Bài 5: Giàu từ rừng và trang trại

14/06/2013 16:02

>> Bài 4: Xanh chè Thanh Mai(Baonghean) - Chỗ tôi đang có mặt nơi đây là khu vực dốc Vàng Tâm, thuộc tiểu khu 853...

>> Bài 4: Xanh chè Thanh Mai

(Baonghean) - Chỗ tôi đang có mặt nơi đây là khu vực dốc Vàng Tâm, thuộc tiểu khu 853 và 863, cách đường mòn Hồ Chí Minh không đầy một km, nơi ngã 3 tiếp giáp với 3 xã: Nghĩa Dũng, Kỳ Tân (Tân Kỳ) và Quang Thành (Yên Thành). Ông Tô Anh Phương, người trực tiếp đưa chúng tôi đến đây, tự hào khoe rằng: “trước đây những ngọn núi, thung lũng này là cây rừng tự nhiên thưa thớt. Trải qua biết bao công sức, bây giờ cả vùng này đã chuyển thành màu xanh của rừng keo, bạch đàn và cao su”. Và điều ông muốn giới thiệu với chúng tôi nữa là, ông vừa đầu tư gần tỷ đồng để nuôi gà trang trại. Hóa ra, cả vùng đồi 570 ha này là thuộc sở hữu của ông chủ Tô Anh Phương. Ông Phương hiện là Giám đốc Công ty TNHH Kiều Phương, đóng tại Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ.

Trời nắng gắt, chúng tôi ngồi trên chiếc xe 5 chỗ ngồi, từ đường Hồ Chí Minh rẽ theo con đường cấp phối rộng chừng 5 mét, uốn lượn qua các chân đồi. Ông Phương giới thiệu: 570 ha đất lâm nghiệp ông nhận từ năm 1996, lúc đó là nhận để bảo vệ theo chương trình rừng phòng hộ. Mặc dù được bảo vệ tốt, nhưng độ che phủ của rừng thấp, nhiều nơi vẫn đất trống đồi núi trọc, vì sỏi đá khô cằn. Chính vì lẽ ấy mà trước đó, người dân không ai thèm nhận, mới đến lượt mình. Nếu tính chiều dài bám đường Hồ Chí Minh thì rừng của ông Phương chỉ bám gần 1 km, còn chiều sâu thì ngót 10 km.



Ông Tô Anh Phương (bên phải) kiểm tra gà giống trước khi chuyển về trại nuôi thả.

Thấy rừng phòng hộ kém hiệu quả, nhiều lần ông Phương xin ý kiến chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chuyển mục đích sang đất trồng rừng sản xuất. Được chính quyền địa phương ủng hộ, phải mãi đến năm 2005, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của ông mới được chuyển đổi mục đích sang trồng rừng nguyên liệu. Năm 2006, cùng với chính sách hỗ trợ trồng rừng theo Chương trình 147, ông Phương đầu tư hàng trăm triệu đồng, thuê đơn vị bộ đội, cùng với người dân trong vùng trồng keo và bạch đàn trên toàn bộ 570 ha của ông quản lý.

Lúc đó, vì đang là giám đốc công ty, chuyên xây dựng và khai thác đá, nên không có điều kiện trực tiếp chỉ đạo việc trồng rừng, toàn bộ việc rừng phó thác cho người thân, do vậy nhiều nơi rừng trồng không được đảm bảo, ngay cả việc thuê nhân công chăm sóc sau này cũng không được chu đáo. Không thể bỏ bê việc trồng rừng, cuối năm 2012, ông quyết định giảm việc công ty, tập trung dồn sức chăm sóc rừng, lấy kinh tế rừng làm thu nhập chính. Ông bỏ công khảo sát lại toàn bộ diện tích rừng đã có, và thuê người phát dọn thực bì, trồng lại khoảng 1/3 diện tích rừng trước đây đã trồng. Bởi vì cái hồi thuê hàng trăm nhân công trồng rừng ấy, có những người thiếu trách nhiệm, dẫn đến nhiều diện tích tỷ lệ cây sống rất thấp. Do vậy, bây giờ nhìn vào khu vực rừng của ông, nhiều chỗ loang lổ, bởi những mái đồi vừa thu dọn thực bì để đốt.

Bây giờ, những diện tích rừng đã qua 6 năm chăm sóc, phần lớn đã đến kỳ thu hoạch, nhưng ông chưa hề khai thác lấy một cây keo. Bởi một lẽ, theo như ông cho biết định hướng là, sẽ chọn những diện tích rừng có tỷ lệ cây to, thẳng đẹp, tiếp tục chăm sóc để sau 10 năm bán làm gỗ dân dụng, chứ không bán rừng nguyên liệu để sản xuất gỗ công nghiệp như hiện nay. Bởi vì giá bán gỗ nguyên liệu tại các nhà máy hiện nay quá thấp, người trồng rừng lãi không đáng kể. Nếu sau 10 năm trở đi, thân keo sẽ gấp 3 – 4 lần hiện nay, lúc đó bán cho khách hàng làm gỗ dân dụng chắc chắn sẽ thu nhập cao hơn nhiều so với bán gỗ nguyên liệu.

Nhắc đến chuyện thị trường gỗ nguyên liệu đang làm bế tắc người trồng rừng như hiện nay, ông Tô Anh Phương còn tự hào, bởi chính ông vừa đầu tư gần tỷ đồng để xây dựng mấy cỗ máy bóc gỗ. Đầu năm 2012, khi 570 rừng của ông gần đến ngày thu hoạch, cùng với hàng nghìn ha rừng nguyên liệu trong huyện bà con đang bế tắc khâu tiêu thụ, thì bạn bè góp ý với ông nên đầu tư nhà máy bóc gỗ ván xuất khẩu để chủ động khai thác rừng của mình và thu mua gỗ nguyên liệu cho bà con trong vùng. Vậy là ông cất công ra tận Bắc Giang, Lạng Sơn tìm hiểu cách làm của các cơ sở sản xuất gỗ bóc ở đó.

Áp dụng vào những kinh nghiệm học hỏi được sau chuyến đi đó, ông Phương quyết định đầu tư mua máy bóc gỗ ván xuất khẩu. Tận dụng mặt bằng và nhà xưởng xẻ đá của công ty, ông Phương đầu tư 800 triệu đồng, mua 2 máy bóc ván gỗ xuất khẩu ngay tại Thị trấn Lạt. Nguyên liệu là ông thu mua của bà con trong vùng. Có sản phẩm, ông vào miền Nam phối hợp với các bạn hàng là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván bóc để tiêu thụ. Sản phẩm làm ra đến đâu được bạn hàng tiêu thụ hết đến đó, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 10 lao động. Ông Phương cho biết, mỗi m3 gỗ bóc trừ mọi chi phí, mình còn lãi 200 nghìn đồng. Với mức lãi đó là hoạt động tốt. Trong quá trình hợp tác làm ăn, do giá cả thị trường biến động, nên cũng có lúc mình bị động.

Vốn là giám đốc của công ty chuyên khai thác và xây dựng đã qua hàng chục năm, trong tay ông Phương đang quản lý trên 10 chiếc máy múc và ô tô vận tải. Có sẵn máy và công nhân, chỉ việc đổ dầu, máy hư hỏng thì sửa chữa, khắc phục, từ trục đường chính do huyện cùng với ông đầu tư vào vùng nguyên liệu, sắp tới ông sẽ mở mạng lưới đường xương cá vào tất cả các chân đồi, để thuận lợi cho việc khai thác, trồng và chăm sóc rừng về lâu dài.

Và sau cùng, ông Phương dẫn tôi đến khu vực trang trại chăn nuôi gà. Đây là khu rừng keo rộng 12 ha, trồng cách đây 6 năm, được đánh giá là đẹp nhất, cây nào cũng to, thân thẳng đẹp, bởi thế ý định của ông sẽ tiếp tục chăm sóc trên 10 năm để bán lấy gỗ dân dụng. Đầu tháng 5, ông quyết định đầu tư nuôi gà trang trại mang tầm cỡ tại khu rừng này. Bây giờ trên các sườn núi, thấp thoáng dưới những tán rừng xanh mát là 12 cái trại nuôi gà đã được dựng lên.

Xung quanh mỗi cái trại, ông đầu tư mua lưới vây một khoảng rộng cả một vách núi để thả gà. Ông Phương cho biết cách nuôi gà của mình: Dưới cùng là trại ươm giống gà với số lượng 3 nghìn con trong một lứa. Giống gà cỏ và gà đen Mông mua từ Viện Di truyền bảo vệ nguồn giống Thủy Phương (Hà Nội) về ươm trong 1 tháng, khi đạt trọng lượng 5 lạng/con, chuyển lên thả vào trại. Mỗi trại đủ nuôi 1 nghìn con/lứa. Hàng ngày, cho gà ăn ngô xay là chính, kết hợp với thả đồi trong khuôn viên đã được vây lưới.

Bằng cách nuôi đó, gà nhanh lớn và thịt săn chắc, thơm ngon, chứ không như gà nuôi nhốt. 12 trại nuôi gà, tính ra mỗi năm trang trại gà của ông Phương xuất chuồng 3 vạn con gà thịt. Tính hiệu quả kinh tế: Mỗi kg gà thịt bán sỉ cho lái buôn 100 nghìn đồng, trừ mọi chi phí từ 75 – 80 nghìn đồng, mình còn lãi 20 nghìn đồng. Vị chi, 3 vạn con gà, mỗi năm thu lãi ít nhất 1 tỷ đồng. Theo ông Phương, sở dĩ ông đưa ra bài toán đó là có cơ sở để khẳng định. Để nuôi được mấy vạn con gà, ông sử dụng 3 nhân công có trình độ chuyên môn chăn nuôi, thú y, trực tiếp chăm sóc gà từ khi ươm giống đến lúc xuất chuồng. Hơn nữa, trang trại của ông cách biệt với khu dân cư, lại có điều kiện thuân lợi về địa hình. Do đó, khả năng dịch bệnh xẩy ra đối với gà là rất ít.

Đứng trên triền đồi, chỉ tay về thung lũng phía trong cùng, ông Phương cho biết thêm: Dự kiến tôi sẽ nuôi thêm bò hàng hóa ở trong ấy, vì ở đó đồi thấp, cỏ nhiều và có cả mó nước chảy quanh năm. Hiện nay, ông đang tập trung máy móc san ủi mặt bằng để xây dựng trại chăn nuôi bò. Có hai hướng chăn nuôi bò, một là mua bò gầy về nuôi vỗ béo để bán bò thịt. Hai là sẽ đầu tư mua mấy con bò sinh sản lai sind về nuôi để phát triển thành đàn. Như vậy, ngay từ bây giờ, trong 570 ha rừng đã khép tán này đã hiện rõ những trang trại chăn nuôi có tầm cỡ trên địa bàn huyện Tân Kỳ nói riêng, và trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Nghệ An nói chung.

Nhìn những cánh rừng ngút ngàn, tràn đầy sức sống, ông Tô Anh Phương đưa ra con số chắc nịch rằng, bắt đầu từ năm 2014, 570 ha rừng này nếu thu hoạch theo kiểu cuốn chiếu, thì mỗi năm thu hoạch hàng tỷ đồng. Con số khổng lồ ấy là không hề nói thêm, bởi theo ông, nếu một năm thu hoạch 80 - 90 ha rừng, là điều hiển nhiên. Thu hoạch đến đâu, tiếp tục đầu tư theo lối thâm canh, chuyên nghiệp đến đó, cứ 6 năm 1 lứa, vậy là năm nào cũng có nguồn thu hàng tỷ đồng từ rừng nguyên liệu.


Bài, ảnh: Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Bài 5: Giàu từ rừng và trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO