Bài 1: Nhọc nhằn nơi phương Nam

Xeo Thị Quý, Xeo Thị An năm nay mới 17 tuổi. 5 tháng trước, sau khi nghỉ học, vì không có việc làm, cả hai rủ nhau từ xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) vào thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Những ngày mới vào Nam, cuộc sống xa lạ và quá khác biệt với bản làng nhưng vì có anh trai An nên cả hai không quá khó khăn để thích ứng. Vào một thời gian ngắn, An và Quý xin được vào làm ở một xí nghiệp may nhỏ, ngoài ở trọ và được hỗ trợ một phần ăn ở, mỗi tháng chủ lao động trả thêm 3 triệu đồng/tháng.

Trước đó, khi quyết định vào Nam, An và Quý cũng đã xác định sẽ làm việc lâu dài. Tuy nhiên, vì chưa đủ tuổi lao động lại chưa có giấy tờ tùy thân nên để xin vào các nhà máy, khu công nghiệp là điều hết sức khó khăn. Gần hai tuần nay, khi dịch bùng phát, chủ cơ sở may mà An và Quý đang làm việc đã về quê ở tỉnh Phú Yên. Vậy là An, Quý và cả anh trai của An trở thành người bơ vơ, không có chỗ ở, không có thu nhập, “không biết đi đâu về đâu chỉ biết ở trước cửa nhà chủ ăn mì tôm sống tạm”…

Do hoàn cảnh quá eo le nên tối 28/7, Quý và An cũng lên diễn đàn của hội đồng hương Nghệ An tại thành phố Hồ Chí Minh để xin hỗ trợ. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, việc chung tay để hỗ trợ đồng hương ở xa cũng rất gian nan. May mắn cho Quý và An, biết hoàn cảnh của cả hai, một người Nghệ cũng có nhà trọ ở quận Bình Tân đang tạm thời để không (vì bản thân đã về quê) đã cho hai người mượn nhà trọ để tá túc. Còn lại việc ăn uống, sinh hoạt của hai cô gái vẫn còn rất khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, bằng giọng nói nhỏ nhẹ và rất lễ phép, Xeo Thị An cho biết: “Cả hai chúng em vẫn đang còn một ít tiền lương cất giữ được nên vẫn đang còn chống cự được vài ngày tới. Nhưng nếu lâu dài mà không có việc làm thì chưa biết thế nào. Bây giờ cả hai chỉ muốn được về nhà nhưng lại không có giấy tờ nên không làm cách nào để liên lạc cả”.

Từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về quê Kỳ Sơn, An và Quý cũng chưa xác định sẽ làm việc gì và sống thế nào trong những ngày tới vì hoàn cảnh hai em gia đình đều rất khó khăn và bố mẹ đều đông con. Chưa kể, nếu về thì kinh phí để xét nghiệm Covid- 19 theo quy định và tiền để di chuyển và ở lại trong khu cách ly cũng không phải là nhỏ.

Còn Trần Văn Mạnh, nhà ở xóm Dương Phổ, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) cũng đã đăng ký về quê trên trang thông tin của tỉnh Nghệ An ngay sau khi tỉnh có kế hoạch đón lao động ở các tỉnh phía Nam trở về. Năm nay Mạnh 20 tuổi, là con thứ 3 trong một gia đình lao động. Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Mạnh không thi đại học vì “chưa biết mình thích học ngành gì” mà chọn vào Nam để làm thuê. Cuộc sống xa nhà không tránh khỏi những khó khăn nhưng xác định muốn học được một nghề để sau này có thể về quê lập nghiệp, Mạnh kiên trì với công việc làm quảng cáo ở một doanh nghiệp nhỏ. Thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 6 triệu đồng nên đi làm khá lâu nhưng Mạnh cũng không tích trữ được nhiều. Từ đầu tháng 6, khi dịch bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh, công ty Mạnh không có việc, tạm thời cho lao động nghỉ việc không lương và Mạnh chính thức thất nghiệp.

Cũng từ đó đến nay, Mạnh sống khá tạm bợ trong khu nhà trọ, cầm cự chủ yếu bằng mì tôm và những bữa cơm đạm bạc. Xóm trọ của Mạnh tại đường Nguyễn Văn Khởi, phường 11, quận Gò Vấp trước đây có 12 phòng trọ với hàng chục lao động cũng thưa thớt dần vì mọi người đã bỏ thành phố để về quê. Nói thêm về hoàn cảnh của mình, Mạnh cho biết: “Em đã suy nghĩ kỹ rồi. Em sẽ quyết định về quê và không quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh nữa. Em nghĩ nếu thu nhập chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng nếu về quê, chăm chỉ chịu khó thì mình vẫn có thể dễ dàng kiếm việc làm lại được ở gần bố mẹ, gia đình. Giờ em chỉ đếm từng ngày để được về quê sao cho an toàn chứ nếu ở lâu trong này chắc không trụ nổi…”.

Từ hơn hai mươi năm trước, người Nghệ An đã có xu hướng Nam tiến để làm việc, trong đó chiếm một lực lượng không nhỏ là người lao động tự do chủ yếu đi từ các xã thuộc khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh. Cuộc sống làm việc xa nhà ở một thành phố đông dân và đắt đỏ nhất cả nước thực sự không dễ dàng với đại đa số người lao động xa xứ. Khi dịch bệnh bất ngờ bị bùng phát, đây cũng là lực lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi đã nhiều tuần trôi qua họ phải đối diện với cuộc sống bị phong tỏa, giãn cách xã hội, không có việc làm, thu nhập và nhiều người bị mất việc vì các cơ sở sản xuất kinh doanh bị phá sản, đóng cửa.

Thực tế khắc nghiệt trên cũng là điều mà mỗi người đều có thể cảm nhận rất rõ khi nghe câu chuyện của nhiều người Nghệ trên các diễn đàn của người Nghệ xa quê. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu ở phường 12, quân Tân Bình, mới vào Nam được 3 tháng nhưng đã 2 tháng không có việc làm, không có tiền để sinh sống trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách. Ở khu nhà trọ của các chị Nguyễn Thị Thiên, Nguyễn Huyền Trang (quận Gò Vấp), mỗi phòng cũng đang có 5 – 6 người đang bế tắc vì nhiều tháng nay chưa có việc làm, không có thu nhập. Còn anh Nguyễn Văn Mạnh, vì đang bị tai nạn gãy chân, vợ cũng đang thất nghiệp, hai vợ chồng không có việc làm nên phải nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ vì nguyện vọng lớn nhất là về quê.

Tại Đồng Nai, hàng nghìn lao động người Nghệ cũng đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn bởi thời gian qua thành phố Biên Hòa bị phong tỏa, nhiều khu công nghiệp vì xuất hiện ca dương tính nên tạm thời phải cho công nhân nghỉ việc. Những ngày qua, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, chị Nguyễn Thị Nhâm, quê ở xã Mỹ Thành (Yên Thành), hiện đang công tác tại một cơ quan báo chí, bằng mối quan hệ của mình cũng đã liên kết với nhiều mạnh thường quân và các nhà tài trợ đã xin được hơn 4 tấn rau củ, 8 tấn thanh long và nhiều nhu yếu phẩm khác để hỗ trợ người lao động đang gặp khó khăn ở Biên Hòa. Số điện thoại và facebook cá nhân của chị cũng được nhiều người Nghệ xa quê chia sẻ và nhiều người đã trực tiếp nhận được sự hỗ trợ sau khi kết nối được với chị. Chia sẻ về việc làm của mình, chị Nguyễn Thị Nhâm cho biết: “Phường Trang Di (thành phố Biên Hòa) nơi tôi sống là nơi có nhiều lao động làm việc ở các khu công nghiệp nhất cả nước với hơn 1 triệu lao động. Trong thời gian qua, những lao động ở đây gặp rất nhiều khó khăn, kể cả những lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Riêng những lao động tự do làm các nghề như bán vé số, phụ hồ thì gần như không còn thu nhập. Rất nhiều người trong đó là lao động hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Qua nắm bắt tình hình của người lao động, chị Nhâm cũng cho rằng, nếu như người lao động thuộc thành phần tri thức, họ thường tích trữ được khoảng 50% thu nhập nên có thể chủ động ổn định cuộc sống khi dịch bệnh bất ngờ bùng phát. Riêng công nhân, lao động tự do thì khó khăn hơn rất nhiều vì lâu nay đồng lương của họ khá eo hẹp nhưng phải chi trả tiền trọ, một phần tiền gửi về cho gia đình ở quê, nhiều người còn nuôi con nhỏ nên thường thì không có tiền dự trữ. Do đó, nếu dịch kéo dài thì người lao động khó có thể duy trì được cuộc sống, nhiều người rơi vào bế tắc. Những người đang ở vùng phong tỏa lại càng khó khăn hơn…

Bằng cách làm của chị Nhâm, rất nhiều người con xứ Nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng đã cùng chung tay để hỗ trợ những đồng hương xa quê vượt qua những ngày tháng khó khăn trong dịch bệnh. Người có ít, giúp ít, người có nhiều giúp nhiều, cộng đồng xứ Nghệ trong những ngày này lại càng kết nối nhau hơn và sự sẻ chia đã phần nào giúp họ vơi bớt khó khăn trước mắt và cho họ có thêm động lực để cố gắng.

Ý kiến bạn đọc(2)

  1. Phan Văn thiết

    Đọc mới biết được người dân quê nhà chúng ta chăm chỉ lao động, tha phương cầu thực. Và dịch bệnh bùng phát họ quả là khó khăn thức sự. Thương quá!

  2. Phan Văn thiết

    Đọc bài viết mới biết được người dân quê nhà chúng ta chăm chỉ lao động, tha phương cầu thực. Và dịch bệnh bùng phát họ quả là khó khăn thức sự. Thương quá!