Bài tập cho người bệnh viêm phổi

ThS.BS. Nguyễn Quốc An Vinh - Bệnh viện YHCT Bộ Công An 26/03/2024 09:26

Trường hợp viêm phổi nặng có thể gây khó thở, thở nặng nhọc làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Thực hiện một số bài tập không giúp điều trị khỏi viêm phổi nhưng có tác dụng tăng cường chức năng hô hấp,

1. Vai trò của bài tập với người bệnh viêm phổi

Mặc dù tác dụng của hoạt động thể chất với các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản… không rõ ràng như với các cơ quan vận động (hệ cơ xương khớp) nhưng khi thực hiện thường xuyên, kiên trì sẽ có hiệu quả nhất định với bệnh viêm phổi như:

Giữ được khả năng thở sâu và đều… Làm mạnh cơ hô hấp, cải thiện tình trạng thông khí, tiết kiệm năng lượng. Giảm co thắt phế quản. Giảm đờm rãi. Hạn chế tình trạng hụt hơi, khó thở cho người bệnh viêm phổi. Giúp khí huyết trong cơ thể được lưu thông ổn định hơn, rất tốt cho quá trình tuần hoàn trao đổi chất. Kích thích hệ thần kinh hoạt động tốt hơn, tăng cường chất lượng giấc ngủ và không gặp những triệu chứng như mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm trí nhớ…

z52308744723561c50df5259ce2e65c8e81099c6ce1e97-17099096552101580699229-4110.jpg
Tập luyện thể thao rất tốt cho người viêm phổi.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh viêm phổi

2.1. Bài tập tác động vào vùng ngoan cố để giải phóng lồng ngực

- Tư thế: Người bệnh nằm trên 1 cái gối tròn đặt dưới vùng lồng ngực. Hai tay ôm ngực cho sát.

- Cách thực hiện:

+ Hai tay đưa thẳng ra 2 bên, hít vào triệt để, giữ hơi, dao động, lăn tròn xương sống là vùng ngoan cố (vùng lưng bị bệnh, trong bệnh phổi là vùng ngực lưng) 4-6 cái.

+ Thở hết ra, đưa 2 tay ôm ngực cho sát.

+Thực hiện lặp lại động tác 5-10 lần giúp giải phóng lồng ngực, tăng cường hô hấp, giúp người bệnh viêm phổi dễ thở hơn.

2.2. Thở 4 thì có kê mông và giơ chân

-Tư thế: Người bệnh nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, kê 1 gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Nhắm mắt để tập trung chú ý vào việc tập thở.

-Cách thực hiện:

+Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 đến 6 cái, rồi hạ chân giữ hơi thở hoặc cố hít thêm.

+ Thở hết ra, xẹp ngực, xẹp bụng, hạ chân xuống và thư giãn chân tay mềm giãn.

+ Chuẩn bị trở lại thì hít vào và đổi bên chân.

+ Mỗi lần tập 10 hơi thở. Ngày tập 2 lần chia sáng chiều.

2.3. Bài tập ưỡn cổ

- Tư thế: Nằm ngửa,hai tay xuôi theo thân, lấy điểm tựa ở xương chẩm và mông.

- Cách thực hiện:

+Ưỡn cổ và lưng trên không chạm đất đồng thời hít vào tối đa.

+ Giữ hơi, dao động lưng trên qua lại 2-6 cái rồi thở hết ra, xẹp bụng lại. Nếu không đủ sức thì không làm dao động.

+ Giữ tư thế trong 1-3 hơi thở, vai lưng không chạm đất.

2.4. Tư thế chiếc tàu

- Tư thế: Nằm sấp, hai tay xuôi theo thân, hai bàn tay nắm lại.

- Cách thực hiện:

+Nâng đầu, nâng ngực, ưỡn cong lưng tối đa, đầu kéo ra sau.

+ Hai chân duỗi thẳng phía sau và nâng lên tối đa.

+ Hai tay kéo ra phía sau và nâng lên như chiếc tàu đi biển.

+ Hít vào tối đa, giữ hơi và dao động nghiêng 2 vai sang 2 bên chạm đất. Dao động từ 2-6 cái sau đó thở ra có ép bụng.

+ Làm như vậy tùy sức từ 1-3 hơi thở.

2.5. Thở 4 thì tư thế ngồi hoa sen hỗ trợ thở cho người bệnh viêm phổi

- Tư thế: Ngồi hoa sen, đặt chân phải lên đùi trái, chân trái lên đùi phải, hai tay đặt trên hai gối.

- Cách thực hiện:

Thì 1: Hít sâu bằng mũi, phình bụng lên tối đa.

Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.

Thì 3: Thở hết ra từ từ, hóp bụng vào hết cỡ.

Thì 4: Nín thở.

Lặp lại bài tập thở 4 thì 5-7 lần hoặc tùy theo sức khỏe và tình trạng bệnh. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1,2,3,4,5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10.

z5230874486455174988bf98106bf0e680b1da4ff020a3-1709909727770574664701-553.jpg
Thở bốn thì tư thế ngồi hoa sen hoặc xếp bằng có tác dụng tăng cường hô hấp.

2.6. Nhìn xa nhìn gần

- Tư thế: Ngồi thẳng lưng trên thảm. Hai chân khoanh tròn ở tư thế thoải mái.

- Cách thực hiện:

+ Hai bàn tay đan chéo vào nhau, đưa lên trời, lòng bàn tay ngửa lên, đầu ngửa ra sau, mắt nhìn vào một điểm cố định của ngón tay.

+ Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời giao động qua lại 2 đến 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ.

+ Lặp lại 3 lần, thực hiện 2 lần/ngày.

2.7. Để tay sau gáy

- Tư thế:Ngồi thẳng lưng trên thảm để không chèn ép nội tạng, khoanh tròn hai chân.

- Cách thực hiện:

+ Hai bàn tay đan vào nhau để sau gáy, đầu bật ra sau lưng thẳng.

+ Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách cố gắng hít thêm), đồng thời giao động trước sau 2 đến 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ.

+ Lặp lại 3 lần.

2.8. Bắt chéo tay sau lưng

-Tư thế: Ngồi thẳng lưng trên thảm, khoanh tròn hai chân.

- Cách thực hiện:

+ Hai tay đưa ra sau lưng, một tay nắm từ dưới lên, tay kia từ trên xuống và bắt chéo nhau ở vị trí vùng lưng trên.

+ Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản, đồng thời giao động qua lại 2 đến 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ. Đổi bên.

+ Thực hiện lặp lại 3 lần, thực hiện 2 lần/ngày.

2.9. Để tay giữa lưng nghiêng

- Tư thế: Ngồi thẳng lưng, hai chân xếp bằng.

- Cách thực hiện:

+ Hai bàn tay để ra sau lưng giữa 2 xương bả vai, càng cao càng tốt, 2 bàn tay chồng lên nhau, lòng bàn tay hướng ra sau lưng, nghiêng đầu qua bên trái và cúi xuống.

+ Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản, đồng thời giao động qua lại 2 đến 6 cái, thở ra triệt để, hạ tay nghỉ. Đổi bên.

+ Thực hiện lặp lại 3 lần, thực hiện 2 lần/ngày.

2.10. Tay chống sau lưng, ưỡn ngực

- Tư thế: Ngồi xếp bằng trên thảm.

- Cách thực hiện:

+ Hai tay chống ra phía sau lưng, ngón tay khép lại hướng ra phía ngoài. Ngửa đầu ra sau, ưỡn ngực lên phía trần nhà, đồng thời hít vào tối đa, giữ hơi và dao động từ 2 đến 6 nhịp thở.

+ Thở hết ra, hạ tay nghỉ.

+ Thực hiện 3 lần lặp lại, 2 lần/ngày.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Tập thể dục dưỡng sinh thường mang lại một số lợi ích cho sức khỏe đối với người bệnh. Thế nhưng khi tập dưỡng sinh, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để đạt hiệu quả chữa bệnh và không xảy ra những điều không mong muốn:

3.1 Thời điểm tập tốt trong ngày: Người bệnh viêm phổi không thực hiện bài tập khi bụng no. Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc sau khi ăn ít nhất hai tiếng. Kiên trì tập luyện mỗi ngày, dành khoảng 20 phút đến 40 phút.

3.2 Khi đang bị ốm hay trong đợt cấp của bệnh viêm phổi: Trong trường hợp này, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người có nên thực hiện hay không. Nếu có thể thực hiện cũng không nên duy trì cường độ như khi khỏe mạnh mà có thể rút ngắn thời gian giữ hơi hay giữ động tác, giữa mỗi động tác nghỉ ngơi thư giãn tầm 1 phút để không bị quá sức, tránh mệt mỏi nặng hơn.

3.3 Cách tập không gây hại đến cơ thể hay làm trầm trọng thêm bệnh viêm phổi

Người bệnh viêm phổi trước khi tập nên khởi động từ từ và nhẹ nhàng. Lựa chọn trang phục phù hợp thời tiết, giầy dép chất lượng khi luyện tập. Tìm hiểu bài định tập kỹ lưỡng để hạn chế tình trạng chấn thương, không đạt hiệu quả. Không luyện tập một cách vội vàng. Thực hiện đúng động tác như bài tập hướng dẫn.

z52332100979480e28945557c2923239ae85c67e66008c-17099837731001466778637-6721.jpg
Người bệnh viêm phổi cần khởi động kỹ trước khi tập luyện.

Thở trong suốt quá trình tập luyện chia thành 4 thời chính đó là: Hít vào, giữ hơi thở, thở ra và nghỉ do đó tùy vào nhu cầu và thể trạng có thể mà người tập có thể thực hiện một cách phù hợp với 2 hoặc 3, 4 thời. Chú ý đến vấn đề dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Người bệnh tăng huyết áp không tập các động tác gắng sức. Người bệnh thoát vị đĩa đệm không tập các động tác ép cột sống. Không thực hiện bài tập với các trường hợp viêm khớp chi trên cấp, bong gân, sai khớp, chấn thương cột sống, chấn thương chi trên.

Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-benh-viem-phoi-169240304223058719.htm
Copy Link
https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cho-nguoi-benh-viem-phoi-169240304223058719.htm

Mới nhất

x
Bài tập cho người bệnh viêm phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO