Bài 3: Yêu cầu cấp thiết về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là hình thức liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Để đẩy mạnh các liên kết trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, nhu cầu được hỗ trợ này hiện nay của HTX ở Nghệ An là vô cùng lớn và thực tế thì nguồn lực chưa đáp ứng được.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”; Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị,nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhiều "nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối... mà trọng tâm là nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân.
Theo thống kê sơ bộ, có 225 hợp tác xã ở Nghệ An có liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, có tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều hợp tác xã do “tuổi đời” còn trẻ, đa số được thành lập từ khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năng lực hạn chế, trong khi để có thể thực hiện tốt việc liên kết, đòi hỏi hợp tác xã phải có sự phát triển nhất định, hiểu biết độ rộng của thị trường, đánh giá được “bạn hàng”, tư vấn được cho nông dân… Bên cạnh đó, mỗi hợp tác xã cần phải có sự đồng thuận của các thành viên mới triển khai được.
Hợp tác xã Nông sản an toàn xã Trung Sơn (Đô Lương) là một ví dụ. Được thành lập cuối năm 2020, đến nay hợp tác xã có 17 thành viên. Theo bà Nguyễn Thị Hải- Giám đốc hợp tác xã Nông sản an toàn xã Trung Sơn: Trong nguồn diện tích đất của hợp tác xã, có 8ha đất nhận thầu của xã, thời hạn 5 năm một, để trồng nông sản an toàn. Ngoài ra, các hộ thành viên khác tham gia sản xuất rau, quả an toàn, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trên đất vườn và đất ruộng của gia đình, hợp tác xã cung ứng đầu vào, đầu ra sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật.
Năm 2023, hợp tác xã mở thêm cửa hàng buôn bán, cung cấp vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, hợp tác xã cũng như các thành viên tham gia với vai trò cực kỳ mờ nhạt, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Chủ yếu thành viên chỉ tham gia với hình thức hưởng chiết khấu trên giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nếu mua tại cửa hàng của hợp tác xã. Còn lại hợp tác xã hầu như chưa có hoạt động gì đáng kể, chưa được vay vốn, chưa có phương án hoạt động hiệu quả. Sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún nên chỉ bán cầm chừng tại cửa hàng.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ, đem rau, củ, quả vào các siêu thị lớn tại Vinh, Hà Nội, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi thôi do lượng sản phẩm không đủ. Hợp tác xã cũng đã đề xuất xã hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, rau an toàn, nhưng chưa được đáp ứng. Chúng tôi cũng rất mong muốn tập hợp các thành viên, tạo vùng chuyên canh sản xuất rau màu an toàn, giá trị cao nhưng do nhiều lý do, không vận động được người dân tham gia hợp tác xã” - bà Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
Nhìn chung trên địa bàn huyện Đô Lương, do không có đất, hàng hoá quá ít, không tập trung, nên hầu như các hợp tác xã chưa thể tạo được mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Ông Hồ Quang Hải - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lam Sơn (Đô Lương) cho biết: "Hầu hết các hợp tác xã. “Đất công ích ít, đất đai của người dân nhỏ lẻ, manh mún nên để sản xuất tập trung cực kỳ khó khăn. Chúng tôi chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, điều tiết thuỷ lợi là chủ yếu”.
Bộ máy quản lý nhiều hợp tác xã chưa đáp ứng tốt yêu cầu về quản trị; thiếu năng động trong liên kết, hợp tác và tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài. Số hợp tác xã mạnh có tăng nhưng chưa nhiều, mới đạt 58,1%; hoạt động nhiều hợp tác xã nhất là hợp tác xã nông nghiệp còn khó khăn, hiệu quả sản xuất, kinh doanh hạn chế. Các mô hình hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị nhìn chung quy mô còn nhỏ…
______
Ông Nguyễn Bá Châu - Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Nghệ An
Phải nhìn nhận, năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường của bộ máy cán bộ quản lý ở nhiều hợp tác xã vẫn còn “bình cũ” hoạt động còn trì trệ, nhiều hợp tác xã không xây dựng phương án tổ chức sản xuất để triển khai. Đa số hợp tác xã nông nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất thủ công là phổ biến; chưa có nhà xưởng, nhà kho do đó sản phẩm không thể đáp ứng yêu cầu liên kết; chưa có trụ sở làm việc; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, các nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác xã từ Liên minh hợp tác xã tỉnh còn ít so với nhu cầu. Kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các hợp tác xã còn hạn chế và khó khăn trong triển khai thực hiện. Vai trò của một số cán bộ trong bám nắm địa bàn để tư vấn, hỗ trợ và phối hợp giải quyết vướng mắc của hợp tác xã chưa tốt. Cấp ủy, chính quyền của một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới hợp tác xã.
Những nguyên nhân nêu trên dẫn đến tình trạng liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã còn rất nhiều hạn chế. Hoạt động của các hợp tác xã nhìn chung không có gì thay đổi nhiều so với trước đây, phần lớn, nhất là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, chủ yếu mới cung ứng dịch vụ đầu vào chứ chưa bao tiêu được sản phẩm đầu ra cho thành viên, chưa tham gia và thể hiện được vai trò trong chuỗi hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm, kết nối nông dân với doanh nghiệp. Là chủ thể chính làm ra các sản phẩm OCOP, thế nhưng việc tìm kiếm thị trường của không ít hợp tác xã còn thụ động, hầu hết dựa vào giám đốc hợp tác xã.
Ở huyện Yên Thành có 50 hợp tác xã, trong đó những hợp tác xã thành công cơ bản đều là những hợp tác xã đã tổ chức liên kết tốt. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành: Trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, thì sản xuất không liên kết chính là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá". Và tình trạng liên kết kém đã xảy ra những hậu quả như tình trạng lúa, rau, ớt, đu đủ, chuối, gừng, cây giống lâm nghiệp… ế đọng, khó tiêu thụ diễn ra những năm qua trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, để các hợp tác xã làm tốt việc liên kết lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Ruộng đồng manh mún, số đầu hộ lớn, nông dân còn e ngại khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; trong khi muốn liên kết thì bắt buộc phải sản xuất một giống, áp dụng thống nhất một quy trình sản xuất, phải đồng thuận cả làng. Bên cạnh đó, giá cả nông sản luôn biến động theo thị trường, trong khi doanh nghiệp để chắc ăn thường ấn định mức giá từ đầu, dẫn đến người dân dễ phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường lên cao trong khi chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh. Nhiều hợp tác xã đất đai không có, nguồn vốn lưu động cực kỳ hạn chế, thậm chí không có để có thể mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất cần thiết.
Liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tại các hợp tác xã mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng phải ghi nhận đã tạo nên những tiền đề quan trọng để xây dựng những liên kết lâu dài và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm. Liên kết sẽ khắc phục dần tình trạng sản xuất tự phát, không theo nhu cầu, yêu cầu thị trường; giúp nâng cao giá trị sản xuất, tạo đầu ra ổn định và lâu dài.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiếp đó, năm 2022, Chính phủ tiếp tục ban hành các Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg. Đây thực sự là những “đòn bẩy”, thúc đẩy phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp nói chung, liên kết nói riêng và hiện nay có Nghị định số 27/2022 của Chính phủ...
Ở Nghệ An, năm 2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó các hộ nông dân cùng nhau liên kết để tham gia hợp tác xã và hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị nông sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm tốt vai trò “bà đỡ”, liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Hợp tác xã Diễn Liên, Diễn Phong (Diễn Châu); hợp tác xã Thọ Thành, Minh Thành, Liên Thành (Yên Thành)… Nhờ sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng nâng lên, nông dân có lãi và yên tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định.
Thực tế cho thấy, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi có hiệu quả cao nhất hiện nay của các hợp tác xã. Theo ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì liên kết này đã đem lại lợi ích thiết thực cho người sản xuất, hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp tham gia.
“Để nông sản tiêu thụ ổn định, đòi hỏi phải có khối lượng đủ lớn, tập trung, ổn định, chất lượng đồng đều, giá thành hợp lý và đặc biệt là phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo yêu cầu của thị trường. Đáp ứng những yêu cầu đó rất khó với từng hộ nông dân riêng lẻ, đặc biệt là bảo quản hay sơ chế nông sản. Bởi vậy, vai trò của hợp tác xã trong liên kết thực hiện các khâu từ mua nguyên vật liệu, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ là giải pháp phù hợp” - ông Phùng Thành Vinh cho biết.
Bà con sẽ được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ, tạo ra sản phẩm có giá trị và dần xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất”.
______
Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tham gia chuỗi liên kết, nếu với hình thức đóng vai trò trung gian, hợp tác xã sẽ giảm được giá thành các dịch vụ đầu vào, nông sản được thu mua ổn định. Và thực tế trên địa bàn Nghệ An hiện nay có nhiều chuỗi liên kết với sự tham gia của hợp tác xã đóng vai trò là trung gian, đã mang lại hiệu quả cao như các hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn tại các huyện Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu… Thậm chí, nhiều hợp tác xã đã trực tiếp thu mua, quảng bá sản phẩm và trực tiếp bán hàng tới người tiêu dùng.
Đơn cử Hợp tác xã Sen Quê Bác (Nam Đàn), thành lập năm 2019 với 7 thành viên và 22 hộ dân liên kết, qua 5 năm hoạt động, có quy mô ngày càng mở rộng với 46 hộ dân tham gia, quy mô mỗi hộ trồng từ 1ha sen trở lên, tổng diện tích dao động 50 - 60 ha, đa dạng sản phẩm với 15 sản phẩm trong đó 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hợp tác xã cung ứng giống theo hình thức cho nợ, hỗ trợ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, thu hoạch sen.
Theo ông Phạm Kim Tiến - Giám đốc Hợp tác xã Sen Quê Bác: Tham gia liên kết, người dân được tạo điều kiện thuận lợi về các dịch vụ đầu vào, được bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý, ưu đãi, được hợp tác xã định hướng loại sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng để tập trung ưu tiên sản xuất. Tổ chức tốt liên kết sẽ đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn, mỗi xã viên sẽ làm chủ, tự chủ động với việc sản xuất của gia đình, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên tạo được nguồn sản phẩm tốt, tập trung, đáp ứng nhu cầu chế biến của hợp tác xã”...
Theo quy định mới của Nhà nước hiện nay (Nghị định số 27/2022): Các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để được hỗ trợ phải đảm bảo điều kiện: Tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
______
(Còn nữa)