Bài 6: Ký ức quê hương

19/08/2012 15:19

Trong chuyến tham quan nước Pháp lần này, tôi may mắn được đến thăm Thành phố Dinan thuộc tỉnh Côtes-dArmor - một trong những thành phố cổ đẹp nhất Châu Âu. Không những được khám phá cảnh quan và những công trình lịch sử, văn hóa ở đây, tôi còn được tìm hiểu về những ký ức Việt Nam và cả xứ Nghệ ngay ở vùng Tây Bắc nước Pháp...-->> Xem Bài 5: Học... từ trường học Pháp

> Xem Bài 5: Học... từ trường học Pháp

Từ ký ức Đông Dương - Việt Nam


Ngay ngày đầu tiên ở Thành phố Dinan, tôi đã được gặp một nhân vật đặc biệt. Ông là Loic Rennes Vilbert - Giám đốc Thư viện Dinan, người được coi là công dân số 1 của Dinan. Ông là người điều hành một trong những thư viện đồ sộ và hoạt động hiệu quả nhất nước Pháp với hơn 180.000 đầu sách và hơn 35.000 độc giả (chiếm 19% dân số Thành phố Dinan).



Ông Loic Vilbert giới thiệu về tấm bản đồ Đông Dương đầu tiên

Ông cũng là một trong những người sáng lập Hội Hữu nghị Cotes dArmor Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Armor - Mekong, ủy viên điều hành Tân Hội ái hữu Cố đô Huế. Tham gia nhiều Hội Hữu nghị Pháp - Việt như vậy nên dễ hiểu là Loic Vilbert dành cho Việt Nam một tình cảm rất đặc biệt. Trong Thư viện Dinan hiện có gần 25.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến Việt Nam, được trưng bày ở những vị trí rất trang trọng và được lưu giữ bằng những phương pháp tốt nhất. Thú vị hơn, trong Thư viện còn có một nữ thủ thư người Việt Nam là chị Mai Goupil (tên Việt Nam là Lê Thị Mai) - người đã làm dâu nước Pháp được gần 10 năm. Với một nhân viên người Việt xinh xắn, năng động bên cạnh làm nhiệm vụ phiên dịch, Loic Vilbert say sưa giới thiệu với chúng tôi về sự bảo tồn những giá trị lịch sử, Văn hóa Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng ngay tại Thành phố Dinan, và câu chuyện của ông bắt đầu từ một nhân vật nổi tiếng - nhà ngoại giao, nhà thám hiểm Auguste Pavie.


Auguste Pavie (1847-1925) sinh ra trong một gia đình bình dân ở Thành phố Dinan. Bị cuốn hút bởi viễn cảnh được phiêu lưu thám hiểm nơi viễn xứ, năm 1964, ông gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi. Năm 1969, ông là một thành viên của đạo quân viễn chinh Pháp đến Đông Dương. Năm 1971, ông trở thành một trưởng trạm bưu điện ở Campuchia. Sau đó, với tư cách là một nhà ngoại giao, ông đã giữ nhiều chức vụ khác nhau, như phó công sứ, công sứ, tổng công sứ rồi tổng cao ủy của Pháp tại Lào... Nhưng ông được biết đến nhiều hơn như là một nhà thám hiểm lừng danh.


Cùng với nhà dân tộc học Edouard Diguet (1861 - 1921) và nhà văn Roger Vercel (1894 - 1957), Auguste Pavie là một trong những người tiên phong trong việc thám hiểm Đông Dương. Trong 25 năm, Pavie thực hiện khảo sát một vùng rộng tới 676.000 km2, du hành 30.000 km bằng cách đi bộ, cưỡi voi hay xuôi dòng sông bằng bè, thu thập một lượng lớn thông tin khoa học về địa dư, lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của các vùng, miền ở phía Đông và Bắc sông Mekong.

Ông được một đoàn đông tới 40 người làm phụ tá về chuyên môn, từ khảo cổ cho tới côn trùng học, có cả bác sỹ - nhà ngoại giao Pierre Lefèvre-Fontalis và bác sỹ nghiên cứu môn miễn dịch học Alexandre Yersin nổi tiếng. Thành quả của những chuyến thám hiểm ấy là tấm bản đồ Đông Dương đầu tiên do Nhà xuất bản Challamenl ở Paris ấn hành vào năm 1899. Đây là tấm bản đồ làm nền tảng cho các tấm bản đồ về Đông Dương sau này và hiện Thư viện Dinan đang lưu giữ một trong 3 bản in đầu tiên.



Thư viện Dinan

Bên cạnh đó là 10 tập sách dư địa chí mang tựa đề Mission Pavie Indo-Chine, xuất bản tại Paris từ năm 1898 -1903. Đây được coi là những công trình khoa học có giá trị to lớn về 3 nước Đông Dương và chúng nhanh chóng trở thành kim chỉ nam cho những ai muốn tiếp cận và nghiên cứu Đông Dương sau này. Ngoài ra, Auguste Pavie còn để lại hàng chục công trình riêng lẻ, nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, các hệ động thực vật ở Đông Dương. Hiện Thư viện Dinan đang lưu giữ hầu hết các tư liệu của Auguste Pavie liên quan đến Đông Dương và những kỷ vật sưu tầm được ở Đông Dương (như dụng cụ sinh hoạt, vũ khí săn bắn...) do đích thân Auguste Pavie và những người thân trong gia đình trao tặng.


Với những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu Đông Dương, Auguste Pavie được coi là một trong những học giả lừng danh của nước Pháp. Ở Thành phố Dinan - quê hương ông hiện có con đường mang tên ông và khu nhà lưu niệm Auguste Pavie, nơi có bức tượng bán thân của ông tọa lạc giữa một vườn tre đậm chất Việt.


Ngoài những tư liệu, hiện vật của Auguste Pavie, Thư viện Dinan còn lưu trữ hơn 100 ảnh đen trắng chụp phong cảnh 3 tỉnh Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh do Antoine Delon, một người bạn của Auguste Pavie chụp trong những năm 1888 - 1905; một bộ sưu tập tranh sơn dầu của André Maire vẽ về Việt Nam và Đông Dương trong thập niên 1950. Ngoài ra, Thư viện còn có hơn 1.000 đầu sách do các học giả Pháp viết về Đông Dương và Việt Nam cùng các tác phẩm tiếng Việt được dịch ra tiếng Pháp, được trưng bày tại một gian riêng. Có thể kể đến những tác phẩm như Dien Bien Phu của Pierre Pellisier, Indochine 1940 - 1945 của Jacques de Folin... hay sách dịch của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khắc Trường, Phan Thị Vàng Anh, Nhã Ca, Nhật Tuấn....



Đài tưởng niệm Đông Dương.

Đến Dinan, nói về ký ức Đông Dương, không thể không nhắc đến Monument Indochine (Đài tưởng niệm Đông Dương) - công trình tưởng niệm những người lính Pháp đã chết trận ở Đông Dương từ 1868 - 1954, được dựng vào ngày 7/5/2000 ngay giữa trung tâm thành phố. Khác với Đài tưởng niệm binh sỹ Mỹ chết trận trong chiến tranh Việt Nam ở Whasington với kiến trúc hiện đại, Monument Indochine có kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam với một ngôi đình được dựng bằng gỗ, mái ngói uốn cong. Ngôi đình do những người thợ ở Bắc Ninh thiết kế và thi công ở Việt Nam, sau đó tháo rời để chuyển về Pháp bằng đường biển.

Các thợ mộc của Thành phố Dinan đã tuân thủ những chỉ dẫn của các đồng nghiệp Bắc Ninh phục dựng nguyên trạng tòa đình ngay trên mảnh đất quê hương họ. Phía trong là một tấm bia đá được làm từ đá lấy ở Thanh Hóa, mang dòng chữ: "A la memoire de soldats des campagne dIndochine mort pour la France" (dịch nghĩa: "Tưởng nhớ những người con đã bỏ mình ở Đông Dương vì nước Pháp"). Đài tưởng niệm theo phong cách Việt Nam nên từ không gian xung quanh tấm bia cho đến chiếc bát hương và những cây hương thắp cầu nguyện cho người đã khuất đều giống với của Việt Nam. Theo những người bạn Pháp, Đài tưởng niệm lính Pháp chết trận ở Đông Dương duy nhất trên đất Pháp này sẽ cho người Pháp một cái nhìn khách quan hơn về lịch sử nước Pháp, dù là tiêu cực, đau buồn...


Và ký ức xứ Nghệ


Tấm bản đồ gốc Đông Dương, những tư liệu, hình ảnh, kỷ vật về Việt Nam ở Thư viện Dinan đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Nhưng với tư cách là một người con xứ Nghệ, tôi bị cuốn hút đặc biệt bởi bản gốc của một cuốn sách: Le vieux An - Tịnh của học giả Pháp Hippolyte Le Breton. Cuốn sách lần đầu tiên xuất bản ở Hà Nội năm 1936, được tái bản vào năm 1998 tại Hà Nội và bản dịch tiếng Việt được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành vào năm 2005 với tên sách An - Tĩnh cổ lục.


Le Breton nguyên là Hiệu trưởng Trường Quốc học Vinh đầu thế kỷ XX. Từng dạy học ở nhiều trường khác nhau ở Đông Dương nhưng ông đã dành cho đất An - Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) một tình cảm đặc biệt. Hơn một lần ông nói rằng ông yêu xứ Nghệ và yêu người Nghệ Tĩnh: "Vì hiểu nên mới yêu, và càng yêu thì càng hiểu hơn". Do đó, ông là người bạn, người thầy của dân xứ Nghệ chứ không phải là một công chức hay một học giả thực dân. Trong Le vieux An - Tịnh, Breton kết hợp tri thức của nhiều bộ môn khoa học nên đã tạo cho cuốn sách một trữ lượng kiến thức lớn lao đem tới cho bạn đọc hôm nay những nhận thức mới mẻ... Le Breton quan tâm đến địa lý, đến lịch sử và nhất là văn hóa dân gian xứ Nghệ. Đã nhiều lần ông khẳng định, những tư liệu trong cuốn sách là từ văn hóa dân gian xứ Nghệ mà ra. Breton còn rất chú trọng đến nét riêng của mỗi vùng miền của xứ Nghệ, đến lịch sử và vai trò của các con sông, đến các dòng họ, đến vai trò quan trọng của Nghệ Tĩnh trong lịch sử Việt Nam. Chính những trang viết của ông, dù là dưới cái nhìn của một học giả nước ngoài, đã góp phần cung cấp những tư liệu tham khảo quý giá cho những công trình khoa học sau này về đất và người xứ Nghệ.


Trước lúc chia tay, Loic Vilbert trang trọng trao cho tôi một tập ảnh về Thành Vinh xưa được in trên khổ giấy A4 từ những bức ảnh gốc trong cuốn Le vieux An - Tịnh và một số bức ảnh do các đoàn thám hiểm của Auguste Pavie chụp. Tôi gặp trong tập ảnh này bản vẽ Thành cổ Vinh với hình ngôi sao 6 cánh, hình ảnh những đường phố, cây cầu, ngôi nhà cổ, xóm chài bên dòng sông Lam và cả cảnh sinh hoạt gia đình... Những hình ảnh đầy sống động đó đến nay không còn, dù chỉ trong ký ức của những người dân Thành phố Vinh ngày nay, bởi nó được chụp từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vậy mà, ngay giữa nước bạn xa xôi, chúng lại được lưu giữ một cách trang trọng...! Loic Vilbert dặn tôi rằng, hãy giới thiệu cho thật nhiều người dân Thành phố Vinh về những bức ảnh trên và lưu ý rằng "bản gốc của chúng đang được lưu giữ tại Thư viện Dinan". Chị Mai Goupil cười, nói với tôi rằng: "Loic đang quảng cáo cho Thư viện của ông ấy đấy!". Tôi không nghĩ vậy, chỉ thấy ở đó một tình cảm chân thành, cảm động của một người bạn Pháp đối với quê hương tôi!


Minh Quân

Mới nhất
x
Bài 6: Ký ức quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO