Bài 1: Nỗi đau dai dẳng
(Baonghean)- Chiến tranh đã qua đi nhiều thập kỷ, nhưng vẫn còn để lại những tàn tích đau thương, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại chưa được xử lý, hàng ngày vẫn gây ra những thương vong, tổn thất, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.
(Baonghean)- Chiến tranh đã qua đi nhiều thập kỷ, nhưng vẫn còn để lại những tàn tích đau thương, trong đó có hàng trăm nghìn tấn bom đạn còn sót lại chưa được xử lý, hàng ngày vẫn gây ra những thương vong, tổn thất, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội.
Vận chuyển quả bom để xử lý. (ảnh chụp tại xóm 1A Nghĩa Hợp, Tân Kỳ ngày 5/3/2012) Ảnh:Lê Thắng
Người dân huyện miền núi cao Kỳ Sơn vẫn còn khắc in sự việc đau lòng năm 2000, ở Trường Tiểu học Chiêu Lưu, trong giờ lao động, các em học sinh phát hiện quả bom sót lại sau chiến tranh. Do không nhận thức được sự nguy hiểm, với sự hiếu động, tò mò của tuổi học trò, các em học sinh đã mang quả bom để chơi trò ném bắt. Và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, bom phát nổ làm chết và bị thương một số học sinh và cô giáo.
Hay vào năm 2009, ông Hà Văn Bằng (ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn), trong lúc đi làm nương nhặt được đầu đạn pháo 37 li và đã cưa ống pháo để lấy thuốc nổ. Hậu quả, pháo nổ làm ông Bằng tử vong. Cũng tại địa bàn huyện Kỳ Sơn mới đây vào ngày 11/7/2011, ông Lương Phò Văn, 60 tuổi ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn, trong lúc đi dò sắt vụn, gặp phải bom bi bị nổ chết... Những vụ thương tích, gây chết người đau lòng trên chủ yếu do người dân thiếu sự hiểu biết.
Trong chăn nuôi, nhiều nơi trâu, bò vẫn thường bị chết do dẫm phải bom bi, mìn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhiều gia đình. Hay trong xây dựng hạ tầng, làm đường, san lấp mặt bằng, đã rất nhiều trường hợp gặp phải bom bi, vật liệu nổ. Chiến tranh qua đi đã lâu nhưng nỗi đau còn hiện hữu. Tính chung trên địa bàn cả nước, trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của hơn 1.500 người và hơn 2.000 người khác phải mang thương tật suốt đời.
Qua các tài liệu về lịch sử chiến tranh, về các trận oanh tạc bằng không quân và hải quân của Mỹ cho thấy, Nghệ An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Trong 10 năm, (từ 1964 - 1975), Mỹ đã sử dụng 733.068 lượt máy bay, trong đó có 24.539 lượt B52, ném 2.235.918 tấn bom xuống đường Trường Sơn. Nghệ An cũng nằm trong tọa độ đánh phá ác liệt của Mỹ, đặc biệt là làng mạc ven biển và biên giới Việt - Lào.
Con số khảo sát của Dự án "Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam" do Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (BOMICEN) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam (VVAF) công bố cho chúng ta một kết quả đáng lo ngại: 100% xã trên toàn tỉnh bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ, trong đó 785 khu vực bị ô nhiễm bom, mìn (BMA), chiếm 18% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cũng theo kết quả dự án, thông qua điều tra khảo sát kỹ thuật có đến 95% số xã trong tỉnh bị nhiễm bom phá và bom bi - một trong những chủng loại bom, mìn, vật nổ nguy hiểm nhất.
Đánh giá theo mức độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh cho thấy có 22,2% xã/phường, thị trấn (gọi chung là xã) chịu tác động của bom, mìn ở mức cao, 7,7% số xã chịu tác động ở mức cực cao, 70 xã còn lại chịu ảnh hưởng ở mức trung bình. Cũng theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia BOMICEN, từ 2004 đến 2008, có 99,9% đất thổ cư, 97,3% đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Đặc biệt, các vùng đất gò đồi và miền núi bị ô nhiễm nặng nề bởi bom, mìn, vật liệu nổ, nhiều nơi người dân không dám canh tác, cải tạo đất đai vì sợ gặp phải bom, mìn nên làm cho đất vốn đã xấu nay còn bạc màu hơn.
Tưởng rằng, chiến tranh qua đi, nỗi đau từ bom đạn sẽ không còn hiện hữu. Vậy mà những tai nạn liên quan đến bom, mìn, vật nổ vẫn còn đó. Chưa kể, một số lượng lớn diện tích đất canh tác phải bỏ hoang hóa do bị ô nhiễm. Những con số mà các chuyên gia BOMICEN bỏ công khảo sát ròng rã 4 năm trời đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ, ẩn họa từ vật liệu nổ, bom, mìn đối với cuộc sống hiện nay.
Thanh Lê - Thành Duy