Bài học từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Thu Giang 16/02/2022 09:58

(Baonghean.vn) - ​Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an nhân kỷ niệm 43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979-17/2/2022).

P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có thể lý giải tại sao Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam vào ngày 17/2/1979?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về chính trị học, có 2 nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản, xuyên suốt, lâu dài là xuất phát từ tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông từng tuyên bố “Chúng ta phải chinh phục Trái Đất” (1959), "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á bao gồm miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore, một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự cần thiết phải chiếm lấy...” (1965). Trung Quốc cho rằng, trước khi trở thành bá chủ thế giới thì phải làm chủ, phải chiếm được Đông Nam Á.

Ngày 17/2/1979 lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Tư liệu
Ngày 17/2/1979 lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta. Ảnh: Tư liệu

Nguyên nhân thứ hai là sau chiến thắng của Việt Nam trước Mỹ vào ngày 30/4/1975, theo quan điểm của Trung Quốc, Việt Nam trở thành “vật cản” trên con đường bành trướng xuống Đông Nam Á, vì thế họ phải làm suy yếu Việt Nam, vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia, biến Campuchia thành chư hầu, thành lập Liên bang Đông Dương,...

Nguyên nhân trực tiếp là ngày 7/2/1979, theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, Việt Nam đã đem quân sang cứu 13 triệu dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ. Cần lưu ý, Khmer Đỏ là đội quân được Trung Quốc trang bị vũ khí, đạn dược, quần áo,... Cho rằng Việt Nam “đánh vỗ mặt”, làm mất uy tín Trung Quốc, Bắc Kinh bịa cớ để phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam.

P.V:Vậy Trung Quốc đã có những chuẩn bị như thế nào cho cuộc xâm lược, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam là việc không hề đơn giản, nên Trung Quốc phải chuẩn bị rất chu đáo. Ở trong nước, ngoài chuẩn bị vật chất, điều chỉnh quân đội xuống biên giới Trung - Việt, Trung Quốc trong 2 năm (1977 và 1978) đã nhét vào tai gần 1 tỷ người dân của họ rằng, Việt Nam là nước xâm lược, hiếu chiến, hệ thống phát thanh truyền hình khổng lồ của Trung Quốc đã tung ra gần 100.000 bài viết xuyên tạc Việt Nam là những kẻ “ăn cháo đá bát”, được Trung Quốc giúp đỡ nhưng nay tìm mọi cách hợp tác với Liên Xô, chuẩn bị xâm lược Trung Quốc...

Ngoài nước, chuẩn bị dư luận cho cuộc chiến tranh, Trung Quốc tìm cách kêu gọi sự ủng hộ. Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đi Singapore, Malaysia, Thái Lan, đặc biệt, khi hội đàm với ông Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình nói với Thủ tướng Singapore rằng, Việt Nam đoàn kết với Liên Xô để bao vây và đánh Trung Quốc, sau đó sẽ đánh cả Đông Nam Á, hòng thuyết phục các nước ASEAN ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam.

Quân Trung Quốc tàn phá nhà cửa, trường học, bệnh viện, cầu cống ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh tư liệu

Từ ngày 29/1 đến ngày 4/2/1979, Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, đàm phán với Tổng thống Jimmy Carter, thuyết phục lãnh đạo Mỹ rằng, Liên Xô là kẻ gây chiến tranh thế giới thứ ba, chắc chắn sẽ phát động chiến tranh hạt nhân để hủy diệt Mỹ và Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình yêu cầu Carter hợp tác, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng nhận vai trò “NATO phương Đông”, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản để đánh bại “đại bá” Nga-Xô và “tiểu bá” Việt Nam.

Ngày 6-8/2/1979, Đặng Tiểu Bình còn đi Nhật Bản, ký hiệp ước hòa bình hữu nghị, thuyết phục Nhật hợp tác chống Liên Xô và Việt Nam. Có thể nói, Trung Quốc đã chuẩn bị trong và ngoài nước rất cẩn thận, cả về vật chất lẫn dư luận.

P.V:Trong cuộc xâm lược Việt Nam, Trung Quốc đã huy động lực lượng ra sao, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: 4h30 sáng 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân với 9 quân đoàn chủ lực, 13 sư đoàn bộ binh độc lập, 6 trung đoàn với 550 xe tăng, xe bọc thép, 4 sư đoàn và trung đoàn pháo binh với hàng nghìn khẩu pháo các loại mở cuộc tấn công chớp nhoáng vào Việt Nam. Trung Quốc đã bố trí cánh phía Quảng Tây, do Hứa Thế Hữu chỉ huy, gồm các Quân đoàn 41, 42, 43, 53; cánh quân Vân Nam do Dương Đắc Chí chỉ huy với các Quân đoàn 11, 13, 14 và Sư đoàn 149. Trong cuộc chiến này, Trung Quốc đã sử dụng 1,06 triệu quả đạn pháo, 23,8 nghìn tấn đạn, 55 triệu viên đạn nhọn.

600 nghìn quân là đội quân xâm lược lớn nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam, tính từ cuộc chiến tranh xâm lược đầu tiên là giặc Ân thời Hùng Vương thứ 6 đến cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ từ năm 1955-1975.

Các lực lượng vũ trang Việt Nam chiến đấu trên các mặt trận phía Bắc. Ảnh: Tư liệu
Các lực lượng vũ trang Việt Nam chiến đấu trên các mặt trận phía Bắc. Ảnh: Tư liệu

P.V: Trong cuộc chiến này, đã có những tổn thất, mất mát gì đối với phía Việt Nam?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong 1 tháng 1 ngày (từ ngày 17/2 đến ngày 18/3/1979), 600 ngàn quân Trung Quốc đã tàn phá toàn bộ thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Cam Đường; 6 tỉnh biên giới bị san phẳng, bị quân xâm lược Trung Quốc phá hủy hoàn toàn. 330 làng bản, 735 trường học, 428 bệnh viện và trạm xá, 41 nông trường, 38 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ, 800 ngàn héc-ta lương thực, hoa màu bị phá hủy hoàn toàn. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa. Quân Trung Quốc xâm lược Việt Nam theo phương châm “đốt sạch, giết sạch, phá sạch”.

Tôi xin dẫn ra 2 vụ việc để minh chứng. Tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng), 43 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị giặc sát hại rồi vứt xác xuống giếng, lấy đá lấp lại. Còn ở thị xã Lạng Sơn, 100 đồng bào đều là người già, phụ nữ và trẻ em cũng đã bị giết. Lính Trung Quốc còn đặt mìn tại hang Pác Bó - Di tích lịch sử, văn hóa linh thiêng của dân tộc Việt Nam.

P.V: Thưa ông, vì sao đến ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân? Dư luận cho rằng Trung Quốc đã thất bại, ông có đánh giá như thế nào về điều này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Không thể nói khác được: Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979. Về vật chất, sơ bộ có thể thấy, tính đến ngày 18/3/1979, 62.500 lính Trung Quốc đã bị tiêu diệt tại trận, ta bắt sống 260 bộ binh, đánh thiệt hại nặng 9 quân đoàn chủ lực, bắn cháy 280 xe tăng thiết giáp và 270 xe quân sự, phá hủy 115 khẩu pháo cối và hỏa tiễn của Trung Quốc.

Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam bắn cháy trong cuộc chiến tranh biên giới và tù binh Trung Quốc bị bắt giữ. Ảnh: Tư liệu

Nhưng thiệt hại lớn nhất là Trung Quốc bị cả thế giới lên án. Chính phủ Liên Xô, hàng loạt nước trên thế giới và Hội nghị quốc tế Helsinki đã ra tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án và chặn bàn tay đẫm máu của Trung Quốc.

Bị cả thế giới phản đối, Trung Quốc chưa bao giờ thất bại về ngoại giao lớn như vậy. Họ phải rút lui, bởi càng kéo dài cuộc chiến tranh thì càng nguy, chưa kể việc Liên Xô sẵn sàng có đáp trả cần thiết ở biên giới Trung - Xô để ủng hộ Việt Nam.

P.V: Theo ông, từ cuộc đấu tranh chống quân xâm lược Trung Quốc, chúng ta rút ra được những bài học gì?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước hết là bài học về nhận thức, cần thấy rõ bản chất của Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn, chứ không phải chủ nghĩa quốc tế vô sản Mác - Lênin. Vì thế, năm 2003, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết của Đảng ta lần đầu đưa ra khái niệm đối tác - đối tượng. Ví dụ với Trung Quốc, về kinh tế chúng ta hợp tác với họ - là đối tác, nhưng trên Biển Đông, họ là đối tượng đấu tranh của Việt Nam.

Với láng giềng quan trọng như Trung Quốc, chúng ta cố gắng thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác, tận dụng tối đa thị trường khổng lồ 1,41 tỷ dân của họ, nhưng dứt khoát phải trên nguyên tắc tối thượng là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của Việt Nam.

Biên giới phía Bắc-quoter.

Bài học thứ ba là, song song với củng cố hữu nghị với Trung Quốc, chúng ta phải củng cố, mở rộng quan hệ với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN..., tạo thế “cài răng lược” về lợi ích, kiên quyết thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo thêm sức mạnh lớn để bảo vệ Tổ quốc, không để đất nước rơi vào tình cảnh bị cô lập.

Thứ tư, phải có chính sách phát triển kinh tế - xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, củng cố mối đoàn kết chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo sức mạnh vô địch để không thế lực nào dám nhăm nhe.

Thêm vào đó, chúng ta phải đưa nội dung cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979 vào chương trình sách giáo khoa, để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, để hậu thế biết những gì cha ông ta đã từng trải qua. Đừng đánh đồng, ngụy biện rằng, việc này là kích động chủ nghĩa dân tộc, làm xấu quan hệ Việt-Trung. Cuối cùng, quan hệ Việt-Trung đặc biệt quan trọng, mỗi người Việt Nam cần phải góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị ấy, vì lợi ích quốc gia, vì ổn định, hòa bình thế giới.

Theo (Thực hiện)
Copy Link
Bài học từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO