Bài cuối: Điều kiện để xây dựng trường học đạt chuẩn
(Baonghean) - Theo Đề án "Quy hoạch mạng lưới trường lớp cấp tiểu học, THCS huyện Yên Thành từ năm 2009 đến năm 2015" thì đến năm 2015, toàn huyện chỉ còn 26 trường THCS (hiện nay có 35 trường). Gần 3 năm qua, huyện mới giải thể được Trường THCS Kim Thành (học sinh được bố trí học ở Trường THCS Quang Thành và THCS Đồng Thành), sáp nhập Trường THCS Tăng Thành vào Trường THCS Thị trấn Yên Thành...
Một số ý kiến của các cựu giáo chức, người cao tuổi xã Hoa Thành cho rằng không nên sáp nhập Trường THCS Hoa Thành với Trường THCS Thị trấn Yên Thành, hoặc nếu sáp nhập thì nên đặt địa điểm tại Trường THCS Hoa Thành. Lý do mà các cựu giáo chức đưa ra là Trường THCS Hoa Thành là trường cấp 2 đầu tiên của huyện Yên Thành, là nơi đặt nền móng cho ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Thành, là cái nôi ươm mầm tri thức cho Yên Thành. Thứ nữa, Trường THCS Hoa Thành được đặt trên đất đình Bảo Lâm xưa, nên cần được bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp chứ không thể xóa bỏ. Và, khi sáp nhập trường thì con em Hoa Thành sẽ phải đi học xa...
Trước hết, phải khẳng định rằng, việc sáp nhập Trường THCS Hoa Thành với Trường THCS Thị trấn Yên Thành không có mục đích nào khác ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục cho chính con em Hoa Thành, là hoàn toàn đúng với chủ trương của tỉnh, phù hợp thực tế của địa phương.
Hiện nay, UBND huyện Yên Thành đang đầu tư xây dựng Trường THCS Phan Đăng Lưu (tên trường sau khi sáp nhập Trường THCS Thị trấn Yên Thành và Trường THCS Hoa Thành) trên diện tích gần 10.000m2, gồm nhiều hạng mục khang trang, với tổng kinh phí đầu tư theo dự toán khoảng 23 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, trường có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh. Quy mô trường lớp hợp lý sẽ tạo không khí học tập sôi nổi trong học sinh, giáo viên được bố trí đúng chuyên môn, các tổ chuyên môn không còn cảnh ghép giáo viên dạy nhiều môn lại với nhau....
Phòng học tin học ở trường THCS Hoa Thành
Trường đặt ở địa điểm phía Bắc Thị trấn Yên Thành, khoảng cách từ xóm xa nhất của Hoa Thành đến địa điểm mới khoảng 3 km, từ Văn Thành đến trường mới khoảng 2-3 km, xóm xa nhất của xã Tăng Thành đến điểm trường khoảng 6 km. Do đó, địa điểm đặt trường mới phù hợp, thuận tiện cho học sinh các xã sau khi sáp nhập đến học tại trường. Còn nếu đặt trường tại điểm Trường THCS Hoa Thành hiện tại thì học sinh ở các xã khác khi đến học sẽ phải đi xa hơn và phải đi qua địa bàn các xã khác nhau, do đó không đảm bảo thuận tiện trong đi lại cho học sinh. Vả lại, hiện nay, xã Hoa Thành có 62 học sinh đang theo học tại Trường THCS Bạch Liêu và Trường THCS Thị trấn Yên Thành, hàng ngày các em vẫn đạp xe đi, về, do đó, không thể nói vì khoảng cách giao thông mà cản trở việc sáp nhập trường.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: "Khi xây dựng đề án sáp nhập trường, huyện và ngành đã nghiên cứu kỹ, cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu nhất. Địa điểm đặt trường THCS Phan Đăng Lưu (hiện đang xây dựng) là phù hợp, thuận tiện cho học sinh các xã sau sáp nhập theo học. Vấn đề quan trọng nhất, chủ trương của huyện là xây dựng Trường THCS Phan Đăng Lưu thành trường trọng điểm của huyện, do đó trường đã và sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của các địa phương có con em theo học xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...".
Thực tế cho thấy, việc sáp nhập Trường THCS Hoa Thành và Trường THCS thị trấn Yên Thành thành một trường có quy mô hợp lý hơn để đầu tư hiệu quả hơn là điều tất yếu. Không thể phủ nhận lịch sử, truyền thống của một ngôi trường có bề dày truyền thống, nhưng không thể xem đó là lý do để "chối từ" việc sáp nhập. Vấn đề quan trọng, cần quan tâm nhất phải là chất lượng giáo dục, là quyền lợi của học sinh trong cả vùng. Hoài cổ và coi trọng quá khứ là vô cùng quý giá. Tin rằng, các thầy cô giáo ở Trường THCS Phan Đăng Lưu trong tương lai sẽ không quên dạy cho học sinh của mình hiểu biết và phát huy những truyền thống tốt đẹp của các trường tiền thân của Trường THCS Phan Đăng Lưu mai đây ngày càng dày lên, đẹp thêm.
Theo quy định, định mức của một giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, nhưng khi số lớp giảm thì số tiết dạy của giáo viên cũng giảm, không thể bố trí đồng bộ đội ngũ giáo viên, buộc một số giáo viên phải dạy chéo môn, không tổ chức được các tổ chuyên môn theo đúng nghĩa, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy. Mặt khác, nếu để trường có quy mô nhỏ, manh mún, ngân sách có hạn nên rất khó đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn. Vậy nên, việc quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới trường lớp theo hướng sáp nhập các trường có quy mô nhỏ lại với nhau là điều tất yếu.
Ngay từ năm 2006, tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 11/7/2006 của Tỉnh ủy đã ghi rõ: "Quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lý theo hướng mỗi xã chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, duy trì một số trường trung học cơ sở có các lớp tiểu học ở những xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng cao; sáp nhập các trường trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường cụm xã".
Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, năm 2008, Sở GD&ĐT chỉ đạo thông qua Công văn số 2091/SGD&ĐT-KHTV: "Tiến hành sắp xếp mạng lưới trường lớp học trên địa bàn, đảm bảo mỗi xã chỉ có một trường mầm non, một trường tiểu học, một trường THCS. Quy mô mỗi trường không dưới 12 lớp và không quá 30 lớp. Đối với cấp THCS, nếu số học sinh quá ít, số lớp dưới 10 thì tiến hành sáp nhập thành trường liên xã".
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, đến nay, số trường tiểu học trong toàn tỉnh giảm xuống còn 538 trường (giảm 47 trường so với năm 2006), trung học cơ sở còn 413 trường (giảm 57 trường so với năm 2006). Hưng Nguyên là một điển hình trong công tác quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường lớp. Đến nay, sau khi sáp nhập, Hưng Nguyên hiện còn 22 trường tiểu học (giảm 3 trường so với năm 2006), 11 trường THCS (giảm 6 trường so với năm 2006). Còn ở Thanh Chương, mặc dù địa hình miền núi, khoảng cách giữa các xã khá xa, nhưng để đảm bảo chất lượng dạy và học, những năm qua, huyện đã tiến hành sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, hiện giảm xuống còn 42 trường tiểu học (giảm 6 trường) và 39 trường THCS (giảm 1 trường so với năm 2006). Trên cơ sở đó, các huyện có điều kiện đầu tư cho các trường xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, đội ngũ giáo viên được bố trí đúng chuyên môn, từ đó, chất lượng dạy và học của các trường sau sáp nhập đã có chuyển biến đáng kể so với trước.
Thực tế từ các địa phương cho thấy, việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ là điều tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục. Cái chính là ở cách làm của các địa phương. Không nên cứng nhắc sử dụng các biện pháp hành chính, mà phải tuyên truyền làm cho mọi người hiểu được lợi ích của việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân khi phải sáp nhập các trường. Mặt khác, trên cơ sở lộ trình đã xây dựng, tập trung sức chuẩn bị chu đáo về các điều kiện, nhất là điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, về tổ chức bộ máy...
Duy Nam - Thảo Nhi