Bài 1: Những câu chuyện có thật

14/09/2011 08:21

(Baonghean) - Hằng năm, vào quãng tháng Ba, tháng Tư, khi các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ tuyển sinh thì học sinh, phụ huynh lại xôn xao chuyện chọn trường, chọn nghề. Kỳ vọng con theo học Đại học làm "rạng danh" gia đình; tính toán đến "đầu ra" sau khi tốt nghiệp và chạy theo thị hiếu xã hội... của các bậc phụ huynh đã đẩy không ít thí sinh lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười".

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo: bố mẹ đều là giáo viên cấp 3 trường huyện, chị gái là giảng viên ĐH, Nguyễn Thanh H (khối 7, Thị trấn Dùng) cũng bị bố mẹ "ép" học ngành sư phạm. Cô Nguyễn Thị Cẩm Minh, mẹ H. cho biết: "Hướng cho cháu vào sư phạm vừa phù hợp với truyền thống gia đình, vừa phù hợp với con gái. Vả lại, sau khi cháu ra trường, bố cháu nghỉ hưu, sẽ được "thế chân" bố vào dạy học ở trường. Đỡ phải lo chuyện "chạy" việc". Như định hướng ban đầu, sau khi tốt nghiệp ra trường, H được về dạy Văn ở một trường gần nhà. Nhưng không có đam mê, tâm huyết, H cảm thấy chán nghề dạy học và những năm đứng lớp, H cũng chỉ ở mức "Hoàn thành nhiệm vụ". Một thời gian sau, H nghỉ dạy, chuyển sang làm nhân viên bán bảo hiểm. "Nếu được quyền lựa chọn ngành học, bây giờ đã không lỡ dở thế này. Bắt đầu công việc mới theo đúng nghề mình thích thì đã quá muộn..." H cho hay.

Khác với H, Nguyễn Hữu Linh (Đỉnh Sơn, Anh Sơn) có niềm đam mê khối A, ước mơ trở thành một chuyên gia kinh tế. Nhưng vì bố có người quen làm ở ngành Môi trường, theo định hướng của bố, Linh thi vào trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, khoa Công nghệ sinh học. Học năm thứ nhất, thấy không phù hợp với sở thích và nguyện vọng của mình, Linh bảo lưu kết quả và giấu bố mẹ thi lại vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Linh cho biết: "Thi năm đầu, em thừa sức đỗ vào Trường Kinh tế Quốc dân. Nhưng do theo định hướng của bố mẹ, em phải đi trái ngành. Một năm, tốn tiền của, công sức và lãng phí nhiều cơ hội..."


Làm nghề giáo đòi hỏi người giáo viên phải thực sự tâm huyết,
gắn bó với trò. (ảnh minh hoạ)

Có nhiều gia đình, khi con chuẩn bị bước vào năm cuối cấp, cũng là lúc bố mẹ bù đầu bù tai tìm kiếm thông tin, định hướng nghề nghiệp cho con. Sau giờ tan ca, chị N. lại đóng đô ở tiệm "net" gần nhà để tham khảo thông tin về điểm chuẩn, chỉ tiêu của các trường ĐH. Xem, ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ. Chưa hết, thời gian ngồi tiệm "net", chị tranh thủ đọc hết các bài viết phân tích về điểm chuẩn, khả năng đậu - rớt trên hầu hết các tờ báo. Con trai đang học ở Trường THPT Lê Viết Thuật, lực học trung bình, chị muốn con thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng của khối A. Còn khối B thì thi vào ngành Công nghệ sinh học hoặc Sinh học. Khi được hỏi, con trai có thích những ngành này không, chị nói luôn: "Mình phải định hướng, chọn lựa giúp con, chứ phó mặc cho nó, kiểu gì cũng chọn những ngành nhì nhằng. Sau này ra vừa khó kiếm việc, khó phát triển."

Không chỉ phụ thuộc, chịu chi phối từ gia đình, mà nhiều bạn trẻ đang chọn nghề chạy theo thị hiếu, xu hướng đám đông mà chưa quan tâm đến việc ngành nghề đó có phù hợp với sở thích, đam mê và năng lực của bản thân mình hay không. Đáng báo động là thời gian gần đây, thí sinh ồ ạt nộp hồ sơ ứng thí vào các ngành được xem là "hot" (dễ xin việc, thăng tiến nhanh và thu nhập cao) như: khối ngành kinh tế, tài chính; ngành xây dựng... còn các ngành thuộc lĩnh vực xã hội thì đìu hiu. Chỉ tính riêng kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, số thí sinh dự thi vào các ngành xã hội chỉ đạt mức trên 6%, trong khi khối ngành kinh tế - tài chính ngân hàng chiếm đến 40%.

Mỗi người có một sở thích riêng, năng khiếu riêng và điểm yếu riêng. Nhưng khi chọn nghề lại phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến gia đình cũng như xu hướng của bạn bè xung quanh là hết sức sai lầm. Mỗi nghề đòi hỏi người lao động cần có những tố chất nào để có thể hoàn thành tốt công việc, hãy chú ý đến những đòi hỏi đó để tránh sai lầm khi chọn cho mình một nghề, một ngành học thích hợp.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 40% học sinh chọn không đúng ngành nghề thực sự phù hợp với bản thân mình. Chọn đúng nghề sẽ là khởi đầu tốt đẹp để mỗi người tiến gần đến những ước mơ của mình, tạo lập một tương lai vững chắc, tốt đẹp.

Xin mượn lời khuyên của TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM giành cho các bạn trẻ: "Điều quan trọng nhất trong việc chọn trường, chọn ngành là các bạn phải biết mình đang ở đâu, mình muốn trở thành người như thế nào, mình thích nghề gì, nếu thi đại học sẽ được bao nhiêu điểm...".


Duy Nam

Mới nhất
x
Bài 1: Những câu chuyện có thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO