Bài 4: Nghề rèn và chuyện "rèn" nghề
(Baonghean) - Nghề rèn đã theo người Mông từ phương Bắc vào những nơi định cư, để rồi những sản phẩm rèn trở thành đặc trưng trong văn hóa cộng đồng. Hơn thế nữa, những chiếc dao, chiếc cuốc bền và sắc còn thể hiện phần nào phẩm chất của người Mông.
Mặt trời đã gác núi nhưng anh Phó bản Phà Nọi (Mường Típ – Kỳ Sơn) Và Bá Dì vẫn kịp dẫn chúng tôi thăm một lò rèn đang hoạt động. Anh cho biết, những ngày này đã qua kỳ phát nương nên số lò rèn hoạt động thường xuyên còn khá ít. Cả bản hiện giờ cũng chỉ có 5 lò rèn thường xuyên đỏ lửa. Mùa phát rẫy, có hàng chục nhà rèn nông cụ làm rẫy, chủ yếu là cuốc, dao.
Nhà ông Lầu Nềnh Hùa ở bên rìa bản, dưới chân một ngọn núi đá. Chúng tôi đến nơi thấy ông Hùa và một anh thợ phụ nữa đang rèn dao Mông. Ông thợ rèn đã 65 tuổi, đã có gần nửa số năm sống trên đời gắn bó với bễ lò. Chìa bàn tay chắc nịch như khúc gỗ nghiến cho tôi, ông Hùa lại quay về với việc chính. Trên lò than đỏ rực là một thanh sắt rộng bản. Nghe bảo nó được cắt từ chiếc ô tô cũ, ông mua lại từ một người bán sắt vụn ở Thị trấn Mường Xén, cách nhà gần sáu chục cây số.
Một tay đẩy chiếc bễ thổi hao hao chiếc bơm xe đạp cỡ lớn, tay còn lại cầm đôi đũa lật trở miếng sắt rực đỏ. Đôi đũa cũng được cắt từ 2 que thép nhỏ. Ông Nềnh Hùa cho biết, chiếc bễ hình bơm xe được chế tạo từ thân cây gỗ nghiến, bên trong có nhồi lông gà làm pit tông để hơi không thoát ra ngoài. Ông nói rằng cái pit tông nhất thiết phải làm từ lông gà chứ không phải cao su hay vải. Chất liệu này vừa bền, chịu ma sát tốt và dễ thao tác hơn chiếc pit tông làm bằng cao su hay vải. Ngoài ra hệ thống dẫn khí và lò than đều được đắp bằng đất sét.
Rèn dao ở bản Phà Nọi (xã Mường Típ - Kỳ Sơn). |
Tuổi đã lớn, mắt quen nghề, tay cũng đã nhiều năm đi phụ giúp các nhà trong bản rồi Lầu Nềnh Hùa mới dựng riêng cho mình một lò rèn. Đó là khi ông ra ở riêng, phải đi phát rẫy nuôi con, cần nông cụ. Đàn ông người Mông ai chẳng thế, biết đi phát rẫy là biết đúc lò rèn! Từ khi bắt tay vào làm nghề, nông cụ làm ra hầu như chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình. “Bố làm để dùng thôi. Không bán cho ai. Mà có bán thì ở đây cũng chẳng có ai mua vì người ta đều biết rèn mà”. Người Mông khi đã có tuổi thường tự xưng mình là “bố”. Nếu có được một người phụ giúp hợp ý, mỗi ngày ông Nềnh Hùa có thể vừa cắt sắt vừa rèn được hoàn chỉnh 2 con dao Mông. Tiến độ như vậy chẳng phải thợ giỏi nào cũng đạt được.
Anh thợ phụ bấy lâu chỉ đứng quai búa, chợt góp chuyện: “Nếu chỉ cắt sắt, nung một hồi, đập một tí rồi dùng máy doa (máy mài) làm một buổi cũng được gần chục cái dao. Loại này hay bán ở chợ nhưng người Mông mình thì không dùng được”. Anh thợ đánh trần bên lò rèn muốn nói đến những chiếc dao làm theo kiểu dáng của người Mông bán ở chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), chợ Hòa Bình (Tương Dương), mỗi chiếc chỉ độ dăm bảy chục nghìn. Còn chiếc dao phát do người Mông ở Mường Típ rèn ra cũng phải có giá lên đến 200.000 đồng.
“Đắt vậy nhưng dùng được nhiều năm, mài đi mài lại nhiều lần đến khi cái dao mỏng dẹt, gãy rồi mới phải vứt đi”, anh Phó bản Và Bá Dì cũng góp chuyện. Té ra cái anh chàng có vẻ ít nói này cũng lắm tài ra phết. Thổi khèn giỏi, biết xem lịch để chọn ngày tốt, lại còn là một anh thợ rèn cũng vào loại khá trong bản Phà Nọi. Anh chia sẻ: Dao và cuốc của người Mông bền lại sắc là vì những thợ rèn ở đây không dùng máy mài. Từ khâu cắt sắt cho đến khi con dao hoàn thành chỉ có nung và gõ búa. “Đập búa làm lưỡi dao, đập búa để uốn cong mũi dao quắm. Nói chung là chỉ có nung và đập. Thợ miền xuôi thường tôi sắt bằng nước muối và dầu nhớt thải. Nhà mình chỉ dùng nước suối và thân cây chuối làm nguội sắt”, Và Bá Dì cho biết và cũng theo anh thì đó là bí quyết khiến những sản phẩm nghề rèn của người Mông sắc bén như chúng ta vẫn thấy.
Đến xã Nậm Càn cũng là một “xứ” Mông khác ở huyện Kỳ Sơn thấy mỗi bản đều có một vài lò rèn. Những hộ dân này giữ nghề phục vụ nhu cầu gia đình và dân bản. Những con dao, cái cuốc làm ra còn là mặt hàng giúp các gia đình kiếm thêm thu nhập. Còn với ông Và Cháy Xa ở bản Liên Sơn thì khác, cái lò rèn của ông và còn lại duy nhất trong bản chủ yếu để phục vụ nhu cầu gia đình và bà con lối xóm. Cứ vào mùa nương rẫy, lò rèn của ông cháy đỏ cả ngày và vang lên tiếng búa nện xuống đe. Tiếng quai búa của ông Cháy Xa đã trở thành âm thanh quen tai trong bản.
Ông Và Cháy Xa cho biết, ông duy trì lò rèn cốt để giữ lấy cái nghề của cha ông. Theo ông thì biết nghề mà không giữ lấy nghề là một cái tội. Lòng quyết tâm giữ nghề rèn của ông Và Cháy Xa đã giúp bà con bản Liên Sơn có nơi đến sửa cái cuốc, cái dao đã cùn mòn sau một mùa rẫy.
Nhìn mồ hôi của người thợ rèn trên bản Liên Sơn nhễ nhại trong cái nắng tháng Năm bên lò đang hừng hực lửa mới thấu nỗi vất vả nhưng cũng đầy niềm tự hào của họ khi cho ra đời một sản phẩm ưng ý. Ông Và Cháy Xa cho biết: Muốn có một con dao, cái cuốc tốt người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn. Ngày xưa không có nguyên liệu tốt, người thợ phải lấy thau sắt đập bỏ hết lớp sơn bên ngoài đem nấu. Bây giờ loại sắt được ưa dùng nhất là nhíp ô tô.
Cũng theo ông Và Cháy Xa, khi nung sắt phải dùng loại than củi cứng mới đảm bảo độ nóng. Một người thợ giỏi là người thợ có con mắt tinh tường, biết nhìn vào độ nóng của sắt để tôi. Nếu tôi non sản phẩm hay bị quằn, ngược lại tôi già quá lại dễ mẻ. Nhìn đôi tay đập búa từng tiếng chát chúa trên thanh sắt mới thấy được niềm đam mê của ông đối với nghề rèn. Mắt hầu như không rời thanh sắt, ông ngắm nghía kỹ càng để từng nhát búa giáng xuống không sai một điểm. Chiếc cán bằng sừng trâu bóng loáng được ông chuẩn bị từ trước tra vào cái dao sáng láng đã làm xong trông thật bắt mắt. Vậy là một con dao Mông đã được hoàn thiện.
Chúng tôi lặn lội hỏi về nguồn gốc nghề rèn của người Mông nhưng người cao niên nhất ở các bản đều không thể biết được nó có tự bao giờ. Con trai Mông chỉ biết rằng khi sinh ra đã có nghề rèn. Đời này sang đời khác người ta cần con dao để đi rừng, cái cuốc để đào rẫy nên phải có nghề rèn vậy thôi. Tuy nhiên, một số người cũng khẳng định rằng, nghề rèn dao của người Mông có nguồn gốc từ thời chiến tranh với người Hán. Cụ Và Pà Dênh ở bản Liên Sơn năm nay đã hơn 90 tuổi kể rằng: Ngày xưa, khi chiến tranh với người Hán, người Mông có một loại vũ khí rất lợi hại khiến người Hán khiếp sợ, đó là cây nỏ. Người Hán liền đến bảo rằng cứ mỗi con gà họ đổi lấy một lẫy nỏ. Người Mông nghĩ lẫy nỏ thì dễ làm, gà mới khó nuôi. Chỉ trong một đêm, toàn bộ lẫy nỏ bị lấy đi hết. Sáng hôm sau, người Hán tấn công, người Mông không còn nỏ để chống cự đành bỏ chạy. Trong lúc vừa chạy vừa chống địch, người ta nghĩ ra cách phải làm ra một loại vũ khí khác đánh lại người Hán. Và chiếc dao Mông có hình thù nhọn như cây kiếm ra đời từ đó.
Như vậy, có lẽ người Mông đến với nghề rèn bởi một yêu cầu cấp thiết của những cuộc đấu tranh để sinh tồn. Bằng sự kỹ càng vốn đã thành bản tính, những thợ rèn người Mông làm ra những con dao, cái cuốc hiếm khi sứt mẻ, có chăng chỉ mòn lõm bởi thời gian và bàn tay lao động.
Ông Và Cháy Xa bảo rằng: “Người Mông làm dao, làm cuốc không chỉ là làm cho xong chuyện. Người Mông đi lên nương rẫy hay về nhà đều phải mang theo con dao bên mình.” Con dao đã gắn bó máu thịt đối với mỗi người. Vì vậy, làm được một sản phẩm tốt để mang theo suốt đời không phải dễ dàng chút nào. Chính vì điều đó mà nhiều năm nay ông Và Cháy Xa luôn trăn trở tìm người nối nghiệp giữ nghề. Ông đang kỳ vọng điều này vào những cậu con trai, những thế hệ kế cận sẽ tiếp tục gìn giữ nghề rèn.
Hữu Vi - Đào Thọ