Chuyển đổi số

Bài toán phát triển hệ thống trạm BTS phục vụ chuyển đổi số‏

Lan Oanh - Chánh Thanh tra Sở KH&CN ‏ 25/04/2025 15:47

‏Các doanh nghiệp viễn thông Nghệ An đang nỗ lực phát triển trạm BTS nhằm mở rộng vùng phủ sóng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại di động, truy cập internet (4G, 5G) ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ khiếu kiện của dân, từ phía chính quyền các cấp và từ chính các doanh nghiệp viễn thông với nhau.‏

‏Những khó khăn từ phía người dân

‏Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, phản đối lắp đặt các trạm BTS là do ‏‏người dân lo ngại các trạm BTS ảnh hưởng sức khỏe. Trong phiên họp Quốc hội tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Thông Tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ rằng, hiện nay còn tồn tại khoảng 800 trạm phát sóng, chiếm 6% tổng số trạm đang gặp khó khăn vì bị người dân phản đối, do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. ‏

734-202504251144201.png
Thanh tra Sở KH&CN kiểm tra trạm BTS ở TX Hoàng Mai.

‏Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định hiện chưa có bằng chứng chứng minh cho thấy trường điện từ của các trạm BTS có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người.‏‏ ‏‏Dù công suất của trạm phát sóng lớn hơn điện thoại di động nhiều lần, nhưng sóng điện từ giảm nhanh chóng sau 5 mét. Việc người dân sử dụng điện thoại và tác động của điện thoại đến sức khỏe còn đáng lo ngại hơn là sóng của BTS.‏

‏Về viễn thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật được thế giới quy định rất chặt chẽ. Toàn thế giới có một tổ chức là Liên minh viễn thông thế giới ban hành các tiêu chuẩn. Trong đó, đã quy định rất rõ công suất phát sóng bao nhiêu để không ảnh hưởng đến sức khỏe; tần số phát ở khu vực nào để không nhiễu sang các thiết bị khác; quy định rõ về chuyện chống sét; việc dùng chung nguồn điện trong gia đình đó thì không ảnh hưởng đến các thiết bị bên cạnh. Việt Nam cũng dùng các tiêu chuẩn này giống như các nước khác. Khi một trạm được phát sóng thì phải được một đơn vị có giấy phép đến kiểm định tất cả điều kiện theo các quy định trên. Đạt tiêu chuẩn thì mới cho phát sóng. Tương tự, thiết bị nhập vào Việt Nam cũng phải đạt như vậy. ‏

‏Tuy nhiên, cũng có nhiều lý do khác từ phía người dân khiến việc dựng trạm BTS không thể tiến hành được. Nhiều vị trí chủ nhà đồng ý nhưng vì một lý do nào đó hàng xóm thì không đồng ý, nên xảy ra kiện cáo, gây khó khăn. Ngoài việc lấy lý do ảnh hưởng sức khỏe, người dân còn lấy lý do mức độ an toàn cơ học của trạm BTS để khiếu kiện, "làm khó" doanh nghiệp và ép doanh nghiệp tháo dỡ trạm.‏

‏Theo quy định thì khi lắp đặt trạm BTS trên công trình có sẵn, doanh nghiệp phải mời tổ chức có năng lực để thẩm định, đánh giá độ bền, tính chịu lực của công trình dự kiến lắp đặt BTS. Kết quả này được lập thành hồ sơ xin phép xây dựng trạm BTS và nộp cho cơ quan cấp phép xây dựng. Dựa vào hồ sơ xin phép xây dựng trạm BTS, cơ quan cấp phép xây dựng sẽ xét duyệt và cấp phép xây dựng trạm BTS nếu đáp ứng đầy đủ các quy định. Tuy doanh nghiệp đã hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục theo quy định để xây dựng, lắp đặt và đưa trạm BTS vào khai thác, sử dụng nhưng vẫn bị một số người dân sống xung quanh trạm BTS phản đối, ngăn cản và cuối cùng là buộc doanh nghiệp phải tháo dỡ trạm BTS đó.‏

‏Đại diện nhà mạng MobiFone ở Nghệ An cho biết, việc dựng trạm mới trong thành phố Vinh, trung tâm các thị trấn và một số vùng dân cư như Diễn Ngọc, Quỳnh Thanh, Nghi Liên luôn bị dân phản đối, mặc dù doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cấp phép xây dựng. Hiện nay, doanh nghiệp có khoảng 30 trạm BTS ở các khu vực này không thể thực hiện được.

‏Theo báo cáo từ các doanh nghiệp, đến tháng 1/2025, có 42 vị trí người dân đang khiếu kiện, không cho lắp đặt hay buộc phải tháo dỡ.

Việc tháo dỡ trạm BTS được lắp đặt đúng quy định không những gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng thông tin di động của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thông tin di động, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.‏

‏Khó khăn từ phía các cơ quan Nhà nước và chính doanh nghiệp viễn thông‏

‏Để quản lý công tác thực hiện quy hoạch và phát huy hiệu quả việc sử dụng chung hạ tầng viễn thông, năm 2016, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND ngày 29/8/2016 quy định về quản lý và sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Các trạm phát sóng di động BTS.
Các trạm phát sóng di động BTS. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2024, số cột BTS dùng chung là 325 vị trí, đạt 8,6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu theo Quyết định số 3724/UBND-CN của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2025 (40-45%). Như vậy, việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng viễn thông để đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng của doanh nghiệp và giữa các ngành còn hạn chế, thiếu đồng bộ trong phối hợp tổ chức thực hiện.‏

‏Mặc dù Luật Viễn thông, Luật Đất đai về tổng thể đã cho phép công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên đất công, đất công cộng. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành, theo đó, việc thực hiện chủ trương này vẫn đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận hạ tầng kỹ thuật của các công trình giao thông, xây dựng… nhất là các công trình đường cao tốc do chưa có cơ chế đột phá về quy trình đầu tư; công tác phối hợp. ‏

‏Trong phiên họp Quốc hội tháng 11/2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một trong những lý do khiến việc triển khai trạm phát sóng bị chậm là bởi hiện nay là Nhà nước không đầu tư hạ tầng viễn thông mà do doanh nghiệp phải đầu tư. Do đó, chính quyền các cấp ít quan tâm và chưa vào cuộc, giúp đỡ các nhà mạng. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng chưa thực sự coi hạ tầng viễn thông là hạ tầng chiến lược, trọng yếu như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện.‏

‏Bên cạnh những khó khăn khách quan nêu trên, phải thẳng thắn thừa nhận trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp viễn thông lại tự "gây khó" cho mình. Khó từ việc không tìm điểm chung trong tiếng nói cũng như sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay nhiều điểm vẫn còn mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư. Thậm chí, tại cùng một địa điểm có tới 2-3 cột anten BTS của 2-3 nhà mạng viễn thông di động mọc lên, chẳng ai chịu dùng chung cái gì của ai. ‏

‏Đã đến lúc các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại mình, điều chỉnh những hành vi không phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và của địa phương, sử dụng hiệu quả những chi phí đầu tư mà suy cho cùng đều là tiền của Nhà nước. Có như vậy mới tạo ra một thị trường viễn thông phát triển bền vững và hài hòa.‏

‏Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3.688 trạm 4G; 109 trạm 5G. Về cung cấp dịch vụ 5G, sau thời gian thí điểm tại một số vị trí ở thành phố Vinh, hiện Viettel đã thương mại hóa dịch vụ 5G tại thành phố Vinh với 109 vị trí phát sóng 5G, Vinaphone và MobiFone đang triển khai thử nghiệm trên địa bàn TP Vinh (Vinaphone có 02 vị trí, MobiFone có 03 vị trí). Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng vùng sâu, vùng xa chưa đạt như mong muốn do địa hình vùng đồi núi cản trở sóng điện thoại, doanh nghiệp phải bỏ chi phí đầu tư lớn nhưng số thuê bao ít ỏi.‏

‏Giải pháp nào cho bài toán trạm BTS?‏

‏So với các thế hệ công nghệ trước (2G, 3G và 4G), số lượng trạm BTS cần thiết cho 5G là rất lớn. Trong khi 2G chỉ cần 20.000 trạm BTS là có thể phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000-35.000 trạm và 4G cần 40.000-60.000 trạm thì 5G cần tới 200.000 trạm. Đây là mục tiêu không dễ bởi nguồn vốn đầu tư về thiết bị đầu cuối là con số khổng lồ trong khi bài toán hiệu quả kinh tế vẫn chưa thể đưa ra lời giải cụ thể, dù biết đây sẽ là công nghệ đi trước để Việt Nam có thể hiện thực hóa những mục tiêu như phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh khoa học, công nghệ.‏

‏Đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã nêu rõ: Nhà nước cam kết đầu tư mạnh vào hạ tầng số, trong đó có mạng 5G và cáp quang biển để tạo hạ tầng đi trước phát triển đất nước.‏

‏Tiếp theo đó, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, chính thức hiện thực hóa chủ trương này, quy định hỗ trợ các nhà mạng đầu tư vào hạ tầng 5G, trong đó Chính phủ sẽ hỗ trợ lên tới 15% tổng giá trị đầu tư nếu doanh nghiệp triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng trong năm 2025. Chính sách hỗ trợ đặc biệt này được xem là “bệ đỡ” để các doanh nghiệp viễn thông tăng tốc phủ sóng 5G trên toàn quốc ngay trong năm 2025. Nghị quyết cho phép cấp phê duyệt chủ trương đầu tư quyết định việc sử dụng hình thức chỉ định thầu để thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư trên để triển khai trong giai đoạn 2025-2030, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông của doanh nghiệp.‏

Để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 57 đã đề ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trước hết cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân và chính quyền các cấp hiểu về tầm quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng viễn thông đối với đời sống của xã hội, và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, giúp bà con ủng hộ phát triển các trạm phát sóng, chính quyền các cấp vào cuộc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai.‏

‏Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng cần đứng ra điều phối và doanh nghiệp phải chủ động để đề xuất dùng chung hạ tầng của với nhau để giảm số trạm phát sóng. Cần phải giám sát chặt chẽ để 100% các trạm phát sóng trước khi đi vào hoạt động phải được đo đạc, đảm bảo kỹ thuật, an toàn.‏

‏Để bảo đảm chất lượng phủ sóng thông tin di động, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành chức năng, lúc này đây rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp viễn thông và sự ủng hộ từ phía người dân./.‏

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài toán phát triển hệ thống trạm BTS phục vụ chuyển đổi số‏
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO