Bài 2: Sôi động mô hình công nghệ sinh học tạo nông sản xuất khẩu
Ở Nghệ An hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, thân thiện môi trường, tạo hàng hóa xuất khẩu. Đó là chuối Nam Mỹ xuất khẩu đi Hàn Quốc, Trung Quốc; tảo xoắn xuất đi Nhật, châu Âu; sữa, các sản phẩm từ sữa, thức ăn chăn nuôi xuất đi Nhật, Trung Quốc; cam Vinh đạt tiêu chuẩn toàn cầu xuất đi Đức… Những sản phẩm đó được sản xuất với lòng biết ơn tài nguyên thiên nhiên, trân quý các giá trị tự nhiên, bảo vệ đất, chống xói mòn, hoàn toàn bằng công nghệ sinh học an toàn.
Chuối là một trong những loại trái cây được tiêu thụ hàng đầu trên thế giới. Theo tài liệu của FAO, xuất khẩu chuối của cả thế giới đạt 4,7 tỷ USD/năm, đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều nước.
Chuối cấy mô ban đầu nghe xa lạ, nhưng nay trở nên quen thuộc ở các huyện Tân Kỳ, Đô Lương khi nơi đây bạt ngàn chuối già Nam Mỹ xuất khẩu được nhân giống bằng cấy mô. Từ nguồn giống được doanh nghiệp và HTX cung ứng về, các HTX trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã triển khai thuê đất trồng chuối xuất khẩu nhiều năm qua. Giống chuối Nam Mỹ quả to, ngọt thanh, bảo quản được lâu, có lợi thế thương mại, được thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc ưa chuộng.
Anh Lê Văn Chiến, người trồng chuối già Nam Mỹ từ năm 2020 ở huyện Tân Kỳ, đã cho thu hoạch 3 năm. 6ha chuối của gia đình anh được đầu tư bài bản với quy trình làm đất kỹ, xử lý đất hết mầm bệnh, được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, khi chuối có quả bao bọc bằng nilon. Cây chuối sau 9 tháng trồng là cho thu hoạch, giá bán hiện nay là 5.000 đồng/kg (mỗi buồng chuối nặng khoảng 20kg). Mỗi năm, hơn 2 vạn cây chuối mang về doanh thu trên 2 tỷ đồng cho anh Chiến, sớm bù đắp chi phí đầu tư và lãi. "Nghe nhẹ nhàng vậy, nhưng với đồng đất khô cằn của xã Đồng Văn (Tân Kỳ) nhiệt độ mùa Hè lên tới 41-42 độ C, việc chăm sóc chuối cấy mô thoạt đầu không hề đơn giản", anh Chiến nói thêm.
Từ hiệu quả mô hình chuối già Nam Mỹ ở huyện Tân Kỳ, hiện nay đã nhân rộng ở một số xã của các huyện Tân Kỳ, Đô Lương và đã được tỉnh Nghệ An cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 3 sao. Đó là thành quả sự tâm huyết với quê hương và quá trình tìm tòi ứng dụng khoa học công nghệ. Sức lan tỏa của mô hình còn thuyết phục ở chỗ, ngay đồng bào dân tộc Thổ Nghệ An đã biết ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng thâm canh chuối cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Giám đốc HTX Chuối sạch Mỹ Thành (Tân Kỳ) cho biết: Chuối chịu úng và hạn đều kém, sau khi được nuôi cấy một thời gian trong phòng thí nghiệm, được phục tráng và xử lý sạch bệnh, đưa ra vườn ươm để thích nghi với điều kiện bên ngoài. Các xã viên đã học hỏi cách trồng, mật độ, đào hố đúng quy chuẩn, thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây để cây phát triển bình thường. Cây chuối con mới trồng cần tưới ngay và sau đó 2-3 ngày tưới một lần, cây trưởng thành cần tưới thường xuyên trong mùa Hè. Tưới nước và bón phân đầy đủ là yếu tố để quả chuối phát triển tốt. Khi chuối ra quả phải bọc quả để bảo vệ chuột, sâu bọ. Cây chuối hiện là cây triển vọng tốt ở Nghệ An.
Năm 2021, ông Trịnh Xuân Giáo đầu tư trồng trang trại cam Xã Đoài tại xã Nghi Diên (Nghi Lộc). Với quy mô gần 10ha và hơn 1.000 gốc cam, trang trại bảo tồn cam Xã Đoài này được ông Giáo tuyển chọn từ những cây cam đầu dòng quý và có sự kiểm nghiệm chặt chẽ về dịch bệnh với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Viện Giống cây ăn quả Việt Nam.
Ông Giáo còn sản xuất cam với công nghệ sinh học ở huyện Con Cuông với 60ha, nơi sát biên giới Việt Lào để cam được “hít thở” không khí trong lành và đất đai chưa hề được khai thác đang “sạch” bệnh. Với chất lượng cam tuyệt hảo, cam Xã Đoài của ông Trịnh Xuân Giáo đạt chứng chỉ Global toàn cầu, có mặt trên các chuyến bay của Việt Nam Airlines tới các phương trời và xuất khẩu chính ngạch sang Đức, Nhật.
Tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, một trang trại sản xuất tảo biển ứng dụng công nghệ sinh học tế bào để nhân lên tế bào tảo trở thành hàng hóa xuất khẩu với chất lượng không thua kém tảo xoắn Nhật Bản. Hệ thống sản xuất tảo xoắn Spirulina được ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo, bao gồm nhiều công đoạn từ sàng lọc chủng giống vi tảo, nhân giống các cấp, sau đó nhân sinh khối ở quy mô lớn trong các hệ thống kín, sau đó ra các bể hở... Các công đoạn này nhằm giúp tảo thích nghi dần với điều kiện thời tiết và tăng dần khả năng chống chịu. Sản phẩm tảo Spirulina hiện là sản phẩm OCOP 4 sao của Nghệ An, từng đạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2020 với tên công trình "Hoàn thiện quy trình phân lập, lưu giữ giống, công nghệ nuôi trồng các sản phẩm từ tảo Spirulina tại Nghệ An". Sản phẩm được nhà khoa học người Đức GS.TX Franz - Peter Montforts cùng hợp tác thực hiện để tách chiết tinh chất và được các giáo sư đầu ngành về tảo của Việt Nam hỗ trợ sản xuất. Năm 2024 tảo biển Nghệ An lọt tốp 10 thương hiệu uy tín hàng đầu Nghệ An.
Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma cho biết: Việc ứng dụng công nghệ nghiên cứu nuôi trồng thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina đã tạo cho Nghệ An một sản phẩm hàng hóa địa phương xuất sắc làm rạng rỡ quê nhà khi đã được Bộ Y tế chứng nhận chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Sau hơn 4 năm trải qua bao khó khăn hiện nay khu sản xuất trở thành địa chỉ liên tục đón các nhà khoa học, các đoàn khách trong nước, ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, hội thảo và trải nghiệm, du lịch. Tất cả các khâu từ sản xuất giống tảo, quy trình nuôi, mở rộng sản xuất, thu sinh khối, xử lý sinh khối, thu sản phẩm, sấy, xay… đến khâu cuối cùng là cho ra sản phẩm luôn được sự giúp đỡ và kiểm soát của Ban Quản lý Dự án FIRST - Bộ Khoa học - Công nghệ và các nhà khoa học trong nước và nước ngoài. Đặc biệt có GS.TX Franz - Peter Monforts (Đức) hỗ trợ tư vấn khoa học. Với trang trại quy mô được đầu tư hàng chục tỷ đồng, Công ty Vastcom hiện sản xuất đạt 5 tấn tảo Spirulina sinh khối khô và 2 tấn sinh khối tươi/năm, ngoài ra còn 1 tấn sinh khối khô đậu tương lên men.
Với khát khao mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm sữa tươi, sạch, thơm ngon và bổ dưỡng, Tập đoàn TH (Nghệ An) đã nghiên cứu và sản xuất ra sữa tươi TH và các sản phẩm từ sữa giúp thay đổi bản chất của sữa tươi ở Việt Nam, và hiện nay trở thành thương hiệu sữa được yêu thích nhất Việt Nam, chiếm 40% thị phần sữa của nước Việt.
Để đạt được thành công đó, Tập đoàn TH đã sử dụng công nghệ đầu cuối của thế giới, với những chuyên gia về sữa giỏi nhất thế giới, chăm sóc đàn bò sữa nhập khẩu bằng những thức ăn tươi ngon an toàn nhất trên đồng bãi xứ Nghệ khi TH sở hữu trang trại bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất châu Á.
Tập đoàn TH đã sản xuất sữa với quy trình sản xuất khép kín từ nguyên liệu thô qua sơ chế, chế biến, sản xuất và kiểm soát chất lượng đến thành phẩm cuối cùng, các sản phẩm của Tập đoàn luôn đảm bảo các tiêu chí tươi sạch, giữ vẹn nguyên tinh túy từ thiên nhiên, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm tuyệt vời nhất với dòng sản phẩm cao cấp chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng, mang lại những lợi ích sức khỏe vượt trội.
TH cũng đã áp dụng công nghệ quản lý đàn Afifarm của Afimilk (Israel) - một hệ thống quản lý trang trại bò sữa hiện đại hàng đầu thế giới. Bò được ăn cỏ, hoa hướng dương an toàn đeo thẻ và gắn chip điện tử Afitag ở chân để theo dõi tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và sản lượng sữa. Tất cả các thông tin của từng cá thể bò được phân tích và được các quản lý trang trại sử dụng để đưa ra các quyết định quản lý toàn bộ chu trình chăn nuôi tại trang trại. Sữa bò tươi sạch được chuyển theo hệ thống ống lạnh tới bồn tổng tại trang trại rồi chuyển lên xe bồn lạnh tới nhà máy, độ lạnh luôn được duy trì 2°C - 4°C. Hệ thống vắt sữa hoàn toàn tự động được kiểm soát theo quy trình chặt chẽ để đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn hàng đầu.
Sản phẩm sữa tươi TH đạt đẳng cấp thế giới khi ứng dụng công nghệ sinh học hoàn hảo vào sản xuất từ việc ươm trồng thức ăn, theo dõi nhiệt độ khí trời để tưới tiêu cho tới ứng dụng công nghệ sinh học để theo dõi sức khỏe đàn bò, ủ và chế biến thức ăn ngô, cao lương, cỏ, hướng dương, rỉ mật mía… TH đã ứng dụng những kết quả nghiên cứu quan trọng của các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới, từ 15 loại nguyên liệu thức ăn đã xây dựng các công thức phù hợp, để đàn bò tạo ra dòng sữa đầy đủ dưỡng chất, vi lượng quý cho sức khỏe con người. Với chất lượng ưu việt của sữa TH đã chính thức xuất khẩu sữa tươi sạch chính ngạch sang Trung Quốc - một thị trường rộng lớn, đồng thời đầu tư trang trại nhà máy hiện đại ở Úc, Nga để sản xuất sữa.
Những năm qua, để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cũng như chất lượng nông sản, từ Trung ương đến địa phương đã triển khai xây dựng các đề án, các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Bằng công nghệ lai tạo, công nghệ mô hom, sản xuất phân hữu cơ vi sinh trong nông nghiệp, công nghệ gen, tế bào, Nghệ An đã đưa nhanh các giống chuyển gen kháng sâu, bệnh hại để nhằm nâng cao năng suất cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Hợi - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và Khoa học công nghệ - Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mỗi năm, Nghệ An có trên 19.000ha sản xuất các giống ngô chuyển gen kháng sâu đục thân, sâu keo mùa Thu trên cây ngô hàng năm; khoảng 260ha lúa chuyển gen kháng bạc lá hàng năm; hay công nghệ sử dụng các giống cây trồng nuôi cấy mô vào sản xuất như giống chuối nuôi cấy mô, sản xuất nấm, rau thủy canh tại các huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên... Đến nay, toàn tỉnh có 76,67ha diện tích sản xuất các cây trồng như cam, ổi, chè, rau các loại, dược liệu được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ...
Rồi nữa, là mô hình sản xuất nấm tại Tân Kỳ với quy mô 6.725m2, mỗi năm sản xuất 36-40 vạn bịch phôi/năm, đem lại doanh thu hàng năm từ 1,2-1,5 tỷ đồng, rau thủy canh quy mô 3.000m2 tại huyện Đô Lương, thu nhập trên 1 tỷ đồng, cam hữu cơ tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương với quy mô 5ha, tổng thu nhập 490 triệu đồng/ha và lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất chè hữu cơ tại huyện Anh Sơn cho thu nhập 210-240 triệu đồng/ha...
Từ ứng dụng công nghệ sinh học, đã đem lại những hiệu quả vượt trội. Cụ thể: Việc sử dụng các giống cây trồng chuyển gen kháng sâu, bệnh vào sản xuất đã làm giảm thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, nâng cao năng suất lúa, ngô và nâng cao giá trị sản xuất, giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh từ 1-2 lần, góp phần làm giảm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm nguồn nước. Sử dụng các giống nuôi cấy mô vào sản xuất sẽ làm giảm được chi phí mua giống, nhờ sản xuất giống nuôi cấy mô sẽ sản xuất được với số lượng lớn nên giúp giảm chi phí, tạo giống sạch bệnh, đảm bảo chất lượng, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất...
Không chỉ cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường, công nghệ sinh học còn đồng thời giúp giảm ô nhiễm nguồn nước, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và làm cho đất tơi xốp, đa dạng vi sinh vật đất, Nghệ An còn tiên phong trong xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học...