Bài Cuối: Những cách làm hay, sáng tạo
(Baonghean) - Thực hiện Kết luận 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về củng cố hệ thống chính trị vùng giáo, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể... Tuy nhiên, để hệ thống chính trị vùng giáo thật sự vững mạnh, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài...
Ông Nguyễn Xuân Lành- Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc (xã giáo toàn tòng) của huyện Nam Đàn cho rằng: Muốn xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng giáo phải quan tâm thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cốt cán; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là người có đạo trong sinh hoạt và công tác, tạo điều kiện bố trí công việc phù hợp cho đảng viên giáo dân để "giữ chân" họ. Đồng thời, ưu tiên xem xét con em là người gốc giáo, con của đảng viên và cốt cán vùng giáo để dạy nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Lâu nay, ở Nam Lộc công tác này được Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể hết sức quan tâm. Hiện toàn xã có 37/70 đảng viên gốc giáo đang tham gia vào hệ thống chính trị từ xã đến huyện. Năm 2011, Đảng bộ xã kết nạp được 5 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên gốc giáo là chị Trần Thị Lý- Chi hội trưởng Phụ nữ xóm 5 được bố trí làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ; anh Trần Văn Khang (SN 1983) được bố trí làm Phó Bí thư Đoàn xã. Bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên cốt cán cũng phải thực sự tiên phong gương mẫu "lời nói đi đôi với việc làm" để tạo niềm tin và cả sự nể trọng của nhân dân từ những việc nhỏ như: tham gia lao động vệ sinh cùng Đoàn Thanh niên, xung phong làm công tác bảo vệ cho bà con làm vụ đông xuân miễn phí đến việc đóng góp các loại quỹ phí, các quỹ từ thiện, nhân đạo...
Duy trì mối quan hệ tốt với các chức sắc, chức việc, linh mục cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng giáo. Thực tế cho thấy, ở đâu đội ngũ chức sắc, chức việc đồng tình, ủng hộ thì các hoạt động bề nổi của đồng bào giáo dân phát triển mạnh, tỷ lệ tập hợp hội viên trong các tổ chức đoàn thể cao. Đảng bộ xã Hùng Thành (Yên Thành) chỉ có 215 đảng viên (2 đảng viên gốc giáo)/5.876 dân nhưng hoạt động của các tổ chức đoàn thể vẫn phát triển mạnh, tỷ lệ tập hợp các đoàn thể bình quân đạt 80% trở lên, riêng Chi hội Phụ nữ là 100%, lương giáo đoàn kết, chính trị ổn định. Bí thư Đảng ủy xã Phan Duy Ái cho biết: Khác với các xã khác, gần một nửa dân số xã Hùng Thành là giáo dân, bởi vậy xã Hùng Thành phải thông qua Ban Hành giáo, Linh mục quản xứ, 35 cán bộ cốt cán vùng giáo và 164 tổ liên gia cùng phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để tuyên truyền, vận động giáo dân đồng tình thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền.
Ví dụ như trong quy hoạch con đường nhựa liên xã, có một đoạn đi vào giữa nhà anh Đinh Văn Khoa, giáo dân ở xóm 5. Ban đầu, công tác vận động, thuyết phục đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, nhưng sau nhờ sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, linh mục và Ban hành giáo xứ nên gia đình anh Khoa đã chấp nhận mức tiền hỗ trợ 17 triệu đồng.
Hưởng ứng Phong trào Xây dựng nông thôn mới, bà con giáo dân Giáo xứ Đức Lân, họ Đồng Lạc, xã Hùng Thành cũng tích cực đi đầu trong hiến đất làm đường giao thông liên xóm, liên xã. Tính đến thời điểm này, xã Hùng Thành có 249 hộ hiến đất làm đường xã với diện tích 30.803m2, trong đó giáo dân có 51 hộ. Đó là chưa kể hơn 200 hộ đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông xóm...
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho tổ chức đảng, các đoàn thể và cho cán bộ cốt cán, đảng viên vùng giáo. Ở Nam Đàn, từ năm 2003, huyện đã có cơ chế hỗ trợ cho cốt cán vùng giáo với mức 50 nghìn đồng/người/tháng, năm 2006 nâng lên từ 70-100 nghìn đồng/người/tháng... Huyện Nghi Lộc cũng rất quan tâm đến chế độ chính sách đối với vùng giáo. Hàng năm, huyện trích ngân sách hỗ trợ cho các chi bộ vùng giáo hoạt động (500.000 đồng/năm), mỗi đảng viên là giáo dân ngoài biên chế Nhà nước (100.000 đồng/tháng); tăng mức khen thưởng cho các đảng viên vùng giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trích nguồn đảng phí để thăm hỏi đảng viên khi ốm đau, hoạn nạn (mức 200.000 - 1 triệu đồng/người). Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 40% kinh phí cho các xóm giáo xây dựng nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
Cung cấp đầy đủ báo Nhân Dân, báo Nghệ An, bản tin huyện, thông tin nội bộ, tài liệu, sổ tay đảng viên... phục vụ sinh hoạt cho các chi bộ vùng giáo. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp được trên 1.700 đảng viên mới, trong đó có 31 đảng viên theo đạo; xoá được 17 xóm chưa có chi bộ, 6 xóm chưa có đảng viên ở các xã vùng giáo; trong tổng số 121 đảng viên vùng giáo có 19 Đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; không còn đảng viên vi phạm tư cách, 80 chi bộ vùng giáo được xếp loại trong sạch vững mạnh (chiếm 67,2%) ...
Ông Nguyễn Bá Châu- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc chia sẻ kinh nghiệm: Để nâng cao vai trò của tổ chức đảng trong xây dựng chính quyền, các chi uỷ, chi bộ phải thường xuyên làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng của quần chúng nhân dân, đảng viên, từ đó đưa ra bàn bạc và thống nhất hướng giải quyết.
Phân công các đồng chí trong BTV, BCH trực tiếp giúp đỡ các chi uỷ, chi bộ xóm giáo; phân công các báo cáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin, chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đối với các xóm vùng giáo ít đảng viên, đặc biệt là chi bộ tăng cường ngoài các phiên họp bàn các nội dung của nội bộ đảng, cần tổ chức các phiên hội nghị chi bộ mở rộng mời ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể khác cùng tham gia, để phát huy trí tuệ tập thể xây dựng nghị quyết chi bộ sát đúng và tạo được sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện.
Khánh Ly- Thanh Phúc