Xã hội

Bài 3: Những thầy giáo, thầy thuốc quân hàm xanh

Thành Cường, Thành Chung, Hải Thượng 26/10/2024 15:52

Trên tuyến biên giới Nghệ An, hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”,“Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ quân hàm xanh” đã khắc ghi trong tâm trí và trở thành niềm tin, điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc vùng biên vươn lên, cải thiện mọi mặt đời sống.

Cove-bai 3 ten

Trên tuyến biên giới Nghệ An, hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ quân hàm xanh” đã khắc ghi trong tâm trí và trở thành niềm tin, điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc vùng biên vươn lên, cải thiện mọi mặt đời sống.

Đưa con chữ về với vùng biên

Một năm nay, cứ vào lúc 19 giờ tối thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, những cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp lại vượt quãng đường 10km từ đơn vị đến Nhà văn hóa bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) để làm “thầy giáo”, dạy học cho phụ nữ trong bản...

Tam Hợp 1
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp vận động chị em bản xóa đi học lớp xóa mù chữ. Ảnh: Thành Cường

Chị Lô Thị Hằng, 38 tuổi, học viên lớp xóa mù ở nhà văn hóa bản Phồng kể: “Dân bản Phồng thuộc tộc người Tày Poọng. Nhiều năm trước, cuộc sống nơi núi rừng rất khó khăn nên rất ít trẻ em đến trường, đặc biệt là trẻ em gái. Một số chị em từng học cấp 1 và đã biết chữ. Song do nương rẫy quanh năm, chị em cũng dần dần quên hết. Ngày xưa, chị em không biết chữ thì cũng không sao. Nhưng bây giờ, mù chữ thì rất vất vả: Có điện thoại mà không biết nhắn tin. Nuôi được con lợn, con dê khi bán lại không biết giá. Ở nhà, bố mẹ mà mù chữ thì không thể bày dạy cho con cái được... Rất xấu hổ”.

Nắm bắt được thực trạng này, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã tổ chức lớp học xóa mù chữ cho chị em ở bản. Lớp học vào buổi tối từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ. Ban đầu, việc làm quen với các chữ cái, đánh vần và tập viết với chị em là rất khó. Tuy nhiên, các thầy giáo biên phòng đã ân cần, nhẹ nhàng bày dạy, thường xuyên động viên để chị em tiến bộ. Sau 1 năm học, hầu hết chị em đã biết đọc, biết viết và làm được một số bài toán đơn giản.

Tam Hợp 4
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp hướng dẫn bà Viêng Thị Xâm viết tên mình. Ảnh: Thành Cường

Trong lớp học xóa mù chữ ở bản Tam Hợp, bà Viêng Thị Xâm (48 tuổi) là học viên cao tuổi nhất. Bà Xâm kể: “Trước đây tôi chưa được đến trường học chữ. Lớp xóa mù chữ mở ra, đi học vui lắm. Sau gần 1 năm, tôi đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để nhắn tin với con cái đi làm ăn xa. Cảm ơn các thầy giáo biên phòng rất nhiều”.

Thiếu tá Hà Huy Thiên - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Hợp (huyện Tương Dương) là một trong những thầy giáo của lớp kể: Nhận thấy rất nhiều chị em trên địa bàn không biết đọc, biết viết, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho người dân, nên đồn đã phối hợp cùng Trường Tiểu học xã Tam Hợp mở lớp xóa mù chữ. Trước thời điểm triển khai, cán bộ Đồn và các giáo viên đã tham gia tập huấn theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động về lợi ích của việc xóa mù chữ, tạo điều kiện cho chị em tham gia.

Lớp học xóa mù chữ ở biên giới. Clip: Hải Thượng

Theo ông Lương Phi Thanh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp: Tam Hợp là xã biên giới vùng sâu, tiếp giáp với nước bạn Lào. Đời sống nhân dân còn ở mức thấp và không đồng đều. Có chữ, cuộc sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ đỡ vất vả hơn. Cùng với đọc thông, viết thạo, thông qua sách báo, các chị còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Xã đã đề nghị Đồn biên phòng mở thêm lớp dạy chữ cho chị em đồng bào người Mông ở bản Phà Lỏm.

Tam Hợp 3
Lớp học xóa mù chữ khu vực biên giới đã giúp cho chị em tiếp cận được thông tin, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Thành Cường

Không riêng gì lớp học xóa mù chữ ở bản Phồng, trên tuyến biên giới Nghệ An, thời gian qua, có nhiều lớp xóa mù chữ được các đồn biên phòng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các trường học trên địa bàn mở ra. Đơn cử như lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) mở năm 2018, 2 lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Tri Lễ ở 2 bản Huồi Mới, Mường Lống vào các năm 2022, 2023...

Chị Xồng Y Đà, 33 tuổi, ở bản Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) là học viên của lớp xóa mù chữ chia sẻ: Trước đây khi chưa biết chữ, tôi mặc cảm lắm. Sau khoảng 3 tháng được các thầy giáo dạy, tôi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, nhắn tin trên điện thoại. Kết thúc lớp học giai đoạn 1, tôi đã có thể thi đậu bằng lái xe máy. Bây giờ tôi có thể đi xe máy ra chợ phiên, chợ huyện để mua bán nông sản rồi.

Tủ thuốc biên cương”

Ở vùng biên của tỉnh Nghệ An, các cán bộ biên phòng không chỉ đóng vai người thầy giáo, người đồng hành để đưa con chữ đến với bà con. Họ còn là người thầy thuốc luôn có mặt kịp thời để chữa bệnh cho đồng bào.

Phúc Sơn 6
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Lương - người phụ trách tủ thuốc mới đi thăm khám cho người dân. Ảnh: Thành Cường

Có mặt tại “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) vào một trưa tháng 9/2024. Lúc này, Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Lương - người phụ trách tủ thuốc mới đi thăm khám cho ông L.V.V, 62 tuổi, ở bản Vều 4 trở về. Thiếu tá Lương kể: 3 hôm trước, ông L.V.V vừa bị bệnh viện “trả về”. Ông này vốn nghiện rượu nặng, nhập viện trong tình trạng suy kiệt, thân nhiệt giảm, huyết áp tụt, nhịp tim và nhịp thở yếu... tiên lượng rất xấu. Còn nước còn tát, gia đình đã nhờ bác sĩ Lương đến xem có thể cứu trị được không. “Nhận được yêu cầu, tôi đến ngay và sử dụng máy tần sóng terahertz kích thích phục hồi tế bào, khai thông tắc nghẹn, thổi ấm cơ thể cho ông V. Sau vài tiếng, mạch ông V. nhanh dần, cơ thể ấm lên. Tôi đã đặt đường chuyền dịch, tiêm thuốc trợ tim và sức khoẻ ông này dần hồi phục. Đến hôm nay, ông V. đã có thể đi chăn bò”.

“Tủ thuốc biên cương” là một trạm y tế xã thu nhỏ, được ra đời và hoạt động từ năm 2019. Trước đây, ngay chỗ nhà đặt tủ thuốc biên cương bây giờ là cơ sở 2 của Trạm Y tế xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), năm 2011, cơ sở 2 hợp nhất về cơ sở 1 (cách đó hơn 20km). Cơ sở 2 rút đi đã để lại một khoảng trống y tế 400 hộ và hơn 1.500 nhân khẩu của 4 bản Vều sát biên giới xã Phúc Sơn. Vậy nên, mỗi lần người dân 4 bản này ốm đau lại thường qua Đồn Biên phòng nhờ bác sĩ quân y của Đồn giúp thăm khám, cứu chữa.

bna_7494.jpg

Dân bản mỗi lần đau đầu, đau bụng, khó thở, huyết áp tăng... đều ra Tủ thuốc khám, kê đơn. Bác sĩ Lương rất ân cần, chu đáo.

Bà Lộc Thị Quy - bản Vều 2, xã Phúc Sơn

Từ nhu cầu thực tế của người dân, năm 2019, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã có sáng kiến xây dựng mô hình “Tủ thuốc biên cương” tại trạm y tế cũ. Đồn đã cử bác sĩ quân y là Thiếu tá Lương phụ trách, thường trực làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men... để tủ thuốc hoạt động.

5 năm qua, “Tủ thuốc biên cương” Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã là nơi khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân 4 bản Vều và gần 100 công nhân của công ty cao su đóng trên địa bàn. Trung bình mỗi tháng, tủ thuốc tiếp nhận từ 70 - 80 bệnh nhân. Bà Lộc Thị Quy, 60 tuổi, bản Vều 2 cho hay: “Dân bản mỗi lần đau đầu, đau bụng, khó thở, huyết áp tăng... đều ra Tủ thuốc khám, kê đơn. Bác sĩ Lương rất ân cần, chu đáo. Tuần vừa rồi, hàng xóm tôi là chị Lô Thị Hằng (35 tuổi) đi làm rừng bị ong vò vẽ đốt. Rất may mà có bác sĩ Lương kịp thời để cấp cứu, chống sốc, thoát khỏi nguy hiểm”.

Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Bá Lương - Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Anh Sơn). Clip: Hải Thượng

Được biết, trong những năm qua, “Tủ thuốc biên cương” đã rất nhiều lần cứu nguy cho bà con ở 4 bản Vều; sơ cứu nhiều trường hợp bị tai nạn lao động nặng và kịp thời chuyển tuyến. Trong thời điểm dịch Covid-19, bác sĩ Lương đã tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền, cán bộ y tế địa phương thực hiện công tác chống dịch.

Thiếu tá Lê Văn Giang - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: “Tủ thuốc biên cương” đã được cấp ủy, chính quyền huyện Anh Sơn đánh giá cao. Bản thân bác sĩ Lương rất được bà con yêu mến, tin tưởng. Mỗi khi ốm đau, suy nghĩ đầu tiên của bà con là đến nhờ “Tủ thuốc biên cương” giúp đỡ. Thời gian tới, Đồn sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương duy trì tốt mô hình; tích cực vận động các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm ủng hộ thêm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để tủ thuốc có thể hoạt động tốt hơn.

Mô hình “Tủ thuốc biên cương” đã và đang được các đồn biên phòng trong tỉnh nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 “Tủ thuốc biên cương”. Tủ thuốc mới nhất do Đồn Biên phòng Tam Quang (huyện Tương Dương) xây dựng ngày 3/3/2024, thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị miễn phí cho người dân 2 bản Tân Hương, Tùng Hương, xã Tam Quang.

Tam Quang 18
Để nâng cao sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân vùng biên, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã xây dựng và duy trì 4 “Tủ thuốc biên cương". Ảnh: Thành Cường

Trung tá Trần Nam Thắng - Trưởng ban Quân y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An chia sẻ: Để nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân vùng biên, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã xây dựng và duy trì có có hiệu quả hoạt động của 06 phòng khám quân, dân y kết hợp và 4 “Tủ thuốc biên cương”; điều động bố trí 3 bác sĩ, 15 y sĩ quân y về tăng cường cho các trạm y tế xã thuộc địa bàn khu vực biên giới. Trong 5 năm qua, các phòng khám và tủ thuốc biên cương đã tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho 6.450 lượt người. Ngoài ra còn tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân các bản của bạn Lào được 1.807 lượt người./.

Bài 3: Những thầy giáo, thầy thuốc quân hàm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO