Bài 1: “Xã hội hoá” trong chăm lo cho người lao động
Người lao động được xem làlàlực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, là nhân tố quyết định sự phát triển của quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, sau khi Việt Nam gia nhập CPTPP và Luật Lao động cho phép thành lập tổtổchức đại diện người lao động, việc thu hút, giữ chân phát triển đoàn viên, người lao động trở thành nhiệm vụ sống – còn của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sáng tạo áp dụng bài học dân vận của Chủ tịch Hổ Chí Minh, tổ chức Công đoàn hoàn toàn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Bài 1:
"Xã hội hoá” trong
chăm lo cho người lao động
Chia sẻ hỗ trợ, chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn. Với nhiều cách thức tuyên truyền, vận động, huy động đóng góp nguồn lực từ đoàn viên, doanh nghiệp và tổ chức chính trị xã hội cũng như nguồn lực khác, Công đoàn Nghệ An đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình phúc lợi đem lại lợi ích thiết thực cho hàng vạn đoàn viên người lao động.
Những giá trị thiết thực - cụ thể
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trung thành, hết lòng vì nhân dân. Với tổ chức Công đoàn, chỉ khi tận tuỵ, trung thành, hết lòng, cán bộ công đoàn mới có thể đem đến những giá trị thật, những lợi ích thiết thực, cụ thể cho cho người đoàn viên, người lao động.
“40 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Mái ấm Công đoàn” mà Công đoàn Nghệ An trao tặng vô cùng quý giá đối với gia đình tôi. Tôi biết ở trong số tiền đó không chỉ là sự sẻ chia lá lành đùm lá rách của những đoàn viên người lao động giành cho những lao động có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi, mà còn là cả quá trình tuyên truyền vận động từ những cán bộ công đoàn, là tấm lòng, cái tâm của những người làm công đoàn. Giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố của côi đã thành hiện thực, giờ tôi đã yên tâm công tác, con cái có điều kiện sinh hoạt tốt hơn…” - anh Lô Văn Quý không giấu được xúc động khi phát biểu trong lễ trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn”.
Anh Lô Văn Quý là đoàn viên công đoàn UBND xã Hạnh Dịch, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Quế Phong. Tháng 9/2022, căn nhà của anh bị sập hoàn toàn do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 4 (Noru) gây ra. Là người dân tộc vùng sâu, vùng xa, vợ làm nghề nông nghiệp, nuôi con còn nhỏ, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của anh. Sau biến cố, không có nơi ở, gia đình anh phải đi ở nhờ người thân. Cuộc sống cả gia đình vô cùng khó khăn vất vả, với anh, giấc mơ về căn nhà mới lại quá xa vời. May mắn thay, Quỹ Mái ấm Công đoàn Nghệ An đã trở thành “cứu cánh” cho những đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn như anh Quý. Nắm được thông tin về hoàn cảnh gia đình anh Quý, Liên đoàn Lao động huyện Quế Phong đã động viên anh nỗ lực để thực hiện ước mơ về một ngôi nhà kiên cố… Từ 40 triệu đồng hỗ trợ của Quỹ Mái ấm Công đoàn, anh có động lực vay mượn thêm bạn bè, đồng nghiệp, sau hơn nửa năm khởi công, ngôi nhà chưa đầy 100 mét vuông hoàn thành đi vào sử dụng.
Những ngày tháng Tám, dù ngoài trời không khí nóng nực, nhưng bên trong nhà ăn của Công ty TNHH Wooin Vina (huyện Diễn Châu) bầu không khí vô cùng vui vẻ, thoải mái. 2000 công nhân lao động công ty phấn khởi không chỉ vì bữa trưa hôm nay có nhiều vị khách mặc áo xanh công đoàn cùng dự, mà còn vì bữa cơm hôm nay đặc biệt hơn thường ngày. Theo đó, trong chương trình “Bữa cơm Công đoàn” hôm nay, thay vì suất cơm 20 ngàn đồng như bình thường, mỗi công nhân được nhận một suất cơm trị giá 50.000 đồng, bao gồm: cơm canh, thịt gà luộc, thịt bò nấu súp, giò gói, đậu xào và một hộp sữa chua.
Anh Nguyễn Văn Tùng - đoàn viên Công đoàn của Công ty TNHH Wooin Vina, chia sẻ: “Được tham gia Chương trình “Bữa cơm Công đoàn”, tôi cảm thấy rất vui. Trước đó, từ chương trình “Giải nhiệt mùa hè”, chúng tôi cũng được hỗ trợ thêm thức uống dinh dưỡng mát lạnh. Không đơn thuần là những khẩu phần, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ phía công đoàn và ban lãnh đạo công ty khi triển khai các chương trình này. Từ đây, công nhân, lao động đều cảm thấy biết ơn và cố gắng nỗ lực hơn trong công việc".
Cũng với sự biết ơn, chị Nguyễn Thị Nguyệt - công nhân Công ty may mặc Trọng Phúc, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Bản thân tôi là phụ nữ nhưng do công việc bận rộn, kinh tế hạn hẹp nên ít khi chủ động thăm khám sức khỏe sinh sản. Mới đây, khi được tham gia chương trình Khám sức khỏe miễn phí do Liên đoàn lao động huyện Quỳnh Lưu và công ty đã tổ chức, tôi phát hiện ra mình có khối u trong tử cung. Sau khi khám, bác sỹ chương trình đã tận tình hướng dẫn tôi đi khám chuyên sâu để điều trị. Nếu phát hiện muộn thì không biết bệnh tình tôi sẽ thế nào. Từ tận đáy lòng, tôi rất biết ơn vì công đoàn đã tổ chức một chương trình rất thiết thực, ý nghĩa”.
Trong rất nhiều chương trình thiết thực do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, chương trình trại hè "Kết nối yêu thương" dành cho con công nhân, người lao động mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn đã để lại nhiều cảm xúc. Sau sự kiện, chị Phạm Thị Hải - công nhân may Công ty TNHH Wooin Vina không giấu được xúc động, thổ lộ: “Con gái tôi vốn rất quấn bố nên khi bố mất, cháu nhớ bố vô cùng. Từ một đứa bé mũm mĩm, cháu trở nên ốm yếu, ít nói, nhút nhát. Nhưng sau lần tiên xa nhà tham gia trại hè, cháu đã thay đổi rất nhiều. Con vui tươi, cởi mở, tự tin hơn, chủ động tâm sự với mẹ về chuyến đi, những thầy, cô giáo và bạn bè ở trại hè, những suy nghĩ của bản thân… Tôi vô cùng bất ngờ trước thay đổi này”.
Những câu chuyện, chia sẻ của anh Quý, anh Tùng, chị Nguyệt, chị Hải là những chi tiết nhỏ trong bức tranh lớn với hàng nghìn câu chuyện về những chương trình chăm lo cho đoàn viên, người lao động của Công đoàn Nghệ An. Đó cũng là “trái ngọt” từ mô hình dân vận khéo mà công đoàn Nghệ An đã triển khai nhiều năm qua.
Nhân lên sức mạnh
Trong bài báo“Dân vận” Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, với chức năng nhiệm vụ của tổ chức, Công đoàn Nghệ An đã áp dụng nhiều cách làm sáng tạo để nhân lên sức mạnh. Không chỉ trích từ kinh phí hoạt động thường niên, từ vị thế của mình, Công đoàn Nghệ An đã huy động nguồn lực xã hội hoá vào chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, công nhân, lao động.
Ông Nguyễn Văn Thục - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: “Để chương trình “Mái ấm công đoàn” thành công, các cấp công đoàn phải thường xuyên tuyên truyền, quán triệt để người lao động hiểu được ý nghĩa của chương trình, vận động đoàn viên người lao động tích cực tham gia. Công đoàn tỉnh cũng đã xây dựng tiêu chí quy định cụ thể rõ ràng giúp cho việc tiếp cận giải quyết hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, công tác tuyên truyền về trao tặng mái ấm công đoàn được truyền thông rộng rãi. Khi công nhân, lao động thấy được ý nghĩa của chương trình thì sẽ tham gia tích cực hiệu quả. Ngoài ra, Công đoàn tỉnh còn tranh thủ sự hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng vàng, Báo Lao động Trung ương, Quỹ mái ấm công đoàn các tỉnh thành khác để hỗ trợ xây mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn”.
Với mức hỗ trợ xây mới là 40 triệu đồng, sửa chữa là 20 triệu đồng, tính từ thời điểm ban hành Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị ngày 12/6/2021 đến nay, Quỹ Mái ấm Công đoàn đã giúp 280 căn nhà được xây mới và sửa chữa với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, 2 nhà bán trú cho giáo viên được xây dựng với số tiền 1 tỷ đồng. Sự quan tâm, hỗ trợ của công đoàn các cấp, người lao động hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm chỗ dựa, động lực để vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực lao động sản xuất, đóng góp xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Chương trình cũng đã góp phần thực hiện mục tiêu của phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Loạt chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với những ưu đãi miễn phí, giảm giá dành riêng cho đoàn viên, người lao động tại các hội chợ, điểm mua sắm, bệnh viện, phòng khám, các lớp ngoại khoá cho con công nhân, lao động… cũng là kết quả của sự kiên trì thương lượng, tuyên truyền, vận động của tổ chức công đoàn đối với các chủ doanh nghiệp. Những thông điệp “người lao động là tài sản quý giá”, “chăm lo cho người lao động là chăm lo cho doanh nghiệp” đã trở thành tinh thần chung trong tất cả các hoạt động. Từ năm 2019-2023 đã có 71 thỏa thuận về phúc lợi cho đoàn viên được ký kết với hơn 30.000 công nhân, lao động được thụ hưởng. Trong đó, tập trung các phúc lợi liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ tiêu dùng, giảm giá dịch vụ giao thông, nghỉ dưỡng…
Còn rất nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động khác mang “thương hiệu” của tổ chức Công đoàn với sự chung tay của nhiều đơn vị. Theo thống kê, các cấp Công đoàn Nghệ An đã hỗ trợ và huy động hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Trong 3 năm đưa Nghị quyết 02 vào thực tiễn, tổng kinh phí chi cho hoạt động “Tháng Công nhân” là gần 20 tỷ đồng; Tổng số tiền tổ chức các hoạt động “Tết Sum vầy” là hơn 77 tỷ đồng; Hỗ trợ 280 căn nhà "Mái ấm Công đoàn" với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng; Xây dựng 2 nhà bán trú cho giáo viên với số tiền 1 tỷ đồng; Chương trình “Vay vốn giải quyết việc làm” đã giải ngân 1,3 tỷ đồng…
Có thể nói, nhờ “dân vận khéo” công đoàn không chỉ phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của tổ chức mình mà còn huy động sự vào cuộc chung tay của doanh nghiệp, người lao động và nguồn lực của các tổ chức chính trị xã hội để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động. Từ đó vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định tôn vinh.