Bài 2: "Nỗi niềm" trường tư

(Baonghean) - Việc cấp phép cho các trường mầm non ngoài công lập hoạt động ở TP. Vinh trong thời gian qua được coi là một trong những giải pháp giải quyết quá tải hệ mầm non trên địa bàn. Thế nhưng, việc “mọc” lên ngày càng nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vẫn chưa “tới” được mục đích “chia sẻ gánh nặng” cho các trường công lập…
Trường Mầm non Hoa Thuỷ Tiên (phường Hà Huy Tập - TP. Vinh)
Trường Mầm non Hoa Thuỷ Tiên (phường Hà Huy Tập - TP. Vinh)
Quá tải học sinh mầm non ở các trường công lập trên địa bàn TP. Vinh trong thời gian qua đã trở thành “chuyện khổ lắm nói mãi”. Như chúng tôi đã đề cập (xem Báo Nghệ An số ra ngày 6/10), việc các phụ huynh “chạy đua” cho con vào trường công lập được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vì trường mầm non công lập có nhiều ưu thế về  cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bề dày hoạt động cùng đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, là vấn đề học phí. Hiện ở các trường công lập mức thu học phí hàng tháng chỉ từ 226.000 - 256.000 đồng/tháng (tùy theo độ tuổi); trong khi mức phí thu ở các trường ngoài công lập gấp ít nhất 3 lần, giao động từ 900.000 - 1.200.000 đồng/tháng, thậm chí có trường trên 5.000.000 đồng/tháng, chưa kể tiền ăn, tiền học thêm thứ Bảy và một số chi phí khác. Với mức phí này, đối với phụ huynh có lương, thu nhập ổn định còn có thể đáp ứng, còn với những gia đình khó khăn, đành cố “chạy” vào trường công lập để một tháng có thể tiết kiệm được 1/3 số tiền so với học trường tư. Điều này, cũng lý giải vì sao nhiều phụ huynh chấp nhận phải thức từ 3 – 4 giờ sáng để đến nộp hồ sơ, chen chúc tranh giành phiếu bắt thăm, rồi “xin xỏ” chỗ này, chỗ kia… cho con vào các trường mầm non công lập. 
Thực tế, trường mầm non ngoài công lập mức học phí không cao, có kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhưng lại hạn chế về cơ sở vật chất nên vẫn khó tuyển sinh. Đơn cử như Trường Mầm non Sơn Ca (phường Trung Đô) nhiều năm trước là một trong những địa chỉ được nhiều phụ huynh lựa chọn. Thế nhưng, năm học này, dù mức học phí chỉ 300 nghìn đồng/ tháng đối với trẻ mẫu giáo và 400 nghìn đồng/ tháng với trẻ nhà trẻ, không quá chênh lệch so với trường công, nhưng trường cũng chỉ tuyển được 95 trẻ, giảm 15 trẻ so với năm học trước; riêng lớp 2 tuổi và 4 tuổi, mỗi lớp chỉ có 17 cháu, chưa đủ theo quy định. Lý do chính khiến trường không thu hút được trẻ là diện tích sử dụng nhỏ hẹp, thiếu không gian vui chơi. Cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: “Trước đây, nhà trường thuê được một mảnh đất bên cạnh làm nhà kho, nhà để xe và đặt văn phòng. Nhưng năm học này không thuê được nữa nên chúng tôi đành co khoảng không sân chơi của trẻ lại. Bên cạnh đó, trường lại còn phải cạnh tranh thêm một số trường ngoài công lập khác mới mở với trang thiết bị và điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hơn”. Cũng do hạn chế về không gian vui chơi, cơ sở vật chất không đồng bộ mà năm 2013, trẻ xin vào học giảm nhanh chóng, nên Trường Mầm non An Bình (phường Quang Trung) đã xin chuyển thành nhóm trẻ… 
Còn các trường mầm non ngoài công lập ra đời sau (theo tiêu chuẩn quy định của Quyết định 41/2008/ Bộ GD&ĐT) hầu hết có quy mô lớn và cơ sở vật chất đảm bảo, nhưng vẫn có “nỗi niềm” riêng. Đơn cử như Trường Mầm non Sunrise, được thành lập từ tháng 4/2014 với quy mô 1.800 m2, trang thiết bị, cơ sở vật chất tốt, có khuôn viên vui chơi rộng rãi. Trường có 15 phòng học nhưng hiện tại mới chỉ tuyển được 10 lớp (208 trẻ); trong số đó, 1 lớp 4 tuổi chỉ có 14 em, 1 lớp 5 tuổi chỉ có 8 em. Mặc dù hiện nhà trường đang áp dụng những chính sách ưu đãi như giảm 15% học phí; đối với gia đình cùng gửi 2 con vào học ở trường thì cháu thứ 2 sẽ được giảm 25% học phí, vậy mà vẫn có hơn 30 trẻ sau khi xin được sang trường công đã chuyển trường. Theo cô Phạm Thị Bảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sunrise: “Học phí ở Trường Mầm non Sunrise quy định là 1.100.000 đồng/ tháng (đối với trẻ mẫu giáo), lứa tuổi nhà trẻ học phí 1.200.000 đồng/ tháng. Mức phí này tuy có cao, nhưng thực tế chúng tôi phải chi rất nhiều. Thậm chí 6 tháng đầu đi vào hoạt động chủ đầu tư vẫn còn phải bù lỗ gần 80.000.000 đồng/tháng”. Tương tự là Trường Mầm non Phương Đông (phường Hưng Bình) được xem là một trong những trường mầm non ngoài công lập lớn nhất tại TP. Vinh hiện nay. Trường đi vào hoạt động từ tháng 4/2014, có các chính sách ưu đãi giảm học phí xuống còn 750.000 đồng/tháng, gia đình có 2 cháu cùng học tại trường được giảm học phí. 
Các cháu Trường Mầm non Sunrise trong ngày tựu trường.
Các cháu Trường Mầm non Sunrise trong ngày tựu trường.
Tuy nhiên, lượng trẻ đến học ở trường vẫn còn khiêm tốn. Còn Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc cũng phải mất tròn 1 năm bù lỗ và tập trung 3 năm xây dựng thương hiệu mới có thể tạm yên tâm về thu hút trẻ. Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc  từng có ý định nâng số lớp vì điều kiện thực tế đảm bảo, nhưng nay phải cân nhắc vì hiện xung quanh khu vực phường đã có thêm nhiều trường mầm non ngoài công lập đã và đang tiếp tục được xây dựng. Hơn nữa, ban giám hiệu nhà trường xác định, các trường mầm non ngoài công lập chủ yếu chỉ “hút” được trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ (vì chỉ ít trường công lập có nhóm lớp này). Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng, nhóm nhà trẻ thì đông nhưng lên đến 4 tuổi, 5 tuổi các cháu lại xin về trường công để học. Trở lại trường hợp Trường Mầm non Blue Sky (phường Lê Lợi), dù là trường mầm non tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được thành lập ở Vinh theo mô hình tiên tiến. Nhưng  sau hơn 5 năm hoạt động, nay trường cũng chỉ có 7 lớp với 99 cháu. Đây là kết quả đáng lo ngại với một ngôi trường có mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Ông Thái Giáp Vinh - Chủ tịch UBND phường Lê Lợi nhận xét: “Thời điểm xây dựng trường, người dân trong phường hy vọng trường sẽ giúp phụ huynh giải quyết vấn đề bức bách về nhu cầu ra lớp của hệ mầm non. Nhưng khi xây xong, học phí quá cao… trẻ không vào học được là một lẽ, còn phường lại mất đi một nguồn quỹ đất để có thể xây dựng trường mầm non công lập”.
Ở khía cạnh khác, bà Hoàng Thị Vinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc chia sẻ: So với những trường mầm non công lập, việc huy động xã hội hoá đối với trường mầm non tư thục khó hơn… Tuy nhiên, Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc vẫn còn thuận lợi vì được đầu tư khá quy mô, diện tích đủ tiêu chí 8m2/trẻ, số trẻ huy động ổn định nên được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế, giúp trường một năm giảm được hàng trăm triệu đồng. Còn những trường tư thục quy mô nhỏ, vừa không thu hút được trẻ lại vừa không đủ điều kiện để hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi nên chịu rất nhiều áp lực từ việc đáp ứng các nguồn thu của Nhà nước. Ngoài ra, có một thực tế dễ hiểu là khi các trường mầm non ngoài công lập “mọc” lên ngày càng nhiều, thì mức độ cạnh tranh ngày càng lớn trong việc thu hút trẻ, những trường nào cơ sở vật chất đảm bảo, mức học phí vừa phải thì số trẻ đến lớp đông. Ngược lại, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu thì sẽ bị đào thải, tự giải tán. 
Chất lượng giáo viên, chất lượng giảng dạy cũng là điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Ví như ở trường công lập, giáo viên đều là những người được hưởng biên chế, nên sự ràng buộc giữa trường và giáo viên cao và mỗi người đều nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc chăm trẻ. Còn ở hệ thống trường mầm non ngoài công lập, theo tìm hiểu hiện mức lương của giáo viên chỉ giao động từ 2.800.000 – 3.200.000 đồng/người (tùy theo trình độ, phần việc). Mức lương này khó giữ chân giáo viên gắn bó với trường. Thực tế, hiện trên địa bàn thành phố, việc giáo viên “nhảy” từ trường tư sang trường công, từ trường tư này sang trường tư khác là chuyện thường. Ngay cả cán bộ quản lý cũng thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, thông tin trên các phương tiện đại chúng về các vụ bạo hành, đánh trẻ diễn ra ở các trường, nhóm trẻ ngoài công lập trong cả nước thời gian gần đây khiến nhiều bậc phụ huynh có chung tâm lý bất an khi gửi con vào trường tư. Đối với  khoảng hơn 60 nhóm trẻ độc lập, hẳn phụ huynh khó yên tâm khi đa phần các cháu còn phải học trong những phòng học thiếu đồ dùng, đồ chơi và chương trình tài liệu giảng dạy tối thiểu theo quy định; điều kiện vệ sinh, điều kiện an toàn không đảm bảo. 
Vấn đề quy hoạch cấp phép mở trường mầm non ngoài công lập cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Hiện theo lý thuyết, phát triển hệ thống trường mầm non ngoài công lập sẽ giúp các trường công phần nào giảm thiểu được tình trạng quá tải và khắc phục được tình trạng  thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất để thành phố mở rộng, xây dựng trường công lập. Nhưng trong quá trình cấp phép cần phải cân nhắc, xem xét đến quy hoạch, đến quy mô phát triển dân số. Thời gian qua, riêng khu vực phường Hà Huy Tập, Hưng Bình, Hưng Phúc cùng một lúc có đến 5 - 6 trường ngoài công lập đi vào hoạt động là các trường Phương Đông, Hưng Phúc, Hoàng Anh, Sunrise, Ban Mai Xanh, Montesry, Hoa Mai và chuẩn bị có thêm một trường mầm non quốc tế. Trong khi đó, dự án xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn phường Hưng Phúc cũng đã được khởi động. Hay tại phường Lê Lợi, một vài năm nữa trường công lập xây dựng xong thì Trường Mầm non bán công ABC hiện đang xây dựng sẽ còn sức hút nữa hay không, khi phải cạnh tranh về học phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…     
Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố Vinh,  năm học 2014 – 2015, số trẻ ra lớp trên địa bàn là 18.000  nghìn trẻ, nhưng trường ngoài công lập chỉ thu hút khoảng 4.500 trẻ (chiếm 24,4% tổng số trẻ); trong khi số trường mầm non ngoài công lập là 23/51 trường. Như vậy có thể thấy “sức hút” tuyển sinh của các trường mầm non ngoài công lập thấp. Điều này, đặt ra cho những người quản lý và chính quyền địa phương nhiều trăn trở và nếu không có quy hoạch hợp lý, thiếu định hướng ngay từ bây giờ, thì chỉ 5 – 10 năm nữa sẽ có rất nhiều trường mầm non ngoài công lập dù đã đầu tư lớn, nhưng vẫn không tuyển được học sinh, giống như tình trạng ở các trường dân lập cấp THPT trong thời gian gần đây.
...(còn nữa)
Bài, ảnh: Mỹ Hà - Đinh Nguyệt

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.