Bài 1: Tiềm năng và sự phát triển
(Baonghean.vn) Diễn Châu là một trong những địa phương có nhiều làng nghề với nhiều nghề có truyền thống lâu đời như: nghề rèn ở làng Nho Lâm, nghề đúc đồng ở Diễn Tháp, nghề đúc lưỡi câu ở Diễn Kỷ, nghề đóng thuyền, khai thác cá ở Diễn Bích, Diễn Ngọc... Đến nay, toàn huyện có 16 làng nghề được tỉnh công nhận, 13 làng nghề được huyện công nhận. Trưởng phòng Công thương huyện - ông Hoàng Xuân Bốn, phấn khởi cho biết: "Hầu hết các làng nghề đều đang sản xuất có hiệu quả, nguồn thu ổn định và tăng qua từng năm, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 1,5-2 triệu đồng/ tháng".
Đó là một trong những điểm sáng về phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh ta. Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển làng nghề. Khó kể hết những ngành nghề đã làm nên "thương hiệu" từng vùng đất một thời, như: nghề đắp tượng bằng vôi hồ, nghề làm trống ở Diễn Châu, nghề làm nồi đất, ươm tơ dệt lụa ở Đô Lương, nghề rèn ở Thanh Lương (Thanh Chương), nghề đóng thuyền mộc ở Trung Kiên (Nghi Thiết - Nghi Lộc)... Từ Nghị quyết 06/NQ-TU về phát triển CN, TTCN và xây dựng làng nghề, tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển những ngành nghề trực tiếp tác động đến nông nghiệp, nông thôn và sử dụng nhiều lao động.
Phát triển nghề mây tre đan ở Diễn Vạn (Diễn Châu)
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 06, mô hình làng có nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh ta đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2010, Nghệ An đã có gần 400 làng có nghề ở hầu khắp các huyện, thành, thị, giải quyết việc làm cho trên 2,5 vạn lao động có thu nhập ổn định, với mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/năm, trong đó có 102 làng nghề đủ tiêu chí được UBND tỉnh công nhận trên địa bàn. Các ngành nghề tương đối đa dạng, từ những nghề truyền thống như làm chiếu cói, dệt thổ cẩm, làm hương, nuôi tằm dệt lụa..., đến các nghề mới được du nhập như: mây tre đan, trồng cây cảnh, móc sợi... Các địa phương đi đầu trong phát triển làng nghề là: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành và TP. Vinh. Đặc biệt, có những xã có rất nhiều làng nghề như: Nghi Thái (Nghi Lộc) có 10 làng nghề, Nghi Phong (Nghi Lộc) 4 làng nghề, Diễn Vạn (Diễn Châu) 3 làng nghề, Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) 3 làng nghề.
Các huyện miền núi cao cũng bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng làng nghề. Hiện Quỳ Châu đã xây dựng được 2 làng nghề được tỉnh công nhận, Kỳ Sơn 2 làng nghề, Tân Kỳ 1 làng nghề... Các làng nghề có sự phân bố khá rõ nét, như nghề chế biến nông sản thực phẩm tập trung ở vùng đồng bằng (làm tương ở Nam Đàn, làm bún, bánh, kẹo ở Vinh, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Đô Lương...). Nghề đóng tàu, thuyền ở Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Nghề mộc dân dụng - mỹ nghệ ở Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Nghi Lộc, Thanh Chương... Nghề chế biến hải sản phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò. Nghề khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng có ở hầu hết các huyện, nhất là Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp. Nghề khai thác đá phát triển mạnh ở vùng Quỳ Hợp.
Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, trước đây hầu như tự cung tự cấp, nhưng nay đã bắt đầu được đào tạo để phát triển với hơn 1.000 lao động, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Con Cuông. Hay nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có từ lâu đời ở các huyện: Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Diễn Châu..., hiện cũng đang được khôi phục và phát triển khá nhanh, trong đó nhiều địa phương như Diễn Kim (Diễn Châu) còn phát triển thêm nghề kéo tơ dệt đũi.
Hàng năm, giá trị sản xuất từ làng nghề, làng có nghề tăng từ 18-30%, chiếm tỷ trọng 20-30% trong giá trị CN- TTCN nông thôn. Nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững như: sản xuất mây tre đan xuất khẩu, chế biến hải sản, mộc mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và dâu tằm tơ... Riêng nghề mây tre đan, toàn tỉnh có hơn 40 làng nghề, tạo việc làm cho 1,8-2 vạn lao động, doanh thu mỗi năm trên 70 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu bình quân mỗi năm đạt hơn 3 triệu USD. Nhiều địa phương thoát nghèo nhờ phát triển làng nghề, điển hình là xã Nghi Thái năm 2005 là xã nghèo nhất huyện Nghi Lộc, với 31% hộ nghèo, nhưng hiện hầu như không còn hộ nghèo nào. Đáng mừng là chủng loại sản phẩm làng nghề rất đa dạng, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề ổn định sản xuất và giữ vững thị trường như sản phẩm mây tre đan của Công ty THHH Đức Phong, DNTN Phong Cảnh, sản phẩm xuất khẩu của Công ty CP mỹ nghệ, sản phẩm bột đá trắng của HTX TTCN Quyết Thành, tàu thuyền đánh cá, du lịch của Làng nghề Trung Kiên và Công ty Hải Châu, Làng nghề ngói Cừa của Tân Kỳ...
Đặc biệt, sự phát triển của làng nghề đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hình thành các quan hệ sản xuất mới, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông thôn. Tính đến 2009, toàn tỉnh đã có trên 6.800 doanh nghiệp, 790 liên hiệp HTX và HTX, 2.560 tổ hợp tác, trên 1.780 trang trại, gần 70% số doanh nghiệp, kinh tế tập thể hoạt động ở khu vực nông thôn, góp phần khai thác tiềm năng về nguyên liệu, lao động và các lợi thế khác, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tệ nạn, đảm bảo an sinh xã hội.
Phú Hương