Bài 1: Yêu cầu bức thiết

15/07/2013 18:42

(Baonghean) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhằm đạt hiệu quả cao hơn là vấn đề Nghệ An đã quan tâm thực hiện và đạt được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hai lúa đạt hiệu quả cao hơn, rất cần có chủ trương và giải pháp tổng thể.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành chia sẻ: Thời kỳ “thịnh” nhất, Yên Thành có trên 5 nghìn ha ngô đông, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 2 nghìn ha, trong khi toàn huyện có tới 6- 7 nghìn ha đất 2 lúa có thể trồng ngô rất tốt. Với trên 26 nghìn ha lúa, hàng năm sản lượng lúa của huyện Yên Thành đạt tới 180- 200 nghìn tấn, xấp xỉ 1/5 tổng sản lượng lương thực của tỉnh.

Với số dân 285 nghìn người, lượng thóc dư thừa trên đia bàn khá lớn. Những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2010, người nông dân rất khó tiêu thụ lúa, đặc biệt với những diện tích gieo cấy các giống lúa lai chất lượng gạo thấp. Qua nhiều vụ, ở mỗi hộ dân, lượng thóc ứ thừa lại nhiều thêm. Trong khi đó, ngô hiện là sản phẩm dễ tiêu thụ hơn lúa, hiệu quả cũng khá cao nhưng diện tích lại không nhiều. Bởi vậy, trong thời gian tới, chủ trương của huyện là tập trung mở rộng diện tích ngô đông. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao như rau màu, đậu đỗ, cỏ ngọt, mía và đặc biệt là sản xuất nấm.

Một điều dễ nhận thấy, Nghệ An vẫn là một trong những địa phương có điều kiện chuyển đổi và cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, kể cả những diện tích đất sản xuất lúa tốt, nếu muốn nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Nếu trước đây chúng ta còn phải lo về vấn đề an ninh lương thực, thì hiện nay, với sản lượng thóc hàng năm đạt trên 900 nghìn tấn, dân số hiện trên 3 triệu người và dự báo đến năm 2020 là 3,6 triệu người, nhu cầu thóc hàng năm chỉ khoảng 800- 850 nghìn tấn, tương đương 450- 500 tấn gạo. Trong khi đó, hiện diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả của chúng ta vẫn còn khá lớn, tập trung ở các vùng trung du, miền núi thấp và các diện tích thấp trũng ở đồng bằng.

Hiện nay, tổng diện tích đất trồng lúa của Nghệ An là 105.151 ha, trong đó gần 88 nghìn ha đất chuyên trồng lúa nước (đất 2 lúa) và trên 11 nghìn ha đất một lúa- một màu. Với những đặc thù về điều kiện khí hậu, nguồn nước, chúng ta không có những thuận lợi như nhiều tỉnh miền Nam và các tỉnh đồng bằng phía Bắc trong sản xuất lúa.



Chăm sóc lúa hè thu.

Ở cả 3 vụ lúa trong năm, mỗi vụ sản xuất có những khó khăn nhất định. Sản xuất vụ xuân thường gặp rét đậm, rét hại đầu vụ; vụ hè thu (sản xuất trên vùng chủ động nước) thường bị hạn đầu vụ và mưa lụt cuối vụ, đặc biệt trong đó có khoảng 2.000 ha chỉ cần mưa trên 100 ly là bà con nông dân coi như đã trắng tay. Trong khi đó, một diện tích sản xuất lúa khá lớn lại thường bị hạn hán, hiệu quả bấp bênh, nằm rải rác ở nhiều huyện như Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Yên Thành…; còn trong sản xuất vụ mùa thì ngoài lúa rẫy, có khoảng 1/3 diện tích phụ thuộc nước trời, rất khó khăn vì thường xuyên gặp hạn khi gieo cấy.

Với những điều kiện như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn là rất cần thiết. Theo tính toán, con số lãi 30% trong sản xuất lúa chỉ có thể đạt được ở những diện tích đất phù sa màu mỡ và chủ động nước, còn những diện tích đất sâu, nguồn nước bấp bênh thì con số này là không thể có.

