Bài cuối: Xây dựng vùng nguyên liệu sạch và thương hiệu sản phẩm
Hoài Thu, Thu Huyền•26/04/2025 12:57
Cây chè hiện vẫn là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Tại Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVI cũng như các đề án, kế hoạch của tỉnh, của ngành nông nghiệp đã xác định chè là cây trồng chủ lực phục vụ nguyên liệu chế biến. Để cây chè phát triển bền vững, cần tăng cường giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Thu Huyền - Hoài Thu • 25/04/2025
Cây chè hiện vẫn là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Tại Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVI cũng như các đề án, kế hoạch của tỉnh, của ngành nông nghiệp đã xác định chè là cây trồng chủ lực phục vụ nguyên liệu chế biến. Để cây chè phát triển bền vững, cần tăng cường giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Chè trà là một thức uống phổ biến trên toàn thế giới; ngành sản xuất, chế biến chè có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập và đóng góp vào GDP. Ở Nghệ An, sản xuất và chế biến chè tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt như: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông; cây chè đã và đang là cây xóa đói, giảm nghèo, là cây trồng chủ lực của hàng chục ngàn hộ dân ở các huyện miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, kết quả đạt được, cây chè Nghệ An đang tồn tại những thách thức, rào cản khiến giá trị mang lại không như kỳ vọng. Sản phẩm của vùng nguyên liệu chè hiện nay đang bị chia năm, sẻ bảy, tranh giành nhau trong mua bán. Sản phẩm chè chủ yếu do các cơ sở chế biến ở dạng thô để bán cho các nhà máy trong nước chế biến lại, xuất khẩu.
Chè Nghệ An chủ yếu được chế biến thô, giá trị không cao. Ảnh: T.H
Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng chè không đảm bảo; diện tích chè VietGAP chỉ có 48 ha và diện tích chè theo hữu cơ chỉ có khoảng 20 ha đã được công nhận. Kéo theo đó là giá trị cây chè thấp so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Do chất lượng chè kém, chưa có thương hiệu nên giá chè của Nghệ An rất thấp. Nếu như giá chè búp của các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi; các tỉnh khác 8.000 - 10.000 đồng/kg thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Tý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cho hay: Chè là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu cho hơn 90% hộ dân của xã. Lãnh đạo xã luôn trăn trở tìm cách nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương mình, đã nhiều lần đến các địa phương khác để học hỏi, tìm hướng đi khả quan hơn. Qua những chuyến tìm hiểu ở địa phương bạn, như ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn), ở Hà Giang, Lào Cai… cho thấy, giá trị cây chè mang lại cao hơn nhiều so với địa phương Hùng Sơn đang có được. Ví như ở Hà Giang, Lào Cai người trồng chè rất kiên trì, tuyệt đối tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ và thu hái thủ công. Nhờ vậy, giá nguyên liệu cũng như sản phẩm trà không chỉ bán trong nước mà còn đạt chuẩn xuất khẩu với mức 1,5 – 7 triệu đồng/kg trà. Có những phân khúc giá còn cao hơn. Trong khi đó, trà chuẩn OCOP của Nghệ An nhìn chung chỉ mới bán được ở mức giá vài trăm ngàn đồng/kg.
Xã Huồi Tụ có 470 ha chè shan tuyết cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Ảnh: Hoài Thu
Vấn đề là tại sao chè công nghiệp Nghệ An chất lượng lại kém? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng chè không đảm bảo. Ngoài ra, kỹ thuật thu hái không đảm bảo, không theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành chè cũng kéo theo giá nguyên liệu và giá trà sơ chế cũng thấp thua so với địa phương khác. Do cạnh tranh gay gắt về vùng nguyên liệu, để bán được nhiều chè với giá cao hơn lại không yêu cầu khắt khe về kỹ thuật hái, nhiều người dân trồng chè đã thu hoạch “quá tay”. Sau mỗi lần “hái đau” như vậy, cây chè phát triển chậm lại, thậm chí có những cây chè, luống chè chết nếu gặp nắng nóng và hạn nặng.
Tại huyện Anh Sơn, chè được xác định là cây trồng mũi nhọn trên địa bàn, ngày 25/3/2021 UBND huyện cũng đã phê duyệt đề án phát triển cây chè, cây mía, cây sắn trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thế nhưng, riêng cây chè không đạt mục tiêu đề án, diện tích chè dự báo năm 2025 đạt 2.650 ha, chỉ đạt 88,6% kế hoạch đề án. Diện tích chè trồng mới hằng năm đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch, cơ bản các xã không đạt chỉ tiêu, trong đó, có một số xã không phát triển được diện tích trồng mới trong 3 năm hoặc đạt thấp như: Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Tường Sơn, Hội Sơn, Khai Sơn. Gần đây, do sản xuất không hiệu quả, một số hộ dân đã chán nản chặt phá vườn chè, rời cây chè…
Ông Lê Văn Trí – một cán bộ nông nghiệp lâu năm, có thời gian dài gắn bó với các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Anh Sơn, trong đó có cây chè chia sẻ: Với năng suất bình quân như hiện nay thì lợi nhuận bình quân của chè thời kỳ kinh doanh đạt khoảng 40-60 triệu đồng/ha/năm. Cây chè là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thời vụ thu hoạch dài (25-30 năm) phù hợp với khí hậu, đất đai của các huyện bán sơn địa Nghệ An. Tuy nhiên, dù có các xí nghiệp chè trên địa bàn nhưng việc liên kết sản xuất chưa hiệu quả, người dân chủ yếu bán cho các thương lái thu mua nên giá cả không ổn định. Nhìn chung ngành chè chưa có doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt, thương hiệu chè Nghệ An chưa đủ mạnh, chưa được người tiêu dùng đón nhận… Thực tế đó đòi hỏi giải pháp tổng thể, dài hơi, trong đó có các chiến lược từ sản xuất sạch, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho chè Nghệ An…
Đầu tư phát triển ngành chè công nghiệp Nghệ An là một chủ trương đúng đắn của tỉnh nhiều năm qua được thể hiện tại Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVI đã đề ra. Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã xác định cây chè là cây nguyên liệu phục vụ chế biến. Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ ngành chè phát triển; đó là Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó có hỗ trợ giống, làm đất và hệ thống tưới cho cây chè…
Cơ sở chế biến chè xanh Minh Sáng ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn).
Chất lượng chè quyết định bởi các yếu tố như: Giống, đất trồng, chế độ đầu tư thâm canh, kỹ thuật thu hái, công nghệ chế biến. Ông Phan Thanh Tùng – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Hiện nay, giống chè LDP1 và LDP2 được áp dụng chủ yếu trong trồng mới từ năm 2001 đến nay. Ngoài ra, giống chè shan tuyết phù hợp với vùng núi cao Kỳ Sơn. Tỷ lệ cơ cấu giống chè khác nhau tùy thuộc vào điều kiện đất đai, khí hậu từng địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè ngày càng được nông dân và các doanh nghiệp quan tâm. Nhiều địa phương đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè như sản xuất chè VietGAP, mô hình canh tác chè hữu cơ,...
Để “cứu cánh” cho cây chè cần giải pháp đồng bộ, trong đó, nâng chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu là vấn đề sống còn. Chị Trần Thị Lý - chủ HTX Chế biến chè xanh Minh Sáng cho biết: Cơ sở thường xuyên có đơn hàng đặt nhưng không có nguyên liệu sạch đảm bảo để chế biến. Khó khăn nhất là nhận thức trong sản xuất nông nghiệp sạch. Cần sử dụng phân bón hữu cơ trong quy trình sản xuất; sử dụng chế phẩm sinh học để điều trị rầy, nấm bệnh; sử dụng phân hóa học phải cân đối, đúng cách.
Chị Trần Thị Lý - chủ HTX Chế biến chè xanh Minh Sáng ở xã Hùng Sơn thu hái chè.
Trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm từ chè, đồng thời giữ được chất lượng ngay từ khâu trồng trọt, cán bộ UBND xã Hùng Sơn đã có kết nối, kêu gọi xã hội hóa để đầu tư máy dự báo, phát hiện tác nhân gây hại cho cây trồng và triển khai ủ phân bón hữu cơ cho các vùng chè. “Hiện nay, máy dự báo thời tiết, phát hiện sâu bệnh hại trên cây trồng đã lắp đặt xong và đang trong thời gian thử nghiệm. Đây là thiết bị công nghệ cao kết hợp công nghệ số, hứa hẹn sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong chăm sóc cây chè và cây trồng khác. Đồng thời, xã cũng đang vận động, tuyên truyền nhân dân xây dựng bể nuôi giun quế, ủ rơm làm phân bón sinh học, từng bước “cứu” cây chè, cũng là cách giữ nguồn thu nhập bền vững từ chính cây trồng chủ lực của địa phương”, ông Nguyễn Xuân Tý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hùng Sơn bộc bạch.
Chè hữu cơ của gia đình anh Trần Điển Vi ở xã Thanh Đức (Thanh Chương).
Đó cũng là trăn trở của nhiều người yêu cây chè, gắn bó với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ông Lê Đình Thanh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương trăn trở: Chè công nghiệp bén duyên trên đất Thanh Chương 40-50 năm và không ngừng phát triển qua từng năm, được người dân coi là cây trồng chủ lực của huyện. Trong nhiệm kỳ qua, BCH Đảng bộ huyện luôn quan tâm chỉ đạo nhân dân phát triển, mở rộng diện tích chè, kết quả cho thấy diện tích, sản lượng chè nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Hiện huyện Thanh Chương có trên 5.000 ha chè, chiếm 1/2 diện tích và hơn 1/2 sản lượng của cả tỉnh. Nếu như trước đây là cây xóa đói, giảm nghèo thì nay chè là cây kinh tế mũi nhọn, hiện có ở 13 xã của huyện.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Tây Á dễ tính, giá thành không cao, chủ yếu xuất thô, nên không phát huy được tiềm năng của cây chè. Mong muốn thu hút nhà máy chất lượng cao nhưng chưa thực hiện được. Trao đổi về giải pháp bền vững cho cây chè, ông Lê Đình Thanh cho biết: “Chè là cây trồng không dễ tính nhưng cũng không quá khó, vấn đề là phải nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân trồng, chăm sóc chè; Khuyến khích trồng chè ở vùng chủ động nước tưới. Tiếp tục thu hút các nhà máy chè có công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác tăng giá chè, khuyến khích chè VietGAP, chè hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, vận động nhân dân sản xuất bền vững theo hướng hữu cơ, đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, hướng tới thị trường trong nước và nước ngoài”.
Đóng gói chè búp. Ảnh: Thanh Phúc
Để phát huy tiềm năng, phát triển cây chè bền vững đòi hỏi giải pháp đồng bộ, từ xây dựng vùng nguyên liệu sạch, tới đầu tư dây chuyền chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Trao đổi về vấn đề này, bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, việc phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần một chiến lược tổng thể bao gồm nhiều giải pháp. Trước tiên, cần rà soát, bổ sung quỹ đất phát triển chè. Về giống, cần nghiên cứu, thử nghiệm đưa nhanh các giống mới có năng suất chất lượng phù hợp với điều kiện sinh thái Nghệ An. Xây dựng hệ thống các cơ sở, các vùng sản xuất giống đủ tiêu chuẩn, có khả năng đáp ứng nhu cầu cây giống, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cây trồng theo các quy định của ngành. Đối với kỹ thuật canh tác, cần áp dụng kỹ thuật thâm canh, biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiên tiến. Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; Global GAP… đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là công nghệ tưới: Tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả.
Tiếp đó, về chế biến, bảo quản, người dân, doanh nghiệp ngành chè cần đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại để có thể chế biến là các loại chè có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao. Đa dạng hóa các sản phẩm từ chè để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khâu bảo quản sau thu hoạch cũng rất quan trọng, do đó, cần ứng dụng công nghệ phù hợp để có thể giữ nguyên được hương vị và chất lượng chè, giúp nâng cao giá trị.
Chủ cơ sở chè ở huyện Thanh Chương tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng.
Để nâng giá trị ngành sản xuất chè, trà, gắn mã số vùng trồng, cấp mã số vùng trồng nội địa cho các vùng trồng chè trên địa bàn tỉnh cũng hết sức quan trọng. Bởi vậy, các cấp, ngành cần rà soát lựa chọn để xây dựng mã các vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu, sẵn sàng cho công tác quảng bá xuất khẩu. Từ đó, xúc tiến tiếp cận các thị trường tiêu thụ theo hướng xây dựng thương hiệu chè Nghệ An, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các vùng chè đặc sản. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Tăng cường liên kết sản xuất giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo đầu ra cho người dân.
“Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách hiện hành để hỗ trợ đủ mạnh cho việc phát triển ngành hàng chè Nghệ An trong thời gian tới, nhất là chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật. Qua đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, phát triển thương hiệu chè Nghệ An”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Thị Nhung nhấn mạnh.
“
Cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách hiện hành để hỗ trợ đủ mạnh cho việc phát triển ngành hàng chè Nghệ An trong thời gian tới, nhất là chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật”.
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường
Nghệ An là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm chủ lực như: Lúa, cam, chè, mía... Nếu tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng tầm, nâng cao giá trị sản phẩm, chè vẫn là cây trồng có lợi thế của nhiều địa phương, không chỉ tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình OCOP, mà còn nâng tầm vị thế nông sản địa phương khi có sản phẩm được thị trường tiêu dùng quốc tế đón nhận.
“
Theo Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030", đối với mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xác định tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè hiện có gắn theo vùng nguyên liệu. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè cô đặc để phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất sản phẩm có sử dụng nguyên liệu từ chè, như: Nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, trà matcha, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh,… tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn.
>> Bài 1: Lợi thế, tiềm năng và hiệu quả thực tiễn >> Bài 2: Sản xuất chè hữu cơ >> Bài 3: Định vị cây chè Nghệ An?
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.