Ban đại diện phụ huynh - vì đâu nên nỗi?
(Baonghean) - Tôi nhớ hồi còn học cấp 2, cứ đến ngày 20/11, ban đại diện phụ huynh lại tất bật nào dao, nào nồi... làm thịt chó, thịt gà để thầy cô liên hoan. Tôi tự hỏi sao lại phải vậy nhỉ?
Những ngày qua, dư luận dậy sóng đòi '"xóa bỏ ban đại diện phụ huynh", sau khi ông Nguyễn Hoàng Thanh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phát biểu: "Tôi đã nói do phụ huynh họ bột phát thực hiện, trường không nhận được phản ánh nên không cho ý kiến được". Trường tiểu học Chu Văn An trở thành tâm điểm từ vụ "học sinh lớp 1 phải đóng 16 triệu đồng".
Nỗi vất vả của phụ huynh đầu năm học. Biếm họa từ Internet |
Những lời phân bua của ông Nguyễn Hoàng Thanh không gì khác là "đá quả bóng trách nhiệm về phía phụ huynh". Dư luận tự đặt câu hỏi: Vai trò ban đại diện phụ huynh của Trường tiểu học Chu Văn An ở đây là gì? Có hay không sự tiếp tay của ban đại diện phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An trong việc lạm thu của Ban giám hiệu nhà trường?
Trước hết, chúng ta cần hiểu vai trò của Ban đại diện phụ huynh. Ban đại diện phụ huynh là những người được số đông phụ huynh trong trường tín nhiệm bầu ra, để hoạt động độc lập, là chiếc cầu nối giữa nhà trường - phụ huynh. Những đề đạt nguyện vọng của các phụ huynh sẽ được ban đại diện chuyển đến lãnh đạo nhà trường, và những quy định, chính sách của nhà trường cũng được phản ánh đến các phụ huynh thông qua ban đại diện này.
Tóm lại, ban đại diện phụ huynh không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh, phụ huynh mà còn giúp những quy định, chính sách của nhà trường tiếp cận tốt hơn đến các phụ huynh. Cho nên, vai trò của ban đại diện phụ huynh rất quan trọng.
Nhưng trong thực tế lại diễn ra không đúng như vậy. Đa phần ban đại diện phụ huynh nhà trường (lớp cũng có người làm hội trưởng hội phụ huynh) ra đời, không qua bầu chọn công khai (trừ một số trường Mầm non) mà theo cách "chọn mặt gửi vàng", kiểu quen ai... thì nhà trường tự chỉ định ra ban đại diện.
Qua đó có thể thấy ban đại diện phụ huynh hình thành đã thiếu tính dân chủ ngay từ trứng nước. Có cảm giác nhà trường lập ra ban đại diện phụ huynh giống như cái cách chế độ cai trị thiết lập bộ máy chính quyền ở các địa phương, vậy. Tính độc lập, tự chủ không có thì làm sao hoạt động khách quan, minh bạch được.
Thực ra không phải mọi người trong ban đại diện phụ huynh đều hùa theo nhà trường. Chỉ là họ e ngại con cái mình bị trù dập, nếu công khai phản đối những quy định, chính sách “thực dụng” của lãnh đạo nhà trường. Nên họ đành "nhắm mắt đưa lời".
Vì thế, không bất ngờ khi ban đại diện phụ huynh trở thành "hữu danh vô thực" với chính các phụ huynh, nhưng trở thành công cụ đắc lực của nhà trường. Điều người ta băn khoăn là nếu một ban bệ mà chỉ như là bù nhìn như vậy, có nên tiếp tục tồn tại trong môi trường giáo dục không?!
Sự việc "lạm thu" ở Trường Tiểu học Chu Văn An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chỉ là "giọt nước" trong biển lớn của không ít những khuất tất mà các trường học đã thực hiện trong rất nhiều năm qua, có sự “hỗ trợ” của ban đại diện phụ huynh.
Dư luận còn cho rằng những người lớn (ban đại diện phụ huynh, thầy, cô, lãnh đạo nhà trường) mà thiếu trung thực, mẫu mực, thì các thế hệ học sinh biết nhìn vào đâu để noi theo?
Ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm, và hãy bắt đầu từ việc trả lại ý nghĩa, vai trò của ban đại diện phụ huynh hoặc mạnh tay xóa bỏ luôn thứ công cụ phục vụ cho những toan tính bẩn thỉu, phi giáo dục.
Tôi nhớ ngày xưa - hồi còn học cấp 2, mỗi năm cứ đến ngày 20/11, mấy bác, mấy chú, mấy dì trong ban đại diện phụ huynh tay cầm nào dao, nào nồi... làm thịt chó, thịt gà...hì hục nấu nướng phía sau dãy phòng ban giám hiệu. Giờ, mỗi lần ban đại diện và nhà trường họp, bàn công chuyện..., lại thấy nhiều vị ra về trong chếnh choáng hơi men...!!!
Rõ ràng, vai trò, hoạt động thực chất của ban đại diện cha mẹ học sinh còn nhiều điều không như chức năng, nhiệm vụ quy định. Và, đã đến lúc cần bàn lại sự tồn tại và cách tồn tại của hình thức "ban đại diện cha mẹ học sinh".
Lê Thanh Hưng
TIN LIÊN QUAN |
---|