Theo một báo cáo mới nhất của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, giá các loại vật tư đầu vào tăng làm thu nhập của nông dân giảm. Không những thế, hiện nhu cầu nhập gạo của một số thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của chúng ta như Philippines, Indonesia giảm khá mạnh do năng lực tự túc gạo trong nước tăng lên, đồng thời một số nước xuất khẩu gạo có sản lượng lúa tăng như Thái Lan, Ấn Độ, Myanma… đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Sản xuất lúa gạo đang gặp khó khăn cả về giá bán và thị trường tiêu thụ.

Trong khi đó, với năng suất khá ổn định, có thể đạt từ 9- 10 tấn/ha, ngô lại là loại sản phẩm tiềm năng khi mà thị trường rất rộng lớn. Việc thâm canh cây ngô cũng rất dễ, ít mất do úng ngập dù ở bất kỳ vụ sản xuất nào. Ngoài ra, các loại cây trồng khác như mía, lạc, rau màu các loại... cho hiệu quả kinh tế rất cao nếu được quy hoạch đúng vùng đất phù hợp và thực hiện đồng bộ các giải pháp về áp dụng tiến bộ KHKT.

Theo ông Nguyễn văn Lập (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), với diện tích đất nông nghiệp hiện nay, nếu làm tốt, chúng ta có thể bố trí khoảng 25 nghìn ha sản xuất vụ đông, đem lại nguồn thu rất lớn. Hiện tại, toàn tỉnh mới có trên 10 nghìn ha cả ngô, đậu tương và rau màu.

Theo nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp, để có thể đạt hiệu quả cao, cần phát động lại phong trào trồng ngô vụ 3 thành vụ sản xuất chính. Những năm 2005- 2006, chúng ta đã đạt được con số 50- 60 nghìn ha ngô vụ đông trên toàn tỉnh, nhưng vụ đông năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 7 nghìn ha ngô vụ đông trên đất 2 lúa. Nếu chuyển đổi, vận động tốt, chỉ cần mỗi huyện đồng bằng có 1- 2 nghìn ha ngô, hàng năm, chúng ta đã có một sản lượng ngô đông không nhỏ.

Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng nhất, nhì cả nước, với số trâu, bò trên 750 nghìn con, lợn trên 1,2 triệu con và gia cầm trên 15 triệu con, nhu cầu về nguồn thức ăn chăn nuôi hàng năm của chúng ta rất lớn.

Không những thế, hiện các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn tỉnh như Con heo vàng, Gorden Star hiện vẫn đang chủ yếu nhập nguyên liệu từ ngoài vào. Trong tình hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và ít ỏi như hiện nay, để ngô, sắn Nghệ An có thể cạnh tranh nổi trong thị trường đầy tiềm năng này, việc chuyển đổi để có vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn là cực kỳ cần thiết.

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả ở các tỉnh phía Bắc, nhằm mục đích cân đối lại sản xuất theo hướng sản xuất các loại sản phẩm mà thị trường đang cần. Với Nghệ An, đây được coi là một chủ trương hợp lý, giúp chúng ta có những bước đi nối dài những gì đã làm được thời gian qua trong phát triển sản xuất nông nghiệp

Hàng năm, nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn ngô hạt, khoảng 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương, 600 nghìn tấn hạt đậu tương phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Tại Nghệ An, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như Gorden Star, Con heo vàng… cũng đang chủ yếu phải nhập nguyên liệu từ ngoài vào, tạo một “lỗ hổng” lớn trong khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp nội tỉnh. Tăng diện tích ngô vụ đông và trên đất lúa được coi là một “cú hích” quan trọng trong chuyển đổi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như phù hợp với nhu cầu thị trường.

(Còn nữa)


Phú Hương

Mới nhất
x
Bài 1: Yêu cầu bức thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO