Bài phát biểu 'chữa bệnh lười' gây sốt của thầy Văn Như Cương

06/09/2017 07:24

Trong lễ khai giảng của trường THPT Lương Thế Vinh, PGS. TS Văn Như Cương đã truyền cảm hứng cho học sinh thông qua một thông điệp giàu ý nghĩa. Đó là bài học “một phút chữa bệnh lười”.

Nhà giáo Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng nhà trường, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ trong buổi lễ khai giảng.
Nhà giáo Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng nhà trường, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ trong buổi lễ khai giảng.

Trong mười phút ngắn ngủi trò chuyện cùng các em học sinh, thầy Văn Như Cương đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.

“Hôm nay, nhân ngày khai giảng năm học mới tôi xin trao đổi với các em học sinh về một vấn đề nếu các em khắc phục được thì kết quả của chúng ta còn tốt hơn nữa.

Các em học sinh thân mến, có lẽ các em sẽ ngạc nhiên khi hôm nay thầy sẽ nói với các em về căn bệnh mà ít nhiều chúng ta sẽ mắc phải. Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức nhưng nguy hiểm lắm, nếu nhiều người không quyết tâm chạy chữa thì họ có thể trở thành những người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa nếu xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì sẽ trở nên nghèo nàn lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được. Căn bệnh này làm cho con bệnh dần dần trở thành người có nhân cách thấp kém, sống theo lối bầy đàn và không giúp ích gì cho xã hội.

Đó là thầy đang muốn nói về căn bệnh lười, một căn bệnh có nguy cơ lan rộng một cách nhanh chóng. Bệnh này có những biểu hiện và triệu chứng như sau: lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi.

Tại sao như vậy? Lười đọc sách hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo; lười lao động, lười làm việc chân tay kể cả những điều phục vụ cho chính bản thân mình; lười tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể. Kể ra thì còn nhiều triệu chứng lười nữa. Chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đã mắc phải những triệu chứng đó.

Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn, nếu họ mắc phải bệnh lười thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi. Con bệnh sống một cách uể oải, họ không suy nghĩ gì, không làm được một việc gì mặc cho thời gian vẫn trôi đi từ giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác, thậm chí năm này qua năm khác”.

Thầy Văn Như Cương đã đưa ra một ví dụ cụ thể về tác hại của bệnh lười.

“Chúng ta hãy hình dung thế này: Một ngày mới bắt đầu nhưng sáu giờ sáng con bệnh lười của chúng ta vẫn trùm chăn nằm ngủ. Bố mẹ vào phòng giục giã con dậy để chuẩn bị đi học thì hắn lầu bầu “Cho con ngủ thêm một chút hôm nay, hôm qua con phải làm bài đến mười hai giờ đêm”. Thật ra thì tối hôm qua hắn có học hành gì đâu, chỉ ngồi chat chit với bạn bè rồi chơi trò trên mạng.

Thế là hắn ngủ quên cho đến bảy giờ kém mười lăm phút mới choàng tỉnh dậy, rồi vệ sinh qua loa, mặc quần áo vội vàng, không kịp ăn sáng mà mẹ chuẩn bị cho, lại vội lên xe đạp điện để phóng đến trường. Lúc sực nhớ ra mình không đội mũ bảo hiểm, hắn liền tặc lưỡi “Đành phải trốn công an thôi bây giờ mà quay về nhà lấy mũ thì trễ quá”.

Liền phải chọn đường vắng công an, hắn đến trường chậm mười phút và không được vào lớp mà phải chờ tiết sau. Bấy giờ hắn xuống căng tin tranh thủ ăn sáng và suy nghĩ cách nói dối cô giáo chủ nhiệm nếu cô hỏi tại sao đi học muộn, và làm cách nào để cô không nhắn tin cho mẹ về chuyện này.

Vào tiết thứ hai, cô giáo tuyên bố các em chuẩn bị giấy tờ làm bài kiểm tra mười lăm phút. Vừa chép đề hắn vừa thở dài ngao ngán “Thế là rồi đời, không biết hôm nay là ngày gì mà mình đen đủi thế”. Hắn viết bài làm như sau: Thưa cô, tối hôm qua em phải ra sân bay đón người nhà từ nước ngoài trở về, máy bay bị chậm và phải khuya em mới về đến nhà, em không kịp học bài cô tha cho em lần này.

Tan học, hắn về nhà với dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi, mẹ hỏi thì hắn nói “Con mệt quá, đầu đau như búa bổ”. Mặc dù mẹ bảo hắn đi ăn cơm rồi đi nghỉ, thì hắn bảo không ăn uống gì cả và lên nhà. Một lúc sau cô giúp việc mua về cho hắn một bát phở, hắn ăn ngon lắm nhưng cố ý để thừa một ít, ra vẻ buồn nôn rồi trùm chăn nằm ngủ.

Chiều ngủ dậy hắn lại lên xe đi học thêm, lớp học đông lắm và hắn tìm đến cuối phòng - chỗ mà nhóm lười của hắn thường ngồi, thầy giáo có giảng thao thao bất tuyệt còn chúng nó tha hồ nói chuyện trên trời dưới đất. Chiều về ăn cơm xong, cả nhà ngồi xem truyền hình, đang đến đoạn gay cấn thì bố mẹ bắt lên phòng học bài, hắn đóng cửa phòng lại rồi bắt đầu chat chit với bạn bè.

Thế đấy, một ngày bình thường của hắn trôi qua như những ngày trước đây, nếu không có cách gì chữa thì bệnh lười vẫn tiếp diễn, và những ngày sau đó vẫn trôi qua như thế”.

Học sinh trường Lương Thế Vinh xếp hình biểu tượng của nhà trường trong lễ khai giảng.
Học sinh trường Lương Thế Vinh xếp hình biểu tượng của nhà trường trong lễ khai giảng.

Từ những biểu hiện cụ thể, thầy Văn Như Cương đã đưa ra một giải pháp được thầy đánh giá là hiệu quả để chữa căn bệnh lười.

“Trước hết mọi người cần biết rằng mình có bệnh lười hay không và mức độ ở giai đoạn nào, mới chớm bệnh hay đã đến mức độ mà người ta gọi là lười chảy thây. Khi biết mình có bệnh thì ai cũng mong muốn chữa bệnh nhưng căn bệnh này không có thuốc đặc trị mà chủ yếu là sự quyết tâm của con bệnh. Đã là con người thì ai cũng có chí hướng.

Thầy nói về phương pháp giúp con bệnh mau chóng khỏi bệnh, thầy xin giới thiệu một phương pháp hết sức quan trọng và có tác dụng rất lớn với hầu như toàn thế giới, đó là phương pháp “Kaizen”. Phương pháp này được ghép từ hai từ “kai” tức là “đổi mới”, “zen” là “một cách thông minh”. Phương pháp này được phát minh bởi nhà hiền triết Nhật Bản Masaaki Imai.

Theo phương pháp này, mỗi ngày em chỉ cần bỏ ra đúng một phút. Đúng một khung thời gian quy định để làm công việc mà các em lười nhất, chán nhất. Một phút sau em lại kết thúc không làm công việc đó nữa. Quan trọng nhất là ngày nào cũng phải làm và làm đúng giờ quy định.

Công việc trong một phút đó có thể là chống tay hít đất mười cái, hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ tiếng Anh đó hoặc là làm một vài bài toán đơn giản trong sách bài tập. Em phải làm việc đó đúng trong một phút rồi nghỉ không làm nữa nhưng phải quyết tâm không để bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự trì hoãn nào, tức là ngày nào cũng phải việc ấy đúng một phút.

Phương pháp này được phổ biến là phương pháp một phút chữa bệnh lười. Sau khi làm việc đó một thời gian, các em sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và đó là khi em đạt được bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng, rồi một ngày nào đó em cảm thấy một phút không đủ làm công việc trở nên hứng thú đối với em, khi đó em có thể tăng số thời gian làm việc lên từ một phút đến năm phút, mười phút hoặc nếu cần thì hai mươi phút.

Như vậy là em đã vượt qua được sự lười biếng và từ đây em có thể bổ sung vào công việc ban đầu bằng một số công việc bổ ích khác. Em có thể sử dụng phương pháp “Kanzen” này và chắc chắn sẽ bất ngờ với những kết quả nhận được. Chính bản thân thầy đã thử nghiệm phương pháp này và thấy có tác dụng hết sức rõ rệt. Hãy nhớ rằng công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng có để đến ngày mai mới làm”.

Theo Dantri

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bài phát biểu 'chữa bệnh lười' gây sốt của thầy Văn Như Cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO