Bài cuối: Tăng cách làm hay, xây nguồn nhân lực

(Baonghean) - Nhận diện những bất cập, khó khăn và các bài học kinh nghiệm, định hướng cũng như quyết tâm xây dựng mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo cho chăn nuôi phát triển vững chắc là công việc quan trọng, đòi hỏi ngành Thú y nỗ lực phát huy vai trò, xây dựng nguồn nhân lực trên cơ sở khai thác tiềm năng trong giới trẻ để khắc phục tình trạng “vừa thiếu, vừa yếu” như hiện nay.

Những cách làm hiệu quả
Mạng lưới thú y cơ sở là những “mắt xích” quan trọng nhất trong chuỗi quản lý công tác thú y trên địa bàn toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác thú y cơ sở thì tình hình dịch, bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ, ổn định hơn và ngược lại. Trong tổng số 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì huyện Nghi Lộc là một trong những địa phương được đánh giá có mạng lưới thú y cơ sở khá vững chắc. Mặc dù địa bàn rộng (toàn huyện có 30 xã, thị), nằm dọc theo Quốc lộ 1A và có nhiều tuyến tỉnh lộ ngang qua, nhưng liên tục nhiều năm liền không để xảy ra dịch, bệnh lây lan trên diện rộng. Ông Trần Quốc Cường - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Nghi Lộc, khẳng định: “Kết quả khả quan ấy có được là nhờ chính quyền, các cấp, ngành hữu quan biết đúc rút kinh nghiệm từ những vụ việc đáng tiếc trước đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực và rốt ráo xem thú y cơ sở là mũi nhọn để góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong chăn nuôi…”.
Giờ thực hành của cô và trò tổ CN-TY Khoa Nông - Lâm - Ngư Trường ĐH Kinh tế Nghệ An.
Giờ thực hành của cô và trò tổ CN-TY Khoa Nông - Lâm - Ngư Trường ĐH Kinh tế Nghệ An.
Những bài học kinh nghiệm ấy, trước hết phải đến từ thái độ chú trọng chất lượng nhân lực cấp cơ sở, mà trọng tâm là thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thú y viên. Từ năm 1997 - 2005, UBND huyện Nghi Lộc đã kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức đào tạo được gần 200 cán bộ thú y cơ sở, cấp chứng chỉ cho người tham gia khóa học và trình độ được đào tạo tương đương trung cấp. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện kết hợp với các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành Chăn nuôi – Thú y mở 2 lớp trung cấp thú y với gần 100 người theo học. Đặc biệt, với mục tiêu lan tỏa kiến thức chăn nuôi - thú y đến với mọi người dân trên địa bàn huyện, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác thú y với phương châm “mỗi người dân là một cán bộ thú y”, 3 năm nay, Trạm Thú y huyện đã kết hợp với Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc đào tạo gần 30 lớp sơ cấp nghề với gần 1.000 người tham gia theo Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 
Khi có kiến thức về công tác thú y, ắt hẳn mỗi người sẽ nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, dịch bệnh và sự ảnh hưởng của vật nuôi đến môi trường, chất lượng sống của gia đình. Nhiều năm lại nay, tỉ lệ tiêm phòng trên đàn trâu, bò của huyện Nghi Lộc luôn đạt tỷ lệ gần 100%, tiêm phòng trên đàn lợn hơn 80%… Mặt khác, nhiều năm liền, huyện Nghi Lộc luôn đảm bảo thực hiện quy trình phòng dịch khép kín, nghĩa là khi các huyện lân cận công bố dịch, huyện Nghi Lộc sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn dịch lây lan. Cụ thể, lập barie, rào chắn tại các cửa ngõ vào huyện nhà, đồng thời, cắt cử lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng địa phương theo dõi, kiểm soát sự ra, vào của các xe tư thương chở gia súc vào địa bàn huyện.
Một cách làm hay khác được huyện Nghi Lộc tiến hành nhiều năm nay, đó là thông qua quy trình thu phí tiêm phòng bệnh gia súc, gia cầm đến từng hộ dân. Cách làm này phát huy hiệu quả vì khắc phục được tình trạng trốn tránh, chủ quan khi tiêm phòng gia súc, gia cầm của người dân. Ở xã Nghi Trung đã quy định, dù tiêm hay không tiêm phòng, cuối năm các hộ đều phải nộp phí. Cách tính phí theo đầu con vật nuôi, cụ thể hiện nay là 36.000 đồng/con. Hộ chăn nuôi càng nhiều thì số tiền phí phải nạp càng giảm và tối đa chỉ thu tiền đến con vật nuôi thứ 6. Những mô hình gia trại, trang trại lớn cũng tính như vậy. Nếu thiếu kinh phí, xã sẽ trích ngân sách chi trả.
Cán bộ thú y xã Nghi Trung (Nghi Lộc) thăm khám đàn gia súc.
Cán bộ thú y xã Nghi Trung (Nghi Lộc) thăm khám đàn gia súc.
Cùng với Nghi Lộc, Nam Đàn cũng là huyện được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và có nhiều cách làm hay để ổn định mạng lưới thú y cơ sở. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Quốc – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: Những năm qua, huyện Nam Đàn rất quan tâm đến đội ngũ nhân lực thú y cơ sở và tìm nhiều giải pháp để nâng cao chế độ cho họ. Năm 2012, HĐND huyện có nghị quyết chuyên đề phát triển thú y cơ sở giai đoạn 2012 – 2016. Sau đó UBND huyện đã có Quyết định số 4961-UBND về phê duyệt đề án nâng cao mạng lưới thú y cơ sở. Theo đó, đối với xã loại 1, bố trí 7 thú y viên; xã loại 2 bố trí 5 thú y viên và xã loại 3 bố trí 3 thú y viên. Đội ngũ thú y viên cấp xã, ngoài được hưởng chính sách phụ cấp của tỉnh, huyện còn có chính sách hỗ trợ thêm (hiện họ được nhận 1,2 triệu đồng/tháng). Từ đề án đó, đến nay mạng lưới thú y cơ sở của Nam Đàn đã có 114 người, công tác giám sát, khai báo dịch bệnh, quản lý nhập, xuất đàn và công tác chỉ đạo tiêm phòng hàng năm thực hiện tốt hơn trước. 
Còn ở huyện Tân Kỳ lại chọn cách làm lan tỏa thông tin, tuyên truyền đến tận từng hộ dân. Đây là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là trâu bò. Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện có trên 45 nghìn con và hơn 60 nghìn con lợn. Anh Lê Đức Tình – Trạm trưởng Trạm Thú y huyện, cho biết: Hàng năm, trạm sớm tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, quy chế phòng chống dịch trên địa bàn huyện. Các văn bản này được đưa về các xã phổ biến qua hệ thống loa phóng thanh về tận các xóm và tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động đoàn thể như đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội người cao tuổi… nên hiệu quả lan tỏa rất cao.
Thu hút nguồn nhân lực trẻ 
Trong quá trình đổi mới của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường, quá trình xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, công tác phòng chống lây lan dịch bệnh động vật, góp phần bảo vệ và phát triển đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khoẻ con người đòi hỏi phải có một thế hệ nhân lực chất lượng cao để tiếp nối. Ngành thú y cũng không thể để tiếp diễn tình trạng mạng lưới thú y cơ sở hoạt động rời rạc, lỏng lẻo, vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài những trường trung cấp nghề như Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc, đào tạo liên kết ngành chăn nuôi – thú y khi học viên có nhu cầu, thì hiện nay, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An đang là đơn vị đào tạo chính quy, có truyền thống và uy tín đối với ngành học này. Thầy Tăng Văn Tân - Trưởng phòng Quản lý - Đào tạo Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết: “Trường đào tạo ngành Chăn nuôi - Thú y từ những năm 1960. Cho đến nay, Tổ chăn nuôi - thú y thuộc Khoa Nông - Lâm - Ngư của trường đào tạo 3 hệ: trung cấp, cao đẳng và đại học. Qua từng năm, số lượng sinh viên chọn học ngành Chăn nuôi - Thú y tăng rõ rệt, đa phần là các em đến từ các vùng nông thôn, miền núi”. Cụ thể, với hệ Cao đẳng, năm học 2010 - 2011 chỉ có 16 sinh viên, năm học 2011-2012 tăng lên 20 SV, năm học 2012- 2013 có 28 SV, năm học 2014 - 2015, có 55 SV cả hệ cao đẳng, đại học. Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực trong lựa chọn ngành học và định hướng nghề trong tương lai của nhiều bạn trẻ.
Sinh viên Nguyễn Văn Long (1995), quê ở xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn), hiện đang theo học ngành Chăn nuôi – thú y tại trường ĐH Kinh tế Nghệ An tâm sự với vẻ đầy tự tin: “Bố mẹ em định hướng em theo nghề khác, nhưng rồi em vẫn quyết theo học ngành này. Ở nhà có chăn nuôi vài con trâu, bò, mỗi lần thấy cán bộ thú y đến tiêm phòng, chữa trị cho chúng là em tò mò đi theo và quan sát. Từ đó, thấm dần cái nghề thú y này khi nào không biết!”. Long cũng khẳng định, học ngành này, khi ra trường không sợ thất nghiệp vì được biết, hiện nay, nhân lực ngành thú y tỉnh nhà còn thiếu nhiều, chưa kể đến nhu cầu rất lớn của các trang trại quy mô lớn, các doanh nghiệp chăn nuôi ở các vùng miền khác cũng rất cần cán bộ thú y.
Điều làm cho những thanh niên theo ngành Thú y yên tâm là những năm qua, lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này được nhiều nhà máy, doanh nghiệp, các trang trại lớn trong nước tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc với điều kiện ưu đãi tốt. Từ thực trạng mạng lưới thú y cơ sở tỉnh nhà liên hệ với tình hình đào tạo nghề chăn nuôi – thú y hiện nay, nhận thấy rất rõ: Nguồn nhân lực thú y cơ sở đang thiếu và yếu nay là do một thời gian dài, chúng ta chưa có định hướng đúng đắn về nghề cũng như những ưu đãi, chế độ, chính sách phù hợp để người làm nghề sống được bằng nghề. Giải quyết được vấn đề mấu chốt này sẽ là chìa khóa để củng cố vững chắc mạng lưới thú y cơ sở, phát triển ngành thú y tỉnh nhà trong tương lai xứng với tầm vóc, tiềm năng phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
X.Hoàng - P.Chi

tin mới

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.

Hạt sở ở Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn đạt chất lượng cao. Ảnh: Văn Trường

Người dân Nghĩa Đàn mở lối thoát nghèo từ cây sở

(Baonghean.vn) -Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Nghĩa Đàn tích cực khôi phục, mở rộng diện tích, nâng cao giá trị cho cây sở. Hướng đi này mang lại hiệu quả cao, mở lối thoát nghèo cho người dân các xã miền núi đất đai cằn cỗi.