuông), cũng từ nhiều năm nay người dân địa phương coi họ như là một cộng đồng thân thiết. Đó là xóm người Nùng, nhân dân Yên Khê gọi bằng cái tên “người Cao Bằng”, bởi quê gốc của họ vốn ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Truyền dạy điệu Sli. Ảnh: A.V (Sưu tầm)
Đi tìm đất lành
Ông Vương Văn Xèn, một trong số ít người trong xóm có thể diễn đạt rành rẽ với tôi về văn hóa Nùng. Suốt buổi sáng ngồi tỉ tê bên bếp lửa mùa đông, ông kể cùng tôi về quê cũ xã Tổng Cọt (Hà Quảng – Cao Bằng). Cuối những năm 80 đầu 90 thế kỷ trước, thổ phỉ hoành hành khiến lòng người bất an, không ít nhà gồng gánh bỏ làng vào tận Tây Nguyên lập bản mới. Ông có chút võ nghệ nên bạo gan trụ lại. Một ngày cũng mùa đông rét mướt, lợi dụng lúc ông về huyện tập huấn với trung đội dân quân xã, chỉ có bố mẹ già ở rãy, lũ thổ phỉ từ Trung Quốc vượt biên sang cướp đi 1 cặp bò và 1 con trâu. 2 người già bị trói nghiến. Cũng may, lũ phỉ không làm hại đến tính mạng. Ngày ấy, nhiều người trong bản tìm vào Nghệ An lập nghiệp, ông cùng gia đình đi theo vì lo cho sự an nguy của cả nhà. Khi vào đến đất Con Cuông, đã có ngót chục hộ tìm đến dựng nhà khai khẩn lại phần đất bỏ hoang của Nông trường chè Bãi Phủ. Mọi người chung cảnh xa quê đùm bọc thương yêu nhau. Người giúp tre pheo, người giúp đốn gỗ dựng cho gia đình ông Xèn một ngôi nhà tranh nhỏ. Đến nay, cộng đồng vẫn ăn ở, gắn bó dù theo thời gian cuộc sống đã nhiều đổi thay. Họ xem đất này là vùng quê mới của mình.
Cộng đồng Nùng ở Yên Khê đã có 130 nhân khẩu, đông vui hơn xưa. Sau nhiều năm tìm tòi, nhận thấy cây chè vốn phù hợp thổ nhưỡng, bà con chuyên tâm đầu tư, diện tích dần được mở rộng trên 10ha, cho thu nhập khá ổn định. Hiện tại, cả 32 hộ dân trong xóm đã có các phương tiện nghe nhìn hiện đại, xe gắn máy, mức sống ngang tầm với mức chung của địa phương...
Giờ không còn trẻ em thất học nữa. Ông Xèn chia sẻ: “Dù gia đình đông con, sinh những 4 đứa nhưng tôi không để ai thất học, ít nhất cũng phải xong lớp 12”. Trong xóm, chưa có ai học lên đại học, cao đẳng.
Nỗi nhớ hát sli
Khi cuộc sống dần ổn định, nhiều người mới giật mình nhìn lại, té ra lo mưu sinh nên quên mất việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Hiện giờ, các con ông Xèn và đám trẻ cùng lứa trong xóm cũng chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, tiếng Kinh, cha mẹ “có ý kiến” mới giao tiếp bằng tiếng Nùng. Bọn trẻ sinh ra từ những năm 2000, cha mẹ chúng lại có phong trào dạy tiếng Kinh từ nhỏ, khi thế hệ ông Xèn già đi chắc trong xóm không mấy ai còn nói tiếng Nùng nữa?
Đi khắp xóm, tôi không còn có thể tìm thấy một ngôi nhà sàn truyền thống mái dốc, gầm thấp của người Nùng miền núi phía Bắc. Giờ đây, xóm Nùng chẳng khác nào một làng người miền xuôi lên miền núi làm kinh tế mới, tất cả đều ở nhà xây gạch. Khi tôi hỏi về những điệu sli, lượn của người Tày Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, ông Xèn trầm ngâm một lúc rồi nói: “Cái này, chú đừng đi hỏi thanh niên trong bản nhé. Chúng nó bây giờ không biết là cái gì đâu...”!
Hồi mới chuyển về quê mới, đôi lúc “nhớ nghề” có người cất lời hát sli khi lên núi hái củi. Người địa phương nghe hát, ngạc nhiên. Sau đó có kẻ thiếu hiểu biết đặt điều trêu ghẹo người hát, từ đó không ai dám hát sli nữa.
Ông Nông Văn Sáng, già làng uy tín của thôn Trung Yên vốn kiệm lời, từ đầu chú ý nghe câu chuyện của chúng tôi, chợt lên tiếng: “Chúng tôi thấy thực sự lo lắng, anh ạ! Vì lớp trẻ trong bản không còn ai mặn mà với hát sli, ném còn. Chỉ mong có thể tổ chức được một hội háng tán của xóm. Mục đích mong sao con cháu bây giờ có những hình dung về quê hương, về văn hóa của dân tộc mình. Đó cũng là niềm an ủi đối với những kẻ tha hương già cả như tôi...”.
Hữu Vi