Bài 1: Vướng mắc trong tiếp nhận

04/04/2012 16:19

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn của Thủ tướng Chính phủ, Công ty Điện lực Nghệ An đã triển khai tiếp nhận có hiệu quả, kịp thời. Tuy nhiên, sau tiếp nhận, ngành Điện đang đứng trước nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực...

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý được xem là một chủ trương đúng đắn, thể hiện được "ý Đảng, lòng dân". Đối với người dân nông thôn, được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước, trực tiếp được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đối với ngành Điện và Nhà nước, lưới điện sau khi tiếp nhận sẽ được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ sẽ giảm tổn thất điện năng, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, theo đó giảm áp lực trong việc đầu tư phát triển thêm các nhà máy điện.

Ngay sau khi có chủ trương, Điện lực Nghệ An đã lập đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt. Tính đến hết năm 2011, Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận tài sản, bán điện tận hộ cho 291 xã, cụm ngoài dự án, với 387.255 hộ được mua theo giá điện Chính phủ với trên 6.000 km đường dây hạ áp và tiếp nhận tài sản còn lại trị giá 90,07 tỷ đồng, ước vốn hoàn trả 78 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 122 xã do các tổ chức tại địa phương quản lý chưa được ngành Điện tiếp nhận. Trong đó, có 95 xã thuộc dự án Năng lượng nông thôn II (RE.II) và RE II mở rộng, 27 xã ngoài dự án đồng ý bàn giao nhưng chưa giao nhận, còn 8 xã vẫn chưa đồng ý bàn giao. Đó là các xã: Diễn Xuân (Diễn Châu); Phúc Thành, Hồng Thành (Yên Thành); Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu); Đông Hiếu (TX.Thái Hòa) và Hưng Xuân (Hưng Nguyên).



Khắc phục sự cố điện ở xã Châu Nga (Quỳ Châu). Ảnh: Ngọc Lan

Do các xã chậm bàn giao và không chịu bàn giao nên người dân ở những xã này phải chịu thiệt thòi, phải mua điện với giá cao nhưng chất lượng điện thấp. Nhiều hộ dân ở xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) phản ánh: Trong khi các xã kề bên như Hưng Lam, Hưng Phú chỉ phải mua điện với giá 606 đ/kWh thì họ phải mua với giá 1.395 đồng/kWh. Mua điện với giá gấp đôi nơi khác nhưng chất lượng điện không đảm bảo. "Muốn sử dụng nồi cơm điện thì 8h sáng trước khi đi làm đã phải cắm cơm cho bữa trưa. Vì quãng 10-11h, nhiều người dùng nên điện yếu không thể nấu nổi cơm. Điện thắp sáng cũng chập chờn lắm, dùng bóng nhỏ oát rồi nhưng vẫn không tải nổi. Nhà nào có tiền mua tủ lạnh, điều hòa, máy giặt cũng phải "đắp chiếu" vì không đủ điện mà dùng..." - ông Nguyễn Đình B. (xóm 3, xã Hưng Xuân) than phiền. Mặc dù Điện lực Hưng Nguyên, Phòng Công thương huyện và nhiều đoàn công tác của tỉnh, của huyện đã vào làm việc với HTX điện năng Hưng Xuân nhưng họ đều từ chối làm việc hoặc tỏ thái độ bất hợp tác. Nguyên nhân là do đang có nguồn thu, bán điện giá cao so với mặt bằng chung, đang có lãi nên không muốn bàn giao.

Trái với Hưng Xuân, xã Văn Sơn (Đô Lương) hiện "muốn bàn giao nhưng chưa được tiếp nhận" vì những năm trước, khi ngành Điện có chủ trương tiếp nhận, vận động xã bàn giao, thì HTX không chịu vì đang có lãi. Sau một thời gian lưới điện xuống cấp, thất thoát điện năng lớn, "thu không đủ bù chi" nên tìm cách "rút lui", giao lại cho Điện lực "giải quyết hậu quả". Bàn giao chậm nên ngành Điện không kịp bổ sung vào dự án vay vốn cải tạo, sửa chữa, do đó, người dân phải chấp nhận thiệt thòi: chất lượng điện kém nhưng giá cao.

Thêm vào đó, sau khi tiếp nhận, do thiếu nhân lực nên ngành Điện buộc phải thuê lại nhân công của HTX cũ. Một số người lợi dụng chủ trương, nhu cầu của người dân gây phiền nhiễu, bắt các hộ dân phải chi tiền để nhanh được cấp điện tại gia gây bất bình trong nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín của ngành Điện. Đơn cử như trường hợp ông Đậu Ngọc Lợi và ông Đổng Mạnh Hòa (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) đã tự ý thu tiền sai quy định của 12 hộ dân thuộc xã Sơn Hải khi các hộ dân này nhờ nộp hồ sơ xin cấp điện; một số trường hợp tại Điện lực Nam Đàn thu tiền của khách hàng sai quy định; hay nhiều người dân khối 2 và nhiều gia đình khác ở Thị trấn Lạt, ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ cũng đã phải bỏ kinh phí để xin được nối điện tại gia...

Điều đáng bàn, phần lớn lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ 20-30 năm trước đây, không đảm bảo an toàn, đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại. Các cột điện phổ biến là cột bê tông tự đúc, cột gỗ hoặc cây tre cao từ 3,5 đến 5,5 m, có nơi còn câu móc vào cây lâu năm, không bảo đảm an toàn. Thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi ngoài thị trường, không được kiểm định, không chính xác, nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Chất lượng điện không đảm bảo, có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, gây tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn rất cao. Do đó, sau khi tiếp nhận, gần như ngành Điện phải đầu tư lại từ đầu.
(còn nữa)


Duy Nam - Thảo Nhi

Mới nhất
x
Bài 1: Vướng mắc trong tiếp nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO