Bài cuối: Thúc đẩy đường bộ, "kích cầu" đường bay

(Baonghean) - Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, đường bay Vinh - Viêng Chăn chỉ đạt mức bình quân khoảng 40% trong tổng số lượng khách mỗi chuyến bay. Đây là vấn đề mà cả UBND tỉnh Nghệ An và hãng hàng không Vietnam Airlines cùng trăn trở…

Trước, trong và sau khi khai trường đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ban, ngành liên quan tích cực phối hợp với Vietnam Airlines tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt nhất cho đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Việt Nam Airlines và một số đơn vị lữ hành du lịch thành lập CLB Du lịch Hàng Không Vinh - Viêng Chăn gồm Viettravel chi nhánh Vinh, Công ty lữ hành quốc tế Thái Sơn; Trung tâm lữ hành du lịch Việt - Úc, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch anh em Travel để xúc tiến du lịch song phương Việt – Lào bằng việc tung ra hàng loạt các sản phẩm sử dụng đường bay thẳng giữa hai thành phố với chi phí tour đưa ra vô cùng cạnh tranh, hấp dẫn.

Ví dụ như việc áp dụng mức giá từ 6,5 triệu đồng/người cho hành trình Vinh - Viêng Chăn - Udon Thani (3 ngày), trong khi đó cùng với những điểm tham quan tương tự thì giá tour khởi hành bằng đường bộ chỉ thấp hơn khoảng trên dưới 1 triệu đồng… Tuy nhiên, sau gần 3 tháng đi vào hoạt động, đường bay Vinh - Viêng chăn không đạt tỷ lệ khách sử dụng ghế trên đường bay như kỳ vọng ban đầu (70% khách từ Lào đi, 30% khách từ Việt Nam đi) mặc dù dịp mở đường bay mới, Vietnam Airlines đã  triển khai mức giá ưu đãi cho hành trình khứ hồi Vinh - Viêng Chăn để “kích cầu”. Thực tế là trong thời gian qua một số cơ quan, đơn vị phải tổ chức cho cán bộ công nhân viên hoặc kêu gọi các doanh nghiệp trong nước đi tour để ủng hộ đường bay Vinh - Viêng Chăn.

Theo bà Trần Thị Khánh Ngọc - Trưởng bộ phận thị trường chi nhánh hàng không Việt Nam tại Vinh, thì một trong những nguyên nhân là do đường bay được mở không đúng vào mùa du lịch nên lượng khách chưa đông, mặt khác chi phí cho việc tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình quốc gia Lào khá cao nên các hoạt động quảng bá về đường bay còn hạn chế.
Làm thủ tục xuất cảnh đi Viêng Chăn tại Cảng Hàng không Vinh.
Làm thủ tục xuất cảnh đi Viêng Chăn tại Cảng Hàng không Vinh.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy không ít người cho rằng, người Việt đang sinh sống ở Lào nói chung, Thủ đô Viêng Chăn nói riêng chủ yếu là người buôn bán nhỏ, lao động tự do nên giá vé của hãng hàng không VietNam Airlines đưa ra hiện nay còn khá cao so với mức thu nhập bình quân của người lao động. Bởi vậy khách sử dụng đường bay chủ yếu vẫn là khách du lịch, công chức, doanh nghiệp và số ít du học sinh Lào đang học tập ở Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Hồng Sơn, Thành phố Vinh buôn bán ở chợ đêm Thủ đô Viêng Chăn cho biết: Việc mở đường bay Vinh - Viêng Chăn đúng là thuận lợi hơn cho cộng đồng người Việt ở Lào trong đi lại, nhất là khi có việc đột xuất nhưng giá vé là chưa phù hợp với phần lớn người lao động. Mua vé khứ hồi cả đi và về từ Lào đi chỉ khoảng 70 USD/người còn mua ở Việt Nam giá thành đắt hơn nhiều, vé khứ hồi Vinh - Viêng Chăn mất khoảng 114 USD/người.
Mặt khác, nhiều người cũng phản ánh thời gian đầu mới khai trương VietNam Airlines đưa ra các mức giá khuyến mãi  chưa bao gồm các khoản thuế, phí và phụ thu khiến nhiều người nhầm lần, tưởng là giá rẻ nhưng khi đến mua lại thất vọng bởi giá thực tế đã tính cả các khoản thuế, phí và phụ thu lớn hơn nhiều. Ví dụ như giá 1 chiều Vinh – Viêng chăn (chưa bao gồm các khoản thuế, phí và phụ thu) thời gian xuất vé từ 3/1 đến 31/01/2014, thời gian  khởi hành từ 12/1 đến 31/1/2014 là 9 USD nhưng thực tế giá vé đã bao gồm các khoản thuế, phí, phụ thu phải là 49 USD. Và chỉ có 5 chuyến đầu tiên 100% ghế bán theo giá khuyến mại hạng E, từ chuyến sau trở đi điều chỉnh tỷ lệ mở bán từ 30-50% giá khuyến mại, ví dụ 68 ghế thì chỉ có 34 ghế khuyến mại. Còn giá bán theo mùa 1 chiều khoảng 2,6 triệu đồng/người, khứ hồi 2 chiều 3,7 triệu đồng/người.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Nghệ An thì VietNam Airlines nên công khai giá vé một cách rõ ràng hơn, ví dụ mức giá khuyến mại chung nên tính gồm tất cả các khoản thuế, phí và phụ thu. Ông cũng cho rằng tất cả các đường bay mới đều không thể ngày một ngày hai có kết quả như mong muốn, đặc biệt đối với hoạt động du lịch vì các công ty lữ hành còn phải nghe ngóng, thăm dò trước khi nhập cuộc.  Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch bằng đường hàng không, ngành Du lịch phải có sự liên kết, giữa các vùng, các miền chứ không thể làm đơn độc. Ví dụ điểm đến là Nghệ An nhưng cũng phải có sự mở rộng ra các tỉnh  khu vực Bắc miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng…. Sắp tới Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành như Viettravel nối dài  điểm đến trong các tour du lịch. Tuy nhiên, các cơ quan, ban, ngành thuộc quản lý nhà nước cần phải tạo điều kiện thông thoáng cho du khách qua sân bay và các điểm đến của du lịch Nghệ An cũng phải thay đổi tư duy và cách làm đáp ứng tiêu chí thân thiện, mến khách để thu hút khách du lịch quốc tế.  
Có một thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 10 đơn vị lữ hành quốc tế nhưng phần lớn vẫn chưa chú trọng công tác tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ hàng không hay phối hợp chặt chẽ với ngành Hàng không để được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về giá cước, giá vé máy bay cho các đoàn khách du lịch để từ đó tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ. Ông Trần Duy Trình –  Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel – Chi nhánh tại Vinh, Chủ nhiệm CLB Du Lịch Hàng không chia sẻ: Nếu như trước đây, du khách thường chỉ có một lựa chọn duy nhất là di chuyển trên xe liên tục 9-10 tiếng để đi từ Vinh sang Viêng Chăn và ngược lại, đồng nghĩa với việc lãng phí gần 2 ngày cả đi và về trong lịch trình du lịch, lại dễ gây mệt mỏi cho du khách. Nay với việc mở đường bay thẳng giữa hai thành phố, xét về kinh tế thì mức chi phí tour sử dụng hàng không là không quá cao so với vận chuyển bằng đường bộ nhưng lại tiết kiệm tối đa thời gian đi lại, đảm bảo sức khỏe cho cả các khách hàng.
Mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn một tháng nhưng các thành viên CLB du lịch hàng không đã thiết kế và triển khai một số gói sản phẩm du lịch bằng đường bay. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế hiện nay số lượng khách biết về đường bay cũng như biết về các sản phẩm du lịch thì còn ít. Một trong những nguyên nhân là công tác tuyên truyền, quảng bá mới chỉ tập trung ở các khu vực trung tâm, đô thị, chưa đi sâu vào các ngõ ngách, về với các huyện có đông người đi làm ăn ở Lào như Yên Thành, Diễn Châu… và một số tỉnh, thành khác ở Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan”. Ông Trình cũng chia sẻ bất cập trước hiện tượng một số đơn vị lữ hành du lịch nhảy vào bán phá giá các gói sản phẩm của CLB Du lịch hàng không, khiến khách hàng không biết đâu là giá thực, gây mất niềm tin đối với khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh CLB đang tạo dựng.
Có thể nói từ khi đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay, đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn nhận được sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An. Trong quá trình khai thác đường bay, nhận thấy phát sinh một số vấn đề bất cập, UBND tỉnh đã kịp thời có thông báo yêu cầu các ngành liên quan phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đưa hoạt động khai thác đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn đi vào quy củ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành khách trong khâu thủ tục xuất, nhập cảnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi và đến đảm bảo tốt và thông thoáng hơn. Đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá đường bay cho mọi người dân biết, sử dụng.
Tỉnh cũng giao cho Sở VH-TT-DL phát động du lịch tại các trung tâm lớn trong đó gắn với quảng bá đường bay (Đà Nẵng, Đông Bắc Thái Lan...); chủ trì xây dựng biển quảng bá đường bay tại những khu vực tập trung đông người Việt và thu hút khách du lịch như Chợ Sáng (Thủ đô Viêng Chăn).  Đối với chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Nghệ An đề nghị tham mưu Tổng công ty Hàng không Việt Nam giảm giá vé, kéo dài thời gian khuyến mại 2 chiều, giữ nguyên tần suất chuyến bay; nghiên cứu kết nối với đường bay Đà Nẵng - Vinh với đường bay Vinh - Viêng Chăn để thu hút lượng khách ở vùng Nam Trung bộ. Bên cạnh đó cần bố trí giờ bay hợp lý hơn, bởi theo phản ánh của khách du lịch đi tour và một số doanh nghiệp nếu bay vào giờ như hiện nay thì khi sang tới Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã vào tầm ăn trưa, lãng phí thời gian của cả buổi sáng. 
Một công ty lữ hành du lịch ở Lào đánh giá Nghệ An là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nên việc liên kết, hợp tác của ngành Du lịch với hàng không qua đường bay Vinh - Viêng Chăn là rất cần thiết, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lĩnh vực này, ngoài việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, bảo đảm các điều kiện về an toàn, an ninh, môi trường, văn hóa …, Nghệ An cũng cần đầu tư quảng bá, xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch tại địa phương nhằm tăng sức hấp dẫn du khách. Mặt khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Lào đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ tại Nghệ An như kinh doanh dịch vụ du lịch Cửa Lò. Thực tế như ở Lào nói chung, Thủ đô Viêng Chăn nói riêng hiện có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn, siêu thị và người Việt khi sang du lịch, công tác hay thăm thân đều muốn lưu trú ở khách sạn của người Việt Nam,  thuận lợi trong việc ăn uống, giao tiếp. Đó là một trong những lý do vì sao những khách sạn bình dân như Cha-lơn-xay ở Thủ đô Viêng Chăn vẫn rất đông khách. Ngược lại người Lào sang du lịch ở Việt Nam tâm lý cũng muốn vào những nhà hàng, khách sạn do người Lào đầu tư kinh doanh.
Theo hành trình trải nghiệm của chúng tôi thì nếu so sánh giữa đường bay và đường bộ sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Đi đường bay sẽ tiết kiệm đường thời gian, an toàn hơn, nhưng đi đường bộ thì giá rẻ hơn, thuận tiện hơn bởi ngay giữa Thủ đô Viêng Chăn có hẳn một bến xe người Việt đi các tỉnh Nam Lào và Việt Nam, trong đó ngày nào cũng khoảng 60 -70 đầu xe chạy về các tỉnh thành Hà Nội, Huế, Nghệ An, Đà Nẵng  qua Cửa khẩu Cầu Treo, trong đó xe Nghệ An có khoảng 12 chiếc, về tận các huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu giá vé giường nằm chỉ ở mức 350-500 nghìn đồng, phù hợp với mức thu nhập số đông người Việt đang làm công nhân và lao động tự do ở Lào. Hơn nữa, Nghệ An có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy và 3 cửa khẩu phụ: Thông Thụ, Tam Hợp và Cao Vều, cùng với nhiều lối mở rất thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa và đi lại của người dân, phương tiện qua lại biên giới giữa hai nước. 
Mỗi ngày tại Bến xe Viêng Chăn - Hà Nội có trên 10 xe về các huyện ở Nghệ An
Mỗi ngày tại Bến xe Viêng Chăn - Hà Nội có trên 10 xe về các huyện ở Nghệ An.
Ông Nguyễn Tất Quý - quê Diễn Tháp, Diễn Châu đã có 10 năm làm ăn buôn bán ở Lào cho biết: Vẫn biết đi máy bay khỏe hơn, tiết kiệm thời gian nhưng với những người ở huyện như chúng tôi đi  xe ô tô tiện hơn, vì xe chở về tận nhà nếu đi máy từ Viêng Chăn về Vinh phải đi một chặng nữa, hơn nữa phải đặt vé đi theo lịch trình, có khi còn không có chuyến vì vắng khách hoặc thời tiết xấu, còn ô tô cứ chủ động ra bến là giờ nào cũng có, mọi thủ tục ở Hải quan cũng thuận lợi, đơn giản…
Ông Khăm Chăn – thành viên Ban Thường trực Hội đồng hương Xiêng Khoảng tại Viêng Chăn cũng là một doanh nhân kinh doanh khách sạn, bất động sản tại Lào cho hay:  Hàng năm, Hội đồng hương Xiêng Khoảng ở Viêng Chăn có khoảng 200 gia đình với 800 người, thường xuyên tổ chức đi du lịch Việt Nam theo nhóm bằng ô tô riêng theo đường bộ bởi có nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị dọc đường đi. Cũng theo ông Khăm Chăn thì: Hiện nay khách từ Lào đi Nghệ An chủ yếu là khách du lịch, học sinh, sinh viên và người thăm thân. Và thường thì cả năm bận làm ăn, người Lào và Việt kiều thích đi du lịch cả gia đình bằng ô tô để có thể chủ động về mặt kinh phí, thời gian và có thể thoải mái dừng đỗ… chỉ khi nào có việc gì gấp, hoặc đột xuất mới bay bằng đường hàng không. 
Như vậy, về lâu dài, các ngành liên quan cần có sự thay đổi về tư duy, vào cuộc đồng bộ trong việc phân luồng, phân loại các đối tượng khách, thậm chí tùy thời điểm, thời gian trong năm, để có chiến lược tuyên truyền, quảng bá khai thác tiềm năng phù hợp và tổ chức quản lý tốt cả đường bay và đường bộ, làm tiền đề thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giao lưu văn hóa góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Đây cũng là động lực để tăng sức cạnh tranh giữa ngành vận tải hàng không và đường bộ. Từ đó đòi hỏi ngành Hàng không phải không ngừng nỗ lực cải tiến dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, linh hoạt trong điều tiết về giá vé, số chuyến bay, giờ bay trên tuyến bay Vinh - Viêng Chăn, đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại ngày càng cao của người dân, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Nghệ An và các tỉnh của Lào và Thái Lan.
 
Khánh Ly - Đào Tuấn

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.