Bài II: Mong ước và trăn trở
Dự án nuôi cá bống bớp trong ao nước lợ ở Nghệ An của Kỹ sư Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đã kết thúc giai đoạn 1. Với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, đã khẳng định hiệu quả kinh tế của loài vật nuôi này. Thế nhưng, để nhân rộng mô hình thành vùng chuyên canh cá thương phẩm, để cá bống bớp trở thành đặc sản của Nghệ An mình thì còn là một câu chuyện dài…
(Baonghean) - Dự án nuôi cá bống bớp trong ao nước lợ ở Nghệ An của Kỹ sư Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đã kết thúc giai đoạn 1. Với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, đã khẳng định hiệu quả kinh tế của loài vật nuôi này. Thế nhưng, để nhân rộng mô hình thành vùng chuyên canh cá thương phẩm, để cá bống bớp trở thành đặc sản của Nghệ An mình thì còn là một câu chuyện dài…
Trả lại cho kỹ sư Lê Duy Tấn chiếc chậu nhựa chen chúc những chú cá bống bớp đen nhánh, sau một hồi quẫy nẩy thấm mệt đã ngoan ngoãn nằm im, tôi khoan khoái thả mình bâng lâng trong gió chiều se se lạnh. Cả khu ao nuôi thuỷ sản ở đây xanh mướt, nước trong xanh lặng, bờ ao cũng xanh rì cây cỏ. Nhưng, đây không phải là ao của dự án mới được triển khai !
Tôi đem thắc mắc hỏi, KS Nguyễn Thị Lệ Thuỷ giải thích: Vâng, đúng vậy, địa điểm mà Dự án chọn để nuôi thí điểm cá bống bớp thương phẩm là ở xã Hưng Hoà (TP Vinh), chứ không phải ở đây, xã Nghi Hợp.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi cá bống bớp trong ao nước lợ tại Thành phố Vinh" lựa chọn xã Hưng Hoà vì chỉ cách trung tâm thành phố Vinh 5km, thuận tiện cho việc giao thông. Toàn xã có tổng diện tích nuôi mặn lợ là 130 ha (chủ yếu là diện tích nuôi tôm), vùng đồng nước mặn lợ ở đây được bao bọc bởi hệ thống đê dài 2km, có nền đáy là bùn cát, cát bùn; nguồn nước ngọt từ Sông Lam và nước mặn khi triều lên tạo thành nước lợ có độ mặn dao động 15 - 25‰, rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cá bống bớp.
KS Nguyễn Thị Lệ Thuỷ theo dõi sự phát triển của ấu trùng tại Phân viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản Bắc Trung bộ.
Các kỹ sư thuỷ sản kiểm tra chất lượng cá giống ương ở ao ngoài trời
xã Nghi Hợp.
Năm 2010, Dự án đã chọn 2 hộ ở xóm Phong Yên là: ông Nguyễn Văn Tuấn (diện tích nuôi: 2.500m2) và ông Lưu Hồng Hương (diện tích nuôi là 2.500m2), tổng diện tích hai hộ nuôi là 5.000m2. Sau 6 tháng nuôi, ao hộ 1 thu hoạch được 2.801 kg, ao hộ 2 thu được 2.920 kg, tổng thu hoạch đạt 5.721 kg/ 0,5 ha, bình quân đạt trên 11 tấn/ha. Theo đánh giá hội đồng nghiệm thu, tốc độ phát triển của cá bống bớp như trên là tốt, trọng lượng cá đạt được cao hơn ở vùng nuôi Thanh Hoá và sản lượng cá đạt tương đương với vùng nuôi Nghĩa Hưng - Nam Định (10-11tấn/ha). Cá thu hoạch ở cỡ này dễ tiêu thụ và giá thành sản phẩm cao.
Sang năm 2011, một số đồng ao nuôi tôm của nhân dân xã Hưng Hoà và vùng ao nuôi cá bống bớp thí điểm của dự án nằm trong quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nên nhiều hộ bỏ không nuôi tôm, hai hộ được chọn nuôi cá bống bớp cũng không đầu tư nữa nên Dự án phải chuyển ra xã Nghi Hợp.
KS. Thủy cho biết: Đây là khu ao nuôi tôm cũ của bà con xã Nghi Hợp. Năm ngoái gặp bão lụt, nước ngập bờ cao hơn 1 mét, lưới vây bảo vệ cũng bị bèo và rác cuốn trôi, tôm mất hết, cụt vốn đuối sức nên hầu hết bà con bỏ. Anh chị em trong Phân viện chúng tôi góp được ít tiền thuê lại một số ao để tiếp tục Dự án. Tuy nuôi ở đây rất khó khăn, mọi điều kiện về hạ tầng cơ sở và môi trường không bằng ở xã Hưng Hoà, nhưng chúng tôi vẫn thành công.
KS Thuỷ còn cho biết thêm: Một số hộ ở Hưng Hoà thấy nuôi cá bống bớp có hiệu quả đã chuyển đầu tư vào nuôi trong huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhiều tỉnh khác cũng đã nuôi loại cá này thành công. Ví như ở huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) sau một năm nuôi cá thu lãi 300 triệu đồng/ha, ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) lãi 780 triệu đồng/ha. Ở Hải Phòng từ năm 2006 nông dân Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Đồ Sơn, Cát Hải đã chuyển nuôi từ con tôm giá cả bấp bênh và nhiều dịch bệnh sang nuôi cá bống bớp mang lại kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và sử dụng hiệu quả những diện tích ao đầm nước lợ nuôi tôm kém hiệu quả.
Anh Hợi vợt bắt cá bống bớp thương phẩm ở ao Nghi Hợp cho PV xem.
Ao nuôi tôm ở xã Hưng Hoà nằm trong dự án du lịch sinh thái nên không
được chủ hộ mặn mà chăm sóc nữa.
Tại Nghệ An, mới chỉ có một vài hộ ở Quỳnh Lưu nuôi cá bống bớp trong ao với diện tích nhỏ, chưa có mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp với quy mô lớn. Nhiều hộ đã và đang nuôi tôm thẻ và tôm sú, nhưng kỹ thuật nuôi đòi hỏi nghiêm ngặt khắt khe, lại thường xảy ra dịch bệnh dẫn đến thất thu, nhưng họ chưa tìm được con vật nuôi nào thay thế.
Dự án nuôi cá bống bớp trong ao nước lợ ở Nghệ An của Kỹ sư Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đã kết thúc giai đoạn 1, khẳng định sự thành công của mô hình từ giai đoạn ương cá hương lên cá giống và hiệu quả mô hình từ cá giống nuôi cá thương phẩm, năng suất đạt 10 tấn/ha/năm.
Tôi hỏi về giai đoạn 2 của dự án – Nhân rộng mô hình thành vùng chuyên nuôi cá thương phẩm, kỹ sư Lê Duy Tấn chùng giọng xuống: “Nuôi cá bống bớp dễ hơn nuôi tôm, vì chúng rất khoẻ, dễ thích nghi với môi trường, ít dịch bệnh mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, để nhân rộng mô hình thành vùng chuyên canh cá thương phẩm, để cá bống bớp trở thành đặc sản của Nghệ An mình thì còn khó quá, anh ạ !”
Nỗi trăn trở và mong ước của các kỹ sư thuỷ sản hẳn còn là một câu chuyện dài…
Minh Thông