Bài 4: Mái ấm vùng biên
Ở nơi vùng biên, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng không chỉ là người canh giữ phên dậu của Tổ quốc. Họ còn là những “người bố, người mẹ” bảo vệ, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ.
Ở nơi vùng biên, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng không chỉ là người canh giữ phên dậu của Tổ quốc. Họ còn là những “người bố, người mẹ” bảo vệ, vun đắp tương lai cho thế hệ trẻ.
Các ông bố biên phòng
Năm 2024 này đã là năm thứ 5, cậu bé người dân tộc Thái Ngân Văn Khang (sinh năm 2011, ở bản Mường Phú, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong) được làm con nuôi của các “ông bố” Đồn biên phòng Thông Thụ.
Cậu bé Ngân Văn Khang kể: Bố cháu bị bệnh hiểm nghèo và mất lúc cháu 4 tuổi. Mẹ cháu đi làm ăn xa, rồi lấy chồng mới. 2 anh em ở với ông bà ngoại. Ông bà đã già, sức khỏe yếu. Ông, bà không thể mua được sách vở, áo quần mới cho cháu đến trường. Cháu muốn được học để lớn lên biết nhiều hơn, làm việc nuôi ông bà, nuôi em...
Những tưởng ước mơ được đi học của cậu bé đáng thương này sẽ khép lại, nhưng cuối năm 2019, cán bộ của đồn, thầy cô giáo và cán bộ ở xã đã đến tận nhà Khang tìm hiểu gia cảnh, thông báo chủ trương nhận con nuôi, hỏi ý nguyện của em và gia đình... Từ đó Khang chính thức trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Thông Thụ và được đưa về nuôi dưỡng. Các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn đều trở thành “bố” của cậu bé.
Cũng trong đợt này, ngoài Ngân Văn Khang, còn có cháu Quang Nhật Linh (sinh năm 2009, bản Mường Piệt, xã Thông Thụ) cũng được Đồn Biên phòng Thông Thụ nhận làm con nuôi. Bố Linh mất sớm do tai nạn lao động. Linh ở với mẹ và ông bà nội. Gia đình em thuộc hộ nghèo nhất xã.
Trở thành con nuôi của Đồn, 2 cậu bé Ngân Văn Khang và Quang Nhật Linh đã được các ông bố biên phòng dồn hết tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Các bố nuôi biên phòng đã chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chuyện trò, hướng dẫn sinh hoạt cá nhân cho các em, thường xuyên liên lạc cùng nhà trường, giáo viên để có phương thức giáo dục phù hợp.
Hàng ngày, các ông bố đưa đón 2 cậu bé đi học; tối về lại cùng học bài; tỉ mỉ và kiên nhẫn bày dạy cho từng bài toán, câu văn. Ngoài giờ học, 2 cậu bé được làm quen với việc tăng gia sản xuất, tham gia hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe. 2 cậu bé còn được những người “bố nuôi” biên phòng mua cho từng bộ quần áo, giày, dép, sách, vở, bánh kẹo.
Từ chỗ mang nhiều tự ti do hoàn cảnh, thể chất yếu do thiếu dinh dưỡng, Ngân Văn Khang và Quang Nhật Linh đã có sự thay đổi. Cả 2 cậu bé đã dần cởi mở, hoạt bát, học hành tiến bộ, biết tự chăm sóc cho bản thân. Được các bố nuôi bù đắp sự thiếu thốn tình cảm, 2 cậu bé đã xem Đồn là mái ấm yêu thương của mình.
Trung tá Cao Văn Cầm - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ chia sẻ: “Con nuôi đồn biên phòng” là mô hình Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai vào thời điểm bắt đầu năm học 2019 - 2020. Theo đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống tại khu vực biên giới đã được các đồn biên phòng nhận nuôi, chăm sóc tại đồn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.
Đồn Biên phòng Thông Thụ là đơn vị triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” sớm nhất ở Nghệ An. Cháu Khang hiện học lớp 8, học lực khá. Cháu Linh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tiếp tục được nhận hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường” và theo học trung cấp nghề. Việc Linh chuyển sang học trung cấp nghề là theo nguyện vọng của cháu, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp nghề, cháu vừa có nghề, vừa có trình độ văn hóa. Cùng với Linh, Đồn biên phòng Thông Thụ cũng đang thực hiện hỗ trợ cho 5 em học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, mỗi tháng hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng.
Năm 2024 này, Đồn Biên phòng Thông Thụ nhận thêm 1 cậu con nuôi mới. Đó là cậu bé Vi Tiến Thành, 9 tuổi, đang là học sinh lớp 3, nhà ở bản Mường Phú.
Niềm vui của Khang, Linh và Thành chính là tâm trạng chung của nhiều trẻ được các đồn biên phòng nhận nuôi, trong đó có Vi Dương Cầm, sinh năm 2011, học sinh lớp 8 Trường PT dân tộc bán trú THCS Na Ngoi. Gia đình của Cầm ở bản Tặng Phăn, xã Na Ngoi rất nghèo, đặc biệt khó khăn. Làm con nuôi của Đồn Biên phòng Na Ngoi, Cầm được các ông bố chăm sóc, dạy dỗ rất chu đáo.
Thiếu tá Phan Xuân Minh - người trực tiếp ở cùng, chăm lo cho cậu con nuôi này kể: Vi Dương Cầm có thể chất yếu, nhiều bệnh tật. Trước đây lực học ở mức trung bình. Anh em cán bộ Đồn, tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng, nay sức khỏe của cháu dần được cải thiện, học lực ở mức khá. Trước đây, ở Đồn còn có 1 cậu con nuôi khác, đó là cháu Mùa Bá Sâu (sinh năm 2008). Hiện cháu đã đậu vào trường cấp 3 và chuyển ra thị trấn Mường Xén học.
Đồng hành cùng học sinh vùng biên
Trong 5 năm qua, các đồn biên phòng trong tỉnh đã trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc 17 cháu theo mô hình “Con nuôi Đồn biên phòng”; thực hiện hỗ trợ 97 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 16 học sinh của nước bạn Lào) theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Tất cả các con đều có sự phát triển tốt.
Và không chỉ có những trẻ kể trên, mà rất nhiều trẻ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang nhận được sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của các “ông bố” biên phòng. Đơn cử, những năm qua rất nhiều học sinh người Đan Lai Trường THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông) được các cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn chăm sóc dạy dỗ theo mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”.
Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: Để giúp đỡ các cháu học sinh Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt (nằm sâu trong Vườn Quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã từ 20km) ra học cấp 2, năm 2018, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng của Trường và hỗ trợ tiền ăn 18.000 đồng/ngày/học sinh. Khu nội trú được hình thành nhưng chưa đủ điều kiện để được hưởng chính sách nội trú. Trường gặp nhiều khó khăn trong quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.
100% gia đình học sinh Đan Lai đều là hộ nghèo nên cuộc sống của các cháu tại khu nội trú gặp nhiều khó khăn. Các cháu vốn quen lối sống biệt lập ở rừng sâu nên nhút nhát, không dám tiếp xúc với người lạ, chưa biết tự chăm sóc bản thân.
Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Môn Sơn
Cùng với đó, 100% gia đình học sinh Đan Lai đều là hộ nghèo nên cuộc sống của các cháu tại khu nội trú gặp nhiều khó khăn. Các cháu vốn quen lối sống biệt lập ở rừng sâu nên nhút nhát, không dám tiếp xúc với người lạ, chưa biết tự chăm sóc bản thân. Các cháu còn có thói quen xấu là nếu một cháu bỏ học thì kéo theo cả hàng chục cháu cùng bản nghỉ theo.
Chính vì vậy, năm 2019, Trường THCS Môn Sơn đã đề xuất Đồn Biên phòng thành lập tổ công tác “cắm trường” giúp quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khu nội trú... Đi vào hoạt động, tổ công tác đã tích cực duy trì chế độ, giờ giấc sinh hoạt cho các học sinh; giúp các cháu rèn luyện kỹ năng sống, tự lập sinh hoạt cá nhân, cắt tóc, giặt quần áo, cách trồng và chăm sóc hoa màu; tổ chức sinh hoạt tập thể, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ; hỗ trợ vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập.
Để hoạt động hỗ trợ quy chuẩn hơn, tháng 11/2022, Đồn Biên phòng đã phối hợp UBND xã và Trường THCS Môn Sơn ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên". Đồn biên phòng Môn Sơn cử một tổ công tác 3 người vào thực hiện nhiệm vụ tại khu nội trú của trường. Thiếu tá Phan Văn Thắm - thành viên tổ công tác cho biết: Chúng tôi cố gắng tạo cho các cháu có lối sống, sinh hoạt như trong môi trường quân đội; trang bị kiến thức về mọi mặt (đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ) để các cháu nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới; phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại khu nội trú cho các cháu yên tâm học tập, sinh hoạt, gắn bó với khu ký túc... Thực sự, chúng tôi đã coi các cháu như con ruột của mình, luôn theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau. Từ khi có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ông bố, bà mẹ biên phòng, học sinh Đan Lai đã không còn bỏ học giữa chừng.
Năm học 2024-2025 này, Đồn Biên phòng Môn Sơn có 90 “con nuôi” là học sinh người Đan Lai. Cháu Lê Văn Minh, 14 tuổi, ở bản Cò Phạt, học sinh lớp 8 là một trong số đó. Cháu Minh cho biết: “Về ở ký túc xá học, cháu và các bạn vui lắm. Ở đây, cháu được các bố biên phòng dạy học, lao động, tập thể dục, được ăn no. Các bố rất hiền, luôn trò chuyện chỉ bảo các con cần chịu khó học tập để có cơ hội nghề nghiệp, phát triển bản thân”.
Thầy giáo Nguyễn Văn Vĩ - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn khẳng định: Mô hình ra đời thiết thực cho việc phát triển giáo dục ở xã, huyện, khu vực miền núi. Hiện nay, nhà trường và Đồn biên phòng đang tăng cường kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cải thiện bữa ăn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần và môi trường học tập cho các học sinh Đan Lai trong khu nội trú.
Mô hình Ký túc xá biên cương ra đời thiết thực cho việc phát triển giáo dục ở xã, huyện, khu vực miền núi.
Thầy giáo Nguyễn Văn Vĩ - Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn
Để giúp đỡ học sinh khu vực biên giới, bên cạnh mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn triển khai thêm mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện. Ở “Ngôi nhà thiện nguyện”, các cán bộ đội chiến sĩ biên phòng đã mở “gian hàng không đồng” , “phòng đọc sách”, “hiệu cắt tóc miễn phí” và “lớp dạy tin học” cho học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Đình Hội - giáo viên Trường PT Dân tộc bán trú tiểu học Bắc Lý 1 chia sẻ: “Các học sinh vùng dân tộc thiểu số rất thiệt thòi, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin. Việc Đồn biên phòng mở phòng học vi tính đã giúp các em được bổ sung nhiều kiến thức bổ ích; giúp các em tiếp cận với cuộc sống hiện đại và nuôi dưỡng ước mơ cho các em. Nhà trường đã chỉ đạo các thầy cô hàng tuần phối hợp cùng Đồn đưa các học sinh đến “Ngôi nhà thiện nguyện” để và xem đây như một chương trình ngoại khóa”.
Trong căn phòng máy tính, những đứa trẻ người Khơ Mú lem luốc, bữa ăn còn chưa no, say mê nhìn màn hình, lọc cọc gõ bàn phím. Trên màn hình đó, một thế giới tri thức mới mẻ đã được mở ra, đầy cuốn hút. Cháu Cụt Văn Hà, học sinh lớp 4 Trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học Bắc Lý 1 hớn hở khoe: Cháu đã biết đánh chữ, gửi gmail, truy cập các trang web học tập. Cháu rất vui và biết ơn các chú bộ đội rất nhiều!