Bài cúng, lễ vật Tết Thanh Minh và những điều cần lưu ý
Trong dịp tiết Thanh Minh, người Việt thường thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên bằng việc dâng hương, tảo mộ và chuẩn bị lễ vật cúng bái chu đáo. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị lễ vật, bài cúng và những điều cần đặc biệt lưu ý khi đi tảo mộ trong dịp này.
Tiết Thanh Minh năm nay trong khoảng thời gian nào
Tiết Thanh Minh bắt đầu khoảng 60 ngày sau Lập Xuân và 105 ngày sau Đông Chí, kéo dài trong 15 ngày. Ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh thường được gọi là Tết Thanh Minh.
Trong khoảng thời gian này, mọi người có thể chọn bất kỳ ngày nào phù hợp để đi tảo mộ, không nhất thiết phải là ngày đầu tiên.
Năm 2025, tiết Thanh Minh diễn ra từ ngày bắt đầu từ ngày 4-5/4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng 20-21/4 dương lịch (khi bắt đầu Tiết Cốc Vũ). Trong khoảng thời gian này, các gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật, đến phần mộ tổ tiên để dâng hương, quét dọn và làm lễ.
.png)
Chuẩn bị lễ vật cúng tiết Thanh Minh
Lễ vật trong dịp này không cần cầu kỳ nhưng phải đầy đủ, thể hiện sự trang nghiêm và thành tâm.
Hoa cúng nên chọn hoa tươi, đẹp, đặc biệt là hoa hồng ba màu, số lượng lẻ như 9 bông để giữ sự cân đối âm dương.
Mâm ngũ quả gồm các loại trái cây theo mùa như xoài, thanh long, đu đủ, táo, cam, hồng xiêm… nhằm tượng trưng cho ngũ hành.
Các vật phẩm thiết yếu khác gồm có: chén rượu, ly nước lọc, chén chè, gạo, muối, thuốc lá. Ngoài ra, nên chuẩn bị một đĩa xôi và khoanh giò lụa hoặc cỗ chay tùy điều kiện.
Phần đồ mã gồm ngựa vàng, đinh tiền vàng và vãng mã để đốt cho người đã khuất.

Những điều cần lưu ý khi đi tảo mộ dịp Thanh Minh
Khi đi tảo mộ, cần giữ tâm thế trang nghiêm, thành kính. Nên tránh chọn các địa điểm hẻo lánh, ít người qua lại, đặc biệt nếu người đi có thể trạng yếu hoặc dễ bị tác động tâm linh. Tốt nhất là đi theo nhóm đông người để an toàn và tránh rủi ro.
Khi đến khu mộ, nên lễ phép, tránh giẫm đạp lên mộ phần hay đồ cúng của người khác. Phần mộ của tổ tiên cần được quét sạch cỏ dại, thêm đất mới và cắm hoa tươi.
Không nên chỉ làm sạch phía trước mà bỏ quên phía sau mộ, bởi theo quan niệm dân gian, phần hậu cũng rất quan trọng trong phong thủy.
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai nên hạn chế đi tảo mộ vì dễ bị nhiễm hàn khí, không tốt cho sức khỏe.
Người đang cảm cúm, mệt mỏi, đau nhức cũng nên ở nhà và chỉ vái vọng.
Sau khi tảo mộ xong, những người có cơ địa yếu nên bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi để xua tan tà khí, đảm bảo sự an toàn về mặt tinh thần.
Một điều quan trọng khác là không nên chụp ảnh tập thể xung quanh khu mộ, vì đây là nơi linh thiêng, cần sự tôn kính.
Ngoài ra, khi phát hiện khu vực xung quanh mộ có nước đọng, thấm hoặc gần ao hồ, nên chú ý xử lý để tránh ảnh hưởng đến phong thủy, vận khí của dòng tộc.
Cúng Thanh Minh ở đâu và thực hiện ra sao?
Người Việt thường cúng Tết Thanh Minh ở cả hai nơi: tại phần mộ tổ tiên và tại bàn thờ gia đình.

Mâm cỗ cúng có thể là đồ mặn hoặc đồ chay, tùy theo quan niệm của từng gia đình. Một số gia đình chọn mâm lễ chay để tránh sát sinh, giúp vong linh dễ siêu thoát.
Khi đến nghĩa trang, nếu có ban thờ chung thì đặt lễ lên đó. Nếu không có, cần chuẩn bị bàn hoặc đôn riêng để đặt lễ, tuyệt đối không bày trực tiếp xuống đất.
Gia chủ sẽ thắp hương, đốt nến và đọc bài khấn. Trong lúc chờ hương cháy, tiến hành quét dọn mộ phần, sửa sang lại những chỗ hư hỏng.
Sau khi hương cháy được khoảng hai phần ba, tiến hành lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để tiếp tục lễ cúng tại gia. Việc hành lễ tại nhà cũng cần trang trọng, đúng nghi thức.

Trình tự là lễ thần linh trước, sau đó mới cúng gia tiên. Khi dâng hương, hai tay chắp lại, nâng ngang trán, vái ba vái rồi cắm hương vào bát.
Sau đó, gia chủ đọc bài khấn gia tiên, vái ba vái nữa và đợi hương tàn rồi mới được hóa vàng. Trong mọi khâu, người cúng cần giữ sự thành tâm và kính cẩn, tuyệt đối không đùa giỡn hay xao nhãng.
Bài cúng Tết Thanh Minh – Tiết Thanh Minh trong nhà
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy các ngài thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.
Hôm nay là ngày: (đọc ngày theo âm lịch).
Tín chủ chúng con là: (tên người khấn).
Ngụ tại: (địa chỉ của nhà tín chủ).
Nhân Tết thanh minh, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị tôn thần lai lâm chiếu giám.
Gia đình chúng con có ngôi mộ của: (cha, ông hay cụ tam đại, tứ đại theo vai của người dưới mộ so với tín chủ), táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp.
Vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng thần linh, thổ công, thổ phủ, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản trong khu vực này.
Chúng con kính mời các vị chư thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát.
Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Bài văn khấn lễ vong linh ngoài mộ theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Con kính lạy hương linh: (tên người dưới phần mộ, nếu là các cụ tổ tiên đã xa đời thì có thể gọi là cụ Tam Đại, Tứ Đại ...).
Hôm nay là ngày: nhân Tết Thanh minh.
Tín chủ chúng con là:
Ngụ tại địa chỉ:
Chúng con và toàn thể gia đình con cháu, nhờ công ơn sinh thành dưỡng dục, nền đức cao dày, gây dựng cơ nghiệp của ... ( người dưới phần mộ).
Tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước mộ, kính mời chân linh (cụ, ông, cha…….) lai lâm hiến hưởng.
Chúng con xin phép được sửa sang phần mộ, bồi xa, bồi thổ cho được dầy bền, tu sửa minh đường cho thêm vững chắc.
Cúi xin linh thiêng chứng giám, thụ hưởng lễ vật , phù hộ độ trì con cháu, qua lại soi xét cửa nhà. Che tai cứu nạn, ban tài tiếp lộc, điều lành mang đến, điều giữ xua đi.
Độ cho gia đạo hưng long, quế hòe tươi tốt. Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần).
Bài văn khấn lễ cúng gia tiên tại nhà theo sách Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Hôm nay là ngày... tháng... năm...
Nay con giữ việc phụng thờ tên là... ,.... tuổi, sinh tại xã... , huyện.... , tỉnh.... cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.
Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.
Kính dâng lễ bạc: Trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp...
Kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.
Tiết Thanh Minh không chỉ là dịp để tri ân tổ tiên mà còn là cơ hội để gia đình sum họp, nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn. Việc cúng lễ và tảo mộ nếu được chuẩn bị chu đáo, đúng cách sẽ mang lại bình an, may mắn cho cả gia đình trong suốt năm.