Bài cuối: Quê nhà dang rộng vòng tay

“Nhiều hoàn cảnh thương lắm em ạ. Có người thì dọc đường tai nạn, chân tay xây xước hết. Có người mắt đỏ hoe, áo quần cũng rách tả tơi vì gặp mưa gió” – Giáp, một chiến sỹ CSGT thường xuyên trực tại chốt kiểm soát cầu Bến Thủy 2 thở dài nói khi chúng tôi hỏi về những đoàn xe hồi hương từ tâm dịch.

Mỗi ca trực, anh Giáp cùng các đồng đội đón hàng trăm người từ tâm dịch phía Nam về. “Mặc dù họ tự ý về như thế là rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho chính bản thân họ và quê nhà. Nhưng cũng vì hoàn cảnh đưa đẩy cả”, anh nói thêm, đồng thời không quên ôm những chai nước suối, bánh mì mang đến phát cho những người con xa xứ vừa qua chốt.

Để hỗ trợ người về quê tránh dịch, ở 2 điểm chốt cửa ngõ phía Nam của tỉnh Nghệ An luôn chất đầy những chai nước suối, bánh mì, lương khô. Tuy nhiên, các công dân này cũng được kiểm soát rất chặt chẽ để tránh nguy cơ dịch lây lan. Theo đó, tất cả công dân đi qua chốt đều phải khai báo y tế. Từ những thông tin đó, nhân viên y tế gửi danh sách về tận các xã, phường nhằm theo dõi, cách ly ngay sau khi họ đặt chân về quê, chưa kịp tiếp xúc với ai.

Là một trong những địa phương có số lao động tự ý chạy xe máy về quê trong những ngày qua rất đông, ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tính đến ngày 30/7, toàn huyện đang cách ly tập trung hơn 500 lao động về từ các tỉnh phía Nam. “Trên toàn huyện, chúng tôi lập hơn 100 chốt kiểm soát. Trong đó, người dân chạy xe máy trước khi vào địa bàn huyện phải qua chốt khai báo, test nhanh Covid-19. Sau đó ai ở xã nào thì chúng tôi bàn giao cho xã đó.Có thể nói là kiểm soát rất chặt chẽ”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, trước dự báo lượng công dân về từ tâm dịch trong những ngày tới còn rất đông, huyện đã phải kích hoạt cả hệ thống chính trị vào cuộc.Toàn bộ trường bán trú trên địa bàn đều được trưng dụng làm chỗ cách ly tập trung. Để tiết kiệm chi phí cách ly cho các con em, huyện bố trí cách ly các công dân với tiêu chí càng gần nhà càng tốt. Để người thân gần đó có thể nấu ăn mang tới phục vụ.  “Tuy nhiên, có một khó khăn đó là phần lớn họ đều là lao động nghèo cả. Mà trong thời gian cách ly phải xét nghiệm đến 4 lần, chi phí rất lớn”, ông Minh nói và mong muốn có một chính sách hỗ trợ bà con vấn đề này.

Tại huyện Tương Dương, theo ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết, quê nhà luôn dang rộng vòng tay đón con em làm ăn xa xứ về tránh dịch. Huyện cũng đã có kế hoạch để cách ly, kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên cũng đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Theo đó, các laođộng ngay sau khi đặt chân đến địa bàn sẽ được hướng dẫn chạy thẳng về nhà văn hóa cộng đồng hoặc trường học ở ngay trong bản họ sinh sống để cách ly tập trung. Huyện không tổ chức nấu ăn cho những công dân này mà người nhà có trách nhiệm mang đồ dùng đến khu cách ly để công dân tự nấu. Thực phẩm được huyện phân bổ từ nguồn vận động của Ủy ban MTTQ cũng như tận dụng sự hỗ trợ của bà con gần đó. “Đó cũng là cách tiết kiệm chi phí cách ly cho họ”, ông Nhất nói.

Huyện Nam Đàn có hàng nghìn lao động đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này qua thống kê từ website đăng ký của tỉnh, mới chỉ có 122 người là công dân Nam Đàn đăng ký về quê và dự kiến đợt 1 sẽ đón 96 công dân.

Trước đó, qua nắm bắt từ các địa phương, huyện đã cách ly tại xã 121 lao động là người Nam Đàn trở về từ phía Nam bằng các con đường tiểu ngạch. Tất cả những lao động này, sau khi về địa phương đã trực tiếp đến khai báo tại trạm y tế, tiến hành xét nghiệm và cách ly tại trạm y tế và một số cơ sở khác trên địa bàn theo quy định. Ông Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, hiện tại, dù đi về tự phát nhưng địa phương khá yên tâm vì người lao động có ý thức trong việc khai báo và bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và gia đình, xã hội. Một số trường hợp quá khó khăn cũng đã được huyện hỗ trợ một phần kinh phí, có những trường hợp ban đầu chưa hiểu các quy định nhưng sau khi được tuyên truyền nhắc nhở đã thực hiện nghiêm túc.

Trong số những lao động ở huyện Nam Đàn trở về từ các tỉnh phía Nam có 2 trường hợp đã xét nghiệp dương tính với Covid-19 nhưng may mắn nhờ được cách ly tập trung ngay khi trở về nên nguy cơ lây lan trong cộng đồng không nhiều. Với nhiều mối nguy hại này, hiện huyện Nam Đàn cũng đã xây dựng các phương án để đón lao động từ xa trở về. Trước mắt, nếu số lao động về ít thì huyện vẫn có thể bố trí đủ chỗ cách ly tập trung nhưng về lâu dài thì đây vẫn là vấn đề nan giải. “Trước đây phương án của chúng tôi là cách ly tại các cơ sở giáo dục nhưng hiện tại chuẩn bị vào năm học mới nên phương án này đang khó thực hiện. Hiện huyện đang cách ly tại trạm y tế xã và tận dụng thêm các cơ sở cũ như trường học, trụ sở UBND xã không còn sử dụng sau sáp nhập,  hoặc các nhà văn hóa ở các thôn, xóm và nếu người về vẫn tiếp tục đông thì chúng tôi hướng tới cách ly tại gia đình”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết thêm.

Trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Yên Thành cũng đã nhận được nhiều đề xuất của một số tổ chức, cá nhân về việc cùng phối hợp với huyện để cùng vào đón người lao động ở các tỉnh phía Nam với mục đích thiện nguyện. Mặc dù đây đều là những đề xuất có tính nhân văn và rất thiết thực, nhưng tại thời điểm này, huyện Yên Thành phải ra văn bản yêu cầu các đơn vị chưa thực hiện. Trao đổi điều này, ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Hầu hết những công dân muốn trở về đều ở những tỉnh  thành đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. “Thực tế, nếu đón về nhưng không nằm trong kế hoạch sẽ rất khó khăn. Bởi trong công tác phòng dịch, kiểm soát dịch bệnh và nếu không được xét nghiệm đầy đủ không tránh được tình trạng nhiều lao động đem dịch về địa phương”, ông Truyền nêu quan điểm.

Tính đến cuối tuần qua, huyện Yên Thành đã có 360 lao động đăng ký trở về qua trang tin của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó có gần 200 trường hợp khác về bằng xe máy hoặc các con đường khác. Trước mắt, tất cả những đối tượng này đã về thẳng trạm y tế và tổ chức cách ly. Huyện cũng đang yêu cầu một xã có một điểm cách ly tập trung tại trường mầm non của xã và tăng cường phát huy vai trò của tổ Covid cộng đồng ở các thôn xóm để theo dõi giám sát người đi xa trở về. Do điều kiện hiện nay, nên toàn bộ chi phí từ xét nghiệm đến ăn ở đều phải do người lao động tự chi trả. Địa phương sẽ chịu trách nhiệm vận hành quản lý và an toàn ở khu cách ly.

Hiện nay, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn còn một số lượng rất lớn lao động Nghệ An ở tâm dịch đang băn khoăn liệu có nên về quê tránh dịch hay không. Phóng viên Báo Nghệ An đã trao đổi với một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An để đưa ra lời khuyên chân thành cho những con em xa xứ. Theo vị này, quê hương không ngăn cấm nhưng cũng không khuyến khích người dân về quê thời điểm này.“Nếu xét kỹ, về quê thời điểm này là rất nguy hiểm. Thứ nhất là tự đi xe máy vượt hàng nghìn km như vậy. Thứ hai là nguy cơ mang mầm dịch về cho quê hương.Trong khi quê nhà cũng sẽ quá tải trong việc cách ly”, vị này nói và cho rằng, chưa kể chi phí cho một chuyến hồi hương cũng rất tốn kém. Ngoài tiền xăng xe, đi lại, người dân còn phải tự bỏ tiền để xét nghiệm 4 lần, rồi chi phí cách ly… Trong khi đó, dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam dù đang rất phức tạp nhưng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dự báo không lâu nữa tình hình sẽ cơ bản được kiểm soát.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Trần Hào

    Nghệ An xô viết vẫn là Nghệ An !