Bài cuối: Chính ngư dân quyết định hiệu quả
(Baonghean) - Trong khi ở các địa phương khác ngư dân tập trung đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi đánh bắt hiệu quả cao, thì tại làng Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu) nhiều ngư dân đang bán đi “cần câu cơm” từ bao đời nay của mình. Lý do vì sao?
Nghề biển Song Ngọc - Vì đâu nên nỗi?
Dù không nằm sát biển, nhưng xã Quỳnh Ngọc từ xa xưa có nghề đánh bắt tương đối phát triển, trong đó có 2 xóm 12 và 13 (làng Song Ngọc) người dân chủ yếu sống dựa vào tài nguyên biển. Giữa năm 2016 trở về trước, Song Ngọc có tới 36 tàu, thuyền tạo việc làm cho khoảng 300 lao động nam trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản và cũng chừng đó phụ nữ tham gia buôn bán cá và các sản phẩm từ biển. Nhờ đó, đời sống bà con rất ổn định. Tuy nhiên, sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển tại Hà Tĩnh, người dân ở đây đã bán gần hết tàu thuyền, đến nay chỉ còn lại 5 chiếc.
Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) sửa sang ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Ảnh: Đức Anh |
Tìm hiểu nguyên nhân ngư dân Song Ngọc bán tàu, trong khi các địa phương khác giáp ranh với Song Ngọc như Sơn Hải, Quỳnh Long nghề biển vẫn diễn ra bình thường, thậm chí đang phát triển, thì hầu hết ngư dân Song Ngọc đều cho rằng “sản phẩm làm ra không bán được do sự cố môi trường biển”. Bên cạnh đó là do Song Ngọc không có bến tàu thuyền, nên không có chỗ neo đậu, rất khó khăn cho việc quản lý tàu thuyền cũng như bán cá; rồi việc cầu Sơn Hải bắc qua sông Thai - đường thủy duy nhất để ngư dân Song Ngọc ra biển - quá thấp, khiến tàu thuyền lớn không ra được; mà thuyền nhỏ thì bám biển không hiệu quả.
Thực tế, một số ngư dân Song Ngọc bán tàu còn bởi hiện nay các địa phương khác hầu hết đã chuyển đổi sang tàu to máy lớn, ít nhất cũng 4 sào để đi đánh bắt xa bờ. Trong khi những tàu ở Song Ngọc chủ yếu là tàu nhỏ, công suất từ 70 - 300CV, là tàu 2 sào đánh bắt vùng lộng nên không hiệu quả (ánh đèn yếu không thu hút hải sản lại gần). Anh Nguyễn Sơn ở xóm 12, cho biết: “Trước kia tôi làm nghề câu trên tàu 2 sào, nhưng gần đây không làm nữa vì không hiệu quả. Người ta đi tàu 4 sào ánh sáng rất mạnh, tàu mình “tối om”, mần răng mà thu hút được cá, mực nên tôi và nhiều người khác đành phải bán tàu. Hơn nữa, hiện nay do tin đồn về ô nhiễm môi trường biển lan truyền rộng quá, nên chúng tôi sợ nhiều người vẫn còn ngại sử dụng sản phẩm từ biển”.
Chẳng hiểu người dân Song Ngọc không nhận thức được hay cố tình gán ghép “sự cố ô nhiễm môi trường biển” có liên quan đến các sản phẩm từ biển tại những vị trí họ đánh bắt (Bắc Vịnh Bắc bộ)? Họ có hiểu rằng chính nhận thức và hành động bỏ nghề, cùng một số đòi hỏi bồi thường thiếu căn cứ khi cho rằng hải sản ở vùng biển đánh bắt của họ cũng bị nhiễm độc do sự cố Formosa đã tạo nên “tin đồn” khiến người dân ngại sử dụng sản phẩm từ biển. Người chịu thiệt thòi nhất, gánh trọn vẹn hậu quả từ sự bất ổn về tình hình đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm biển không ai khác chính là những ngư dân và những người sống bằng nghề liên quan đến biển. Chưa hết, khi được hỏi, nếu như có một chính sách hỗ trợ tốt, có sẵn sàng vay vốn để trở lại với nghề bằng tàu to, máy lớn không? Anh Sơn trả lời “như được lập trình sẵn”: Quay lại nghề ai chẳng muốn, nhưng một khi “Fomorsa” vẫn còn tồn tại thì chúng tôi chưa nghĩ đến! Nhiều ngư dân ở Song Ngọc cũng trả lời như vậy. Điều đáng nói là, hầu hết người dân trước đây làm nghề liên quan đến đánh bắt, thu mua sản phẩm từ biển ở đây đang lâm vào cảnh thất nghiệp.
Chị Đặng Thị Nga - hộ chuyên sản xuất nước mắm và ruốc biển gia truyền ở Giáo xứ Mành Sơn (xã Tiến Thủy). Ảnh: Việt Hùng |
Cùng với nghề đi biển, một nghề khác có “mối quan hệ mật thiết” với biển ở đây cũng rất phát triển, đó là nghề làm nước mắm. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ chế biến nước mắm nên đời sống của nhiều hộ dân ở giáo xứ Song Ngọc được cải thiện, tỷ lệ hộ khá chiếm hơn 50% tổng số hộ dân của 2 xóm 12 và 13; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6% năm 2016 (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%). Nghề nước mắm cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, người dân Song Ngọc vô cùng năng động, cần cù, chịu khó, sáng tạo. Dù không ở sát biển, nhưng từ rất lâu đời Song Ngọc đã có nghề đánh bắt hải sản phát triển và trở thành nghề truyền thống khi họ nhận thức được biển sẽ đem lại no ấm, sung túc. Khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ hải sản của người dân ngày càng cao, thì nghề làm nước mắm đã được người dân Song Ngọc chọn để phát triển. Thương hiệu nước mắm Song Ngọc đã dần được hình thành và lan tỏa. Việc xây dựng Song Ngọc trở thành làng có nghề là điều mà người dân nơi đây cần hướng đến để phát triển.
Bà con ngư dân cần có quyết định sáng suốt vì lợi ích chung
Sau sự cố môi trường biển miền Trung, có một khoảng thời gian hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là vùng ven biển thuộc địa phận các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Ở Nghệ An, dù không nằm trong vùng bị ô nhiễm, nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng; tổng sản lượng khai thác không giảm, nhưng giá trị sản phẩm sau khai thác có giảm đáng kể. Đó là sự thật.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Trung ương, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, quan trắc môi trường biển nghiêm ngặt; công khai những số liệu quan trắc trên các phương tiện truyền thông và đưa ra những khuyến cáo đối với ngư dân, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác ở vùng biển an toàn...
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tăng cường tuần tra, vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ, cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về một số chỉ tiêu đối với hải sản tầng đáy đã an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc Công ty Formosa Hà Tĩnh hoàn thành đúng tiến độ đề ra việc khắc phục các vi phạm; đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý không cho phép đường ống thải ngầm ra biển đúng quy định của pháp luật. Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND 4 tỉnh theo dõi chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền Trung. Hiện nay, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường cũng đang gấp rút hoàn thành…
Tại Nghệ An cũng thường xuyên tổ chức các đợt quan trắc môi trường biển. Riêng trong năm 2016 thực hiện được 43 đợt quan trắc môi trường biển tại Cửa Lò, Cửa Hội… và kết quả cho thấy các thông số nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Những việc làm đó không ngoài mục đích giúp ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi; giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm từ biển ở các vùng an toàn, mà cụ thể là vùng ngư trường truyền thống ngư dân Nghệ An vẫn thường tham gia đánh bắt.
Chiếc tàu cá mang số hiệu NA 96989 TS của anh Tạ Xuân Bảy, đây là chiếc tàu cá được đóng từ vốn vay Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Đức Anh |
Từ những việc làm quyết liệt, đầy tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của đại đa số người dân, nên người tiêu dùng đã có nhận thức đúng và yên tâm sử dụng sản phẩm biển. Bằng chứng là từ khoảng đầu tháng 11/2016 đến nay thị trường tiêu thụ sản phẩm hải sản ổn định. Thậm chí giá bán tăng đột biến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán và hiện nay vẫn đang ở mức cao (cá ù 50.000 đồng/kg, cá đốm 17.000 đồng/1kg...). Nhờ đó những chuyến biển đầu năm, dù chưa phải là vụ biển chính (vụ cá nam), nhưng ngư dân vẫn thắng lớn cả về sản lượng và giá trị, thu nhập, đời sống người dân có nhiều khởi sắc.
Anh Tạ Xuân Bảy - ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) “trúng đậm” chuyến biển đầu năm vui mừng nói: Vào đầu tháng 2, chúng tôi ra khơi chỉ 4 ngày đã đánh bắt được 15 tấn cá, chủ yếu là cá ngăm; với giá bán 22.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi người thu về hơn 10 triệu đồng. “Ở đâu thì tôi không biết, chứ ở đây, chúng tôi chỉ bị khó khăn một thời gian ngắn, sau đó hoạt động trở lại bình thường. Ai cũng vui và phấn khởi vì đánh bắt hải sản được mùa, được giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển, vì đây là nguồn sống của gia đình và cũng là trách nhiệm của ngư dân trong việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Hiện nay, hoạt động đánh bắt hải sản đã trở lại nhịp độ thường ngày. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân tiếp tục đóng thêm tàu to, máy lớn; công năng, ngư, lưới cụ hiện đại. Ngư dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai vẫn ngày đêm bám biển, vươn khơi. Biển an toàn, sản lượng đánh bắt của ngư dân tăng mạnh, giá cả ổn định và tăng cao so với trước. Vì thế, để tiếp tục bám biển và làm giàu từ biển, giải pháp quan trọng là ngư dân cần quan tâm xây dựng thị trường tiêu thụ, phải tạo được chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm từ người sản xuất, đánh bắt đến tiêu thụ; cùng với cơ quan chức năng chứng nhận nguồn gốc thủy hải sản. Bà con cần có nhận thức chung, ổn định tình hình sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, để bảo vệ quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của chính mình. Chính bà con ngư dân mới là người quan trọng nhất trong câu chuyện nâng cao khả năng tiêu thụ cũng như giá trị sản phẩm.
Những hành động phản đối, đòi hỏi thiếu căn cứ chỉ khiến người dân mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh của mình, gia đình mình, cộng đồng mình. Thậm chí có thể, chính bà con đang bị lợi dụng để tạo nên những bất ổn về trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đấu tranh, làm rõ những vấn đề liên quan đến sự cố Formosa đã có Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, các cấp chính quyền vào cuộc theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời chính doanh nghiệp cũng đã cam kết có trách nhiệm khắc phục, xử lý sự cố. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà khoa học đã kiểm tra, đánh giá, và cho biết, FHS đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm.
Biển khơi luôn đón chờ và không phụ lòng những ngư dân chăm chỉ lao động để đem lại đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình, đem lại sự bình yên cho làng quê, cho xã hội. Biển chờ ngư dân, đất liền mong chờ nguồn lợi và nguồn lực từ biển.