Bài cuối: Cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu HTX Nông nghiệp
(Baonghean.vn) - Hợp tác xã đã gắn liền với chiều dài lịch sử của nông dân Việt Nam và dù có thăng trầm theo từng thời kỳ, nhưng vẫn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo mọi điều kiện để tồn tại và phát triển. Vai trò quan trọng của HTX trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và những bất cập, yếu kém hiện nay của HTX đòi hỏi phải có giải pháp đổi mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Rất nhiều rào cản đối với sự vực dậy và phát triển kinh tế hợp tác hiện nay nhưng tựu chung lại có một số lý do quan trọng, đó là: nhận thức của bộ phận cán bộ, người dân chưa đúng về tầm quan trọng và bản chất của kinh tế tập thể trong nền kinh tế; thiếu vốn, thiếu sự năng động trong cơ chế thị trường cũng như phương án sản xuất chưa sát với yêu cầu đổi mới của HTX.
Trở lại câu chuyện thiếu vốn của các HTX, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là do nhiều HTX trên địa bàn tỉnh chưa chuyển đổi đúng theo luật 2003 chứ chưa nói tới luật 2012. Cụ thể, xã viên chủ yếu là xã viên nền từ HTX kiểu cũ, chưa đóng góp vốn góp vào HTX để HTX có vốn thực hiện nhiệm vụ dịch vụ phục vụ cho thành viên, HTX vẫn đang hoạt động theo kiểu được chăng hay chớ trên nền của HTX có từ thời bao cấp. Làm bài toán đơn giản, nếu HTX nông nghiệp có khoảng 2.000 xã viên, mỗi xã viên đóng 500.000 đồng thì HTX đã có 1 tỷ đồng vốn điều lệ để hoạt động SXKD. Số vốn này thừa khả năng để HTX làm dịch vụ vật tư đầu vào cho việc phát triển kinh tế hộ thành viên cũng như có điều kiện để đầu tư phương tiện cơ giới (máy cấy, máy cày..) để tăng thêm dịch vụ thiết yếu cho sản xuất của hộ thành viên.
Thu hoạch lúa hè thu 2014 tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thịnh Sơn - Đô Lương |
Luật HTX năm 2012 tuy đã ban hành được 2 năm nhưng chưa có HTX nông nghiệp nào chuyển đổi. Tức là HTX chưa xác định rõ thành viên HTX là ai, ai là người có quyền lợi liên quan đến HTX, chưa làm rõ tài sản chia và tài không chia của HTX, đặc biệt là xác định vốn góp và nhu cầu vốn cho SXKD của HTX. Nhiều xã viên trên danh nghĩa nhưng không góp vốn cũng như không tham gia sử dụng dịch vụ của HTX; việc huy động vốn cho hoạt động dịch vụ, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng ít cho vay vốn vì lòng tin đối với các HTX NN thấp, xã viên không quen với việc trả phí dịch vụ do ảnh hưởng từ thói quen được phục vụ và tâm lý ỷ lại. Trong khi đó, kinh tế hợp tác trong nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức của các cơ quan nhà nước. Một số nơi chính quyền cấp xã buông lỏng quản lý hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và phân phối thu nhập của HTX. Nhiều HTX không còn hoạt động nhưng vẫn chưa được giải thể đúng luật, do chính quyền địa phương còn thiếu quan tâm nội dung này, do khó khăn trong việc giải quyết tài sản, công nợ trong và sau giải thể…
Anh Nguyễn Đình Trưng - Trưởng phòng phát triển HTX - Liên minh HTX Nghệ An cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi các HTX đang hoạt động hiện nay sang mô hình tổ chức và hoạt động theo luật HTX năm 2012 đang vướng một số vấn đề. Đó là: Khó xác định các khoản tài sản do xã viên đóng góp khi vào HTX, nhất là các HTX được thành lập thời kỳ bao cấp; lúng túng trong việc giải quyết tài sản và vốn được hình thành bằng nguồn hỗ trợ của nhà nước và của các tổ chức cho HTX qua các thời kỳ (chủ yếu là các tài sản cố định như trụ sở, hồ đập, kênh mương…).
Các HTX cần giải thể thì gặp khó khăn trong việc xử lý công nợ, tồn đọng với xã viên… Chẳng hạn tại Tân Kỳ, hiện có 3 HTX là dịch vụ nông nghiệp xã Tân Xuân (do nợ phân bón của doanh nghiệp), Phú Sơn, và Nghĩa Dũng đã ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể. Những tồn tại của HTX đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Đoàn kiểm tra phát triển kinh tế tập thể theo Quyết định 5150 của UBND tỉnh làm việc với BCĐ huyện Nghĩa Đàn (tháng 11-2014) |
Kinh tế HTX là bà đỡ cho kinh tế hộ phát triển nhằm ổn định kinh tế và chính trị ở cơ sở, do đó, cấp ủy chính quyền cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các kết luận của Bộ chính trị và Tỉnh ủy về kinh tế HTX. Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, xây dựng các mô hình điểm; khuyến khích kinh tế hộ tham gia các mô hình liên kết sản xuất, cần quan tâm công tác quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Nghiên cứu các loại hình kinh tế phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đối tượng cây trồng vật nuôi và huy động các nguồn lực xã hội tham gia: ban hành cơ chế chính sách, cơ chế vay vốn ngân hàng, lồng ghép các chương trình dự án…Để đảm bảo đủ vốn cho sản xuất, cần thực hiện chuyển đổi HTX theo luật 2012 để HTX hoạt động đúng bản chất; tiến hành hướng dẫn thủ tục cấp GCN QSDĐ nhà kho, trụ sở để HTX yên tâm sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ HTX để từ đó có phương pháp xây dựng phương án kinh doanh tiệm cận với cơ chế kinh tế thị trường.
Tìm một hướng đi mới cho HTX nông nghiệp, ông Trần Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Nghệ An cho rằng, cấp ủy chính quyền định hướng đúng cho HTX dịch vụ nông nghiệp, đa dạng hóa dịch vụ, chú trọng dịch vụ công ích như dịch vụ môi trường, dịch vụ quản lí chợ. Ngoài ra, tăng cường hoạt động tín dụng nội bộ HTX để kịp thời cung cấp món vay nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của bà con, giảm tín dụng đen ở nông thôn.
Còn ông Vi Lưu Bình - Phó GĐ Sở NN&PTNT nêu giải pháp, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, chúng ta phải đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đổi mới toàn diện cả về nội dung và hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để giải quyết những bất cập đối với kinh tế HTX nông nghiệp, Nghệ An đã có định hướng tái cơ cấu HTX NN, từ năm 2014 - 2020 xây dựng và tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu các HTXNN. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 85% HTXNN tổ chức bộ máy và hoạt động đúng luật HTX 2012. Trên cơ sở đó xây dựng một số mô hình HTX tái cơ cấu. Mỗi huyện, thành phố, thị xã xây dựng 2-3 mô hình HTXNN điển hình hoặc tổ hợp tác kiểu mẫu về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, hoặc dịch vụ tổng hợp, dịch vụ phi nông nghiệp.
Thành lập một số doanh nghiệp của HTXNN trong các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp. Giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh sẽ cơ bản chuyển đổi xong HTXNN sang tổ chức và hoạt động theo luật HTX năm 2012. Theo đó, sẽ thành lập mới HTX theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Các HTX hoạt động không hiệu quả sẽ kiên quyết giải thể để lành mạnh hóa các hoạt động của HTX hiện nay, đảm bảo "bình mới và rượu cũng mới".
Thu Huyền