Bài 3: Bình mới... rượu có mới?

31/01/2013 18:55

Sau nhiều năm sắp xếp, đổi mới từ các lâm trường, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, nhất là về việc quản lý sử dụng đất.

(Baonghean) - Sau nhiều năm sắp xếp, đổi mới từ các lâm trường, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển vốn rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, nhất là về việc quản lý sử dụng đất.

>>Bài 2: Công ty TNHH một thành viên nông nghiệp - Bước đột phá về năng suất, chất lượng

Cho đến thời điểm hiện nay, việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường thành ban quản lý trên địa bàn tỉnh cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Công tác quản lý bảo vệ rừng đã được chú trọng và thực hiện tốt hơn. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ, phần nào ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Thực hiện nhiệm vụ khoanh nuôi rừng và trồng rừng thông qua dự án trồng mới 5 triệu ha rừng từ năm 2005-2012. Bình quân mỗi năm có gần 200.000 lượt ha được đầu tư bảo vệ, khoanh nuôi; hàng ngàn ha rừng trồng phòng hộ. Diện tích tự nhiên tăng từ 132.120 ha lên 465.227 ha, diện tích rừng trồng phòng hộ tăng thêm 239.700 ha lên 341.893 ha.

Công tác giao khoán, bảo vệ rừng, khoanh nuôi và trồng rừng tạo việc làm thường xuyên hàng năm, tăng thu nhập cho hơn 8.538 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. Bên cạnh đó còn nâng cao trình độ nhận thức của người dân, góp phần ổn định an ninh trật tự, chính trị trên địa bàn. Một số ban quản lý rừng phòng hộ có thêm chức năng sản xuất kinh doanh, chăn nuôi và ngành nghề dịch vụ đã đạt nhiều kết quả khả quan. Ví dụ tại BQL rừng phòng hộ Nghi Lộc, giá trị sản xuất năm 2011 đạt 16 tỷ đồng, năm 2012 đạt 12,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở vật chất làm việc được đầu tư khang trang hơn.



Công nhân BQL rừng phòng hộ chăm sóc cây giống.

Hiện tại, phần lớn các lâm trường đã được sắp xếp lại, tổ chức theo quy định của Nghị định 200/2004/NÐ-CP. Một số lâm trường bước đầu đã hình thành được phương án sản xuất, kinh doanh và quản lý sử dụng rừng có hiệu quả. Song, nội dung quan trọng nhất làm căn cứ để thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại loại hình tổ chức quản lý rừng, đó là vấn đề rà soát, cắm mốc đất đai tại nhiều nơi thì mới thực hiện trên giấy tờ, bản đồ, mà chưa xác định trên thực địa. Từ đây dẫn đến công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp còn nhiều chồng chéo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Hiện UBND tỉnh mới chỉ cấp kinh phí cho 2 BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ, Con Cuông hơn 2 tỷ đồng để tổ chức đo đạc, cắm mốc nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa hoàn chỉnh để làm thủ tục cấp bìa, giao đất. Tổng diện tích đất tại các lâm trường chưa sử dụng hiện còn hơn 61 nghìn ha, chủ yếu mới chỉ được giao đất trên bản đồ, sổ sách. Ông Nguyễn Văn Hà - Trưởng BQL rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết: Để tiến hành rà soát, cắm mốc nhằm cấp bìa toàn bộ diện tích của ban quản lý cần khoảng 6,7 tỷ đồng. Số kinh phí này vượt quá khả năng của đơn vị.

Do chưa tiến hành rà soát, cắm mốc được, nên diện tích đất tại các ban quản lý đang tranh chấp, bị lấn chiếm tới hơn 1.000 ha, tăng 190% so với diện tích trước khi sắp xếp. Trong đó, diện tích này chủ yếu tập trung tại BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ. Việc quy hoạch rừng còn có sự chồng chéo giữa diện tích đơn vị quản lý với các hộ dân trên địa bàn, quy hoạch khu dân cư đan xen trong diện tích rừng phòng hộ; sự thay đổi trạng thái rừng giữa quy hoạch và thực tế hiện nay chưa được cập nhật và điều chỉnh kịp thời; gây khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư phát triển rừng. Việc quản lý rừng còn nhiều chỗ chồng chéo giữa chính quyền địa phương với các lâm trường quốc doanh, kiểm lâm, người dân.

Thực tế trên cho thấy, tuy đã thay đổi hình thức quản lý từ lâm trường quốc doanh sang các BQL, song hiệu quả quản lý rừng và đất rừng vẫn chưa cao. Rừng vẫn bị chặt phá, đốt cháy với mức độ ngày càng lớn mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, triệt để, như tại 2 huyện Quế Phong và Thanh Chương. Có thể nói việc quản lý rừng và đất rừng mới chỉ thay đổi về hình thức, tên gọi của bộ máy, còn trong quản lý, kinh doanh rừng vẫn chưa thay đổi, chẳng khác gì bình mới, rượu cũ vậy.

Một khó khăn chung của các BQL là tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động. Theo Quyết định 186/QĐ-TTg thì cứ 1.000 ha rừng phải có 1 công nhân bảo vệ rừng; đối chiếu với quyết định này thì ở tỉnh ta cần 470 lao động thuộc diện biên chế. Hiện nay, ngoài 215 công nhân được hưởng lương từ ngân sách nhà nước (đối tượng 2A) thì còn có thêm hơn 300 công nhân tại các BQL hợp đồng thuộc diện đơn vị tự trang trải (đối tượng 2B). Song do kinh phí cấp để quản lý và bảo vệ rừng cho các đơn vị này quá ít, nên hầu hết lương và bảo hiểm xã hội của lao động chưa được giải quyết kịp thời. Ông Lê Phùng Thiều - Trưởng ban Quản lý RPH -Tương Dương cho biết: BQL RPH Tương Dương có 24 cán bộ thuộc đối tượng 2B, đến thời điểm này cũng chưa có nguồn kinh phí để trả lương cho anh em, hiện đang nợ đọng trên 100 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội. BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn có 21 cán bộ bảo vệ rừng thuộc đối tượng 2B, do chờ lương quá lâu nên mới đây có 3 cán bộ đã bỏ việc. Hiện BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn đang còn nợ tiền anh em cán bộ diện 2B gần 1 tỷ đồng, nợ “đọng” tiền bảo hiểm xã hội 120 triệu đồng. Nếu không giải quyết được vấn đề quyền lợi cho người lao động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng và khi đó, việc giữ được rừng càng khó khăn hơn.

Theo Nghị định số 200/NĐ-CP thì các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các đơn vị này, nhất là các đơn vị tại các huyện miền núi lại không có một nguồn thu nào đáng kể, rõ ràng. Vì vậy, hoạt động của các đơn vị này rất khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, đặc biệt đối với các vị trí xung yếu. Hơn nữa, quyền hạn của cán bộ bảo vệ rừng chưa có nên việc xử lý các vi phạm về lâm luật còn khó khăn. Những khó khăn, hạn chế trên cần được giải quyết một cách thỏa đáng để tiến trình sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Bài 3: Bình mới... rượu có mới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO