Bài 3: Thiếu sự chỉ đạo quyết liệt

03/12/2012 16:43

(Baonghean) - Nhận thức không đúng vai trò, hiệu quả của vụ Đông, cộng với cán bộ cấp ủy, chính quyền chưa tổ chức, chỉ đạo sản xuất một cách quyết liệt… là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sản xuất vụ Đông đạt thấp. Vấn đề là, các địa phương cần thẳng thắn thừa nhận và nghiêm túc khắc phục…

Trong khi một số địa phương làm rất tốt vụ đông, thì có những địa phương đạt kết quả rất thấp và có nơi bỏ trắng ruộng đồng. Có thể thấy, trước hết là do người dân chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc về sản xuất vụ đông. Họ chỉ thấy một khía cạnh làm vụ đông thường xuyên gặp mưa bão, vất vả mà giá trị thu được không cao rồi tự động bỏ ruộng. Tại xã Hưng Long (Hưng Nguyên), hiện ruộng đồng thưa thớt cây vụ đông, toàn xã có khoảng 200 người bỏ đồng, bỏ ruộng vào TP Vinh làm cửu vạn. Con số này tại xã Lý Thành (Yên Thành) là khoảng 600 người,…

Bà Nguyễn Thị Hiên ở xã Hưng Long cho rằng, đi làm cửu vạn, ngày có thể kiếm được 100-150 ngàn đồng, còn làm vụ đông hơn 3 tháng trời cũng chỉ lãi được có vài trăm ngàn. Nếu chỉ nghĩ nhất thời rằng làm vụ đông lãi ít, rồi bỏ ruộng, bỏ đồng, ra thành phố làm nghề cửu vạn thì đó là sai lầm. Bởi làm nông nghiệp là một nghề cũng như bao nghề, muốn khấm khá, không có con đường nào khác là phải gắn bó, bám nghề. Thực tế ở nhiều nơi trong nước, trong tỉnh mà cụ thể là ở các xã: Diễn Mỹ, Diễn Xuân, Diễn Tân, Diễn Kỷ, Diễn Thọ (Diễn Châu), Quỳnh Lương, Quỳnh Tân, Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), Lưu Sơn, Trung Sơn, Thuận Sơn (Đô Lương),... bà con đã giàu lên có của ăn, của để, con cái được nuôi dưỡng học hành thành danh cũng nhờ nông nghiệp, nhờ đồng tiền một phần có được từ sản xuất vụ đông, nhờ cha mẹ gắn bó nhà cửa, ruộng vườn và dành thời gian chăm lo cho con. Vì thế, trong hoàn cảnh nào, nông dân ở các địa phương cũng nên sống chết với đồng ruộng, mùa nào cây ấy, không cho phép để đồng ruộng bỏ hoang.



Nhờ xây dựng được hệ thống tiêu úng nên cây ngô vụ đông ở Diễn Mỹ
(Diễn Châu) phát triển tốt.

Theo kết quả sản xuất vụ đông ở Diễn Mỹ, Diễn Tân, Diễn Xuân (Diễn Châu), Lưu Sơn (Đô Lương) thì thu nhập từ một sào ngô đông trên đất 2 lúa bình quân 1,5 triệu đồng đồng, sau khi trừ chi phí, tính ra mỗi ngày công 80-100 ngàn đồng, mức thu ấy là không thấp. Còn thâm canh các loại rau đậu, quả như: đậu cô ve 8 triệu đồng/sào, bí xanh 5 triệu đồng/sào, bí đỏ 4-5 triệu đồng/sào thì giá trị ngày công không dưới 100 ngàn đồng. Không những thế, trồng ngô hoặc khoai lang trong vụ đông có thể thu nhập từ sản phẩm chính chưa cao, nhưng nó còn cho các phụ phẩm (cây, lá) để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa đông giá rét và mùa giáp hạt, góp phần duy trì phát triển đàn trâu bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng. Làm được vụ đông cũng có nghĩa hàng ngày người dân vừa bám đồng ruộng vừa có điều kiện quán xuyến việc nhà, chăm sóc con cái, vun đắp hạnh phúc gia đình. Đáng tiếc, một số nông dân do nhận thức đơn giản nên bỏ vụ đông ra thành phố kiếm việc, kiếm tiền, nhà cửa, con cái bỏ chơ vơ không ai chăm lo quản lý. Cá biệt có trường hợp ra thành phố, bị vướng vào tệ nạn xã hội dẫn đến tan cửa, nát nhà...

Hộ chị Nguyễn Thị Quang, xóm 4 xã Lý Thành (Yên Thành) nhà có 3 sào ruộng 2 lúa cho phép làm được vụ đông để tăng thu nhập lại bỏ hoang. Gia đình 5 miệng ăn, ngoài buổi đóng gạch táp lô, thời gian còn lại không biết làm gì để có thu nhập thêm. Chị tâm sự: “Năm trước, gia đình trồng hơn 1 sào ngô gặp mưa bị ngập úng hư hết nên đâm ra chán nản không dám làm nữa. Năm nay thời tiết lại thuận lợi, khả năng được mùa lớn lại không làm”. Không chỉ chị Quang mà hàng trăm hộ dân tại xã Lý Thành đều tiếc nuối vì đã thiếu mạnh dạn làm vụ đông. Thêm một nhận thức nữa, là làm vụ đông là mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân gia đình, mọi người tự lo liệu là chính, Nhà nước chỉ giúp đỡ, hỗ trợ một phần khi bị thất bát do thiên tai, sâu bệnh, bão lụt gây ra; Việc bỏ vụ đông từ lý do Nhà nước hỗ trợ ít chính là biểu hiện của tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Trong khi nhận thức của người dân còn bộc lộ nhiều hạn chế như vậy, thì cấp ủy, chính quyền một số địa phương lại buông xuôi trong lãnh đạo, chỉ đạo; không kịp thời tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức; thiếu biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc. Không ít nơi chỉ triển khai qua loa, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự vào cuộc chỉ đạo, hướng dẫn một cách quyết liệt. Cán bộ, đảng viên chưa trở thành vai trò đầu tàu trong sản xuất. Cán bộ cốt cán như chủ tịch, bí thư chưa trăn trở. Cá biệt, có nơi lãnh đạo huyện và xã, nhất là các đồng chí bí thư và chủ tịch, thiếu sâu sát, chưa thể hiện đúng vai trò tổng tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất. Cụ thể, tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông, bên cạnh một số huyện có phong trào làm vụ đông tích cực hiệu quả như Diễn Châu, Đô Lương… chủ tịch, bí thư huyện đã trực tiếp quán triệt chỉ đạo, sau đó dành nhiều thời gian đi kiểm tra, đôn đốc. Ngược lại, không ít địa phương lại bỏ mặc cho cấp phó nên chưa tạo đồng thuận và động lực đưa sản xuất vụ đông phát triển. Bên cạnh đó, không ít địa phương chưa thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh giúp đỡ hỗ trợ người dân. Một số huyện đề ra chính sách thiếu hợp lý, không khuyến khích phong trào. Ví như khi tìm hiểu ở một số hộ nông dân ở Nghi Lộc trồng lạc đông đã được hưởng chính sách hỗ trợ gì, họ cứ ngớ người. Hoặc ở huyện Yên Thành, trong khi công tác khuyến nông hỗ trợ người dân trong kinh nghiệm đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa còn hạn chế, thì huyện lại dùng ngân sách để hỗ trợ cho các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Ban chấp hành, Ban chỉ đạo và cán bộ kỹ thuật. Tuy được “ưu ái” như vậy, nhưng kết quả chỉ đạo mang lại rất kém và cũng không bị ràng buộc trách nhiệm. Hoặc trong biện pháp điều hành mới đề ra biện pháp khen thưởng cho những địa phương làm tốt, chứ chưa có hình thức xử lý đối với những nơi làm kém và cán bộ thiếu trách nhiệm để xảy ra bê trễ, yếu kém trong sản xuất. Nên mới có tình trạng làm được chăng hay chớ, một số địa phương ngại khó, thiếu quyết tâm lại đổ cho khách quan, như ở Nam Thành (Yên Thành) vụ đông năm nay chỉ trồng 1 ha, lãnh đạo xã đưa ra nguyên nhân do đang lo chuyển đổi ruộng đất. Thế nhưng nhìn lại ở địa phương này, năm 2011 không chuyển đổi ruộng đất, tại sao cả xã cũng chỉ trồng được 14,6 ha! Trao đổi nguyên nhân vì sao năm nay xã Hưng Long không làm ha nào vụ đông trên đất 2 lúa, Chủ tịch UBND xã Võ Hồng Sơn thừa nhận: “Công tác vận động, tuyên truyền chưa mạnh. Việc chỉ đạo sản xuất vụ đông của xã chưa được tập trung cao độ, các tổ chức, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân chưa vào cuộc”. Qua tìm hiểu, còn thấy, các địa phương sụt giảm diện tích vụ đông là công tác chống úng ngập có vị trí đặc biệt quan trọng, nhưng nhiều nơi chưa có phương án đối phó hữu hiệu nên hễ mưa dồn dập vài trăm ly diện tích vụ đông đã ngập lụt, gây nhiều diện tích mất trắng, làm cho người dân không mặn mà. Đặc biệt ở Hưng Nguyên, việc xây dựng đường tránh Vinh đi qua địa bàn đã tạo huyết mạch giao thông thuận lợi, nhưng cũng là nỗi khổ làm cho việc tiêu thoát nước chậm lại, gây úng ngập dài ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất vụ đông của các xã phía Tây và phía Nam huyện.

Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu lý giải vì sao sản xuất vụ đông ở tỉnh ta chưa tạo đà phát triển tốt. Các địa phương, nhất là những nơi làm kém, cần nhìn thẳng vào sự thật, không chỉ rút kinh nghiệm mà cần đưa vào kiểm điểm ý thức trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 . Có như vậy mới sớm tìm ra được hướng khắc phục tốt hơn.
(còn nữa)


Nhóm PV

Mới nhất
x
Bài 3: Thiếu sự chỉ đạo quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO