Ban Dân tộc kiểm tra Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vân Anh 02/02/2023 16:37

(Baonghean.vn) - Trong 3 ngày (từ 31/1-2/2), đoàn công tác Ban Dân tộc đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi  và một số chính sách liên quan đến đồng bào DTTS tại các huyện miền núi Nghệ An. 

Tại các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, đồng chí Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc và đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và một số chính sách liên quan đến đồng bào DTTS.

Đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm việc với huyện Quế Phong. Ảnh: Vân Anh

Quế Phong thuộc miền núi cao, biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Huyện có 12 xã và 1 thị trấn, 107 thôn bản, trong đó có 11 xã khu vực III, 02 xã khu vực I, có 82 thôn bản khó khăn thuộc các xã khu vực I, II, III, có 16.163 hộ (tỷ lệ hộ nghèo 40,12% - số liệu năm 2022), với 72.936 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Là huyện có diện tích tự nhiên rộng lớn nhưng địa hình chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn nên diện tích đất sản xuất ít, giao thông đi lại khó khăn, đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ cao.

Năm 2022, Quế Phong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi một cách tích cực. Theo đó, Huyện ủy, HĐND - UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các phòng, ban, phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Chương trình; Ban Chỉ đạo, Tổ công tác các cấp được thành lập, kiện toàn đã phát huy hiệu quả hoạt động trong quản lý điều hành.

Đồng chí Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc làm việc tại các huyện miền núi. Ảnh: Vân Anh

Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện chương trình. Các phòng, ban, ngành được giao chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần, UBND huyện đã bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.

Kết quả, năm 2022, tổng số vốn đầu tư phát triển được huyện bố trí 53 tỷ 039 triệu đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 42 dự án khởi công mới (39 dự án thuộc cấp huyện phê duyệt và 03 dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt). Trong đó: UBND huyện làm chủ đầu tư 12 công trình/42 công trình, còn lại giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, mới giải ngân được 2.249/49.231 triệu đồng, đạt 4,57% KH vốn giao năm 2022. Hiện nay, các phòng, ban ngành UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và đang trình phê duyệt dự toán và giải ngân theo quy định.

Đoàn công tác đã đi thăm xã Quang Phong, một xã nghèo được Ban Dân tộc đăng ký nhận giúp đỡ năm 2023. Ảnh: Vân Anh

Tại các buổi làm việc, các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông cũng đã nêu một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia, như: Công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp vẫn còn nhiều lúng túng; một số ngành, địa phương triển khai còn chậm, quá trình đề xuất lựa chọn danh mục dự án đầu tư còn chưa hợp lý nên phải điều chỉnh nhiều lần. Tiến độ hoàn thiện thủ tục các dự án còn chậm so với yêu cầu của tỉnh. Một số địa phương chưa phối hợp tốt với các phòng, ban, ngành trong quá trình triển khai thực hiện...

Thăm, tặng quà cho hộ ông Sầm Văn Pánh - một hộ gia đình nghèo, cao tuổi, neo đơn ở bản Pao, xã Quang Phong. Ảnh: Vân Anh

Phát biểu tại các buổi làm việc với các địa phương, đồng chí: Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc đã ghi nhận kết quả đạt được của các huyện trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ với những khó khăn đang tồn tại. Đồng chí nhấn mạnh, Chương trình Mục tiêu Quốc gia là một chương trình mang nguồn lực lớn, đem lại nhiều nguồn lợi thực tế cho người dân. Vì vậy, cần phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cả hệ thống cùng tham gia nỗ lực. Trong quá trình thực hiện chương trình, các huyện cần nghiên cứu kỹ các văn bản; bám sát và chú ý các nội dung thực hiện; gặp vướng mắc gì cần tổng hợp và báo cáo kịp thời về Ban Dân tộc để có hướng dẫn cụ thể hoặc Ban đề nghị lên các cấp thẩm quyền bổ sung nghiên cứu...

Mới nhất
x
Ban Dân tộc kiểm tra Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO