Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tọa đàm kỷ niệm 75 năm truyền thống
(Baonghean.vn) - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Công tác Dân tộc (3/5/1946 – 3/5/2021), chiều 27/4, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức buổi gặp mặt cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số qua các thời kỳ.
Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương liên quan.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Những chuyển biến tích cực
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội vùng miền Tây của tỉnh từng bước được cải thiện rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn tỉnh.
Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2 - 3%/năm; trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm 3 - 4%/năm. Đặc biệt, tại các huyện 30a, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% mỗi năm.
Miền Tây Nghệ An là một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế. Ảnh: Sách Nguyễn |
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng miền Tây thông qua các nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình 30a, Nông thôn mới... và các nguồn lực khác đã tạo chuyển biến quan trọng. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang hơn...
Về công tác văn hóa - giáo dục, y tế khu vực miền Tây có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đến nay số trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 61,8%. Cùng đó, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có trạm y tế, trong đó, 92,2% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế có bác sĩ.
Đến năm 2020, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 121/252 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Nhiều chương trình, chính sách trọng điểm thực hiện ở miền Tây Nghệ An
Trong giai đoạn 2015 - 2021, Trung ương đã có 118 chính sách trực tiếp và gián tiếp được triển khai trên địa bàn toàn quốc, tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả.
Từ chỗ chính sách chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho người dân, chuyển sang chính sách vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp. Địa bàn và đối tượng trong hệ thống chính sách cũng có thay đổi quan trọng, chuyển sang ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn.
Mô hình trồng nghệ trên núi của nông dân bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh tư liệu: Đào Tuấn |
Các chương trình mục tiêu Quốc gia về nông nghiệp, nông thôn, giáo dục- đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thể dục, thể thao… đã tạo thành hệ thống tương đối toàn diện, phục vụ đời sống dân sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cung cấp các thông tin về kết quả thực hiện công tác dân tộc cũng như chính sách dân tộc và miền núi triển khai trong thực tiễn. Hội nghị còn được tiếp thu các thông tin kết quả thực hiện kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế.
Nâng cao hiệu quả công tác dân tộc
Phát biểu tại buổi tọa đạm, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Công tác dân tộc của tỉnh trong việc bám sát yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Từ đây góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao vẫn còn khoảng cách lớn so với vùng đồng bằng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông chưa được hoàn thiện; miền Tây Nghệ An được xem là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn chưa phát huy tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, có các giải pháp tập trung nguồn lực cho khu vực này, trong đó, ngành Công tác dân tộc phải tham mưu cho tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Ban Dân tộc tỉnh khắc phục những tồn tại, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu trong 75 qua của ngành Dân tộc tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo hướng dẫn của Trung ương về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn và đúng quy định của Nhà nước.
Chủ động bám sát mục tiêu, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để đưa ra giải pháp đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ những chủ trương, chính sách không còn phù hợp; bổ sung các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và miền núi.
Cùng đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát huy tốt vai trò người có uy tín, lão thành cách mạng và đội ngũ cán bộ chủ chốt; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc để tham mưu cho tỉnh giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra.
Đồ họa: Hữu Quân |