Bài 1: Xiêng Khoảng không xa...

30/11/2011 15:55

(Baonghean.vn) Theo đúng lời ước hẹn "gặp nhau vào đầu mùa khô" với Đại tá Hồ Trọng Bình, Đoàn trưởng Đoàn Quy tập hài cốt liệt sỹ, Tỉnh đội Nghệ An - ngày đầu trung tuần tháng 11, phóng viên Báo Nghệ An đã lên đường sang tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào để tìm hiểu cuộc sống và công việc của 144 cán bộ, chiến sĩ Đoàn quy tập tại đây... Xiêng Khoảng có diện tích 16.850 km2, cùng chung 198km đường biên giới với tỉnh Nghệ An, dân số khoảng 260 nghìn người. Cao nguyên Xiêng Khoảng hiện ra vừa như xa mà lại gần gũi lạ kỳ.

5h30 sáng, chúng tôi " tay xách nách mang" áo quần, máy móc tác nghiệp có mặt tại Bến xe Vinh để kịp chuyến xe ca duy nhất hàng ngày đi Xiêng Khoảng, xuất bến vào lúc 6h. Mùa đông, mặt trời lên muộn, dưới ánh sáng nhá nhem trước bình minh, anh lơ xe người Lào nhanh nhảu, nhiệt tình bốc xếp đủ thứ hàng hóa, hành lý lỉnh kỉnh và mời khách lên xe bằng giọng việt lơ lớ, nghèn nghẹt trong cổ. "Người Việt, người Lào, người Nhật, Châu Âu, ai cũng như ai, 280 nghìn đồng/vé/người và miễn trả giá" - anh chủ xe người Việt, Nguyễn Văn Quý (sau này mới biết tên) miệng vừa nói, tay vừa ghi giá tiền lên miếng giấy. Như biết chúng tôi lần đầu tiên xuất ngoại, Quý khuyên mọi người tranh thủ ăn sáng, bởi đường sẽ rất dài và khó đi.



Một góc Thị trấn Phon sa van

Chuyến lữ hành quốc tế Việt - Lào khởi hành đúng lịch trình, trên chiếc xe 40 chỗ ngồi này mới vỏn vẹn 9 người. Đường quen, tuyến cũ, xe rì rì đưa mọi người cùng một lượng lớn hàng hóa chất dưới cốp, trên nóc, chạy ngược về phía Bắc. 7 giờ sáng, tại Ngã ba Diễn Châu, xe đón thêm 15 hành khách khác đã đặt chỗ từ trước lên ngồi, rồi theo Quốc lộ 7 hướng về Cửa khẩu Nậm Cắn... Mỗi người một tâm trạng, người ngủ, người thức, người nhìn xa xăm cảnh vật bên đường đăm chiêu. Bắt chuyện cùng anh bạn ngồi cạnh vừa quen, gia đình ở xã Diễn Tháp, được biết: Khoảng hơn chục năm trở lại đây, người dân huyện Diễn Châu nói riêng và người dân tỉnh ta nói chung qua Xiêng Khoảng làm ăn rất đông, với đủ mọi loại nghề, từ buôn bán nhỏ lẻ, mở hàng quán, thợ mộc, thợ mỏ đến làm chủ thầu xây dựng... Tính riêng ở các huyện như Mường Kham, Nọng Hét đã có gần 2.000 người Việt làm ăn sinh sống, phần lớn tập trung ở Thị xã Phon sa van - tỉnh lỵ của Xiêng Khoảng. Tình cảm Việt - Lào sâu nặng, người Lào rất quý người Việt nên việc làm ăn khá thuận lợi, có nhiều người khấm khá đã mở nhà hàng, mua được xe, đưa cả gia đình sang, ở quê thì làm nhà cao tầng kiên cố, làm bên Lào cả năm có khi đến Tết Nguyên đán mới về một lần. Nhưng cũng có người sang không chấp hành tốt pháp luật bạn nên đã bị phạt hành chính, đuổi về...



Chợ Thị trấn Muang Kham

Đường xa ngái, hành khách trong xe tán chuyện tếu táo cùng nhau về những khác biệt giữa phong tục tập quán của Lào và Việt, những địa danh đến chuyện làm nghề, chuyện luật pháp ở nước bạn...

Sau khi ăn trưa tại một quán quen của nhà xe ở Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương, chuyến lữ hành quốc tế Việt - Lào đến Cửa khẩu Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn vào lúc 14h chiều - vừa đúng giờ thông quan. Lúc này, hai phía của cửa khẩu đã có rất nhiều xe nối đuôi nhau thành hàng chờ làm thủ tục qua biên giới, và hầu hết là các xe chở nông - thương phẩm của hai nước. Không phải đợi lâu, thủ tục xuất, nhập cảnh, kiểm tra hộ chiếu, giấy thông hành được các chiến sỹ biên phòng, hải quan hai nước giải quyết nhanh chóng.

14h30, xe chúng tôi đã ở trên đất bạn Lào... Cao Nguyên Xiêng Khoảng bây giờ là mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch), trời xanh cao vời vợi, nắng mật o­ng rải khắp núi rừng, hòa trong cái lành lạnh của vùng đất có độ cao từ 1500 -2000m so với mực nước biển. Con đường nhỏ chỉ vừa cho hai chiếc ô tô tránh nhau nối từ Cửa khẩu Nậm Cắn đến Thị xã Phon sa van dài 130km, quanh co, vắt vẻo qua những sườn đồi, triền núi, xuyên qua những bản làng của người Lào Xủng, Lào Lùm, Lào Cang, Thái đen.

Giống như Sa Pa, Tam Đảo và Đà Lạt, Xiêng Khoảng đang trong những ngày đẹp nhất của năm. Từ các thung lũng xa kéo đến bên vệ đường là bạt ngàn hoa, mênh mông màu vàng của dã quỳ, điểm xen màu đỏ của hoa trạng nguyên, lớt phớt hồng những đóa đào nở sớm và màu tím hoa dại. Xa xa, những quả đồi trọc trơ lộ màu đất đỏ - không rõ có phải vì do bom đạn chiến tranh hay do nạn khai thác gỗ bừa bãi gây nên? Và còn màu đất kia đỏ au đến thế có phải do thấm máu thịt của bao chiến sỹ Pa thẹt Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam? (Xiêng Khoảng là căn cứ của các lực lượng yêu nước và cách mạng Lào trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Xiêng Khoảng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Riêng tại cao nguyên này, đã có hơn 13.000 chiến sỹ bộ đội tình nguyện Việt Nam anh dũng hy sinh. Qua 17 năm làm công tác quy tập, đến nay có hơn 11.000 phần mộ liệt sỹ được tìm thấy và vẫn còn gần 2000 phần mộ các bác, các anh nằm rải rác đâu đó nơi vùng rừng núi này, chờ ngày trở về Đất Mẹ).

Kéo tấm cửa kính che gió núi lùa vào, anh phụ xe người Lào nói như than thở: "Mấy năm nay thời tiết thay đổi nhiều quá, khi nóng thì nóng hơn, khi lạnh thì lại lạnh hơn. Có con suối ngày trước lội ngang ngực, giờ chỉ đến bắp chân". Xe chúng tôi đi qua những bản làng, phố chợ. Cũng những căn nhà gỗ trệt thấp, nhà sàn, nhà gạch hai tầng, hàng quán tạp hóa, những lũy tre bên nhà, cây ăn quả trước ngõ, tán dừa phía sau... Gần như không có gì khác biệt so với những làng quê xứ Nghệ thân thương. Qua mỗi bản đều có biển đề tên bằng hai thứ tiếng Lào và Việt. Các trường học đều sát đường, những học sinh nam áo quần chỉnh tề, học sinh nữ xúng xính váy thả bộ, đạp xe chậm rãi sau giờ tan học (Buổi học ở Xiêng Khoảng bắt đầu vào lúc 8h sáng và tan học vào lúc 3h chiều). Những hình ảnh thân quen ở Xiêng Khoảng hình như đã xua tan đi mọi cái bỡ ngỡ, lo ngại ban đầu của những người Việt "chân ướt, chân ráo" vừa sang như chúng tôi.

Xe đưa chúng tôi đến thị xã tỉnh lỵ của Xiêng Khoảng lúc 18h chiều, đúng vừa tròn 12 tiếng đồng hồ cho quãng đường dài khoảng 410 km từ Vinh sang. Phon sa van hiện ra với những con phố dài sạch sẽ, lưu lượng xe trên đường không nhiều. Nhà cửa hầu hết là nhà xây kiên cố 1, 2 tầng, mặt trước làm hàng quán. Nhìn các tên biển, bảng hiệu các quán đề bằng nhiều thứ tiếng cho biết số lượng người Việt ở thị xã này buôn bán khá đông. Vừa bước xuống xe, đã có những chiếc xe tuk tuk chạy tới mời chào bằng cả tiếng Lào lẫn Việt. Được dặn dò chu đáo từ trước bởi những đồng hương, bạn Lào trên xe, việc đầu tiên của chúng tôi là bước vào một hàng quán bất kỳ của người Việt để đổi tiền, 1 đồng Kíp bằng 2,75 Việt Nam đồng. Tiếng Nghệ "chặt to, kho mặn" hỏi thăm nhau vang dài cả góc phố, khiến mấy du khách Châu Âu đi qua giật mình, ngoảnh lại, ngơ ngác, mỉm cười... Việc cần làm thứ hai là mua ngay một chiếc sim trị giá 10 nghìn Kíp, một chiếc thẻ điện thoại có mệnh giá nạp tương ứng để liên lạc. Vừa gọi cho Đoàn trưởng Đoàn quy tập, quay lại đã thấy anh bạn cùng đi mặt mày nhăn nhó: "Cước đắt quá, gọi về Việt Nam 2.000 kíp/phút". Kiểm tra tai khoản mình, thấy mất đi 1.800 kíp cho 2 phút gọi nội mạng. Chị bán hàng người Việt tên Hoan, quê ở Yên Thành cho hay: "Ở Lào, giá các mặt hàng, dịch vụ thì cao gấp đôi ở Việt chú ạ!".

Cơm nước xong xuôi, xe của Đoàn quy tập vừa đi nhận những lá thư, bưu phẩm từ xe ca của người thân gửi qua cho các chiến sỹ đã đến đưa chúng tôi về trụ sở chỉ huy của Đoàn. Trụ sở là một dãy nhà mái bằng mà Trường Đảng tỉnh Xiêng Khoảng tạo điều kiện cho Đoàn mượn ở, chỉ cách trung tâm thị xã chừng 1 km và Cánh đồng Chum chừng 3 km đường chim bay... Đón chúng tôi, bên bát nước chè chát sánh, Đoàn trưởng Đại tá Hồ Trọng Bình giọng trầm ấm nhiệt thành thăm hỏi tình hình chuyến đi, đồng thời thông báo vắn tắt những kết quả mà Đoàn bước đầu làm được trong mùa khô này: Đoàn công tác sang Xiêng Khoảng từ đầu tháng 10, gồm 144 chiến sỹ, qua 2 tuần đầu trinh sát, Đoàn đã chia làm 9 mũi công tác đi về các huyện để làm công tác quy tập. Đến nay, Đoàn đã tìm được và cất bốc 56 phần mộ của các bác, các anh. Chỉ tiêu nhiệm vụ của Đoàn đợt công tác mùa khô này là cất bốc 60 phần mộ, nhưng anh em chúng tôi cố gắng vượt 200% chỉ tiêu, bởi chúng tôi biết, nhiều người thân của các liệt sỹ không còn có nhiều thời gian để chờ đợi....

Đêm cao nguyên kéo sương mù về giăng Phon sa van, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 150C, nhưng trong chúng tôi đêm vẫn ấm áp lạ kỳ, có lẽ bởi những gặp gỡ với nhiều đồng hương trên đất nước bạn, bởi tấm lòng hiếu nghĩa của những chiến sỹ Đoàn quy tập đang lặn lội trong rừng sâu tìm đồng đội của mình... Xiêng Khoảng không xa mà rất gần, đồng điệu trong tâm hồn, cách sống, cách nghĩ của người Lào - người Việt, của tình hữu nghị hai dân tộc anh em đời đời bền chặt. Và hơn hết, nơi đây còn có những người đi trước đã ngã xuống vì hòa bình, no ấm của cao nguyên này.


Thành Chung

Mới nhất
x
Bài 1: Xiêng Khoảng không xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO