Bài 2: 5 mục tiêu xuyên suốt

04/11/2013 17:58

(Baonghean) - Mục tiêu có tính tổng quát, xuyên suốt quá trình xây dựng nông thôn mới của Trung Quốc được cụ thể hoá trong Văn kiện số 1 của Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 2/2006 và trong Cương yếu Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc tháng 3/2006, gói gọn 20 chữ: "Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, xóm làng văn minh, thôn xã gọn gàng, quản lý dân chủ".

1) Sản xuất phát triển là mục tiêu có tính cơ sở vật chất của xây dựng nông thôn mới XHCN, là yếu tố then chốt để thực thi 4 mục tiêu còn lại. Bản chất của Sản xuất phát triển là hiện đại hoá, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân; phát triển kinh tế thị trường nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; an toàn chất lượng nông phẩm. Đây còn bao hàm ứng dụng KHKT vào nông nghiệp, phát triển ngành nghề mới ở nông thôn, đưa nông dân thích ứng với trình độ mới của nông thôn hiện đại...

Để làm tốt mục tiêu Sản xuất phát triển, Trung Quốc hiện nay tập trung vào 2 vấn đề lớn: Một là đảm bảo cung cấp hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp, chú trọng an toàn về chất lượng và số lượng sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu "ăn" của nông dân; đảm bảo cung ứng đủ các loại giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt; Hai là phát triển các ngành nghề thuộc nhóm thứ 2 và nhóm thứ 3 ở nông thôn, hướng đến công nghiệp hoá nông thôn và thành thị hoá nông thôn, giảm chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Theo các chuyên gia Trung Quốc thì nhóm ngành nghề thứ nhất thuộc về lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nghề phụ. Nhóm ngành nghề thứ hai thuộc về lĩnh vực công nghiệp, bao gồm công nghiệp khai khoáng, chế tạo, điện nước... Nhóm ngành nghề thứ ba (ngoài nhóm ngành nghề 1 và 2) liên quan đến vấn đề lưu thông và dịch vụ.

2) Đời sống sung túc, mục tiêu phản ánh chất lượng cuộc sống nông dân trong kiến thiết nông thôn mới. Tiêu chuẩn mà Trung Quốc đưa ra là đến năm 2020 thu nhập bình quân người nông dân không thấp hơn 6000 tệ/năm (tính ra tiền Việt hiện nay khoảng 21 triệu đồng) và bình quân thu nhập mỗi năm tăng không dưới 5%. Người nông dân vừa là chủ thể, cũng là người trực tiếp hưởng lợi ích từ thành quả kiến thiết nông thôn mới. Thông qua thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân; giải quyết tốt vấn đề ăn - mặc - ở - đi lại, tạo cho họ cuộc sống vui vẻ, lạc quan. Muốn vậy cần chuyển dịch sức lao động nông thôn, thông qua giáo dục bồi dưỡng, nâng cao tố chất văn hoá, khoa học kỹ thuật, tạo lợi ích công bằng, tăng cường đào tạo nghề, phát triển bảo hiểm nông dân...

3) Xóm làng văn minh là cơ sở tư tưởng, là mục tiêu xây dựng văn minh tinh thần trong kiến thiết nông thôn mới, bao gồm các mặt như văn hoá, phong tục tập quán, pháp chế, trị an xã hội, bảo đảm đời sống văn hoá phong phú. Điều chỉnh các yếu tố văn hoá làng xã phát triển phù hợp với kinh tế - xã hội trong điều kiện mới. Tăng cường giáo dục, xây dựng người nông dân kiểu mới giỏi sản xuất, hiểu biết KHKT, thành thạo kinh doanh sản xuất kinh tế thị trường. Đồng thời còn tạo sự đoàn kết gắn bó, sống có tình có lý giữa các thành viên trong thôn xóm, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, xoá bỏ sinh hoạt văn hoá lạc hậu.

Xóm làng văn minh bao gồm văn minh về phương thức sinh hoạt, văn minh về hành vi đạo đức và văn minh về tục lệ nếp sống. Muốn tạo được thôn làng văn minh, mấu chốt là giáo dục người nông dân mới, phát động phong trào nông thôn xây dựng cuộc sống mới, cải cách tác phong cán bộ cấp thôn xóm, tăng cường vai trò hoạt động tổ chức cơ sở, đặc biệt là cơ sở đảng và Hội nông dân.

4) Thôn làng gọn gàng là mục tiêu biểu tượng hoá về cảm quan trực tiếp trong kiến thiết nông thôn mới. Thực chất là xây dựng bộ mặt nông thôn theo hướng cải thiện vệ sinh môi trường sinh thái; quy hoạch hợp lý cơ sở hạ tầng nông thôn bao gồm điện nước, đường sá, mạng thông tin, xử lý chất thải...; thực hiện sản xuất và sinh hoạt sạch theo hướng "4 cải tạo" (nước, nhà vệ sinh, bếp núc, chuồng trại chăn nuôi) và xử lý tốt vấn đề rác thải.

5) Quản lý dân chủ là mục tiêu về chế độ tổ chức nông thôn. Đó là kiện toàn, hoàn thiện chế độ hoạt động các tổ chức cơ sở ở thôn dân, tạo quyền làm chủ của người nông dân và trao quyền tự quyết cho tổ chức ở thôn xóm, giảm bớt can thiệp của trên cấp thôn xóm; tôn trọng lắng nghe ý kiến của nông dân, tạo cơ hội để họ bàn bạc, hiến kế xây dựng quê hương...

Để thực thi 5 mục tiêu nêu trên, Trung Quốc liên tục đưa ra những giải pháp nhằm cụ thể hoá lộ trình, xác định trọng điểm, vạch bước đi và những nguyên tắc xây dựng nông thôn mới.

Lê Đức Hoàng (Khoa Sử - ĐH Vinh)

Mới nhất
x
Bài 2: 5 mục tiêu xuyên suốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO