b2-cover.jpg
Xã hội

Bài 2: Hành trình không dừng bước

Thanh Quỳnh 29/06/2024 15:54

Với hành trang là ba lô trên vai, đầu đội mũ tai bèo, tay mang dụng cụ đào bới, những người lính quy tập rời xa gia đình, quê hương hàng tháng trời để thực hiện nhiệm vụ. Nhận thức rõ đó là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là tâm tư tình cảm nguyện vọng tha thiết của cả dân tộc nên họ đã bất chấp thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, ăn rừng ở lán để thu thập thông tin, tìm kiếm, cất bốc các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Tất cả đều đồng lòng viết nên một hành trình không dừng bước…

NGƯỜI ĐI TÌM LIỆT SĨ
LẠI TRỞ THÀNH… LIỆT SĨ

Cho đến bây giờ, chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1969) vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ về người chồng của mình. Anh là Hoàng Văn Quang (SN 1964) – Liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quy tập tại Lào năm 2004. Là người con của mảnh đất Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, anh Quang mang trong mình một tính cách khẳng khái và tinh thần kiên cường đặc trưng của người dân biển. Vì vậy, trong quá trình gắn bó với công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, anh đã dành trọn tâm huyết để vượt qua mọi khó khăn, chỉ với tâm nguyện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Vào năm 2004, trong quá trình đào bới đất đá trên dãy núi cao thuộc tỉnh Xiêng Khoảng để tìm hài cốt liệt sĩ thì một cơn mưa lớn ập đến. Anh vừa di chuyển về chỗ trú, không may bị sét đánh trúng người và ra đi mãi mãi. Đồng đội đưa anh về mà ruột gan đau nhói, bởi vừa mới còn đây, anh còn trò chuyện, còn hăng say làm việc nay đã nằm yên bất động. Anh đi tìm liệt sĩ nhưng cuối cùng lại trở thành liệt sĩ trên đất bạn.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về với đất mẹ
Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về với đất mẹ. Ảnh: Đội Quy tập - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cung cấp

Đó không chỉ là nỗi mất mát duy nhất mà các chiến sĩ thuộc Đội Quy tập phải trải qua, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có 9 đồng chí hi sinh và 13 đồng chí bị thương, 26 đồng chí bị bệnh hiểm nghèo, mang trên mình di chứng bệnh tật suốt đời. Về phía nước bạn Lào, đã có 5 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí bị thương. Thế nhưng, vượt lên tất cả với lời thề hẹn ước đưa các liệt sĩ về với quê hương, các cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập lại vững bước lên đường.

NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG

“Không phải lúc nào quá trình quy tập cũng có được những kết quả như đã lên kế hoạch. Thậm chí chúng tôi còn đối mặt với thất bại nhiều hơn là thành công” - Thiếu tá Dương Đức Nhân (SN 1984) - nhân viên quy tập, Đội Quy tập - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Thông tin danh tính liệt sĩ được tìm thấy trong quá trình cất bốc hài cốt liệt sĩ
Thông tin danh tính liệt sĩ được tìm thấy trong quá trình cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Anh tiếp lời bằng câu chuyện mà mình vừa trải qua về cuộc tìm kiếm kéo dài 10 ngày từ 31/3-10/4/2024. Thời điểm đó, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhận được thông tin của một cựu binh quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, từng chiến đấu và chôn cất 3 đồng đội hy sinh tại Lào. Ông cho biết, địa điểm mà mình chôn cất các đồng đội nằm ở địa bàn xã Thơm Lửng, huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào.

Có thông tin quý giá, Đội Quy tập cử 1 tổ 9 đồng chí đưa ông tới địa điểm trên để tiến hành các công đoạn tìm kiếm. Tuy nhiên, sau 5 ngày xẻ núi, lăn đá tìm kiếm đồng đội vẫn không thể tìm được. Bởi địa hình tìm kiếm trong thời gian dài đã bị mưa lũ xói mòn, bồi đắp nên thay đổi rất nhiều hoặc không còn dấu vết nên dường như các nhân chứng rất khó để xác định một cách chính xác. Và đó cũng chỉ là một trong rất nhiều thất bại mà các cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập phải trải qua.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập phải ăn lán, ngủ rừng, làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, vất vả2
Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập phải ăn lán, ngủ rừng, làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, vất vả. Ảnh: Đội Quy tập - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cung cấp

Thời gian đã quá lâu đồng nghĩa với công tác quy tập mộ liệt sĩ đã khó nay lại càng khó khăn hơn. Những thông tin về vị trí, địa điểm, địa hình ngày một thay đổi do thời gian, thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, hoặc do người dân canh tác nương, rẫy trong nhiều năm qua, nên các phần mộ bị trôi đi hoặc bị san phẳng không còn dấu vết. Có những vị trí do cây rừng phát triển lớn cổ thụ và quá rậm rạp không giống với sơ đồ đã được cung cấp, hoặc ở hang núi đá bị bom đánh sập vùi lấp hàng ngàn tấn đất đá. Trong lúc nhân chứng sống cũng đã già, yếu không còn đủ trí lực để nhớ được chính xác nơi chôn cất các liệt sĩ. Trong khi nơi các liệt sĩ nằm lại ở chiến trường thường là những vùng đồi núi hiểm trở, phức tạp, đường sá đi lại rất khó khăn, đèo cao vực sâu vô cùng hiểm trở. Để thực hiện được công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ chủ yếu phải hành quân bộ, có khi cả hàng trăm km, nhiều nơi còn bom mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh nên gặp vô vàn nguy hiểm

“Hành trang” chúng tôi mang theo là một vài nhu yếu phẩm cần thiết, chiếc võng, cái cuốc, cái xẻng, đắc lực nhất là sức người, là nghĩa tình đồng đội với người đã ngã xuống. Có nhiều phần mộ phải tìm kiếm từ năm này sang năm khác, cũng có khi phải đào sâu 2 - 3 mét với hàng trăm m3 đất đá bằng công cụ thô sơ mới tìm đúng nơi các liệt sĩ bị vùi lấp.

Một bữa ăn được nấu tạm bợ giữa rừng.
Một bữa ăn được nấu tạm bợ giữa rừng. Ảnh: Đội Quy tập - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cung cấp

“Những lúc tìm kiếm phát hiện thấy phần mộ liệt sĩ, anh em chúng tôi mừng rơi nước mắt, bùi ngùi xúc động, có những phần mộ chỉ còn ít mẩu xương hay mảnh vải, mảnh tăng bộ đội Việt Nam chứ chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ và các thông tin khác. Thế rồi anh em chúng tôi lại mỗi người một việc hết sức cẩn thận từng bước lấy từng lớp đất đá nhỏ để khai quật hài cốt, vệ sinh bằng cồn, đo đạc, ghi chép cụ thể tỉ mỉ từng mẩu xương và di vật làm sao bảo đảm phần hài cốt được nguyên vẹn nhất có thể, vì đó là hồn cốt, là máu thịt của các anh hùng liệt sĩ. Phải chăng đó là sức mạnh tinh thần để chúng tôi cùng nhau vượt khó thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng mà mình được giao phó”, Thiếu tá Dương Đức Nhân trải lòng.

VIẾT TIẾP HÀNH TRÌNH KHÔNG MỎI

Thượng tá Chế Ngọc Hà, Đội trưởng Đội quy tập, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An chia sẻ, song song với nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đội K72 luôn chú trọng công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại nhân dân và làm dân vận theo tinh thần “mỗi cán bộ, chiến sĩ là một sứ giả văn hóa hòa bình”. Cán bộ, chiến sĩ Đội K72 luôn giữ vững mối quan hệ đoàn kết với chính quyền, ban chuyên trách, lực lượng vũ trang và nhân dân nước bạn. Tăng cường bám sát địa bàn, Đội Quy tập đã chia nhỏ, bám sâu, thực hiện tốt 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào” để hòa nhập và hiểu biết về phong tục tập quán, nắm chắc tình hình an ninh chính trị của địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hỗ trợ người dân nước bạn Lào trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hoạch vụ mùa
Cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hỗ trợ người dân nước bạn Lào trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hoạch vụ mùa. Ảnh: Đội Quy tập - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cung cấp

Đồng thời, Đội cũng đã phối hợp đẩy mạnh thực hiện Đề án giúp lực lượng vũ trang nước bạn tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tặng quần áo cho nhân dân với hơn 4.300 lượt người; thăm hỏi tặng quà, giúp dân thu hoạch hàng trăm héc ta nương rẫy; vệ sinh đường làng, tu sửa nhà văn hóa cụm bản, nhà ở cho dân.

Những việc làm cụ thể trên đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội giúp nhân dân các tỉnh bạn ổn định cuộc sống, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào nói chung và tỉnh Nghệ An với Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Sổm Bun nói riêng. Đó là điểm tựa tạo nên sự tin tưởng để lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh nước bạn trong việc dẫn đường, bảo vệ, cung cấp thông tin các phần mộ liệt sĩ một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Một bản làng nước bạn Lào
Một bản làng nước bạn Lào. Ảnh: Đội Quy tập - Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cung cấp

Chỉ tính riêng mùa khô 2023 - 2024 Đội Quy tập, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã tiến hành khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập được 87/80 hài cốt liệt sĩ, đạt 108,7% kế hoạch, trong đó địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng quy tập được 75/71 hài cốt, đạt 105,6%; địa bàn tỉnh Viêng Chăn quy tập được 3/3 hài cốt, đạt 100%; địa bàn tỉnh Xay Sổm Bun quy tập được 9/6 hài cốt, đạt 150%.

Sau những nỗ lực đó, năm 2021 Đội Quy tập đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng 3, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào cùng UBND 4 tỉnh (Nghệ An, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Sổm Bun) tặng Bằng khen nhiều năm liên tục.

Hành trình 40 năm qua của Đội Quy tập sẽ tiếp tục được nối dài, bởi biết bao gia đình vẫn đau đáu nỗi niềm khôn nguôi khi người thân vẫn nằm lại chiến trường, chưa được trở về với đất Mẹ. Những đôi chân của cán bộ, chiến sĩ sẽ cùng nhau tiến lên phía trước, thực hiện mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĨ giữa thời bình!

Mới nhất
x
Bài 2: Hành trình không dừng bước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO