Bạn có biết sống với người nghiện ngập khổ như thế nào?
(Baonghean.vn)- Một ca sĩ lên mạng nói về sự khổ sở vì người mẹ nghiện ngập bài bạc. Vậy mà nhiều người vào ném đá. Liệu họ có biết sống với người nghiện ngập khổ thế nào chưa?
Bạn đã từng nghiện? Đã từng sống cùng người nghiện? Chắc hẳn có nhiều người sẽ rất hạnh phúc khi câu trả lời là không, số khác sẽ ngậm ngùi với sự có. Phàm con người nói chung, đã nghiện là khổ mình, khổ người, là tốn kém, là bất minh,…
Một người say rượu đưa xe máy lên cầu Chương Dương đốt. Ảnh Internet. |
Nghiện ma túy, cờ bạc, rượu bia, là những cái nghiện khiến cho gia cảnh và tình thân ngày một tăm tối, như vào ngõ cụt.Là bạn, là chồng, vợ nghiện thì con người ta thường sẽ chấm dứt mối quan hệ đó một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng với cha mẹ, con cái thì sự chấm dứt đó rất khó, nếu không muốn nói là không thể.
Rồi chưa kể khi cơn nghiện lên họ còn mang con cái, tính mạng ra thế chấp, khi đó người thân sẽ rất điên, rất tuyệt vọng.
Bạn có tưởng tượng nổi, nếu bạn đang cung cúc làm ăn chăm chỉ, một sáng nào đó vừa tỉnh giấc, đã có vô số người đến đòi nợ mà khoản nợ ấy do sự nghiện ngập của người thân tạo nên? Bạn có tưởng tượng nổi nếu điều đó tiếp diễn hàng tháng thậm chí hàng ngày? Khiến bạn luôn nơm nớp lo sợ.
Nếu nín nhịn, che giấu vì thể diện, sai sẽ sai liên tục. Thiết nghĩ nên đấu tranh, nên nói ra, nhưng nói như nào để giảm thiểu tối đa cho người thân khỏi đau lòng, đấy là cách của riêng mỗi người.
Mình có cô bạn, bố nát rượu, đánh đập vợ con triền miên, nhà cửa xiêu vẹo, vợ con bệnh tật,... Hầu như ngày nào ông cũng say, cứ mỗi lần say ông chửi, nếu vợ con im lặng thì ông bảo khinh chồng, khinh cha không nói.
Nhưng chỉ cần nói lại một câu thì ông cho là hỗn rồi ông đánh đập thậm tệ. Có những khi mẹ cô ấy phải ôm lấy hai tai để không nghe thấy, nhưng nào yên, ông vạch tai lên, túm tóc đánh để cho phải nghe. Tết, lễ hay bất cứ ngày gì, mẹ con cô cũng phải chạy những trận đòn của ông, thậm chí ngày cưới con gái ông còn định “múc” luôn cả thông gia.
Sau lễ cưới, cô ấy phải chịu sự chì chiết của nhà chồng. Lúc ấy cô cũng ước giá như cô không có người cha như vậy thì tốt, nhưng rồi đâu vào đấy, vẫn phải thương lấy ông và cung cấp rượu cho ông uống an toàn, vì lo ông uống rượu dởm sinh bệnh, nhưng khi điên quá cô ấy lại gào với mình và kêu: Không thể sống nổi, tao cãi nhau tưng bừng với ông ấy, tao nói những lời không nên nói của một người con...nhưng không thể chịu mãi được. Ừ thì vậy! Không nói ra chịu mãi cũng cực, nói ra mang tội xỉ nhục cha mẹ.
Nói đến điều này lại nhớ chuyện ca sĩ nọ mang chuyện mẹ nờ nần lên đến hàng chục tỉ. Chuyện bung bét ra, người thương cảm, kẻ bỉ bai. Ừ thì đành rằng “mồm thiên hạ” nhưng thiết nghĩ, đó là chuyện nhân sinh thường thấy, không ai có thể nắm tay tối ngày mà hãy xem đó như là phúc, họa riêng mình nếu bị thế hoặc được kia….
Thế nên, không nên phán xét cuộc đời người khác bằng những lời vô tâm, hằn học. Bởi đời ai người sống, ốc đâu biết thân mình bám rêu?
Nói thế không phải là bênh vực ca sĩ kia, hay đứng về phía họ cho rằng ca sĩ không sai khi công bố chuyện gia đình trước dư luận. Bởi với cương vị con người có thể thông cảm, nhưng với cương vị là một nam nhi trên 40 tuổi xuân, một người nổi tiếng như vậy, ắt hẳn cũng hiểu được cái giá của người thân khi đối diện với dư luận nhất là người đứt ruột sinh ra mình.
Nếu tôi hay nếu bạn khi đứng vào vị trí của ai đó sẽ hành xử ra sao? Vì suy cho cùng mỗi con người đều có cái tôi riêng, bản ngã riêng. Tuy nhiên nếu sự việc đã không ngừng xảy ra với mình, chúng ta nên nhìn nhận và giải quyết trước khi đi kể lể với ai đó những đau khổ riêng mình.
Nhưng thôi, con người vốn dĩ không ai hoàn hảo, chính vì vậy mới có điều cho chúng ta bàn đến hôm nay. Chiều vui khi cô bạn thân điện thoại, kể: đã xây nhà đưa bố mẹ ra phố rồi, bố cô vẫn nghiện rượu nhưng không uống nhiều, không say xỉn, chửi bới nữa. Tôi thầm nghĩ, cuối cùng mọi việc sẽ ổn, nếu chưa ổn thì chưa phải cuối cùng./.
Mai Hoàng
TIN LIÊN QUAN |
---|